Nhãn

25 tháng 9, 2012

522. Điếu Cày - sự nhục nhã của CSVN - mầm mống CM Hoa Cải


Đại sứ Mỹ tại VN: Tuyên bố về phiên toà xét xử Blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải)

Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tin Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kết tội và kết án blogger Điếu Cày 12 năm tù giam cho việc ông bày tỏ quan điểm chính trị của mình một cách ôn hòa. Cách chính phủ xử lý Điếu Cày dường như không nhất quán với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như các điều khoản của Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu liên quan đến tự do ngôn luận và xét xử theo đúng trình tự pháp lý.

Chính phủ Việt Nam cần phải trả tự do cho Điếu Cày và các blogger Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần là những thành viên đồng hành của Điếu Cày trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do. Như Tổng thống Obama đã nói về Ngày Tự do Báo chí Thế giới, chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ thực hiện các bước cần thiết để tạo ra xã hội mà ở đó các nhà báo độc lập có thể hoạt động tự do và không sợ hãi.

Song Chi: Còn ai mơ hồ gì về nhà nước cộng sản Việt Nam nữa hay không?
Dù biết rằng không có chút hy vọng gì vào sự hồi tỉnh, biết e sợ dư luận mạnh mẽ từ trong và ngoài nước của nhà cầm quyền trước phiên tòa xử 3 người công dân yêu nước Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), Phan Thanh Hải (blogger Anh Ba SG), Tạ Phong Tần (blogger Công lý và Sự Thật), nhưng thú thật, bản án quá nặng nề mà nhà cầm quyền dành cho họ vẫn làm tôi bàng hoàng, phẫn nộ.
Và tôi biết chắc rằng rất nhiều người VN và người nước ngoài khác, khi được nghe về bản án này, cũng sẽ bàng hoàng, phẫn nộ như tôi.
Kể cả những người không hề biết Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần là ai.
Kể cả những người luôn cố gắng để “không quan tâm, không dính dáng đến chính trị”.
Kể cả những người lâu nay vẫn còn cố bào chữa, bênh vực cho chế độ, cho cái nhà nước này.
Với việc kết án tổng cộng 26 năm tù cộng với nhiều năm quản thúc sau khi ra tù dành cho ba con người chỉ vì họ đã thực thi quyền tự do ngôn luận đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam cũng như được chính nhà nước Việt Nam ký kết với quốc tế, nhà nước Việt Nam một lần nữa đã phơi bày tất cả bản chất độc tài ngu muội và man rợ của họ.
Và hơn thế nữa, phiên tòa ngày 24 tháng Chín này đã là một câu trả lời rõ ràng nhất cho nhân dân VN và mọi tổ chức nhân quyền quốc tế, mọi quốc gia khác trên thế giới rằng NHÀ CẦM QUYỀN VN KHÔNG VÀ KHÔNG HỀ CÓ Ý ĐỊNH THAY ĐỔI, CẢI CÁCH VỀ CHÍNH TRỊ.

Không những thế, họ đã từng/đang từng/và sẽ luôn luôn bất chấp dư luận trong và ngoài nước, bất chấp mọi ảnh hưởng xấu đi về ngoại giao, kinh tế hay chính trị có thể xảy ra cho họ. Bất chấp lòng căm phẫn ngày cảng tích tụ, dâng cao trong lòng nhân dân và hình ảnh ngày càng tệ hại trước cái nhìn của quốc tế.
Họ chỉ quan tâm duy nhất một điều: làm sao dập tắt mọi sự lời chỉ trích, mọi biểu hiện chống đối dù ôn hòa, làm sao trừng phạt nặng nề mọi hành vi kháng cự dù nhỏ nhất có thể, để mọi người hoảng sợ và lùi bước. Và như thế, họ nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục kéo dài sự tồn tại của chế độ bằng vào bạo lực và sự sợ hãi.
Liệu những kẻ đang quyết định số phận những người yêu nước hôm nay, và tập đoàn lãnh đạo cao nhất của nhà nước cộng sản VN, có thực sự tin rằng chế độ của họ sẽ tồn tại 12 năm nữa khi kết án blogger Điếu Cày, hay 16 năm khi kết án Trần Huỳnh Duy Thức?
Và khi chế độ sụp đổ, họ sẽ chạy đi đâu, trốn ở đâu để thoát khòi sự truy lùng của nhân dân về những tội ác suốt mấy chục năm cầm quyền của đảng cộng sản VN, trong đó nặng nhất là tội bán nước, bao gồm cả dâng hiến đất đai, biển đảo cho kẻ thù và kết án những người yêu nước?
Họ có nghĩ tới những điều đó không?
Tôi cho rằng không.
Riêng với phiên tòa xử thật nặng 3 blogger này, thêm một lý do nữa khiến những người lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản không chùn tay, đó là làm vui lòng Trung Nam Hải, là món quà chứng tỏ sự trung thành, quy phục với Trung Nam Hải. Bởi cả 3 blogger đều là những người thể hiện mạnh mẽ lòng yêu nước, ý thức cảnh báo trước họa xâm lăng từ phương Bắc, bằng cả những bài viết và hành động xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Trường Sa Hoàng Sa.
Một lần nữa, họ đã khẳng định với 90 triệu người dân VN và quốc tế rằng ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐÃ CHỌN LỰA DỨT KHOÁT THÀ MẤT NƯỚC CÒN HƠN MẤT ĐẢNG, ĐỨNG VỀ PHÍA TRUNG QUỐC TRÊN BÀN CỜ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI.
Câu trả lời không còn gì rõ ràng hơn nữa.
Tất cả những ai đã từng hy vọng vào nhà cầm quyền VN - không phải vào lương tâm của họ, bởi họ làm gì có lương tâm, nhưng vào sự thức thời, tầm nhìn xa vào tương lai chính trị của thế giới để từ đó có sự chọn lựa đúng đắn cho đất nước, cũng là biết nghĩ tới đường hạ cánh an toàn cho bản thân và gia đình, tránh được sự nổi giận, trả thù của nhân dân khi chế độ sụp đồ… Tất cả những ai vẫn còn mong manh có chút hy vọng nào như thế, thì đây, thêm một gáo nước lạnh dội thẳng vào ngọn lửa hy vọng leo lét đó từ phía nhà cầm quyền: bản án phi nhân dành cho ba blogger hôm nay.
Như họ đã từng tàn ác, phi nhân với đất nước này, dân tộc này hàng triệu triệu lần.
Và họ sẽ còn làm như thế nữa. Cho đến khi người Việt thức tỉnh và đứng dậy.
Nhưng sẽ mất bao nhiêu người phải vào tù oan uổng nữa? Bao nhiêu người nữa phải trả giá cho cuộc sống ấm êm bằng những năm tù dài đằng đẵng chỉ vì muốn nói lên sự thật, muốn một sự thay đổi tốt đẹp hơn cho đất nước?
Cũng như bao nhiêu người nông dân nữa mất đất uất ức kêu trời, bao nhiêu người công nhân tiếp tục kiệt sức trong những điều kiện lao động khắc nghiệt và đồng lương chết đói? Bao nhiêu người vô tội phải chết oan dưới tay bọn công an lộng quyền, những người khác phải đem thân đi làm thuê làm mướn ở nước người - thực chất là nô lệ thời đại mới, và không ít người chỉ trở về bằng chút tro tàn còn lại như những người công nhân bị chết cháy trong nhà máy ở Nga vừa qua? Những người con gái trẻ trung phải tiếp tục bỏ xứ đi lấy chồng xa mong tìm một lối thoát cho mình và cũng có những người chết thảm ở xứ lạ v.v...và v.v... Bao nhiêu và bao nhiêu mạng người nữa, cho một dân tộc chỉ riêng trong thế kỷ XX và XXI đã phải mất đi hàng triệu sinh mạng cho những cuộc chiến tranh vô nghĩa và những sai lầm của nhà cầm quyền?
Vâng, phải bao nhiêu sự hy sinh nữa thì người Việt mới thức tỉnh?
Nhưng liệu lúc đó có còn một nước VN cho chúng ta giành lại và bắt đầu lại từ đầu hay đã quá trễ?
Trần Minh Khôi: [Thế lực cầm quyền] Lại tính nhầm
Vụ án xử những người trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do hôm nay ở Sài Gòn là một vụ án chính trị, nghĩa là từ các thủ tục, thời điểm của phiên xử - ngay trước kỳ họp của Bộ Chính trị và của Hội nghị Bản Chấp hành Trung ương 6 để giàn xếp các vấn đề của sự suy thoái quyền lực - đến các bản án đều phục vụ đích chính trị. Với các bản án phi lý và bất công đó, mười hai năm cho Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, mười năm cho Tạ Phong Tần, và bốn năm cho Phan Thanh Hải, các thế lực cầm quyền muốn gởi thông điệp gì? Và cho ai?
Hiển nhiên nó nhằm vào mục đích răn đe những gương mặt đang vận động chống bá quyền Trung Quốc và cho dân chủ, tự do ở Việt Nam. Nhưng nếu chỉ mục đích này thôi thì tòa án Việt Nam cũng hiểu rằng không cần một bản án mười hai năm. Một bản án bốn năm năm, như thường thấy trong các trường hợp tương tự, cũng đã có thể phục vụ mục đích đó mà không phải gây ra thêm nữa phản ứng bất lợi cho chính quyền từ các thế lực xung đột trong Đảng, từ các tầng lớp đông đảo trí thức, từ các tổ chức nhân quyền quốc tế, và quan trọng hơn là từ các quốc gia tự do ở Phương Tây.
Một lý do khác cho những bản án chính trị loại này là phục vụ vào việc thế lực cầm quyền dùng chúng để sau này thương lượng với các thế lực bên ngoài cho những mục tiêu quyền lực và kinh tế khác. Một bản án mười hai năm giảm xuống sáu bảy năm đem đến cho nhà nước một ấn tượng tốt đối với quốc tế về thái độ biết điều của nó hơn là một nguyên án sáu bảy năm. Bên cạnh đó, quan trọng hơn, là những mối lợi tương nhượng khác. Một trong những hành xử kinh tởm nhất của các thế lực độc tài là dùng ngay chính các bản án tù tội đối với công dân mình để mặc cả với các quốc gia cổ xúy tự do và dân chủ trên thế giới cho mục đích duy trì quyền lực. Xưa nay nhà nước Việt Nam vẫn làm điều này. Nhưng một bản án mười hai năm tù cho một người chỉ xuống đường biểu tình chống ngoại bang và bày tỏ quan điểm chính trị của mình vẫn là một bản án chính trị không bình thường.
Trong tình huống lộn xộn của những xung đột nội bộ, của những cuộc thanh trừng và bắt bớ đối với các thế lực tài chính và chính trị, của những hứa hẹn cải cách hiến pháp và thể chế,… các bản án nặng nề đối với nhóm Câu lạc bộ Nhà Báo Tự do, đặc biệt là đối với Điếu Cày, người đã tạo được sự quý trọng trong đông đảo các tầng lớp sinh viên và trí thức bằng sự chính trực và ý chí không khuất phục của anh, gợi cho chúng ta nhớ lại bản án tử hình mà các thế lực độc tài Hàn Quốc đã giáng xuống cho Kim Dae Jung hồi những năm 80 của thế kỷ trước. Rõ ràng là nhà nước sợ Điếu Cày. Có lý do để tin rằng các thế lực cải cách trong Đảng đã thỏa hiệp với giải pháp cách ly Điếu Cày ra khỏi xã hội trong khi họ đang xoay xở giàn xếp xung đột nội bộ và thực hiện những toan tính cải cách nhằm cứu vãn khủng hoảng.
Và đây chính là sai lầm của họ. Họ đã tính nhầm.
Sự sợ hãi lớn nhất của các thế lực cải cách là họ sẽ không kiểm soát được sự bùng nổ của xã hội một khi các định chế đóng vai trò gọng kìm duy trì bạo lực và bất công của nhà nước đối với xã hội được nới lỏng. Nếu sự bùng nổ xã hội xảy ra thì không ai dám chắc, kể cả những người mới hôm qua đang ở đỉnh của quyền lực, có thể thoát khỏi sự giận dữ của bạo lực quần chúng. Do đó, một cách bản năng, các thế lực độc tài, trước khi toan tính cải cách, có kế hoạch tiêu diệt hoặc cách ly những gương mặt đối lập có uy tín với mục đích là giữ quyền chủ động trong toàn bộ tiến trình cải cách. Trực giác nói với họ rằng đó là một cách làm an toàn. Nhưng thực tế chứng minh ngược lại: nếu không có những gương mặt có đủ thẩm quyền đạo đức, như triển vọng đang hình thành từ sự chính trực và lòng dũng cảm của Điếu Cày, đứng ra lãnh đạo xã hội dân sự thì tất cả mọi cố gắng cải cách xuất phát từ xung đột quyền lực ở thượng tầng đều thất bại và xã hội sẽ rơi ngay vào bạo loạn một khi các định chế rạn nứt.
Xã hội Việt Nam ở giai đoạn này đã tích lũy một sự dồn nén quá lâu của những bất công xã hội mà trong ngắn hạn không có hướng điều tiết và hóa giải. Sức ép của sự dồn nén bất công này ngày càng có dấu hiệu bùng nổ. Nó chỉ chờ một cơ hội khi các định chế bạo lực nhà nước tạo đã ra sự bất công này rạn nứt. Những thế lực cải cách trong Đảng sẽ mắc phải sai lầm rất lớn nếu nghĩ rằng họ có khả năng kiểm soát sức ép này. Thứ nhất, họ không có đủ tính chính đáng chính trị để làm điều này. Thứ hai, họ không có đủ quyết đoán để dùng bạo lực. Thứ ba, ngay cả khi họ đủ quyết đoán hoặc do tình huống của những toan tính điên rồ, bạo lực nhà nước có nguy cơ sẽ làm sức ép bất công xã hội bùng nổ mãnh liệt hơn và thiêu cháy chính họ.
Nói ngắn lại: không có những gương mặt đối lập có đủ thẩm quyền đạo đức, nghĩa là có đủ sự chính trực và kiên định, để lãnh đạo xã hội dân sự, duy trì sự ổn định, thì mọi cố gắng cải cách thể chế ở thượng tầng đều có nguy cơ gây nên bạo loạn.
Gọi nó là quy luật hay gọi nó là kết quả của ý chí dân sự thì dân chủ vẫn là một tiến trình không thể đảo ngược. Các thế lực đang cầm quyền cũng đã hiểu ra điều này. Vấn đề còn lại là làm thế nào để có một cuộc chuyển tiếp dân chủ ôn hòa, không có bạo động, không có đổ vỡ, không có sự trả thù đối với thế lực cầm quyền độc đoán đã gây nên bất công và thảm họa, và quan trọng hơn cả là không để cho những thế lực cơ hội chính trị thao túng vì quyền lợi riêng tư. Một cuộc chuyển tiếp dân chủ như thế chỉ có thể xảy ra với sự tham dự của xã hội dân sự được lãnh đạo bởi những gương mặt đối lập có đủ thẩm quyền đạo đức để kiểm soát quyền lực, kiểm soát sự chuyển giao quyền lực giữa các phe nhóm, và để điều tiết nguy cơ bùng nổ của bạo loạn do sự dồn nén của bất công gây ra.
Chúng ta, những người bạn của Điếu Cày và của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do có lý do để lạc quan; các bản án nặng nề đối với anh và bạn bè anh một lần nữa khẳng định tính chính trực và lòng dũng cảm, không khuất phục của họ. Nhà tù và sự sợ hãi của quyền lực đối với họ khẳng định thẩm quyền đạo đức của họ.
Thế lực cầm quyền đã tính nhầm với những bản án phi lý và bất công cho Điếu Cày và các bạn của anh. Nhưng ở trong lao tù hay được tự do, cuộc vận động chuyển tiếp dân chủ ôn hòa của chúng ta vẫn rất cần những người như họ.
Chúng ta chúc họ chân cứng đá mềm.

Thùy Linh: SỰ TRẢ THÙ MẤT TRÍ

NQL: Mình đọc xong bài này và ngồi khóc. Mình đã còm trong blog TL, cô em gái văn chương thân thương của mình: “Đau và đắng ngắt. Chưa bao giờ đọc ở TL một bài chất đầy đau đớn và đắng cay như thế này”. Bình thường  không dám đăng nhưng bây giờ thì đăng.

Bài của TL:

Ảo tưởng ban đầu về một nhà nước vì dân, do dân, của dân khiến người ta tự nguyện thế chấp sổ đỏ Hoài bão để tham gia cuộc đấu tranh long trời lở đất. Khi giành được chính quyền mọi người hân hoan và cho rằng, sự thế chấp sổ đỏ đó là xứng đáng.

Để chính quyền đó tồn tại và phát triển, người dân tiếp tục tự nguyện thế chấp sổ đỏ Hy sinh. Họ hy sinh xương máu, chịu đựng mọi gian khó để chính quyền không bị xâm hại. Vẫn tin tưởng sự hy sinh đó sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Khi chính quyền bộc lộ những yếu kém, người dân cố gắng thế chấp sổ đỏ Ảo tưởng rằng, để chính quyền vững mạnh, cần có những thất bại để làm bài học cho tương lai. Và chính quyền đang nỗ lực vì một tương lai cho chính họ và gia đình họ. Ảo tưởng khiến người dân tiếp tục hy sinh, chịu đựng.

Tới lúc chính quyền bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết, hạn chế, người dân kiên nhẫn gán nợ sổ đỏ Cam chịu để hy vọng sự hồi tâm của kẻ có chức quyền – những người mà họ đã từng cưu mang, bảo vệ khi chiến tranh, loạn lạc, nghèo đói. Sự cam chịu lâu đến mức trở thành nét tính cách khiến họ bị “thua lỗ” trong cuộc thế chấp mịt mùng không lối thoát.

Sau những gì chính quyền của dân, do dân, vì dân thể hiện, người ta không còn tự nguyện mà bị cưỡng bức thế chấp sổ đỏ Niềm tin. Tước đoạt sổ đỏ này, chính quyền viện trợ “không hoàn lại” sự tuân phục. Tới đây người dân bắt đầu bị phân hóa: người cúi đầu ngoan ngoãn sử dụng sự tuân phục không hé lời; kẻ biến sự tuân phục có lợi cho bản thân mình trong con đường hoan lộ danh lợi, tiền tài…

Khi không còn gì hết ngoài sổ đỏ Chán ngán thì chính quyền thu gom theo nhiều cách, mà cách thông thường nhất là thu hồi đem tiêu hủy. Nhiều người buông xuôi để người ta sử dụng sổ đỏ đó theo tùy thích vì họ cũng không biết dùng để làm gì ngoài sự bất mãn, khó chịu. Số người khác đem sổ đỏ này đi thế chấp để mua Sự thật một cách âm thầm theo những cách có thể. Biết sự thật để thêm đau đớn, khổ sở, và sẽ càng khốn khổ nếu như họ lâm vào tình thế bất lực. Số ít không cam chịu nên dùng sổ đỏ Chán ngán đầu tư cho Niềm tin của mình và nhiều người khác.

Tới lúc người dân không còn gì, ngoài lòng căm hận thì chính quyền độc tài tung dự án Đàn áp ra để chiếm đoạt sổ đỏ Tự do của con người. Sẽ có người bị khuất phục như là lý lẽ cuộc sống. Nhưng phần lớn là thất bại như là chân lý của lẽ phải. Vì có kẻ độc tài nào thu gom được Tự do tâm hồn? Tù đày, giam cầm, án phạt, bạo lực chỉ càng khiến những chiến binh thực thụ củng cố, tăng trưởng Tự do cho tâm hồn họ. Với những chiến binh này chính quyền đừng hy vọng bắt họ thế chấp sổ đỏ của Tự do – mà cao cả nhất, điều mà không một sức mạnh nào có thể tước đoạt được, đó là tự do tâm hồn. Những 12, 10 hay 4 năm tù đày chỉ là thời gian giam cầm thân xác, nhưng sức mạnh của những tâm hồn tự do kia có thể dẫn truyền đến hàng triệu người có lương tri trên toàn thế giới – một sức mạnh hơn cả bom nguyên tử, một sức mạnh không thể hủy diệt.

Bản án dành cho những blogger cất tiếng nói ôn hòa gấp ba lần án tù cho những kẻ khoác áo công quyền để giết người đã là bản án tự kết án cho chế độ được tạo ra từ những nghịch lý: Ảo tưởng, Bất tin, Bất tín, Căm hận, Chán ngán… Và người xưa đã đúc kết: “bạo phát, bạo tàn”. Nếu chính phủ tiếp tục phát hành những “trái phiếu độc đoán, chuyên chế” thì họ sẽ gặt về dự án Sụp đổ như đã từng trước đây với những Vinashin, Vinaline… Bởi nhân dân không còn gì để thế chấp, không còn gì để họ có thể cướp bóc, đàn áp ngoài sự oán thán, căm hận – những cái mà chính quyền không hề muốn nhân về.

Không biết còn kéo dài bao lâu nữa sự trả thù mất trí này?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét