Tuần qua, vấn đề tăng lương lại nóng lên khi được đưa ra bàn trước
Thường vụ Quốc hội. Theo lộ trình cải cách tiền lương, từ ngày 1-5-2013, lương
tối thiểu sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng Bộ
trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết không thể bố trí nguồn ngân sách để thực
hiện lộ trình tăng lương, “trừ phi Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiền”.
Phải nói thẳng, đây là
một tuyên bố không nghiêm túc!
Việc tăng lương nằm trong lộ trình đã định từ trước, có nghĩa
ngân sách 2012 và 2013 đã chuẩn bị trước các nguồn tiền để thực hiện. Nay ngân
sách không kham nổi thì Bộ trưởng Tài chính phải chịu trách nhiệm giải trình vì sao, hụt thu
ở nguồn nào, cách giải quyết ra sao trước khi loại bỏ một mục chi lớn đã được
phê duyệt.
Ngân sách nhà nước cũng không phải là chuyện nhỏ để muốn tăng chi ở một mục nào
đó thì chỉ cần Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiền. Đây là một cách nói dễ gây
hiểu nhầm rất tai hại. Quốc hội là nơi thông qua ngân sách hàng năm, kèm theo đó là mức
bội chi được phê duyệt chung. Nhiệm vụ của Chính phủ là thuyết trình vì sao cần
tăng thêm bội chi, cho khoản mục nào, cách bù đắp sau đó sẽ ra sao để thuyết phục
đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua. Không hề có
chuyện Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền cho in thêm tiền để tăng lương! Vậy mà
cũng chẳng thấy các quan chức trong Thường vụ Quốc hội nói lại cho rõ.
Ở hướng ngược lại, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội hoàn toàn
có lý khi gợi ý thay vì tăng lương từ 1,05 triệu lên 1,3 triệu đồng/tháng thì
có thể chỉ tăng lên 1,15 triệu đồng/tháng. Nhưng để ý kiến này mang tính thuyết
phục cao hơn, cần
yêu cầu Bộ Tài chính trình bày cụ thể, với phương án này mức tăng cho ngân sách
là bao nhiêu, với phương án kia, thiếu hụt sẽ lên đến bao nhiêu và các phương
án bù đắp.
Quốc hội là nơi buộc các thành viên của Chính phủ
phải trần tình với số liệu chuẩn bị đầy đủ - chứ không phải là nơi mặc cả chuyện…
in tiền để chi tiêu.
Trong câu chuyện này, cần
phân biệt hai khái niệm “tăng lương” và “bù trượt giá”. Lương tối thiểu của
công chức, viên chức được tăng từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng trong năm
2011 (tăng 13,7%) và lên 1.050.000 đồng/tháng trong năm 2012 (tăng 26,5%).
Trong khi đó lạm phát của năm 2010 là 11,75% và năm 2011 là 18,13%. Như thế nếu
loại trừ yếu tố trược giá, mức tăng lương trong những năm vừa qua là không đáng
kể. Hay nói cách khác mức tăng lương này không theo kịp mức tăng danh nghĩa tổng
thu nhập quốc dân (GDP danh nghĩa năm 2010 tăng 19,4% và năm 2011 tăng 28%).
Như vậy những “mức tăng” lương tối thiểu những năm trước chưa thể
nào gọi là góp phần nâng cao mức sống của cán bộ, công chức, người lao động… mà
chỉ mới phần nào bảo vệ thu nhập của họ trước cơn bão tăng giá.
Nay cũng vậy, ngân sách phải có nhiệm vụ ít nhất bảo đảm thu nhập
tối thiểu của người hưởng lương từ ngân sách không bị hao hụt vì lạm phát chứ
khoan nói gì đến chuyện tăng lương. Đặt vấn đề như thế để thấy trách nhiệm của
Bộ Tài chính là bảo đảm ngân sách kham được chuyện này, ít nhất như các năm vừa
qua.
Điều đáng nói hơn nữa, trong những lần tăng lương tối thiểu trước
đây, rõ ràng không phải tất cả khoản tăng dồn về ngân sách trung ương phải gánh
chịu. Chẳng hạn để tăng lương các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế được sử dụng
tối thiểu 35% khoản thu được để lại trong khi ngành này vừa tăng viện phí trong
năm nay. Không biết Bộ Tài chính đã tính toán chi ly những khoản như thế hay
chưa trước khi tuyên bố ngân sách không kham nổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét