Nhãn

1 tháng 10, 2012

537. ĐẠI GIA VÀ ĐẠI NẠN - Tăng Minh Phụng vs Lê Văn Kiểm


Bvbqd - Cùng là doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh dưới vòm trời Việt, có đại gia phất lên nhanh chóng, dù có làm ăn thua lỗ, nợ lớn vẫn có Nhà nước tìm cách giúp cho giãn nợ, những thất thoát trong hoạt động sản xuất-kinh doanh được hóa giải, vượt qua cơn bĩ cực. Nhất là biết câu kết "nhóm lợi ích", biết cửa "cống nạp" thì có sự bảo đảm an toàn, được tung hô thành tích. Nhưng có những đại gia không được bảo trợ, không có sự bao bọc, chở che, lại bị định giá tài sản quá thấp, đẩy số tiền bị lỗ lên cao, buộc phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu như Đại gia mà có Đại ca (chính quyền) nâng đỡ, dìu bước, tìm kế cho thoát nạn thì phất lên. Đại gia khác không có "đường dây, cánh hẩu, ăn rơ" thì sớm muộn cũng bị phá sản hoặc "giăng bẫy, vu vạ", và phải lãnh án hình sự nặng nề. Thế nên, có người sớm thành tỉ phú, nhưng cũng có người bị đem ra "tỉ thí"...

Minh Diện: DƯỚI MỘT VÒM TRỜI

Vào những thập niên cuối thế kỷ 20, trong làng doanh nhân Việt Nam có hai người cùng tuổi Dậu, có nhiều điểm tương đồng nhưng số phận lại mỉm cười với người này và quá nghiệt ngã với người kia. Đó là Tăng Minh Phụng và Lê Văn Kiểm.    

Lê Văn Kiểm tuổi Ất Dậu (1945) Tăng Minh Phụng tuổi Đinh Dậu, (1957), tuy hơn kém nhau một giáp nhưng cùng khởi nghiêp vào năm Đinh Tỵ (1977). Đó là năm tam hợp, tương sinh với Tăng Minh Phụng và Lê Văn Kiểm.


Bị cáo Tăng Minh Phụng

Tăng Minh Phụng bắt đầu bằng việc thành lập Tổ sản suất Minh Phụng và nhờ phát hiện ra một loại bột nổi để chế biến nhựa phế thải làm dép râu tiêu thụ trong nước và thị trường Đông âu buổi giao thời mà phất lên như diều gặp gió.

Lê Văn Kiểm từ một cán bộ nhà nước ra, thành lập tổ sản xuất Huy Hoàng và nhờ phát hiện hạt cao su có hàm lượng tinh dầu cao, đã thu mua chế biến làm sơn quét tường bán ra thị trường mà tiền chảy vào như nước.


Năm 1987 Công ty Minh Phụng và Công ty Huy Hoàng cùng chuyển sang may quần áo, xuất khẩu sang các nước SNG, đặc biệt là thị trường Liên bang Nga qua những hợp đồng Nghị định thư và cả hai công ty cực thịnh vào năm 1991. Thời điểm đó Huy Hoàng có ba xưởng may ở Thủ Đức, Gò Vấp, Phú Nhuận, số công nhân hai ngàn người. Minh Phụng có 15 xưởng may, một trung tâm tạo mẫu, một xưởng nhựa, số công nhân mười hai ngàn.

Năm 1992, Minh Phụng, Huy Hoàng cùng nhảy sang kinh doanh bất động sản, để rồi 5 năm sau, phải trả giá vì thị trường bất động sản đóng băng. Đến đây “số phận” quá nghiệt ngã với Tăng Minh Phụng, trong khi lại mỉm cười với Lê Văn Kiểm.

Gần trưa ngày ngày 24-2-1997, Tăng Minh Phụng bị bắt khi vừa ở Vũng Tàu về đến phường Bến Thành, Sài Gòn. Lúc đó, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chính Minh đang xét xử vụ Tamexco. Tôi và nhà báo Thế Gia, phóng viên báo Nhân dân ngồi ở phòng làm việc cùa ông Năm Hồng, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, cách nơi xử án mấy bước chân. Ông Năm Hồng nói với chúng tôi: “Tóm cổ Tăng Minh Phụng rồi, để coi hắn còn đòi nhân quyền nhân ngãi không?”. Năm Hồng cho biết, cách đó không lâu ông ta đã gửi công văn yêu cầu Sở công an thu hồi hộ chiếu của Tăng Minh Phụng, không cho phép xuất ngoại, vì vậy Tăng Minh Phụng làm đơn gửi lên trên khiếu nại, nói ông ta vi phạm nhân quyền! Thời kỳ đó Năm Hồng đầy thế lực, nên khi nghe khẩu khí của ông ta như vậy tôi biết Tăng Minh Phụng nguy rồi.  

Và quả như vậy thật, các phiên tòa sơ thẩm rồi phúc thẩm xét xử Tăng Minh Phụng với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa gây hậu quả nghiêm trọng” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà nước”, nhiều tình tiết có lợi cho bị cáo không được xem xét, những yếu tố bất lợi bị nhấn sâu tăng nặng thêm, báo chí hầu hết viết theo tài liệu lấy từ bản cáo trạng của Viện kiểm sát do Năm Hồng làm viện trưởng, có nhà báo từng thân quen Tăng Minh Phụng còn kết tội bị cáo trước tòa.

Tài sản của Tăng Minh Phụng gồm 390 danh mục và 476 đơn vị, phải thành lập một hội đồng tiếp nhận do Phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp phụ trách. Ngoài các xưởng may, xưởng nhựa với hàng ngàn máy may và máy chuyên dùng nhập khẩu từ Nhật, Mỹ trị giá hàng chục triệu đô la, còn một khối bất động sản khổng lồ, đó là 170 biệt thự cao cấp, hơn 80 kho tàng nhà xưởng, gần 1,2 triệu mét vuông đất ở, 2,6 triệu mét vuông đất chuyên dụng và 5,2 triệu mét vuông đất nông nghiêp. Nhà đất của Minh Phụng đều nằm ở những vị trí đắc địa như quận 2, quận 3, quận 9 (thành phố Hồ Chí Minh), đường Lê Hồng Phong, Hoàng Hoa Thám (Vũng Tàu), Sóng Thần (Bình Dương) hoặc khu biệt thự Đà Lạt. Những khu đất ở Thủ Đức, Minh Phụng đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, khi ngân hàng tiếp quản mang đấu thầu, giá khởi điểm đã tới 15 triệu đô la. Đất ở quận 2, khu vực đường Trần Não, Thủ Thiêm sau này không dưới 40 triệu một mét vuông. Đặc biệt dãy cửa hàng Minh Phụng sang nhượng của Công ty lương thực thành phố ở mặt tiền đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, mỗi mét vuông giá không dưới 200 triệu. Toàn bộ số tài sản khổng lồ đó  được định giá 2.330 tỷ đồngTại Tòa, luật sư Nguyễn Thị Loan bào chữa cho Tăng Minh Phụng đã bật khóc khi nghe kết quả thẩm định giá tài sản, vì mỗi mét vuông đất của Tăng Minh Phụng chỉ có giá bằng ba que kem!? Trong khi đó các ngân hàng thương mại thổi thêm các khoản nợ của Tăng Minh Phụng lên 7.000 tỷ đồng và 30 triệu đô la. Sự chênh lệch quá lớn đó là nguyên nhân chính để Hội đồng xét xử tuyên phạt Tăng Minh Phụng mức án cao nhất.

Ngày 12-5-2003, Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá của Tăng Minh Phụng và ngày 17-7-2003 doanh nhân này đã bị thi hành án khi mới 46 tuổi.

Trong thời gian ấy công ty Huy Hoàng cũng trong cảnh nước sôi lủa bỏng với những khoản tiền nợ ngân hàng hơn một ngàn tỷ không thể thanh toán vì bất động sản đóng băng, hàng hòa không bán được, hàng trăm công nhân thất nghiêp. Nhưng ông Lê Văn Kiểm không bị khởi tố, mà Bộ chính trị và Thủ tướng Chính phủ cho ông được giãn nợ, hoãn nợ trong ba năm để ổn định sản xuất, khắc phục hậu quả. Đó là một giải pháp đúng, vì nó vừa tránh thất thoát tiền nhà nước, vừa giữ được công ăn việc làm cho người lao động và cứu doanh nghiệp khỏi phá sản. Nhưng phải nói thực, nếu chỉ dựa vào sản xuất thì ba năm chứ mười năm, Lê Văn Kiểm cũng không trả được vốn và lãi ngân hàng, chứ đừng nói còn làm lợi cho nhà nước 500 tỷ đồng như ông công bố. Sở dĩ Lê Văn Kiểm trả được nợ, khắc phục được hậu quả là nhờ đất. Sau chu kỳ đóng băng bất động sản nóng lên, nóng lên dữ dội như một đợt trào phun của núi lửa. Mỗi mét vuông đất được tính bằng vàng. Mỗi ngày mỗi giá. Thậm chí mỗi giờ mỗi giá. Người xếp hàng đăng ký mua nền nhà như xếp hàng đong gạo thời bao cấp. Từng bao bố tiền quăng trước những chiếc máy đếm tiền. Xe hơi, xe máy nối đuôi nhau trên những con đường lầm bụi vào những khu quy hoạch dự án… Ông Lê Văn Kiểm đã phát biểu với báo giới: “Nếu không có chính sách giãn nợ của Chính phủ năm xưa, nếu lúc đó bị phá sản hoặc các quan hệ kinh tế bị hình sự hóa, thì có lẽ ông đã không còn đủ sức để tiếp tục đam mê kinh doanh, đẩy mạnh làm kinh tế và trở thành Anh hùng lao động được như hôm nay”…


Ông Lê Văn Kiểm

Công ty Huy Hoàng chẳng những được cải tử hoàn sinh mà lớn bổng lên như Thánh gióng nhờ đất. Tại Thủ Đức, Quận II, mỗi mét vuông đất của Minh Phụng khi xử án  định giá bằng ba que kem, bây giờ, ở đó, mỗi mét vuông đất Huy Hoàng bán từ 40 đến 60 triệu. Không cần biết vị trí lô đất nằm ở chỗ nào trên thực địa, cũng chẳng hiểu tương lai sẽ ra sao, cứ ném tiền vào để mua mảnh giấy ghi một trăm, hai trăm mét vuông đất có con dấu tròn trịa cùa công ty Huy Hoàng. Những cái phiếu ấy có khi còn buôn bán qua tay nhiều người. Báo chí được trả tiền để kích cầu, cò đất nhảy vào chen lấn tạo ra sự khan hiếm giả tạo. Lê Văn Kiểm không cần tới ba năm đã rũ sạch nợ nần, thở phào bước qua giai đoạn mới, trở thành chủ sân gôn Long Thành và, vinh quang thay, ông được tuyên dương Anh hùng lao động thời đổi mới.

Ông Lê Văn Kiểm khoe rằng đã làm từ thiện hơn một trăm tỷ và có công xây dựng vòng xoay Hàng Xanh. Tăng Minh Phụng đã âm thầm làm từ thiện hàng trăm tỷ và góp phần làm đẹp thành phố bằng việc bỏ tiền lát gạch hàng loạt lề đường.

Ông Kiểm nhờ được hoãn nợ, giãn nợ mà trả hết nợ, tránh thất thoát cho nhà nước 500 tỷ đồng. Giả sử như Tăng Minh Phụng cũng được hoãn nợ, giãn nợ như ông Kiểm thì chắc chắn cũng như vậy. Bởi vì, chỉ với 3,8 triệu mét vuông đất ở và đất chuyên dụng của Tăng Minh Phụng bán với giá 40 triệu một mét đã thu được 144 nghìn tỷ đồng, gấp hai lấn số tiền Minh Phụng nợ ngân hàng.  

Điều khác biệt gì khiến Tăng Minh Phụng không được hưởng ưu ái như ông Lê Văn Kiểm mà phải chết? Phải chăng Lê Văn Kiểm, là con liệt sỹ, là đảng viên đảng cộng sản, còn Tăng Minh Phụng không có gốc gác như thế? Phải chăng Lê Văn Kiểm có những mối quan hệ đặc biệt? Phải chăng Tăng Minh Phụng không trở thành “mắt xích” quan trọng cho nhóm lợi ích đầy quyền lực, hoặc không biết cách tranh thủ chia sẻ lợi nhuận? Phải chăng có những người không muốn để Tăng Minh Phụng có cơ hội nói ra điều thầm kín? Nhiều, nhiều lắm những câu hỏi rồi sẽ có ngày được giải đáp, nhưng bây giờ bạn hãy lấy số phận để an ủi người đã khuất. Dưới vòm trời này Tăng Minh Phụng đâu phải là cá biệt.

2 nhận xét:

  1. Tôi xin tháp cho Anh Båy môt nén nhang Dù nói gì Anh cūng dã oan mang rôi

    Trả lờiXóa
  2. một câu chuyện buồn, vn khi nhắc tới nhân quyền là nhảy dựng lên, chính quyền muốn ai chết thì người đó không có cửa sống, trong nhận thức của đcs nhân quyền chỉ đến thế thôi

    Trả lờiXóa