Nhãn

5 tháng 9, 2012

473. Tình ca (Hoàng Việt) và Tình ca (Phạm Duy) - bạn thích bài nào?


Hôm qua đọc bài của bác Nguyễn Văn Tuấn (NVT) mới biết có 2 bài hát tên là ‘Tình ca’, 1 của Hoàng Việt và 1 của Phạm Duy.

Với mình, tình ca của Hoàng Việt thực sự là 1 bài hát hay - đi vào lòng người. Bài hát có giai điệu rất hay, ca từ sâu lắng nên ‘có người xem bài Tình ca của Hoàng Việt là một “biểu tượng của âm nhạc Việt Nam trong thế kỉ 20”’ cũng không có gì quá đáng lắm. Bài hát là tự sự của Hoàng Việt với người vợ/người yêu ở Miền Nam xa xôi, có lẽ xuất phát từ đáy lòng nên bài hát dễ đi vào lòng người như thế.


Đọc bài của bác NVT mới để ý sao tình ca Hoàng Việt có những lời lẽ sắt máu như thế ‘em có nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa, xua kẻ thù đi mau dập tắt chiến tranh đẫm máu’. Hì hì, giống như Quốc ca của Văn Cao... ghét bỏ nó vì lời sắt máu thì ghét bỏ hầu hết nhạc đỏ à?

Mình nghĩ, Hoàng Việt theo CS ra Bắc, đất nước lại đang chiến tranh như thế, Hoàng Việt không phải ông thánh, ông nghĩ thế nào thì nói như thế, tình cảm thật của ông dành cho người vợ yêu thương xa cách trong chiến tranh chẳng đáng trân trọng sao? Cũng có lẽ vì thế mà khi nghe tình ca Hoàng Việt, nhiều người như mình chẳng để ý nhiều đến ca từ sắt máu --- chỉ thấy nỗi da diết của 2 người yêu nhau bị ngăn cách.

Nghĩ đi thì phải nghĩ lại, chắc vì lời bài hát của Hoàng Việt chưa chuẩn như vậy nên nó có thể là ‘bài hát đi cùng năm tháng’, nhưng nó chưa đủ tầm ‘những bài ca bất hủ’... đáng tiếc. Nó là 1 phần của lịch sử và nó là bài hát có giá trị lịch sử.

Mình vừa nghe tình ca Phạm Duy, thú thật, chẳng thấy gì... tất nhiên, trình thưởng thức âm nhạc của mình còn hạn chế.

Mình rất ngưỡng mộ bác NVT với kiến thức uyên bác, tư duy khoa học, phân tích logic... túm lại khen cả ngày. Nhưng bài này mình cho rằng bác NVT đã ‘dìm hàng’ tình ca Hoàng Việt, đã thế để minh họa bài viết, bác í còn cố tình không đưa clip tình ca Hoàng Việt? Đã đành chỉ là nhận xét cá nhân của bác í nhưng với uy tín của bác í thì hành động ‘dìm hàng’ của bác í có khác gì bộ 4T đang làm!

-----

Nguyễn Văn Tuấn - Đọc bài này mới biết một tin vui: Ngày 2/9 vừa qua Vietnamnet mới có một đêm hòa nhạc với sự dàn dựng ca khúc Tình ca của Phạm Duy. Hay quá. Tôi nghĩ bài Tình ca nên có một vị trí trang trọng như thế, và chắc nhạc sĩ rất vui về sự kiện này. Nhưng âm nhạc Việt Nam có ít nhất là 2 bài Tình ca của ít nhất là 2 tác giả, mỗi người một phong cách.


Hai bài Tình ca mà tôi nhắc đến là của Nhạc sĩ Phạm Duy và Hoàng Việt. Thú thật, với cá nhân tôi, cả hai ca khúc đều rất hay. Nhưng nếu chọn một ca khúc để nói lên tâm tình của mình cho quê hương và dân tộc thì tôi sẽ chọn tác phẩm của Phạm Duy. Một cách không do dự. Không phải vì tôi là người lớn lên với nhạc của Phạm Duy, mà vì những lời ca trong bài đó sao mà hay quá. Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết ông sáng tác Tình ca chỉ trong vòng 15 phút! Mười lăm phút thăng hoa mà ông để lại cho đời một tác phẩm không chê vào đâu được.
Hai sáng táctuy có cùng tựa đề, nhưng rất khác nhau về ý nghĩa và bối cảnh ra đời. Nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác bài Tình ca vào năm 1953, còn tác phẩm của Hoàng Việt thì ra đời vào năm 1957 (nhưng 10 năm sau mới được phổ biến rộng rãi). Bài Tình ca của Phạm Duy là một tự tình dân tộc, mà qua đó, ông muốn kêu gọi mọi người dân Việt nên đoàn kết, hòa hợp, hòa giải với nhau. (Thông điệp này vẫn còn tính thời sự!) Còn bài Tình ca của Hoàng Việt thực ra là một bài tình tự dành cho người ông yêu, một tiếng lòng gửi về cho vợ ông ở trong Nam.
Hai bài Tình ca có nội dung cũng rất khác nhau. Bài của Hoàng Việt có 245 chữ, còn bài của Phạm Duy có 354 chữ. Nhưng lượng từ chẳng nói lên điều gì, quan trọng là nội dung trong ca khúc. Trong bài bài Tình ca của Hoàng Việt, dù viết cho vợ, nhưng cũng có những câu có thể nói là thù hận, nóng bỏng: em có nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa, xua kẻ thù đi mau dập tắt chiến tranh đẫm máuCó lẽ thời đó, ông rất căm thù “Mĩ Ngụy” nên mới có những câu chữ rất hợp thời thế như vậy. Tuy nhiên, câu cuối của bài có một kết thúc “có hậu”: Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời / Làm một bài tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người.
Nhưng bài của Phạm Duy thì có cấu trúc rất rõ ràng về nội dung không liên quan gì với một cá nhân nào cả. Trong 3 đoạn, ông trải lòng cho tiếng Việt (Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời), cho đất nước (Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bở biển xanh), và cho con người Việt Nam (Tôi yêu bác nông phu đội sương nắng bên bờ ruộng sâu). Toàn bộ bài Tình ca của Phạm Duy không có một câu, một chữ nào có thể nói là mang tính thù hận. Trong đoạn cuối, ca khúc mở ra một cánh cửa mới: Vì yêu, yêu nước, yêu nòi / Ngày Xuân tôi hát nên bài tình ca / Ruộng xanh tươi tốt quê nhà / Lòng tôi đã mở như là đoá hoa. Một câu kết rất hay và ấn tượng.
Có người xem bài Tình ca của Hoàng Việt là một “biểu tượng của âm nhạc Việt Nam trong thế kỉ 20. Nói thế có lẽ hơi cảm tính và quá đáng chăng? Chọn một bài làm biểu tượng âm nhạc Việt Nam trong thế kỉ 20 không phải dễ chút nào. Bài Tình ca của Phạm Duy thì không được đánh giá cao như là một biểu tượng âm nhạc, nhưng tôi nghĩ bất cứ người Việt nào nghe qua bài này cũng đều cảm thấy tác giả đã nói cho mình, và câu chữ trong bài như những tiếng ru đã chiếm tâm hồn mình một cách dễ dàng. Có lẽ chính vì thế mà có doanh nhân đã trả 10 ngàn đôla cho 10 nốt nhạc đầu tiên trong bài Tình ca của Phạm Duy.
Cả hai bài Tình ca đều có số phận… long đong. Theo Nguyễn Thụy Kha, bài của Hoàng Việt khi được trình diễn lần đầu bị các quan chức văn nghệ đánh giá là “yếu đuối” và “bi lụy”. Cũng như bao nhiêu nhận xét mang tính chủ quan khác, không thấy người ta nói câu nào là yếu đuối, và câu nào là bi lụy. Phải 10 năm sau thì bài Tình ca của Hoàng Việt mới được phổ biến rộng rãi, chắc lúc đó người ta biết nhiều hơn và thay đổi quan điểm. Còn bài Tình ca của Phạm Duy thì đã được biết đến nhiều trước năm 1975 ở miền Nam, nhưng sau năm 1975 thì… tắt. Phải đến sau năm 2005 thì ca khúc này mới được cho phép phổ biến. Hi vọng rằng số phận của hai ca khúc này cũng là một kinh nghiệm cho các quan chức văn nghệ đang nắm giữ số phận của các ca khúc khác.
Chẳng những số phận của ca khúc hơi long đong, mà tác giả cũng có lần đau khổ vì những sáng tác của mình. Lần đầu tiên tôi mới biết Hoàng Việt chính là Lê Trực, tác giả bài Tiếng còi trong sương đêm, rất nổi tiếng ở miền Nam trước 1975. Thời đó, tôi rất “mê” bài này qua tiếng hát của Thanh Thúy. Mãi đến nay, nghe bài này qua giọng ca của Thanh Thúy tôi vẫn thích, rất thích. Thật ra, ông tên là Lê Chí Trực, quê ở Tiền Giang, năm 1954 tập kết ra Bắc trong khi vợ ông vẫn còn ở trong Nam. Đó chính là bối cảnh ra đời của bài Tình caSau này hai vợ chồng đoàn tụ ở miền Bắc, và ông đi Nam rồi hi sinh ở Tiền Giang vào năm 1967. Vẫn theo Nguyễn Thụy Kha, khi ông ra chiến khu ông có đem theo bài Tiếng còi trong sương đêm, nhưng các đồng chí của ông cho rằng đó là bài ca phản động, và ông bị bắt giam và đi tù cải tạo suốt 3 tháng trời! Sau đó ông được bạn bè “bảo lãnh” mới ra khỏi tù. Ra khỏi tù, ông uất ức quá, nên lấy bút danh mới là Hoàng Việt Hận! Các đồng nghiệp văn nghệ khuyên mãi, ông mới chịu bỏ chữ Hận từ bút danh đó.

Nhưng hình như nhạc sĩ Hoàng Việt không thích nhạc Phạm Duy và nhạc của các nhạc sĩ miền Nam trước 1975. Trong bài “Hoàng Việt - Nhạc sĩ của tình ca và quê hương”, tác giả Nguyễn Thế Khoa cho biết “Hoàng Việt còn bày tỏ với nhạc sĩ Đỗ Nhuận khát vọng đưa âm nhạc cách mạng thâm nhập sâu vào đời sống tinh thần của người dân miền Nam để thay thế loại tân cổ tạp nham cũng như thứ dân ca rhythm nhạc dance ỉ eo than khóc mị dân của Phạm Duy hoặc loại nhạc điện tử làm ô uê thích giác người nghe của đám nhạc trẻ sa đoạ Sài Gòn”. Chẳng biết Nhạc sĩ Hoàng Việt thật sự có nói những điều này hay không (vì ông đã qua đời), nhưng cũng là một nhận xét đáng chú ý. Chắc chắn Nhạc sĩ Hoàng Việt có nghe qua bài Tình ca của Phạm Duy, và nếu ông có những nhận xét như được kể thì cũng … thú vị.

Mỗi người có một cảm nhận đặc trưng, và với tôi, thì cả 2 ca khúc Tình ca của Phạm Duy và Hoàng Việt đều hay. Nhưng để nói lên tâm tình của mình về tiếng nói, đất nước, và đồng hương thì tôi chọn sáng tác của Phạm Duy. Tôi nghĩ trình diễn bài Tình ca nhân nhân ngày 2/9 là một sáng kiến tuyệt vời, một cách và một dịp để chúng ta cùng tự tình với quê hương và đồng hương. Có lần Nhạc sĩ Phạm Duy nói đại ý rằng sau chiến tranh chỉ có âm nhạc và tôn giáo mới hàn gắn vết thương lòng, và hiểu theo ý đó, ông đã những đóng góp đáng kể vào việc nối kết người Việt gần nhau hơn.

2 nhận xét:

  1. Nghe và thích một bản nhạc đôi khi là nghe và nhớ những kỷ niệm của chính mình. Đối với người miền Bắc đã nhiều năm gắn bó với bản Tình ca của Hoàng Việt, nên thấm hơn là diều dễ hiểu. Nhưng bản Tình ca của Phạm Duy vừa có trước bản của HV vừa nhân bản hơn nhiều.

    Trả lờiXóa