Nhãn

8 tháng 10, 2012

556. Ai chịu trách nhiệm về chính sách đối với vàng?



SGTT.VN – Câu hỏi về trách nhiệm đặt ra không chỉ với vấn đề năng lực làm chính sách mà còn đối với động cơ đằng sau nó. Nhất là, ngay từ khi còn phôi thai, chính sách quản lý vàng này đã bị rất nhiều chuyên gia cảnh báo gay gắt về tính hiệu quả cũng như những hậu quả có thể phát sinh. Thực tế đang chứng minh tính chính xác của những cảnh báo này. Và, cho đến nay, khi đã đi được một chặng đường, câu hỏi về việc có cần thiết phải xây dựng một thương hiệu SJC độc quyền hay không vẫn còn bỏ ngỏ.

Khác với thời gian chuẩn bị cho sự ra đời của chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng như hiện nay, nhiều quan chức ngân hàng Nhà nước (NHNN) đăng đàn tiết lộ thông tin, giải thích, cam kết, trấn an người dân rằng quyền lợi của họ với vàng phi SJC vẫn được đảm bảo. Giờ đây, khi hậu quả nhãn tiền của chính sách này đang trút thẳng vào người dân, không thấy quan chức nào đứng mũi chịu sào nhận trách nhiệm hay thông tin về sự có thể điều chỉnh của chính sách để khắc phục thiệt hại.


Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC do NHNN độc quyền sản xuất so với giá vàng thế giới ngày càng mở rộng (đang tăng lên mức 3 triệu đồng/lượng). Khoảng cách này so với giá vàng miếng thương hiệu khác trong nước cũng vậy (từ vài trăm đến hơn 2 triệu đồng). Cho đến nay, người lạc quan nhất cũng phải thừa nhận rằng chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo nghị định 24 ngày 3.4.2012 của NHNN và những chính sách từ trước đó đã hoàn toàn thất bại, xét trên phương diện các mục tiêu do chính những người chủ trương nó đưa ra.

Ngược dòng thời gian, NHNN muốn ngăn chặn thực tế vàng được sử dụng như một đơn vị tiền tệ nhưng lại cho phép và thiếu cương quyết trong việc đưa ra thời hạn chấm dứt việc các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép huy động – cho vay vàng, khiến cho mỗi khi có biến động thì ba loại tiền tệ là VND, USD hay vàng hoán chuyển với nhau dễ dàng, đồng nghĩa với việc các nhà quản lý tự thu hẹp dư địa chính sách của mình.

Thời hạn cuối hiện nay là 25.11 đang bị lung lay bởi áp lực từ một số NHTM, khi mà họ phụng mệnh NHNN, làm cái việc thực ra là kinh doanh nhưng nhân danh công ích là bán vàng huy động được để đa dạng hoá nguồn cung nhằm bình ổn giá. Các ngân hàng đang phải mua lại một lượng vàng lớn đã bán ra để tất toán trong bối cảnh giá thế giới tăng cao và nguồn cung vàng SJC trong nước nhỏ giọt. Chính các ngân hàng này, thay vì là nhân tố bình ổn thị trường, lại đang gây bất ổn. Những ngày vừa qua, họ vẫn tận dụng thời gian còn lại để chạy đua lãi suất huy động vàng, nếu giá thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay, chắc chắn bất ổn chưa đến hồi kết.

Trong khi đó, một con mắt khác của dư luận đang dồn về phía NHNN để ngóng kế hoạch huy động vàng trong dân nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế mà NHNN hứa hẹn. Không biết nó có khác gì với việc các NHTM đang huy động hiện nay không. Nếu không, thì vàng vẫn hoàn là tiền. Tác động của vàng đối với vĩ mô vẫn vậy. Chưa thấy NHNN tiết lộ điều gì nhưng cách huy động nguồn lực tốt nhất có lẽ vẫn ở chỗ nâng cao giá trị đồng tiền trong nước để dân tình nguyện và tự mình trực tiếp chuyển đổi từ vàng sang tiền. Còn làm không được, thì quyền bảo toàn giá trị tài sản thông qua vàng của họ là hiển nhiên và cần phải được bảo hộ. Vấn đề bình ổn giá chỉ nên đặt ra với mục tiêu tiệm cận giá thế giới.

Nguyên nhân sâu xa của tình thế tiến thoái lưỡng nan về chính sách hiện nay không nằm ở chỗ các NHTM, vì nếu nguồn cung từ NHNN đáp ứng đủ nhu cầu với mức giá bình ổn như NHNN nêu ý muốn thì lời giải cho bài toán, tuy không đơn giản vì liên quan đến an toàn hệ thống, nhưng nếu khoanh khéo, sẽ chỉ gói ở chuyện lời – lỗ của từng ngân hàng. Câu hỏi đặt ra là tại sao sau khi giành độc quyền sản xuất vàng miếng, NHNN lại tự mình gây ra tình trạng khan hiếm trong khi có thể chủ động tăng cung qua việc chủ động dập lại vàng từ các thương hiệu khác sang SJC – điều mà chính chủ các thương hiệu phi SJC đã chầu chực nhiều tháng trời nay chứ không phải đến khi thị trường thế giới có biến. Thậm chí, nếu ngay cả khi đã hành động mà vẫn không đáp ứng hết nhu cầu, nhập vàng là giải pháp cần tính đến để không chỉ an các ngân hàng mà còn an dân.

Câu trả lời có thể nằm ở chỗ chi phí cho việc chuyển đổi mấy chục ngàn đồng mỗi lượng. Nhưng câu trả lời còn có thể nằm ở con số lợi nhuận mà các doanh nghiệp giữ vàng phi SJC “bỗng dưng” có được từ sự gật hay lắc cho phép chuyển đổi, cho phép với số lượng bao nhiêu của NHNN. NHNN đang nắm trong tay quyền phân phối các miếng bánh lợi ích, mà cơ chế xin – cho thì dễ nảy sinh tiêu cực. Cho đến nay, nhiều người thắc mắc không biết quota chuyển đổi của NHNN dựa trên tiêu chí gì, thậm chí danh sách những đơn vị được phép chuyển đổi cùng với số lượng cũng không được công khai.

Công bằng mà nói, các doanh nghiệp chủ các thương hiệu vàng phi SJC đã bị thiệt khi NHNN tuyên bố độc quyền sản xuất vàng miếng và quốc hữu hoá tầm quốc gia thương hiệu SJC. Từ trước khi quyết định trên có hiệu lực, một số doanh nghiệp đã “đại hạ giá” vàng của mình. Nhưng, nếu như các doanh nghiệp (dù không phải tất cả) có cơ hội (dù tốn chi phí) chen chân xếp hàng để xin NHNN cho dập lại vàng miếng của mình thành vàng SJC – lấy lại những gì thuộc về mình đã mất, thì người dân đang giữ vàng phi SJC, cho tới giờ phút này, cách nào đó vẫn là bị tước đoạt giá trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét