Nhãn

4 tháng 10, 2012

542. Minh Diện: MỘT NHÓM LỢI ÍCH QUANH “MIẾNG CHẢ GIÒ” (vụ Trịnh Vĩnh Bình)


"Ôi, đừng chụp mũ tôi như thế, oan ức lắm!".

Bvbqd - Từ nǎm 1990 đến 1996, ông Trịnh Vĩnh Bình bỏ vốn đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Sau đó ông bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kết án tù vì vi phạm quy định quản lý và bảo vệ đất đai, đưa hối lộ, đồng thời bị tịch thu tài sản tại Việt Nam.

Nay ông Trịnh Vĩnh Bình đã nộp đơn kiện phía Việt Nam ra một Trung tâm Trọng tài quốc tế về giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư, đặt tại Stockholm (Thụy Điển). Theo đơn kiện, ông Bình yêu cầu phía Việt Nam phải bồi thường số tiền khoảng 100 triệu USD.

Vì lòng tham, họ mượn danh pháp luật, tìm chuyện vu cáo khép tội, bất chấp tất cả để chiếm đoạt của ngươi khác, đẩy những doanh nhân đang nhiệt thành, tâm huyết làm ăn có hiệu quả vào vòng lao lý, rồi mất trắng tay nguồn tài sản tạo dựng cả đời mới có. Tòa Quốc tế xử, nếu số tiền này phải nộp lại cho ông Bình thì phải truy tận ổ những kẻ đã cố tình dựng chuyện vụ án để chiếm đoạt, chia chác tài sản của ông Bình, bắt họ phải bồi thường, không thể lấy tiền Nhà nước để dọn "đống rác hậu họa" này.

Minh Diện: Một nhóm lợi ích quanh "miếng chả giò"

- Tôi bị hàm oan! Không được cướp tài sản của tôi!


Ông Trịnh Vĩnh Bình

Đó là tiếng kêu đầy tuyệt vọng của Trịnh Vĩnh Bình trước khi phải vào cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy, tại phiên tòa phúc thẩm cách đây vừa tròn 14 năm. Dư âm của tiếng kêu tuyệt vọng đó còn ngân mãi như một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những doanh nhân, những người tử tế trước những động cơ nhắm vào các doanh nghiệp làm ăn phát tài, nguồn tài sản lớn mà bây giờ người ta gọi là “nhóm lợi ích” ở Việt Nam.
 
Trịnh Vinh Bình sinh năm 1947 tại  Sóc Trăng, năm 1976 vượt biên sang định cư ở Hà Lan với hai bàn tay trắng. Người thanh niên chưa đầy ba chục tuổi này vừa lo học, vừa kinh doanh và tham gia hoạt động xã hội. Báo chí Hà Lan ca ngợi Bình là người thành đạt không chỉ so sánh với cộng đồng người Việt ở xứ sở hoa tuy líp. Với công ty chả giò, một món ăn thuần túy Việt Nam, Trịnh Vĩnh Bình trở thành triệu phú vào năm 1987, và là một thành viên uy tín trong Đảng dân chủ tự do đang cẩm quyền tại Hà Lan.


Đầu năm 1990 Trịnh Vĩnh Bình cùng một đoàn doanh nhân Hà Lan sang Việt Nam tìm hiểu khả năng đầu tư  theo lời kêu gọi của đảng, chính phủ Việt Nam. Không ngờ, đó là những bước đầu tiên Trịnh Vĩnh Bình đặt chân xuống địa ngục…

Về Hà Lan, Trịnh Vĩnh Bình bỏ qua mọi lời can ngăn của người thân và bạn bè, bán toàn bộ công ty chả giò đang phát đạt lấy 2.328.250USD mang về Việt Nam làm ăn. Không đủ, ông tiếp tục bán hết những gì có thể bán để mang thêm về nước tổng cộng 96 kg vàng. Thời kỳ ấy từ Bắc chí Nam chưa có Việt Kiều nào dám làm ăn thật sự như Trịnh Vĩnh Bình. Ông có thực lực tài chính, có kiến thức, và trên hết là niềm tin vào chính sách mở cửa của nhà nước Việt Nam.

Một lần ngồi ăn sáng với tôi ở sân vườn khách sạn Sông Hồng, Vũng Tàu, Trịnh Vĩnh Bình tâm sự: “Mình tin sẽ làm ăn được ông ạ! Anh bạn mình ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp khuyến khích mình dữ lắm. Mình tin ảnh và các vị lãnh đạo nước mình quyết tâm mở cửa hòa nhập với thế giới và coi trọng bà con Việt Kiều!”.

Trịnh Vĩnh Bình thành lập công ty xuất nhập khẩu nông, hải sản Tín Thành ở thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng nhà máy chế biến hải sản Bình Châu ở Bà Rịa – Vũng Tàu, mua 284ha đất để trồng rừng và nuôi tôm sú, xây khách sạn để kinh doanh du lịch… Chỉ chưa đầy 6 năm doanh nhân nhiều tâm huyết và năng động này đã đưa giá trị tài sản của mình lên hàng chục triệu đô la, chiếm 35-40% thị phần thu mua hải sản ở Bà Rịa – Vũng Tàu, tạo công ăn việc làm cho gần một ngàn lao động.

Nhưng Trịnh Vĩnh Bình đã mắc một sai lầm nghiêm trọng, đó là chỉ lo chăm đắp, chí thú làm ăn một cách lương thiện mà không luồn lách tìm các mối quan hệ, cụ thể là không đặt mình dưới sự bảo trợ của anh em nhà Phạm Văn Phương.

Ở Vũng Tàu bấy giờ, từ quan đến dân không ai không biết tiếng Phạm Văn Phương, tức Phương xoăn, tức Phương Vicaren. Phương có bà mẹ sẵn sàng réo chửi bất kỳ ai, kể cả quan chức ngay trước công sở, thậm trí trước một hội nghị mà chẳng “thằng nào dám đụng đến cái lông… của bà!”. Phương có em rể là Trung tá Trưởng phòng an ninh điều tra - PA24 - Công an tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu [Ngô Chí Đan]. Phương có các em là “Hoàng nổ”, “Việt lì” mang đậm màu sắc xã hội đen. Nhưng, đó chưa đáng sợ bằng những mối quan hệ “thâm cung bí sử”, được biểu hiện bằng việc “Phương xoăn” tự lái xe MERCEDER chở nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ Sài Gòn xuống Vũng Tàu. Còn Ngô Chí Đan thì, ai cũng biết là đệ tử ruột của tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Bộ công an.

Bởi vậy việc Trịnh Vĩnh Bình không mời Phương đến dự ra mắt công ty đã là thất lễ, đàng này còn từ chối việc Phương gợi ý làm cố vấn pháp luật thì quả coi trời bằng vung. Sự nổi giận của "Phương xoăn" càng làm tăng thêm quyết tâm của nhóm lợi ích. Và, thế là “miếng chả giò Trịnh Vĩnh Bình” bị nghiềm nát giữa những cái miệng háu ăn.

Trịnh Vĩnh Bình có mấy người anh em bà con làm việc trong công ty tham lạm tiền bạc, bị phát hiện, bọn này bèn tố ngược lại Bình là trốn thuế mua bán nhà đất bất hợp pháp, nhập hộ khẩu chui và hối lộ…

Bọn ăn cắp trở thành nguyên đơn dưới bàn tay đạo diễn của trung tá an ninh Ngô Chí Đan. Và Trịnh Vĩnh Bình bị bắt giam bất chấp sự phản đối của Đại sứ quán Hà Lan.

Trong trại giam, theo Bình kể lại với chúng tôi sau này thì Bình vẫn còn một cửa hẹp có thể lách ra được, là bỏ ra 100.000 USD thuê cố vấn theo gợi ý của Ngô Chí Đannhưng Bình không quen làm như vậy mà vẫn  tin vào sự ngay thẳng của mình.

Cơ quan an ninh điều tra công an Vũng Tàu mà trực tiếp là Ngô Chí Đan ráo riết thu thập chứng cứ, từ việc Trịnh Vĩnh Bình đã nhập cảnh vào Việt Nam tới 63 lần, mang trái phép 96 kg vàng, gần 3 triệu USD, đã nhờ Trịnh Hiền Thanh nhập hộ khẩu trái phép cho mẹ vợ là Nguyễn Thị Thi, cho em vợ là Phạm Thị Bé, Phạm Thị Tuyết  Hằng, đến việc mua trái phép 11 căn nhà, 284ha đất và hối lộ cho Tạ Quang Luyện 510 triệu đồng v.v

Ngày 3-6-1998, tướng Nguyễn Khánh Toàn tổ chức họp liên ngành giữa công an và Viện kiểm sát công bố những tội trạng của Trịnh Vĩnh Bình để thống nhất đưa ra xét xử.

Ngày 15-3-1998, Thủ tướng Phan Văn Khải bút phê vào đơn kêu oan của Trịnh Vĩnh Bình, chuyển cho Lê Minh Hương, Bộ trưởng bộ công an: “Anh chỉ đạo cho công an Bà Rịa – Vũng Tàu xem lại trường hợp Trịnh Vĩnh Bình. Thủ tướng Hà Lan đã đặt vấn đề. Tôi đã hỏi trực tiếp một số lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, anh Bình không có lỗi đến mức phải xử do anh tin vào những người trong nước bị họ lừa gạt!”. Bộ trưởng Lê Minh Hương chuyển xuống cho tướng Nguyễn Khánh Toàn, đề nghị giải quyết theo hướng của Thủ tướng.

Ngày 20-3-1988, tướng Nguyễn Khánh Toàn tổ chức cuộc họp liên ngành lần thứ hai, lần này gay gắt hơn lần trước, quyết đưa vụ án Trịnh Vĩnh Bình làm án điểm. Rồi hơn một  tháng sau, ngày 23-6-1988, Trần Đình Hoan, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, đưa ra văn bản 822 nêu ý kiến chỉ đạo của Bộ chính trị về vụ án Trịnh Vĩnh Bình, như một "Thánh chỉ" bất khả kháng. Thế là từ Thủ tướng Phan Văn Khải đến, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, Nguyễn Di Niên và những người bênh vực Trịnh Vĩnh Bình khác đều bó tay thúc thủ.

Ngày 11-12-1998 Trịnh Vĩnh Bình bị Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên phạt 13 năm tù… Kế đó, Tòa án nhân dân Tối cao xử phúc thẩm giảm xuống còn 11 năm tù, tịch thu toàn bộ tài sản và cũng như phiên sơ thẩm cho Trịnh Vĩnh Bình tại ngoại, một tiền lệ chưa từng xảy ra. Thế mới biết, người ta khép tội, rồi điều tra, lập hồ sơ, đưa ra xét xử chỉ vì tiền, không vì công lý. Trước cái chết rình rập, Trịnh Vĩnh Bình đã thực hiện một cuộc đào thoát về Hà Lan đầy bí hiểm.

Vụ án Trịnh Vĩnh Bình đến nay vẫn chưa có hồi kết. Ông Trịnh Vĩnh Bình vẫn còn phải nhờ tới luật pháp Quốc tế can thiệp. Về phía Việt Nam phải gánh chịu một quả tai hại, đó là uy tín, tình cảm vốn tốt đẹp giữa Việt Nam và Ha Lan rạn nứt, làm cho các doanh nhân Hà Lan nói riêng thế giới nói chung e ngại không dám và kém hăng hái đầu tư vào Việt Nam. Chỉ vì một nhóm lợi ích mà làm thiệt thòi cho đất nước, làm khổ người dân và tổn hại Quốc thể như vậy thật đau lòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét