Trước hết khoan vội vã
nghĩ về nghĩa bóng với ý xấu nào đó trong tựa đề bài viết của tôi. Những từ ngữ
trong tựa đề có vẻ giật gân nhưng tôi chỉ muốn nói tới ngữ nghĩa đen đích thực
của nó.
Tình…
Lên đường về Việt Nam
(VN), trong hành trang của mình, Khánh Ly mang nặng chữ tình theo nghĩa rộng.
Tình yêu quê hương; tình cảm với một quá khứ sống động thời tuổi trẻ ở miền
Nam; tình yêu âm nhạc, nghệ thuật; tình cảm dành cho quần chúng hâm mộ trong nước;
tình bằng hữu, đồng nghiệp; và những băn khoăn trước thái độ không mấy hài lòng
của một bộ phận trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản (CS), mà Khánh Ly là
một thành viên không thể tách rời.
Tôi chưa bao giờ có
cái nhìn khắt khe với bất kỳ ai từ nước ngoài về thăm VN. Là người Việt ly
hương, mong được trở về quê nhà, dù dưới bất kỳ lý do nào, làm ăn hay thăm
thân, tôi đều cho là nguyện vọng chính đáng. Điều cần đánh giá là thái độ và việc
làm của họ trong thời gian ở VN, cách ứng xử với nhà cầm quyền của chế độ CSVN,
một chế độ mà họ đã tự nguyện trốn chạy, muốn đoạn tuyệt, dù đã phải đối diện với
nhiều hiểm nguy, mất mát, thậm chí cả mạng sống.
Tôi cũng giữ quan điểm
đúng mức, trung dung trong việc các ca sĩ từ nước ngoài về VN biểu diễn hay từ
trong nước qua Mỹ, như là chuyện bình thường. Tôi đã chứng kiến người Việt ở Mỹ
vui vẻ chào đón các ca sĩ từ miền Bắc qua như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam,
Thu Hà, Thu Phương, v.v… Một số người cưới vợ, lấy chồng, sống Hòa hợp và bình
đẳng trong cộng đồng. Những trường hợp bị
chống đối dường như rất ít và thường có lý do chính đáng, như Đàm Vĩnh Hưng,
hay Hồng Vân. Chỉ khi thật sự đặt mình
vào hoàn cảnh của những người căm ghét chế độ CS vì chế độ này đã gây ra bao
nhiêu tai ương, tội ác cho họ và thân nhân, hiện vẫn đang tiếp tục chà đạp công
lý và quyền tự do ở trong nước, thì mới có thể thông cảm và chia sẻ cho sự chống
đối này.
Khánh Ly không phải là
người đầu tiên trong giới ca nhạc hải ngoại về VN và chắc chắn không phải là
nguời cuối cùng. Trước Khánh Ly đã có Elvis Phương, Hương Lan, Chế Linh, Tuấn
Ngọc, v.v… cũng là những ca sĩ đã được nhìn nhận ở đỉnh cao trong làng ca nhạc
VN ở nước ngoài.
Khánh Ly thường
nói “VN luôn nằm trong trái tim“, chân thật và giản dị như với bao người
VN khác sống xa đất nước. Trong thâm tâm, tôi mong muốn Khánh Ly bình yên,
thanh thản về nước, thực hiện nguyện vọng chờ đợi từ rất lâu của mình và mang
tiếng hát về VN cho những người hâm mộ.
Khi nói đến dòng tân
nhạc miền Nam trước năm 1975 và của người Việt hải ngoại sau năm 1975, ca sĩ
Khanh Lý phải là một trong những người nằm ở vị trí hàng đầu, có thể xem là ca
sĩ số một, thể hiện xuất sắc nhất, có hồn nhất các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn.
Khánh Ly không chỉ nổi
tiếng với người miền Nam trước và sau năm 1975, mà tên tuổi và giọng ca của
Khánh Ly đã vượt không gian, thời gian đến với hàng triệu người miền Bắc yêu
thích các ca khúc trữ tình, những “bài hát da vàng” của dòng nhạc Trịnh.
Bỏ qua mọi định kiến,
yêu, ghét, khó ai phủ nhận được Trịnh Công Sơn là khuôn mặt tài năng nổi bật
trong di sản âm nhạc hiện đại của Việt Nam. Nếu toàn bộ tác phẩm của ông là đứa
con nghệ thuật, thì Khánh Ly, có thể nói, do duyên phận và định mệnh, là một nửa
cơ thể của đứa con tinh thần và nghệ thuật đó.
Hạnh phúc nhất của nguời
nghệ sĩ chính là lòng mến mộ và quý trọng của đông đảo công chúng. Tôi không
nhìn qua lăng kính chính trị hẹp hòi để đồng nghĩa chuyến lưu diễn của Khánh Ly
tại VN với cách suy diễn dễ dãi, thiếu thiện chí như là sự phục vụ, hát cho chế
độ CS nghe. Trong Hoàn cảnh nào người nghệ sĩ cũng hạnh phúc khi thấy tiếng hát
của mình có ý nghĩa cho cuộc sống, tài năng nghệ thuật có cơ hội thể hiện, cống
hiến cho những người ái mộ, dù chỉ là một số nào đó trong những Hoàn cảnh nghiệt
ngã.
Công chúng hôm nay đến với Khánh Ly dường như chắc chắn
không phải đến với giọng ca của một nữ ca sĩ đã ở tuổi 67. Họ đến với Khánh Ly
trong con người bằng da bằng thịt, trong hình ảnh của huyền thoại “Nữ Hoàng
chân đất”, “Nữ Hoàng sân cỏ” với chất giọng trời cho “không giống ai”, “giọng
ca thật như nói”, truyền cảm đặc sắc tâm tư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua những
nhạc phẩm của ông.
Tôi tin rằng, từ Sài
Gòn, Đà Nẵng, tới Hà Nội, bằng những lời ngợi khen công khai của số ít, hoặc bằng
suy nghĩ của số đông thầm lặng, nhưng với tất cả công chúng, Khánh Ly là đứa con của miền Nam, là biểu
tượng của một nền văn hóa và âm nhạc tự do của Việt Nam Cộng Hòa, mà nếu không
có nó, sẽ đồng nghĩa với không có nghệ sĩ Khánh Ly nổi tiếng hôm nay. Nó
cũng tương tự như hình ảnh của Phó thủ tướng Đức Philipp Rösler. Nếu không được
trưởng thành và hưởng một nền giáo dục tốt đẹp của nước Đức dân chủ tự do,
trong chế độ CSVN một cậu bé mồ côi sẽ khó vượt qua được thân phận của “con sãi
ở chùa lại quét lá đa”.
Một hình ảnh đẹp và tự
hào như thế của Việt Nam Cộng Hòa, trước công chúng, ngay trong lòng chế độ CS,
giữa Hà Nội và Sài Gòn, há chằng phải là tuyệt vời sao!
Nếu không về lúc này,
khi còn có thể hát, nguyện vọng của Khánh Ly trở lại hát trên quê nhà sẽ thui
chột tỷ lệ nghịch với sự tăng lên của tuổi tác, là điều đáng tiếc cho cuộc đời
của một nghệ sĩ tài hoa. Ca sĩ Thanh Tuyền cũng đã nói: “Khánh Ly đã 67 tuổi rồi.
Cũng mong được về nước để hát trên mảnh đất quê hương mình. Chị ấy muốn về trước
khi quá muộn” - (Giaoducnet.vn).
Tiền…
Có người vội vã nhận định
về chuyến lưu diễn của Khánh Ly tại Việt Nam: “Money first!”.
Tôi được biết, tour diễn
của Khánh Ly sẽ được công ty Đồng Dao trả tiền cát-xê rất cao. Ngoài bao ăn ở
đi lại, mỗi show của Khánh Ly được trả 20 ngàn đôla. Cho cả tour diễn tại Hà Nội,
Đà Nẵng, Sài Gòn, Khánh Ly sẽ thu được từ 100 ngàn tới 200 ngàn đôla, phụ thuộc
vào số lượng show lớn nhỏ có thể thực hiện. Với mặt bằng cát-xê chung hiện nay,
Khánh Ly nằm mơ không có được một số tiền lớn như thế ở Mỹ trên sàn diễn. Nó không
chỉ hấp dẫn mạnh mẽ với Khánh Ly, một người không phải thuộc giới giàu có, mà với
tất cả.
Khi đồng ý chi một số tiền lớn như trên, công ty Đồng Dao,
nhà tổ chức, hẳn đã phải tính toán rất kỹ thành quả từ show diễn của Khánh Ly,
ý thức rất rõ ca sĩ Khánh Ly sẽ cuốn hút số lượng người xem như thế nào. Số tiền lớn này có sức mạnh cám dỗ là đương nhiên. Có ai
không thích tiền? Nhưng Khánh Ly Hoàn toàn xứng
đáng nhận nó, vì nó là thành quả lao động nghệ thuật mà Khánh Ly đã phải làm việc
miệt mài và tích lũy trong suốt 50 năm qua.
Cho nên, nếu nói “Money
first!“. Câu trả lời là: “Thì đã sao, why not!“. Đồng tiền kiếm được bằng lao động
lương thiện và minh bạch, thì có gì phải lăn tăn!
Nghịch lý…
Nhưng tất cả xem ra
không đơn giản trong hỗn mang của các nghịch lý.
Trước hết phải nhìn nhận
Khánh Ly là “persona non grata” của chế độ CSVN.
Khánh Ly đã hai lần bỏ chạy khỏi chế độ CS, lần đầu lúc còn
bé theo gia đình vào Nam năm 1954, khi CSVN cai trị ở miền Bắc, và lần thứ hai
di tản qua Mỹ, năm 1975, sau khi Sài Gòn bị thất thủ và CSVN cai trị trên cả nước.
Tâm trạng của Khánh Ly
trong hai lần chạy trốn chế độ CS có thể mô tả qua nhạc phẩm “Xin đời một nụ cười”
của nhạc sĩ Nam Lộc:
“Tôi bước đi
Vì không muốn làm
kẻ tội đồ,
Vì tôi muốn lại
kiếp con người
Muốn cuộc đời có
những nụ cười
Tự Do ơi, Tự Do,
em đổi bằng thân xác
Vì hai chữ Tự Do
ta mang đời lưu vong”…
Trong thời gian sống ở Mỹ,
Khánh Ly đã tham gia rất nhiều chương trình văn nghệ chống cộng của hội đoàn
người Việt. Với những nhạc phẩm “Đêm Việt Nam” của Hà Thúc Sinh, “Ai trở về xứ
Việt” của Phan Văn Hưng, “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển“của Châu Đình An, “Hát trên những
xác người” của Trịnh công Sơn, v.v… Khánh Ly không làm nhà cầm quyền căm ghét mới
là lạ.
Khánh Ly cũng đã từng tuyên bố “Tôi chỉ về khi không còn chế
độ cộng sản nữa mà thôi”, theo tờ
“Giaoducnet.vn” ngày 7/8/2012 trong bài “Sự tráo trở của Khánh Ly“.
Lời tuyên bố của Khánh
Ly rồi cũng nhạt nhòa theo những đổi thay và các biến động của thời gian. Khánh Ly đã về VN hai lần trong năm 1996 và
2000, về chơi thăm thú, chứ không phải về biểu diễn. Nhưng Khánh Ly dường
như bị “cấm cung” tại Đệ Nhất Khách Sạn, quận Tân Bình, gần sân bay Tân Sơn Nhất,
đi lại bị an ninh theo dõi, kiểm soát ngặt
nghèo.
Cuối năm 1994, nhân
chuyến lưu diễn Âu châu của các ca sĩ hải ngoại, trong đó Khánh Ly là nhân vật
trung tâm, những bạn hữu tổ chức ở Đức đã phối hợp với chúng tôi ở Ba Lan, lần
đầu tiên mời đoàn qua Ba Lan. Đại sứ
quán CSVN tại Ba Lan lúc ấy đã ra chỉ thị cấm nghiên cứu sinh, đảng viên đi xem.
Chúng tôi thuê Cung Văn hóa làm nơi biểu diễn, nằm ở trung tâm thủ đô Warsaw,
thời cộng sản là nơi tổ chức các đại hội đảng hoặc hội nghị nhà nước. Cung Văn hóa
chứa được khoảng ba nghìn chỗ ngồi hôm ấy kín hết. Bất chấp lệnh cấm của tòa đại
sứ quán CSVN, tôi nhìn thấy một số nghiên cứu sinh quen biết ngồi trong đám
đông. Còn cộng đồng người Việt tại Ba
Lan đã dành cho các ca sĩ hải ngoại sự chào đón nồng ấm lạ thường. Khánh Ly
nói chưa bao giờ được hát trên một sân khấu sang trọng như thế. Khánh Ly bị
khán thính giả cuồng nhiệt “hành hạ” hát theo yêu cầu liên tiếp và tặng không
biết cơ man nào là hoa, đến mức ba quầy bán hoa tại chỗ hết sạch, chúng tôi đã
phải chạy ra ngoài tìm nguồn cung cấp thêm.
Sự kiện này cho thấy
nhà cầm quyền CSVN không ưa thích Khánh Ly không chỉ trong nước mà còn vượt ra
cả ngoài biên giới VN. Nhưng bên cạnh đó cho thấy dân miền Bắc cũng rất ái mộ
ca sĩ này, bỏ qua mọi khác biệt về môi trường sống và nhãn quan chính trị.
Sự chuẩn bị cho cuộc
hành trình về VN lần này chẳng mấy dễ dàng. Nguyện vọng của Khánh Ly về VN biểu
diễn được nói đến gần hai năm nay. Lẽ ra nếu “cơm lành canh ngọt”, Khánh Ly đã
có thể về cùng chuyến với ca sĩ Chế Linh hồi cuối năm 2011, nhưng Khánh Ly chưa
được nhà cầm quyền chấp thuận.
Trong số những người có công vận động nhà cầm quyền cấp giấy
phép biểu diễn tại VN cho Khánh Ly, trước hết phải kể đến Nguyễn Công Khế, cựu
Tổng biên tập báo Thanh Niên. Ở
đây cũng nói thêm, ông Khế là người được em
gái của Trịnh Công Sơn, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, trao lại bản quyền của các tác
phẩm nổi tiếng của anh trai mình, trả ơn ông Khế đã cứu chồng thoát án tử hình
trong một vụ án. Trong chuyến lưu diễn
của Khánh Ly, Nguyễn Công Khế sẽ được
công ty Đồng Dao trả một số tiền bản quyền không nhỏ. Tất nhiên để lobby cho
Khánh Ly, ông Khế không chỉ múa may bằng tay và nước miếng với các quan chức CS
có thẩm quyền. Thế là ơn nghĩa sòng phẳng, có đi có lại, trong sự ràng buộc của
cả cuộc chơi.
Với những nghịch lý
nêu trên, từ việc nhà cầm quyền CSVN đồng ý cho Khánh Ly về VN biểu diễn, xuất
hiện nhiều giả thiết, những ý kiến ủng hộ, chống đối cũng là hiển nhiên.
Giống như các trường hợp
của Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy, những người đã làm cho rất nhiều người trong cộng
đồng tị nạn CS trên thế giới thất vọng, sự có mặt của nghệ sĩ Khánh Ly trên sân
khấu tại Việt Nam, mặc nhiên nằm trong mong muốn của nhà cầm quyền CSVN cho
chính sách tuyên truyền “đoàn kết dân tộc”, “cởi mở” và nghị quyết 36 lừa mị và
dối trá.
Khánh Ly về nước đúng
vào thời điểm nhà cầm quyền CSVN đang sử dụng bàn tay sắt bóp nghẹt dã man nhất
quyền tự do tư tưởng và bày tỏ chính kiến ôn hòa, bằng bản án 39 năm tù và quản
chế cho ba bloggers Điều Cày, Tạ Phong Tần, Anh Ba Sài Gòn, trong ngày 24/9 vừa
qua. Một đồng nghiệp miền Nam của Khánh Ly, nhạc sĩ Việt Khang, đang ngồi tù chỉ
vì viết những khúc ca yêu nước, chống bành trướng xâm lược Trung Quốc và lên án
sự đàn áp tàn nhẫn, côn đồ của công an CSVN đối với những người tham gia biểu
tình yêu nước. Hơn 150 ngàn chữ ký của cộng đồng người Việt gửi Tổng thống
Barack Obama kêu gọi can thiệp trả tự do cho Việt Khang và các nhà tranh đấu
dân chủ khác đang bị giam cầm, cũng như lời kêu gọi của chính ông và nhiều
chính phủ các nước, của các tổ chức bảo vệ tự do báo chí, nhân quyền, đã chẳng
mảy may động lòng trắc ẩn của những tên đao phủ CS Ba Đình.
Lời kết
Trong ngổn ngang của tình, tiền và những nghịch lý,
về VN biểu diễn, ca sĩ Khánh Ly phải đối diện với bộ máy kiểm duyệt của chế độ,
bên cạnh những mưu đồ, cạm bẫy khó lường khác, chắc chắn không bao giờ Khánh Ly
có thể sống và thể hiện như một nghệ sĩ của tự do – nguồn cảm hứng quan trọng
nhất của người nghệ sĩ. Tôi chia sẻ tâm tình của Khánh Ly rằng, “nhập gia tùy tục”,
vì chẳng thể nào khác, nhưng muốn hay không, mặc nhiên đây
là sự thỏa hiệp trên thế yếu, chấp nhận tinh thần tự do, khai phóng của nguời nghệ
sĩ bị cầm tù!
Dù thế nào đi nữa, kể
cả trên thế yếu, tôi mong rằng, Khánh Ly sẽ cố gắng giữ toàn vẹn hình ảnh của
mình, hình ảnh cao đẹp của một biểu tượng văn hóa, nghệ thuật tự do của miền
Nam, của Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia tuy không còn trên thực tế, nhưng đã tạo
nên đứa con âm nhạc Khánh Ly. Rất nhiều
người lính đã hy sinh xương máu cho sự tự do ấy, trong đó có người yêu của
Khánh Ly. Nếu khác đi, một bên sẽ là
sự hả hê của những kẻ đã thành công lợi dụng hình ảnh Khánh Ly cho mục đich
tuyên truyền bịp bợm, một bên khác là hàng triệu con tim trong cộng đồng người
Việt tị nạn CS trên thế giới, đau buồn vì vết thương sau 37 năm chưa lành bị
khoét sâu thêm.
Là người của công
chúng, Khánh Ly giờ đây không thể thay đổi quá khứ và rũ bỏ nó, càng không thể
cho phép bản thân chỉ sống cho riêng mình!
Lucius Seneca, nhà hiền
triết La Mã, nghệ sĩ hài đương thời, một tên tuổi lớn của văn học La Mã, đã
nói: “Nhiều người quan tâm đến danh tiếng, nhưng ít người chú trọng tới lương
tâm“.
Hy vọng rằng Khánh Ly
sẽ đứng vào số nhiều vế trước và cả số ít vế sau của câu danh ngôn.
Xin cho tôi được bỏ
vào hành trang của Khánh Ly lời ca của nhạc phẩm “Ai trở về xứ Việt”:
“Ai trở về xứ Việt
Ta gửi về theo một
ít tự do
Tự do, tự do và
nhiều lắm, nhiều nhớ thương tha thiết
Đến cửa ngục tù
chia bớt chút buồn lo”…
Được biết Khánh Ly là tay
chơi phé có hạng ở California. Ván bài về VN kỳ này khó khăn và phức tạp hơn
hai kỳ trước nhiều. Tôi hy vọng và tin rằng Khánh Ly không để hở bài và sẽ thắng.
Đừng ngộ nhận về bản chất độc ác, dối trá và cách cư xử
tráo trở, bạc như vôi của chế độ CS và cũng đừng ảo tưởng về bất kỳ sự thay đổi
bản chất nào của nó! Đừng để phạm sai lầm để rồi hối tiếc khi đã ở vào mùa Thu
của cuộc đời, ca sĩ Khánh Ly ạ!
TOÀN BỌN PHẢN ĐỘNG.BỌN BỊ ĐÁNH ĐUỔI.BỌN HÓT CỨT CHO MỸ.CỜ BA QUE SỎ LÁ.
Trả lờiXóabác là người chiến thắng? giờ bác là người hót cứt hay ăn cứt ở chế độ CSVN ??? đã đúng mục đích của bác chưa ??? thỏa mãn chưa ???
Xóa