Nhãn

5 tháng 10, 2012

546. Nhìn lại Vụ án Trịnh Vĩnh Bình hơn 15 năm trước


Tổng cục II và vụ án Trịnh Vĩnh Bình

Trần Quốc Hoàn
Trích Ðàn Chim Việt Online
Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 25/5/2005 


Ông Trịnh Vĩnh Bình, “Vua Chả Giò” ở Hòa Lan, trên tạp chí Business của Hòa Lan, tháng Hai, 1990

LTS: Có lẽ không một quốc gia nào hay bị các cá nhân đơn lẻ kiện ra tòa án quốc tế nhiều như nước Việt Nam hiện nay. Chỉ trong vòng hai năm nay, nước Việt Nam đã bị ba vụ kiện mà hai vụ đầu do VietNam Airlines gây ra bị thường 5 triệu đô la, và Liên Ðoàn Bóng Ðá phải bồi thường cho huấn luyện viên Letard xấp xỉ 200 ngàn đô la. Vụ kiện thứ ba ly kỳ nhất, bởi vì nguyên đơn là một người Việt, ông Trịnh Vĩnh Bình một Việt kiều cư ngụ ở Hòa lan đem 4 triệu đô la về đầu tư, tiền đã mất, tật lại mang vì bị xử 11 năm tù, nhưng may mắn và cũng có thể do cơ quan áp giải nhận lệnh trên để cho ông trốn thoát trốn thoát về lại Hòa Lan, để rồi ông đâm đơn kiện nhà nứoc đòi bồi thường một số tiền khổng lồ 100 triệu đô la. Nhật báo Người Việt cũng đã đăng tải nhiều bài viết liên quan tới vụ đầu tư của ông Trịnh Vĩnh Bình. 

Bài viết dưới đây của ông Trần Quốc Hoàn, một người Việt cư ngụ ở Vũng Tầu, nơi ông Trịnh Vĩnh Bình đem tiền về đầu tư, và dường như ông Trần Quốc Hoàn là một nhân viên trong guồng máy của nhà nước và đã tỏ ra khá am tường nội vụ, và đã cung cấp cho người đọc trong và ngoài nước nhiều chi tiết lý thú liên quan tới vụ án. Chúng tôi đăng tải lại bài viết này để độc giả được biết thêm về sự ngu dốt, lưu manh, nham hiểm của Tổng Cục II, một cơ quan an ninh hàng đầu của nhà nước VNCS.

---

Gần đây, việc ông Trịnh Vĩnh Bình thưa kiện Chính phủ Việt Nam ra một Tòa án Quốc tế đã làm xôn xao dư luận ở Hải ngoại. Vụ kiện này là một vụ án chưa từng có trong lịch sử Việt Nam và có rất nhiều ý nghĩa khác nhau, đặc biệt là số tiền bồi thường quá lớn đối với một đất nước nghèo khó như Việt Nam:

100,000,000USD

Thật ra, trong những cuộc họp giao ban của khối an ninh vào khoảng cuối năm 2002 thì người ta đã phổ biến thông tin rằng ông Trịnh Vĩnh Bình đang tìm cách thưa kiện Chính phủ Việt Nam rồi. Song, vì thái độ vô trách nhiệm, coi thường pháp luật, coi thường dư luận quốc tế, cộng với sự chủ quan, lúng túng của bộ máy an ninh, của lãnh đạo cộng sản nên họ đã để sự việc diễn biến đến nghiêm trọng như ngày hôm nay. Tuy nhiên, điều đáng buồn là dư luận trong nước lại rất ít người biết đến vụ việc này, do sự chỉ đạo bưng bít thông tin của Ban Tư tưởng Văn hóa, Ðảng Cộng Sản Việt Nam, mới chỉ có hai, ba tờ báo là “dám” nhắc đến vụ án này một cách “qua quít”, sao chép giống hệt nhau, cùng với mấy ông luật sư trả lời một cách “không có đầu, không có cuối”. 

Nhà nước Cộng Sản Việt Nam, mà tất nhiên là do Ðảng Cộng Sản cầm quyền lãnh đạo, đã rất lo ngại vụ việc này bị phanh phui như một vụ án nghiêm trọng và đặc biệt điển hình để tố cáo chế độ cộng sản ở nhiều mặt khác nhau. Với Quốc tế và giới doanh nhân (xin nhấn mạnh ở đây là giới doanh nhân nói chung, ở cả trong và ngoài nước chứ không riêng gì Việt kiều hay doanh nghiệp nước ngoài như một số bài báo nêu ra, vì ở Việt Nam chưa hề có “một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp” như lời mời gọi của giới lãnh đạo cộng sản vẫn hô hào, bất kể doanh nghiệp nào không phải là doanh nghiệp nhà nước (là “con bò sữa”, là chỗ làm tiền và rửa tiền của Mafia cộng sản) đều gặp phải rất nhiều rắc rối do chính quyền gây ra) đây là một vụ án điển hình nhất được tố cáo và sẽ đưa ra xét xử công khai trước Quốc tế, sẽ là một bằng chứng sống động nhất cho Thế giới biết đến sự cưỡng bức trắng trợn, sự bất chấp luật pháp, vi phạm nhân quyền của bộ máy an ninh cộng sản, chính quyền cộng sản. Ðặc biệt đây là một sự kiện hi hữu, không thể lý giải được: Một tội phạm đào thoát đang chịu hình phạt bị kết án 11 năm tù - có nghĩa là một kẻ đang bị một chính phủ truy nã - lại dám công khai đứng ra kiện chính phủ đó trước Tòa án Quốc tế. Nhưng quan trọng hơn là đối với số đông quần chúng nhân dân, chính quyền cộng sản đang rất lo sợ dư luận nhân dân sẽ biết rõ sự việc này, và đặc biệt nếu chính phủ Việt Nam sẽ bị xử thua ở phiên tòa năm sau thì vụ án này sẽ gây ra một sự bất bình lớn trong dân chúng, nếu toàn bộ sự thật được phơi bày có thể sẽ gây ra một làn sóng phản ứng mạnh mẽ mà sẽ khó đoán trước được hậu quả như thế nào.



Sau khi đã đọc và nghe kỹ hầu hết các bài viết và phỏng vấn ở Hải ngoại có liên quan đến vụ án, tôi xin gửi đến quý độc giả (thính giả) và đặc biệt là ông Trịnh Vĩnh Bình thêm một số chi tiết mà tôi khẳng định là yếu tố quyết định vụ án. Với cương vị là một người trong cuộc, tôi xin đảm bảo rằng những thông tin mình đưa ra là chính xác 100% (điều này hy vọng sẽ được ông Trịnh Vĩnh Bình xác nhận), đồng thời cũng cung cấp thêm một số thông tin mà có thể do ở một góc độ khác ông Trịnh Vĩnh Bình không được biết, hoặc vì một vài lí do nào đó mà ông Trịnh Vĩnh Bình đã không tiết lộ, với mục đích làm rõ hơn những ẩn khuất trong vụ án này và để dư luận trong ngoài nước sẽ được biết đến, quan tâm đến vụ án này hơn nữa; qua đó quần chúng nhân dân, đồng bào Việt Nam ở Hải ngoại và trong nước sẽ cùng lên tiếng tố cáo những bất công, bưng bít, vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền của chế độ Cộng Sản Việt Nam. 

Cần trở lại vụ án Công ty cổ phần Bình Châu (cũng gọi là vụ án Bình - Hà Lan) ở những năm 1998-1999, đã được báo chí Việt Nam viết đến rất nhiều, cũng không ít bài báo viết có sự phân tích, mổ xẻ về tính pháp lý của vụ án, bênh vực “bị cáo” Trịnh Vĩnh Bình. Do có nhiều quan điểm đánh giá khác nhau nên vụ án được dư luận trong nước quan tâm nhiều. Thế nhưng, sự quan tâm đấy cũng chỉ đơn thuần coi như một vụ án kinh tế, có “dính dáng” đến Việt kiều, đến đầu tư nước ngoài. Rất ít ai được biết đến vụ án là đã có những yếu tố chính trị, thậm chí cái yếu tố ấy đã có tính quyết định tòan bộ vụ án. Về nội dung này tôi không nghĩ là ông Trịnh Vĩnh Bình đã không hề biết gì. Gần đây, khi trả lời phỏng vấn báo chí ông Trịnh Vĩnh Bình cũng đã không cung cấp thêm thông tin gì mới hơn, có thể ông cần phải giữ thái độ thận trọng cần thiết, cũng có thể ông chưa được biết chính xác. Tôi xin công khai chi tiết này dưới đây, để độc giả có thể hiểu được bản chất của sự việc và qua đó các bên liên quan sẽ tìm ra những phương pháp hành sử tốt nhất trong những công việc tiếp theo của vụ án mà ông Trịnh Vĩnh Bình đang theo kiện chính phủ Việt Nam. 

Những nguyên nhân chính mà ông Trịnh Vĩnh Bình đưa ra (cũng đã được ông Trọng Kim, chủ bút tờ báo Ngày Nay ở Houston, Texas - Hoa Kỳ cho biết thêm) là do ông Bình đã có một sự đối đầu với cơ quan công an tỉnh Bà rịa - Vũng tàu, cụ thể là ông Ngô Chí Ðan, trưởng phòng an ninh điều tra (PA24) và ông Phạm Văn Phương - anh vợ ông Ngô Chí Ðan - chức danh phó Tổng giám đốc công ty liên doanh Vicarent. 

Sự việc này cần phải diễn giải chi tiết thêm thì độc giả mới có thể hình dung được. Tại địa phương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì gần như ai ai cũng đều biết đến ông Ngô Chí Ðan, với cương vị trưởng phòng an ninh điều tra, phó thủ trưởng cơ quan điều tra liên tục mười mấy năm liền, và là một con người khét tiếng với các vụ án quan trọng. Thế nhưng còn nổi tiếng và “tài ba” hơn nhiều lại chính là ông Phạm Văn Phương, anh vợ của Ngô Chí Ðan, với những quan hệ mà những người dân thường chỉ nghe thấy thôi cũng đã phải “rùng mình”, từ Tổng bí thư (xin nói rõ là Tổng bí thư Ðảng Cộng Sản Việt Nam chứ không phải bí thư xã, bí thư huyện nhé) đến Thủ tướng, phó Thủ tướng Chính phủ, còn cỡ như Bộ trưởng, Thứ trưởng thì ông Phương có thể quen biết vài chục vị. Chỉ qua việc ông ta đã từng hạ “nốc ao” cả Chủ tịch tỉnh và đưa một vị khác lên thay chức chủ tịch tỉnh, rồi vào ủy viên Trung ương Ðảng Cộng Sản là đủ biết uy lực của ông Phương lớn đến thế nào (riêng sự việc này tôi xin gửi thông tin đến độc giả ở một bài viết khác). Thế nhưng,
sau này chính anh em ông Ngô Chí Ðan và Phạm Văn Phương cũng lại phải ra hầu Tòa trong một vụ án khác, mà ông Ngô Chí Ðan đã bị kỷ luật, tước danh hiệu công an, Phạm Văn Phương thì chịu bản án 27 năm tù giam. Thật ra, trong vụ án đó anh em ông Phương, ông Ðan cũng chỉ là con mồi của bộ máy an ninh cộng sản, con mồi của chính cái bẫy mà mình đã giăng ra, và tôi cũng xin khẳng định rằng vụ án đó cũng lại chính là hệ lụy của vụ án Trịnh Vĩnh Bình mà chúng ta đang nói đến hôm nay, vì lí do đó tôi lại phải xin hẹn với độc giả trong một bài viết khác sẽ được nói rõ thêm về vụ án này (độc giả ở Hải ngoại có thể tìm xem về “vụ án Phương Vicarent” trên các trang pháp luật của các báo điện tử tại Việt Nam, còn ở Việt Nam thì chắc là ai cũng đều biết đến vụ án ấy cả). Vì xã hội Việt Nam đã hoàn tòan bị Ðảng cộng sản cưỡng bức thông tin, bưng bít thông tin; chế độ Ðảng trị độc tài can thiệp vào tất cả bê bối kinh tế và chính trị nhằm che dấu tội lỗi của mình, lo sợ sự phản ứng giận dữ của quần chúng, nhằm đảm bảo sự độc tài thống trị của mình, nên người dân không được biết về thế lực thật sự của ông Phạm Văn Phương cùng những hành động tội lỗi của ông ta mà thật ra “tập đoàn Mafia Năm Cam” so ra với ông Phương cũng chỉ bằng hạt cát. 

Quay trở lại vụ án của ông Trịnh Vĩnh Bình, thật không may cho ông Trịnh Vĩnh Bình là: Thời điểm mà ông Trịnh Vĩnh Bình vào Việt Nam đầu tư là thời điểm mà ông Phạm Văn Phương và vây cánh của ông ta đang rất mạnh. Tất cả các doanh nghiệp vào đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu đều phải nhờ vả hoặc đến “ra mắt” ông Phương, phải chịu sự điều khiển của ông ta, hoặc ít ra cũng phải “cống nộp” tiền bạc cho ông ta. Ông Trịnh Vĩnh Bình vì là người ở Hà Lan đến, cộng thêm sự tự tin là về đầu tư trên quê hương mình nên đã không sớm có sự hiểu biết đó. Nguyên nhân mà ông Trịnh Vĩnh Bình hiểu ra rằng sự khó chịu và đối đầu với ông Phạm Văn Phương đã gây ra cho ông bao nhiêu khó khăn, vất vả sau này, từ đổ vỡ trong kinh doanh, rồi tù tội, trắng tay về kinh tế, rồi phải đào thoát, tính mạng nguy hiểm đến thế nào, và cuối cùng là vụ kiện chính phủ Việt Nam mà ngày hôm nay ông đang theo đuổi. Về xuất phát cơ bản thì đúng là như vậy, nhưng sự thật đằng sau đó có ý nghĩa quyết định vụ án đấy là lí do chính trị, bàn tay của Tổng cục II, Bộ quốc phòng. 

Ngay sau khi ông Phương và bè cánh của ông Phương đã lên một “kế hoạch” hãm hại ông Trịnh Vĩnh Bình, người ta chưa hề nghĩ đến sẽ có một hậu quả xấu như thế (tôi chắc là ngay cả chính ông Phương cũng chưa định liệu trước được một hậu quả như vậy). Bởi vì bản chất của Phương chỉ là một kẻ giang hồ, mượn oai thế và uy lực để bức hiếp kẻ yếu, tống tiền, trục lợi. Về con đường “quan lộ”, với cái gốc là lái xe, không một mảnh bằng cấp, không trình độ ngoại ngữ, Phương không thể “mảy may” nghĩ tới. Và Phương cũng không nghĩ ra được rằng con mồi của mình (ông Trịnh Vĩnh Bình) lại liên quan đến các yếu tố chính trị cơ hội khác. Ngô Chí Ðan, dù là trưởng phòng an ninh điều tra, phòng có uy quyền nhất trong lực lượng công an cộng sản (cơ quan điều tra là cơ quan duy nhất được phép ra lệnh triệu tập và bắt người), là cơ quan theo dõi mọi hoạt động an ninh có liên quan đến yếu tố nước ngoài, thế nhưng Ngô Chí Ðan cũng không hề có thông tin và âm mưu hãm hại ông Trịnh Vĩnh Bình là có liên quan đến các yếu tố chính trị (ngoài việc biết ông Trịnh Vĩnh Bình là thành viên Ðảng dân chủ tự do Hà Lan). Việc Phương và Ðan mưu hại thật ra cũng chỉ là một màn kịch tống tiền, Phương và Ðan chưa nghĩ ra được Trịnh Vĩnh Bình sẽ trở thành một miếng mồi thơm hơn để có thể trục lợi những âm mưu khác, Phương và Ðan cũng không thể nghĩ ra rằng việc hãm hại Trịnh Vĩnh Bình có thể để lại một hệ lụy khôn lường (cho chính cả bản thân mình và cho cả chính phủ Việt Nam) đến ngày hôm nay.

Mọi việc không chỉ đơn giản như vậy. Chắc rằng, tất cả những người có một chút am hiểu về bộ máy an ninh của cộng sản đều biết rằng: Mọi công dân nước ngoài khi vào hoạt động, làm ăn tại Việt Nam cũng đều bị một sự giám sát vô hình của cơ quan an ninh cộng sản. Ðặc biệt như trường hợp của ông Trịnh Vĩnh Bình, một thành viên của Ðảng dân chủ tự do Hà Lan, ngoài các bộ phận nghiệp vụ của Bộ công an ra thì không thể nào Tổng cục II - Bộ quốc phòng lại có thể “quên” được. Do vậy, giai đoạn mà mạng lưới Mafia của Phạm Văn Phương đang tìm cách hãm hại ông Trịnh Vĩnh Bình ở thời điểm quan trọng, quyết định nhất thì chính là lúc lộ diện vai trò của Tổng cục II. Lúc đó, Phương và Ðan đều có phần lúng túng (dù là không bất ngờ) vì kế hoạch của mình có thể bị bại lộ hoặc phải thay đổi, lúc này bọn chúng phải tính đến việc phải phối hợp với Tổng cục II để hướng sự việc sang một chiều hướng khác. Do phối hợp với Tổng cục II nên nhiều yếu tố mới đã xuất hiện, từ đó sự việc trở nên phức tạp và ngoài tầm kiểm soát của Phương - Ðan, nhưng cũng lại mở ra một âm mưu mới táo bạo hơn, có lợi hơn cho Phương - Ðan (âm mưu hạ bệ ông Nguyễn Trọng Minh, chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau vụ án này). 

Ðây là yếu tố quyết định của vụ án này, và cũng chính từ Tổng cục II đã phát ra nhiều thông tin đặc biệt rất bất lợi đến ông Trịnh Vĩnh Bình (đến bây giờ cũng khó khẳng định được những thông tin này là thật hay “dỏm” như những thông tin mà Tổng cục II đưa ra về ông Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo cao cấp khác ?) Những diễn biến dưới đây, tôi cũng xin để trả lời cho nguyên nhân tại sao mà ông Trọng Kim, chủ bút tờ báo Ngày Nay ở Houston, Texas - Hoa Kỳ,
không biết được tại sao mà ngay cả khi đã có bút phê của thủ tướng chính phủ Việt Nam - Phan Văn Khải - rồi mà bên Bộ công an họ vẫn ra lệnh khởi tố, bắt giam ông Trịnh Vĩnh Bình (xin xem thêm trong phỏng vấn ngày 15/5/2005 của Ðài RFA, BBC hoặc các trang Web: www.ykien.net, www.doi-thoai. com,www.danchimviet. com...). Và qua đây tôi cũng xin làm rõ một số chữ viết tắt (mà theo tôi là không cần thiết), và một số điều chưa rõ trong “Thư gửi đồng bào cả nước” của tác giả Nguyễn Thiện Tâm đăng trên rất nhiều báo chí Hải ngoại thời gian gần đây, ở phần nói về vụ án của ông Trịnh Vĩnh Bình (xin đọc trên trang Web: www.vnn-news. com ra ngày 18/5/2005). Việc này ông Trọng Kim cho rằng: Là do thế lực và vây cánh của thứ trưởng Bộ công an - Nguyễn Khánh Tòan - quá mạnh. Thực chất, không phải là như vậy, mặc dù tôi cũng khẳng định rằng ông Phương - Ðan có quan hệ rất thân thiết với ông Nguyễn Khánh Tòan (thậm chí việc ông Nguyễn Khánh Tòan mất ghế Bộ trưởng công an sau này cũng do vụ án “Phương Vicarent” mà liên lụy), thế nhưng lúc đấy ông Lê Minh Hương là Bộ trưởng - Ủy viên Bộ chính trị, quyền lực rất mạnh nếu muốn làm cũng không thể làm được gì, đấy chính bởi vì đã có bàn tay của Tổng cục II - Bộ quốc phòng dính vào, thậm chí là quyết định tòan bộ vụ án. 

Rất ít khi có một vụ án kinh tế mà lại phức tạp như vụ án này. Cần phải nói rõ thêm, về vụ án này đã có mấy chục cá nhân liên quan được cơ quan công an thẩm vấn, điều tra. Trong số các bị cáo, ngoài ông Trịnh Vĩnh Bình là bị cáo chính, còn một nhân vật cũng được rất nhiều người biết đến, đấy chính là ông Lê Quang Luyện, tiến sĩ hóa học, đã từng là thư ký riêng của Chủ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; gia đình bà Hương, vợ ông Luyện, lại có quan hệ với bà phó chủ tịch nước Việt Nam lúc đó là Nguyễn Thị Bình và ông Nguyễn Mạnh Cầm (lúc đó mới chỉ là Bộ trưởng Bộ ngoại giao). Từ đó đã nảy sinh ra rất nhiều mối quan hệ, nhiều sức ép từ nhiều phía. Bằng con đường ngoại giao, chính phủ Hà Lan đã có công hàm cho chính phủ Việt Nam. Thường vụ Bộ chính trị Việt Nam đã phải họp mở rộng bốn lần về vụ án này. Theo quan điểm ngoại giao, ông Phan Văn Khải và bà Nguyễn Thị Bình (đã từng là bộ trưởng ngoại giao và trưởng phái đoàn đàm phán của CPLTCHMN Việt Nam tại Paris) đề nghị đình chỉ vụ án và giải oan cho ông Trịnh Vĩnh Bình. Ngược lại, ý kiến của ông Lê Khả Phiêu, Lê Minh Hương và đặc biệt người tỏ ra quyết liệt, gay gắt nhất là ông Phạm Thế Duyệt (người mà tác giả Nguyễn Thiện Tâm viết tắt là PTD, còn ba người kia nữa là ông Châu Văn Mẫn - giám đốc công an tỉnh Bà rịa - Vũng tàu, Lê Văn Dỹ - bí thư tỉnh ủy, sau này bị khiển trách và đưa ra làm Phó Ban kinh tế Trung ương, và Phạm Văn Phương) là phải kiên quyết xử lý. Nhưng từng ý kiến của các vị Ủy viên Bộ chính trị ấy đều không có tính quyết định bằng các chứng cứ của Tổng cục II đưa ra, họ khẳng định rằng Trịnh Vĩnh Bình vào Việt Nam là để hoạt động gián điệp, núp dưới cái “vỏ” doanh nhân. Tổng cục II đã đưa ra hàng loạt những ghi chép theo dõi về các hoạt động của ông Trịnh Vĩnh Bình, một trong những mục tiêu của Trịnh Vĩnh Bình là mua chuộc các cán bộ cao cấp nhất, mà cụ thể
Tổng cục II đưa ra dẫn chứng về một cuộc sắp đặt của ông Trịnh Vĩnh Bình tiếp xúc ông Phan Văn Khải, cũng như việc ông Trịnh Vĩnh Bình đã dùng tiền hối lộ (mà theo tổng cục II là để mua chuộc, khống chế) ông Nguyễn Trọng Minh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà rịa - Vũng tàu (sau này ông Minh cũng bị mất chức Chủ tịch vì vụ việc này) (người viết chỉ đưa ra các chi tiết theo các tài liệu có được, điều này chắc chắn ông Trịnh Vĩnh Bình là người biết rõ nhất và là đúng sai như thế nào?) Về phía bà Nguyễn Thị Bình và ông Nguyễn Mạnh Cầm cũng được Tổng cục II cho biết những mối quan hệ và tiếp xúc với gia đình ông Lê Quang Luyện, do vậy ông Khải, ông Cầm và bà Bình gần như “chết cứng”, không thể nói được gì nữa. Vậy là từ một âm mưu tống tiền rồi chuyển thành một vụ án kinh tế, một vụ án kinh tế lại được biến ra thành một vụ án chính trị. Bộ chính trị Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã phải trực tiếp chỉ đạo vụ án. Tuy nhiên, cả phía an ninh quân đội và công an đều cho rằng họ đã “bắt non” ông Trịnh Vĩnh Bình, vì vậy họ phải xử theo một vụ án kinh tế (chứ không phải là “hình sự hóa quan hệ kinh tế” như ông Trịnh Vĩnh Bình đã trả lời phỏng vấn báo chí). Vậy là việc ông Trịnh Vĩnh Bình bị kết án là việc không thể tránh khỏi và là một “vở kịch” đã được Tổng cục II viết sẵn rồi, các công việc thủ tục pháp lí tiếp theo chỉ còn mang tính chất hợp pháp hóa cho cái “vở kịch” đó thôi. 

Nhưng sau khi ông Trịnh Vĩnh Bình đã bị kết án và bắt giam rồi thì lại xảy ra một “tấn tuồng” khá vụng về của cơ quan an ninh Việt Nam và “tấn tuồng” ấy đã để lại hậu quả đến hôm nay. Ðấy chính là việc “để thoát” ông Trịnh Vĩnh Bình, cần xem lại các báo chí Việt Nam viết về sự kiện đó, các báo đưa tin: “Trịnh Vĩnh Bình đã bỏ trốn khi cơ quan công an di lí từ Tân Sơn Nhất ra Nội Bài - Hà Nội” (
đào thoát trên máy bay mới lạ chứ! Thật là một “trò hề” quá vụng về!) Việc này, gần đây tất cả các bài báo và trả lời phỏng vấn của ông Trịnh Vĩnh Bình đều không đề cập đến. Có thể vì lí do nào đó mà ông Trịnh Vĩnh Bình đã né tránh điều này, chỉ duy nhất hai lần ông Trịnh Vĩnh Bình và ông Trọng Kim nhắc đến sự việc này với từ “đào thoát” mà không nói gì thêm. Tôi chắc chắn rằng ông Trịnh Vĩnh Bình có thể viết sách bán được về cái vụ “đào thoát” của mình. Tôi cũng đề nghị ông Trịnh Vĩnh Bình cần công khai tất cả những chi tiết này, vì nó sẽ có lợi hơn cho ông. Theo một thông tin tuyệt mật được phía Bộ công an tiết lộ thì âm mưu đào thoát của ông Trịnh Vĩnh Bình lại là một kế hoạch được thỏa thuận ngầm của Tổng cục II. Rất may khi ông Trịnh Vĩnh Bình đã nghĩ là: “Sau một thời gian tôi được tại ngoại, tôi cảm thấy là có nguy cơ tôi sẽ bị bắt lại và đưa vào tù và có thể tôi sẽ bị chết. Do đó, với hoàn cảnh đó, tôi phải đào thoát khỏi Việt Nam”. Bởi vì, theo kế hoạch đó của Tổng cục II, việc họ bắt và xử ông là không có cơ sở, trái với luật pháp Quốc tế và Việt Nam. Do vậy, các Chính phủ và tổ chức Quốc tế sẽ can thiệp và nếu sự việc vỡ lở lúc đó sẽ dẫn đến những hậu quả lớn hơn trên trường Quốc tế. Vậy thì, cách tốt nhất là họ để ông “đào thoát” và sau đó sẽ tìm cách thủ tiêu ông, lúc đó sẽ chẳng có ai phải chịu trách nhiệm về vụ án của ông cũng như mạng sống của ông nữa. Nếu có một tổ chức điều tra Quốc tế nào đó có thể điều tra ra thì đấy cũng chỉ như một vụ án hình sự thanh toán lẫn nhau của các băng nhóm giang hồ mà thôi. Những linh tính đã mách bảo cho ông Trịnh Vĩnh Bình và cứu ông thoát khỏi cái chết trong tay của Tổng cục II. Phải chăng, đây là một trong những trường hợp may mắn khá hi hữu, hay là khi ông Trịnh Vĩnh Bình tiết lộ rõ mọi chuyện thì người ta sẽ lại được thấy thêm những bộ mặt phản trắc trong nội bộ Tổng cục II? 

Từ vụ án này người ta lại thấy bản chất cực kỳ thâm độc của cơ quan An ninh cộng sản - Tổng cục II. Nhưng hơn tất cả là người ta nhận thấy sức mạnh ghê gớm của nó, nó có thể điều hành tất cả các vị trí, chức vụ cao nhất trong Ðảng, trong Chính phủ, kể cả các ủy viên Bộ chính trị. Nó có thể can thiệp vào mọi công việc và quyết định mọi sự việc theo ý mình. Sau vụ này cũng cần phải nói thêm là viên trung tá phụ trách Tổng cục II ở Bà Rịa - Vũng Tàu là Võ Minh Thắng (biệt hiệu là Thắng “què”) đã được phong quân hàm lên chức thượng tá. 

Cuối cùng, điều gì cần rút ra sau vụ án này Dù ông Trịnh Vĩnh Bình có thắng hay thua trong vụ án này thì nhiều bài học rất xót xa cũng đã và sẽ được rút ra từ các bên, mà những nguyên nhân của nó lại chính xuất phát từ cơ quan an ninh - Tổng cục II, Bộ quốc phòng Việt Nam, một cơ quan đã gây ra quá nhiều vụ án, tai tiếng từ quá khứ và hiện tại rồi sẽ ảnh hưởng đến tương lai của cả dân tộc. Nhà nước Việt Nam thì bị tai tiếng, mất uy tín trên trường Quốc tế. Chính quyền Việt Nam thì bị mất đi một số cán bộ do bị họ chụp mũ, vu khống, cưỡng bức. Các cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp, những người không thể tự mình có thể đối phó với thế lực của họ thì bị tù đày, oan ức, sạt nghiệp và không ít người bị thủ tiêu, bức tử. Và điều gì nữa sẽ xảy ra nếu ông Trịnh Vĩnh Bình sẽ thắng kiện trong vụ kiện sắp tới (mà cá nhân tôi tin chắc rằng ông ta sẽ thắng kiện)? Ông Trịnh Vĩnh Bình cũng đã khẳng định rằng số tài sản ban đầu mà ông đầu tư vào Việt Nam chỉ tổng cộng trên dưới 4 triệu Mỹ kim; tất nhiên con số 100 triệu Mỹ kim của ông Bình và luật sư của ông đưa ra yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải bồi thường cũng phải rất có cơ sở, vậy số tiền chênh lệch lên đến 96 triệu đô la Mỹ, có nghĩa là phải chịu trách nhiệm bồi thường tòan bộ gấp 24 lần giá trị ban đầu. Một trăm triệu đô la Mỹ, đâu phải là một khoản tiền nhỏ? Một khoản tiền rất lớn đối với mọi quốc gia, và đối với Việt Nam lại càng là một số tiền khổng lồ. Ở Việt Nam, với số tiền đó có thể xây dựng được hơn 200 trường học khang trang, hiện đại; khoảng 30 bệnh viện lớn. Số tiền đó có thể giúp cho khoảng 160,000 hộ gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo. Và nếu chia đầu người 82 triệu dân Việt Nam phải gánh chịu thì già trẻ, lớn bé mỗi người đều phải đóng góp gần 20,000 đồng mới đủ để trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình, chưa tính được án phí sẽ là bao nhiêu nữa. 

Thật là khủng khiếp. Thật là đáng căm giận! Số tiền đó ai sẽ phải trả? Chính phủ Việt Nam ư? Chẳng có Ngân sách quốc gia nào cả, đấy chính là tài sản của nhân dân Việt Nam đó. Tất cả một đồng bạc nào của đất nước Việt Nam cũng đều do nhân dân lao động làm ra và đóng góp cả. Hết vụ kiện của ông Letard kiện Liên đoàn bóng đá Việt Nam số tiền 197,000 Mỹ kim, rồi lại đến vụ hãng hàng không quốc gia Việt Nam Airline bị kiện bồi thường khoảng 5 triệu đô la Mỹ, rồi lại đến vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình sắp tới đây. Ðảng Cộng Sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam sẽ lấy đâu ra tiền để bồi thường những khoản tiền đấy (dù chỉ là chi phí theo hầu kiện và án phí)? Ðảng Cộng Sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam làm gì có “của hồi môn” nào để lại mà tự gánh chịu thiệt hại? Tất nhiên những đồng tiền ấy là của NHÂN DÂN rồi! Thế thì, ai cho phép Ðảng Cộng Sản Việt Nam được tự ý sử dụng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân như vậy? Ai cho phép Ðảng Cộng Sản Việt Nam dùng mồ hôi của người lao động để đóng cái khoản “tiền ngu” cho mình như thế? Tại sao báo chí Việt Nam và những ông luật gia, luật sư lại chỉ nói đến việc ấy một cách vô cảm, vô trách nhiệm như là một “bài học kinh nghiệm”? Nhân dân Việt Nam đâu có cần và đâu có làm ra những “bài học kinh nghiệm” đó ? 

Hay phải chăng những đồng tiền đó không phải là mồ hôi, nước mắt của nhân Việt Nam? Hoàn tòan không thể như vậy được, chẳng qua là do người dân không được biết sự thật đó thôi. Nhân dân Việt Nam cần phải biết sự thật! Những nhà hoạt động dân chủ, những người có khả năng và phương tiện để tuyên truyền đến dân chúng, cùng tất cả những người dân yêu nước Việt Nam, phải vạch rõ những sự thật này cho mỗi người dân trong nước được biết đến. Trách nhiệm là của tất cả mọi người, nếu chúng ta không muốn nhìn thấy bất công, nếu chúng ta không muốn đất nước và nhân dân phải chịu thiệt hại, nếu chúng ta không muốn lại tái diễn những sự kiện tương tự, chúng ta phải có trách nhiệm thông báo và giải thích rõ những sự kiện này đến mỗi người dân lao động Việt Nam? Tại sao các tổ chức đối lập ở Hải ngoại không lên tiếng đấu tranh với Chính phủ Việt Nam về những sự kiện này? Phải chăng là họ không cảm thấy thương xót cho tài sản, mồ hôi nước mắt của đồng bào mình đã bị Nhà nước cộng sản xâm phạm? Tại sao những nhà hoạt động dân chủ trong và ngoài nước không lên tiếng đấu tranh với một sự việc quá rõ ràng và không thể bưng bít được (so với vụ án Tổng cục II mà lâu nay vẫn tốn nhiều giấy mực nói đến)? Phải chăng các nhà hoạt động dân chủ cho rằng vụ việc này không liên quan đến đấu tranh dân chủ, không thiệt hại đến đồng bào và cá nhân mình? Còn chờ gì nữa? Ðã đến lúc cần phải tự cảnh tỉnh và tự vấn mình!! 

Bài viết này tôi cũng xin gửi đến tòan thể đồng bào Việt Nam ở trong nước và Hải ngoại để chúng ta được biết thêm sự thật đằng sau bức màn đen tối của chế độ cộng sản Việt Nam. Tôi xin nhờ đến các cơ quan đài, báo Việt Nam ở Hải ngoại và đài, báo quốc tế có quan tâm đến sự việc này giúp tôi chuyển bài viết này đến đồng bào Việt Nam ở trong nước và trên khắp Thế giới. Tôi cũng rất mong sẽ nhận được những ý kiến của ông Trịnh Vĩnh Bình để khẳng định thêm tính trung thực về những tư liệu mà tôi đưa ra, đồng thời cũng rất mong muốn rằng ông Trịnh Vĩnh Bình sẽ cho các cơ quan báo chí và đồng bào Việt Nam được biết thêm những chi tiết về cuộc “đào thoát” của mình, cùng những thủ đoạn đen tối của cơ quan an ninh cộng sản đã áp dụng đối với ông. Tôi cũng sẽ xin cung cấp thêm những thông tin riêng mà mình đang có liên quan đến vụ án mà ông đang theo đuổi, nếu ông thấy cần thiết. 

Xin hẹn trở lại với độc giả ở một bài viết sau, nói về hậu quả của vụ án Bình Châu (Trịnh Vĩnh Bình) đã để lại cho gia đình ông Phạm Văn Phương và Ngô Chí Ðan, cũng chính là một vụ bê bối chính trị trong bộ máy cộng sản được ém nhẹm, ngụy trang dưới cái vỏ “kinh tế” để lừa bịp che mắt nhân dân. 

Theo Người Việt Online
Trương Trọng Trác

Một Việt kiều kiện nhà nước Việt Nam trước tòa quốc tế đòi bồi thường 100 triệu đô-la

Một thương gia người Hòa Lan gốc Việt đã kiện nhà nước Việt Nam lên tòa án quốc tế của Liên Hiệp Quốc đòi bồi thường tới cả trăm triệu mỹ kim.

Ðây là lần đầu tiên một cá nhân đầu tư vào Việt Nam bị mất hết tài sản đã đưa vấn đề này ra trước tòa án quốc tế, đúng vào lúc Hà Nội cần chứng tỏ thiện chí “trong sáng hóa” các luật lệ đầu tư để xin vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) cũng như đang nhắm lôi kéo người Việt nước ngoài đem tiền về đầu tư vào trong nước qua nghị quyết 36 đưa ra hồi cuối năm qua. Nhân vật trên là ông Trịnh Vĩnh Bình, một thương gia người Việt có quốc tịch Hòa Lan.

Ông Trịnh Vĩnh Bình là một triệu phú ở Hòa Lan, 58 tuổi, đem hơn 3 triệu mỹ kim về làm ăn và đầu tư trong nước từ đầu thập niên 1990, đã mất hết cơ nghiệp và bị lãnh án 11 năm tù vào cuối năm 1998. Ông đã bị tạm giữ 18 tháng và trong khi được tại ngoại, đã thoát ra khỏi Việt Nam cách nay sáu năm, đã chính thức nhờ tổ hợp luật sư nổi tiếng của Mỹ Covington Burling ở Hoa Thịnh Ðốn đại diện để kiện nhà cầm quyền Việt Nam, đòi bồi thường thiệt hại.

Luật sư của ông Bình đã chính thức đưa vấn đề ra từ cuối năm 2003 nhưng phải tới cuối năm nay, 2005, tòa án quốc tế giải quyết các tranh chấp về đầu tư mới họp ở thủ đô Thụy Ðiển để xét xử sự tranh chấp
sau khi mọi dàn xếp trực tiếp đã không đạt được kết quả và phía ông Bình chính thức nộp đơn kiện hồi tháng Năm, 2004.

Ðiểm căn bản trong vụ này là ông đã đem tiền về Việt Nam đầu tư theo sự khuyến khích của chính phủ Hòa Lan sau khi nước này và Việt Nam ký kết một thương ước về đầu tư.

Tổ hợp luật sư Covington Burling của Hoa Kỳ đã đại diện ông Bình dựa trên điều 9 của bản hiệp ước giữa Hòa Lan và Việt Nam liên hệ tới việc “phát huy và bảo vệ đầu tư” ký kết vào năm 1994.

Ðại diện phía Việt Nam ký vào hiệp ước trên lúc đó là Ngoại Trưởng Nguyễn Mạnh Cầm.

Ðã có những bằng chứng cho thấy vụ án ông Bình đã được đưa lên tới lãnh đạo cấp cao của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Bình, với sự bao che của cấp chỉ huy ngành Công An lúc đó là ông Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng Bộ Công An và cũng là tổng cục trưởng vụ an ninh, vụ án đã không được giải quyết theo luật pháp ở Việt Nam, dù chính Thủ Tướng Phan Văn Khải đã ra lệnh “xem xét lại” trường hợp của ông Bình.

Mặt khác, bà Nguyễn Thị Bình, vào giữa năm 1999 với tư cách dân biểu và cũng là phó chủ tịch nước cũng đã nêu vụ ông Bình về Việt Nam đầu tư bị mất hết vì nạn lộng quyền ở địa phương ra trước Quốc Hội mà lúc đó ông Nông Ðức Mạnh làm chủ tịch (nay là tổng bí thư Ðảng Cộng Sản Việt Nam).

Theo các tin tức từ Hòa Lan thì vào đầu thập niên 90, ông Bình đã rất thành công trong việc sản xuất chả giò và đã được giới truyền thông Hòa Lan gọi là “Vua Chả Giò”.
Ông Bình đã bán công ty làm chả giò của mình ở Hòa Lan, đem khoảng 2.5 triệu mỹ kim và 96 ký vàng về Việt Nam làm ăn và đầu tư.

Theo luật sư của ông Bình thì “trong thập niên những năm 1990, ông Trịnh Vĩnh Bình đã thực hiện những đầu tư vào động sản và bất động sản như trong các công ty ở Việt Nam được nằm trong định nghĩa tiêu biểu” của hiệp ước đầu tư giữa Việt Nam và Hòa Lan.

Ðầu tư chính của ông Bình là vào hai xí nghiệp Tín Thành Ltd ở thành phố Hồ Chí Minh và công ty liên doanh Bình Châu đặt tại Bà Rịa Vũng Tầu và TP.HCM.

Phía luật sư của ông Bình cho biết ông Bình cũng đã bỏ tiền đầu tư vào mua bất động sản ở Bà Rịa và TP.HCM cũng như tham gia vào một dự án điền thổ lâm sản.

Luật sư của ông Bình cho biết: Căn cứ trên lời vu cáo của một người tên Trịnh Hiền Thanh ngày 4 tháng Mười Hai năm 1996, và mặc dầu vu cáo này sau đó đã được y cải chính rồi rút lại, ông Trịnh Vĩnh Bình vẫn bị giam giữ và bị cáo buộc ba tội trạng có liên hệ đến hoạt động đầu tư của ông.

Ông bị giam cầm cho đến ngày 25 tháng Sáu năm 1998, và từ đó được ra khỏi tù nhưng vẫn bị quản thúc tại gia. Ông không được xét xử về những cáo buộc, mãi cho đến tháng Chạp 1998, lúc mà ông bị phán quyết có hai tội trạng: hoạt động đầu tư bất hợp pháp và hối lộ viên chức chính quyền.
Ông bị xử án 11 năm tù ở và phạt vạ 480 lượng vàng và 6.2 tỉ đồng.

Thêm nữa, tất cả tài sản đầu tư của ông Bình ở Việt Nam đều bị tịch thu.

Trong suốt vụ xét xử và trong các vụ chống án liên tiếp, ông Trịnh Vĩnh Bình luôn luôn khẳng định mình vô tội đối với các cáo trạng đó. Vụ chống án đầu tiên của ông bị phán xét khước bỏ hồi tháng Năm, 1999.

Tài sản của ông Bình ở Việt Nam qua hai công ty Tín Thành và Bình Châu theo sự ước tính của gia đình ông lên tới từ 20 tới 30 triệu mỹ kim (vào năm 2000) sau sáu năm làm ăn ở Việt Nam từ 1990 tới 1996.

Theo lá thư của luật sư Mỹ đại diện ông Bình gửi nhà cầm quyền Việt Nam hồi cuối năm 2003 thì “Thật sự, sự vô tội của ông Trịnh Vĩnh Bình bây giờ có thể được chứng minh một cách dứt khoát. Ngày 24 tháng Sáu năm 2002, Trịnh Hiền Thanh đã thú nhận bằng văn bản với nhà chức trách Việt Nam là y đã vu khống tố cáo ông Trịnh Vĩnh Bình về những hành động khiến ông bị xét xử.

“Căn cứ trên lời thú nhận đã bạch hóa mình như vậy, ông Trịnh Vĩnh Bình đã dấn mình vào trong một cuộc tranh đấu dài để rửa sạch tên tuổi của mình. Ông đã tiếp xúc với nhiều viên chức tư pháp và nhân vật đảng ở Việt Nam, đã kêu gọi sự can thiệp ngoại giao của chính phủ Hòa Lan và đã nhận được sự ủng hộ của các ủy viên thuộc Quốc Hội Âu Châu.

Tất cả những người được nghe trình bày sự việc của ông Trịnh Vĩnh Bình, kể cả Thủ Tướng Phan Văn Khải, đều nhìn nhận có sự bất công trong vụ này; dầu vậy, tài sản của ông Trịnh Vĩnh Bình chưa được hoàn trả và ông chưa được phục hồi danh dự”.

Trong việc kiện nhà nước Việt Nam trước tòa án quốc tế về đầu tư qua lời luật sư của ông Bình thì ông đã “thực thi quyền lợi của mình như một nhà đầu tư Hòa Lan tại nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam dựa theo hiệp ước đầu tư giữa Hoà Lan và Việt Nam”.

Diễn biến vụ kiện ra tòa quốc tế

Ông Bình cho biết từ cuối năm 2003, trước khi khởi kiện, luật sư của ông đã viết thư thông báo cho giới chức lãnh đạo Hà Nội và yêu cầu phía Việt Nam trả lại toàn bộ tài sản cho ông Bình đã đầu tư ở Việt Nam.

Sau đó, chính quyền Hà Nội qua tòa đại sứ Việt Nam ở cả Hoa Thịnh Ðốn lẫn Hòa Lan đã liên lạc với ông Bình để thương lượng.

Tuy nhiên, theo lời ông Bình thì các cuộc thương lượng đó đã không mang lại kết quả mong muốn, vì đại diện phía Việt Nam chỉ yêu cầu suông ông Bình là đừng nên đem ra kiện, vì họ e ngại báo chí thông tấn viết bất lợi cho Việt Nam mà không đưa ra được giải pháp công lý nào cả.

Một giới chức nhà nước Việt Nam khi được hỏi về vụ kiện này, cho biết người trách nhiệm hiện chưa thể trả lời về vấn đề trên trước khi báo lên khuôn.

Phiên tòa quốc tế nhằm giải quyết vụ tranh chấp đầu tư này sẽ khởi sự vào tháng Chạp, 2005 và quá trình xét xử sẽ kéo dài cả năm sau khi
ông Bình đã đóng tiền ký quỹ tới 150.000 mỹ kim và phía nhà nước Việt Nam cũng đã đóng số tiền tương đương
.

Sự tốn kém về án phí có thể lên tới hàng triệu mỹ kim và tuy phía ông Bình chưa tiết lộ số đòi hỏi thiệt hại nhưng nguồn tin cho hay số tiền này lên tới cả trăm triệu mỹ kim.

Phía chính quyền Việt Nam đã thuê tổ hợp luật sư có tiếng của Pháp Glide Loyrette Rouel có văn phòng ở Hà Nội đại diện.

Ông Bình cho biết “Hành lang pháp lý cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa an tòan, đã có không ít Việt kiều gặp phải rắc rối khi về đầu tư ở Việt Nam... Cần phải chờ cho đến khi nào hành lang pháp lý của Việt Nam an toàn hơn và ở mọi trường hợp nên làm việc, tham vấn chặt chẽ với sứ quán của quốc gia mà mình mang quốc tịch. Tuyệt đối không cả tin vào sự vẽ vời từ người trong nước, cho dù họ là người thân...”.

Theo một chuyên viên kinh tế ở Hoa Thịnh Ðốn thì vụ này sẽ gây bất lợi cho vấn đề kêu gọi đầu tư vào Việt Nam của Hà Nội và sẽ được coi như một kinh nghiệm điển hình cho người Việt hải ngoại muốn về làm ăn ở Việt Nam. Chắc chắn việc này sẽ được nêu ra khi Thủ Tướng Phan Văn Khải viếng thăm Hoa Kỳ vào mùa hè năm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét