Nhãn

19 tháng 9, 2012

503. Những vệt nước đái và khứu giác lịch sử


Thằng Bim và con Tu-ti nhà tôi hàng ngày ra chơi ở công viên phía trước từ lúc 3 tháng tuổi. Khi ấy mỗi khi muốn đái, cả hai đứa đều nhún hai chân sau xuống, tè tại chỗ, nhìn phát rầu. Nhưng lên 7 tháng tuổi, trong khi con Tu-ti vẫn tè theo kiểu cũ thì thằng Bim lại đổi khác, nó đến một gốc cây ghếch chân lên, rồi mới tè, trông rất khí phách.

Từ đây cái chuyện đi đái của hai con chó bắt đầu “khác nhau về bản chất”. Con Tu-ti đái vì buồn tè, còn thằng Bim đái không hẳn vì buồn tè. Nó ghếch chân đái vào tất cả những gốc cây nó đi qua, có hôm chỉ 30 phút nó đã ghếch vào 10 gốc. Đến nay 11 tháng tuổi, nó đã để lại dấu nước đái vào khoảng 50 gốc cây lớn nhỏ. Đây là khu vực vui chơi của hai đứa và số gốc cây sẽ không dừng lại ở đó.

Cái ghếch chân hiên ngang như cố tình cho thiên hạ thấy ta đây là Bim, ta đã đến đây và ta đang đái chỗ này đây! Các nhà động vật học bảo con chó làm dấu lãnh địa của nó như vậy đó. Hôm qua con Bim chạy sang bên kia đường, ghếch chân đái vào một bức tường, định mở rộng lãnh địa đa dạng hóa lãnh thổ.

Bim và Tu-ti là chó Phú Quốc, không cắn bậy. Các chú chó khác, dù lớn dù nhỏ, có thể đến chơi trong “lãnh địa” của nó, được đón tiếp thân thiện, nhưng chú nào tỏ ra hung hăng có ý định tấn công, chó nhỏ thì Bim cho qua không chấp, còn chó to thì nó “bụp” liền, dù đó là con chó to gấp đôi nó.

Suy cho cùng biên giới quốc gia của con người không khác bao nhiêu với lãnh địa của con chó. Trái đất của con người cũng giống như công viên của con chó, ai đến trước vạch quần đái một bãi làm dấu, nối các vệt nước đái lại làm một vòng, thành lãnh địa, thành quốc gia.

Tất nhiên sự vụ không đơn giản là vòng cho được một vòng nước đái, mà giá trị của cái vòng nước đái còn phụ thuộc vào hai yếu tố tối quan trọng: phải hiên ngang ghếch chân cho thiên hạ biết là ta đang đái, ta đã đái trước ở nơi này, và đủ sức mạnh để “bụp” những kẻ hung hăng làm càn, dù kẻ đó to và dữ đến đâu. Không đủ sức mạnh để "bụp" những kẻ xâm lấn, ghếch chân đái chỗ nào cũng chỉ đái chơi thôi, không thành được lãnh địa.

Cái vòng nước đái đó con chó sẽ ghi nhớ mãi mãi bằng khứu giác, còn con người do khứu giác kém thua 10 ngàn lần con chó nên phải ghi nhớ bằng cái gọi là lịch sử.

Hơn 4000 năm qua tổ tiên ta đã đái từ Móng Cái đến Cà Mau và ra Biển Đông đái vào Hoàng Sa, Trường Sa cùng hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, làm nên đất nước Việt Nam. Những vệt nước đái còn ghi rõ trong sử sách.

Khi ông Nguyễn Hoàng ra vạch quần đái ở Hoàng Sa, Trường Sa, người Trung Quốc chưa hề biết đến hai quần đảo này. Suốt mấy trăm năm, ngay cả việc vác cu đến đái họ cũng không dám, nói gì đến việc hung hăng làm càn, bởi nhà Nguyễn đủ sức mạnh sẵn sàng “bụp” cho té khói. Sức mạnh đó chính là thuyền chiến, là hải quân, là binh hùng dân mạnh. Hải quân nước ta từ thời các chúa Nguyễn, đặc biệt từ thời vua Gia Long, mạnh nhất châu Á và không hề thua kém những nước có lực lượng hải quân hùng mạnh nhất châu Âu.

Ngày nay, không thể dùng những lời hô hào yêu nước rỗng tuếch để lấy lại Hoàng Sa, để giữ gìn và lấy lại những gì đã mất ở Trường Sa, mà nhất thiết phải có một tuyến phòng thủ biển vững chắc, một tiềm lực hải quân hùng mạnh nổi trội so với xung quanh như cha ông ta đã từng có.

Nhưng tổ tiên ta không chỉ đã đái trên hình chữ S và hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ trên Biển Đông. Nhìn trên bản đồ, hãy nhớ rằng tổ tiên ta từng đái từ Hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay) đái xuống. Đó là nước Văn Lang của các vua Hùng “bắc tới Hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tây giáp Ba Thục, đông giáp biển Đông Hải”, là vùng Lĩnh Nam mà sau này Hai Bà Trưng lấy làm quốc hiệu. Vòng nước đái đó của người Việt ta chính Trung Quốc cũng phải thừa nhận, bằng chứng là nó cũng được ghi trong Đại Việt sử lược, mà Đại Việt sử lược là cuốn sách do Trung Quốc ấn hành được lưu giữ trong Tứ khố toàn thư. Trên lĩnh vực nhận biết, phải thừa nhận khứu giác lịch sử của người cầm quyền Trung Quốc xưa tương đối lành mạnh hơn khứu giác lịch sử của người cầm quyền Trung Quốc ngày nay.

Lịch sử trải qua nhiều dâu bể, tổ tiên ta từ lâu đã không thèm “hồi tố” đòi lại đất Lĩnh Nam. Nhưng đời đời không được phép quên. Bởi thế mà sau khi Lê Hoàn phá giặc Tống, buộc nhà Tống phải công nhận nền độc lập của Đại Cồ Việt, vua Tống đã cử sứ giả sang “hỏi tội” ông vì cớ gì mà còn đem quân đánh sang trấn Như Hồng thuộc địa phận Khâm Châu của Trung Quốc (vào năm 995), Lê Hoàn ngạo nghễ trả lời rằng ông đâu có thèm đánh, nếu có đánh thì đầu tiên phải đánh vào Phiên Ngung (Quảng Châu ngày nay), thứ đến đánh Mân Việt (Phúc Kiến ngày nay), há chỉ dừng lại ở trấn Như Hồng mà thôi đâu! Đọc lịch sử đến chỗ đó nghe quá đã !

POSTED BY HOÀNG HẢI VÂN AT 01:29 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét