Nhãn

19 tháng 10, 2012

579. Nguyễn Lễ: Nếu tôi là ủy viên trung ương


Tại sao thủ tướng lại cười bí hiểm trong khi tổng bí thư nghẹn ngào như muốn khóc?
Nền chính trị Việt Nam vốn chẳng có mấy sức hút: những ngôn từ sáo mòn, công thức, những cánh cửa phòng họp đóng kín và những vấn đề được quyết định sẵn từ trước – tất cả để đảm bảo mọi thứ trình làng trước công chúng đẹp đẽ nhất có thể.

Nhưng bỗng dưng hai tuần đầu tháng 10 vừa qua đời sống chính trị Việt Nam bỗng kịch tính chưa từng thấy.

Có thể nói hai tuần lễ diễn ra hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là hai tuần lễ quan trọng nhất trong năm ở quốc gia này với những tác động lâu dài về sau.

Kết quả được quan tâm nhất của hội nghị có thể tóm gọn trong hai cụm từ: ‘nhận khuyết điểm’ và ‘không kỷ luật’.

Còn ấn tượng đọng lại trong tôi sau khi theo dõi phiên bế mạc là nụ cười bí ẩn như nàng Mona Lisa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nước mắt (chưa kịp tuôn) của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và ‘một ủy viên Bộ Chính trị’.

Những cảm xúc đối lập của hai vị trên cho chúng ta thấy phần nào sự gay cấn đằng sau cánh cửa khép kín của hội nghị. Chắc chắn để đến được kết quả thông báo cho toàn thể quốc dân như thế chắc là cả một quá trình tranh đấu rất cam go trên nghị trường.

Vậy thì tại sao nhiều người lại không hài lòng với kết quả mà 200 vị tinh tú nhất của Đảng đã phát huy tối đa trí tuệ mới có được?

Có lẽ không ở trong hoàn cảnh của các vị ủy viên trung ương nên không hiểu được những cân nhắc, suy tư của các vị này trước vận mệnh của Đảng, của đất nước.

Cho nên, để đánh giá hội nghị một cách khách quan tôi thử nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của một ủy viên trung ương Đảng.

Trở lại câu chuyện nước mắt và nụ cười ở trên, có lẽ khó mà đoán Thủ tướng Dũng nghĩ gì đằng sau nụ cười đầy bí ẩn đó, nhưng chúng ta có thể hiểu được tại sao Tổng bí thư Trọng lại nghẹn ngào khi đọc diễn văn bế mạc.

Giọng ông nghe như thổn thức khi ông đọc đến đoạn nói về ‘những yếu kém, tồn tại’ của cơ quan đầu não của Đảng cũng như những ‘suy thoái, tiêu cực’ của đảng viên.

Nhân vật bí ẩn


Hiếm khi nào mà người dân Việt Nam lại quan tâm đến hoạt động của Đảng như vậy.

Ông Trọng đã thay mặt Ban chấp hành trung ương ‘thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng toàn dân’.

Bỗng dưng người dân Việt Nam thấy mình tồn tại trở lại trong một thể chế mà họ không có quyền hành thực chất gì.

Nhiều người nghi ngờ ông Trọng giả tạo nhưng tôi nghĩ, ở cương vị là người chịu trách nhiệm tối cao của Đảng, thì việc ông xót xa trước sự hủ bại của Đảng mà suốt đời ông gắn bó tâm huyết là có thể hiểu được.

Hiếm khi nào chúng ta nghe được câu xin lỗi từ một Đảng nắm toàn quyền tuyệt đối. Đảng không xin lỗi thì người dân cũng chẳng làm gì được Đảng.

Để một Đảng luôn tự hào đã ‘dẫn dắt nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác’ và luôn yêu cầu người dân phải ‘tin tưởng tuyệt đối’ chịu nhận khuyết điểm chắc chắn là không hề dễ dàng.

Tôi tin rằng tập thể các ủy viên trung ương đã cân nhắc rất kỹ vấn đề này và họ thật sự hối tiếc, thật sự cầu thị thì mới dám có lời xin lỗi như vậy.

Với nữa trong hoàn cảnh những bức bối của người dân đang sôi bùng bùng thì ít nhất thì một câu ‘thành thật nhận lỗi’ cũng làm họ dịu bớt phần nào.

Một vấn đề đặt ra ở đây là nếu Đảng đã có thái độ trọng dân như thế thì giải thích thế nào về ‘một ủy viên Bộ Chính trị’? Đây rõ ràng là coi dân không ra gì. Chả trách người dân ai mà không tức.

Tôi nghĩ trong hoàn cảnh này Đảng đã lâm vào tình huống khó xử.
Không bị kỷ luật có nghĩa là ‘ủy viên Bộ Chính trị’ vẫn tiếp tục tại vị. Nếu chỉ mặt đặt tên thì khác nào bôi tro trát trấu vào mặt vị đó trước toàn bộ đảng viên và nhân dân cả nước? Ṿị đó còn mặt mũi nào mà sai khiến cấp dưới và nói chuyện với mọi người?

Tuy nhiên, liệu có giấu được không? Thời đại ngày nay khác với thời mấy chục năm về trước khi dân chỉ biết có nghe Đảng. Không thiếu gì cách để truy ra ‘một ủy viên Bộ Chính trị’ đó là ai.

Mập mờ như thế chỉ càng làm người ta tò mò. Người dân Việt Nam vốn dĩ rất tò mò. Mà đã tò mò thì phải tìm hiểu cho bằng được.
Người dân không chỉ tò mò muốn biết vị đấy là ai mà còn muốn săm soi xem vị đó sẽ cư xử như thế nào trong những ngày sắp tới sau khi đã bị vạch trần biết bao sai phạm.

Không kỷ luật

‘Một ủy viên Bộ Chính trị’ dù sao đó cũng là vấn đề kỹ thuật, câu chuyện mà dư luận nói đến nhiều nhất sau Hội nghị 6 là ‘không kỷ luật’.

Đề nghị kỷ luật được tập thể Bộ Chính trị đưa ra Ban chấp hành Trung ương với sự thống nhất hoàn toàn, theo thông báo của Đảng, nhưng lại bị Trung ương bác bỏ.

Có một điểm cần lưu ý là vị ‘ủy viên Bộ Chính trị’ bị đề nghị kỷ luật đó cũng ‘thống nhất’ với đề xuất yêu cầu Trung ương kỷ luật mình. Tinh thần trách nhiệm đáng hoan nghênh?

Nhưng nghĩ cho kỹ thì vị ủy viên đó dại gì mà bỏ phiếu chống để lòi đuôi ra và để cho mọi người thấy thái độ không hề hối lỗi.

Đặt mình trong hoàn cảnh của ủy viên trung ương, tôi tự hỏi mình có bỏ phiếu như họ hay không?

Người Việt Nam vốn có tinh thần độ lượng, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại. Nếu đã biết hối hận và phục thiện thì nên tha.

Tuy nhiên khoan dung cũng tùy lúc, tội nhẹ thì nên tha và cho lấy công chuộc tội. Nhưng nếu tội nặng bằng trời thì dứt khoát không thể tha vì nó ảnh hưởng đến kỷ cương của Đảng, đến lòng dân – đều là những vấn đề liên quan đến gốc nước.

Kỷ cương không còn thì Đảng suy thoái rất nhanh, lòng dân không tựa thì không ai cứu Đảng được.

Tôi không rõ sai phạm của ‘ủy viên Bộ Chính trị’ đó nặng hay nhẹ. Nhưng nếu nặng mà tha thì tôi cho rằng các ủy viên trung ương bỏ phiếu tha đã hành động không đúng trách nhiệm trước Đảng, trước dân.

Nhưng liệu còn có lý do nào khác? Thông báo của Đảng cho biết các ủy viên trung ương đã ‘cân nhắc kỹ càng rất nhiều mặt’.

Nếu nhìn từ góc độ nhân sự, thì việc tha sau khi đã răn đe có lẽ là một quyết định an toàn. Sau khi đã phê và tự phê ‘bầm dập’ như thế thì có lẽ vị này sẽ không dám tái phạm mà lại càng hết sức đoái công chuộc tội. Nếu bỏ để đưa người khác lên thay thì chắc gì đã được việc trong tình cảnh khó khăn hiện nay? Thay ngựa giữa dòng không bao giờ tốt cả.

Dấu vết Trung Quốc?

Theo tính chất của chính trị của Việt Nam hiện nay, có lẽ cũng không thừa khi đặt ra vấn đề liệu có bàn tay của Trung Quốc trong quyết định của Hội nghị hay không?

Không phải tôi cố tình đặt ra khả năng này mà đã có những dấu hiệu khiến người ta phải nghi ngờ.

Thứ nhất, với ‘truyền thống’ hay can thiệp vào nội bộ của Việt Nam thì không dễ gì Bắc Kinh bỏ qua Hội nghị quan trọng này.

Thứ hai, thường thì can thiệp xảy ra trước lúc hội nghị. Nhưng sau khi hội nghị đột ngột khai mạc khiến toàn dân ai cũng bất ngờ thì ngay ngày hôm sau Đại sứ Khổng Huyễn Hựu đã đến gặp Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Phúc.

Tình hình lúc đó có việc gì khẩn cấp trong quan hệ hai nước đến mức Đại sứ Khổng phải xin gặp lãnh đạo Việt Nam một cấp gấp rút như vậy? Còn nếu vấn đề không quan trọng thì chọn lúc Việt Nam đang tập trung vào hội nghị Đảng để truyền đạt có lẽ không phù hợp.

Chúng ta không biết ông Khổng nói gì với ông Phúc nên không thể suy đoán liệu có nhân tố Bắc Kinh trong kết quả Hội nghị 6 hay không. Tuy nhiên, nên nhớ Đảng Cộng sản Trung Quốc là chỗ dựa tinh thần quan trọng nhất của những người đồng chí Việt Nam hiện nay.

Trong vấn đề chủ quyền vốn rất thiêng liêng và mặc dù trước sức ép rất lớn từ phía người dân nhưng Đảng vẫn nhường hết mức có thể thì còn gì có thể không nhường?

Dù Trung Quốc có muốn gì ở Hội nghị 6 thì đều không có lợi đối với Việt Nam vì lẽ đơn giản Bắc Kinh không bao giờ muốn nước láng giềng mạnh lên.

‘Thế lực thù địch’

Cho đến giờ cũng không vị ủy viên Trung ương nào lên tiếng giải thích cho quyết định của mình cũng như của Ban chấp hành Trung ương.

Lý do duy nhất mà Trung ương Đảng đưa ra là không tạo cơ hội ‘cho các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá’.

Nếu đúng thế thì đáng lý ‘ủy viên Bộ Chính trị’ nào đấy phải cảm ơn các ‘thế lực thù địch’. Bản thân ‘các thế lực thù địch’ cũng nên lấy làm mừng vì giờ đây họ lớn mạnh đến mức có thể tác động được vào quyết định của Trung ương Đảng.

Nếu xét về ‘sự ám ảnh’ của Đảng trước các ‘thế lực thù địch’ trong những năm qua thì nguyên do về ‘các thế lực thù địch’ là có thể hiểu được.

Nguyên do này quả là có sức thuyết phục to lớn đối với các vị ủy viên trung ương. Nhưng không may là nó lại không thuyết phục người dân.

Đối với quảng đại dân chúng Việt Nam, đơn giản là họ chỉ muốn kẻ có tội phải bị trừng trị. Họ không thấy ‘các thế lực thù địch’ như các ủy viên trung ương đã nhìn thấy mà họ chỉ thấy các quan chức sai phạm đang làm họ bất bình.

Do đó người dân không thể hiểu tại sao Trung ương Đảng lại không trừng phạt, lại càng không hiểu nguyên do là từ ‘các thế lực thù địch’.

Rõ ràng, khi đi đến quyết định không phạt, các vị ủy viên Trung ương đã bị ‘các thế lực thù địch’ ám ảnh đến mức họ không nhìn thấy nhân dân.

Đảng sợ rằng nếu kỷ luật một nhân vật cao cấp như ‘một ủy viên Bộ chính trị’ thì sẽ phơi bày cái xấu của Đảng để cho những người chống đối tha hồ mà khoét sâu.

Tuy nhiên, nếu được người dân chống lưng thì dẫu cho trăm ngàn ‘thế lực thù địch’ cũng không làm gì nổi Đảng. Bằng ngược lại, một khi lòng dân không còn tựa cộng với sự suy yếu từ bên trong không khắc phục thì thế lực thù địch chỉ cần ngồi vỗ tay thì Đảng cũng sụp.
Với lại, liệu có chắc rằng nếu Đảng không kỷ luật thì ‘các thế lực thù địch’ sẽ không có cớ chống phá?

Tự phê về đâu?

Đảng đã đứng trước cơ hội lớn để lấy lại thanh danh nhưng tiếc là đã không nắm được cơ hội đó.

Hầu hết những người mà BBC hỏi ý kiến về Hội nghị 6 đều bày tỏ sự đau buồn, bất mãn. Niềm tin của họ vào Đảng đã không còn nữa.

Kết quả hội nghị Trung ương 6 trên thực tế đã đặt dấu chấm hết cho quá trình phê và tự phê mà Đảng đã khởi động từ Hội nghị Trung ương 4 mặc dù quá trình này sẽ còn được tiến hành dài dài như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói là ‘phải làm liên tục’.

Trong mắt Đảng viên và người dân, phê và tự phê đã trở thành giả dối và không còn tính chính danh.

Nếu phát hiện cán bộ nào đấy lỗi lầm thì liệu Đảng có thể kỷ luật được không? Đảng sẽ trả lời sao nếu vị cán bộ đấy cãi rằng ‘một ủy viên Bộ Chính trị’ sai phạm lớn như vậy mà không trừng trị thì sao lại kỷ luật tôi?

Cuối cùng nếu không có cán bộ nào phải chịu trách nhiệm thì cả ‘một bầy sâu’ mà Chủ tịch Trương Tấn Sang đã cảnh báo cũng như ‘một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên suy thoái, biến chất’ mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra đều là không đúng sự thật.

2 nhận xét:

  1. Quả thực phê và tự phê của đảng, từ rấtlâu rồi, đã là giả dối và không còn tính chính danh! Tôi tin tưởng sâu săc rằng hầu hết đảng viên, nhất là các đảng viên lâu năm đều đồng ý như vậy. Cảm ơn bác Nguyễn Lễ đã chia sẻ ... những nỗi niềm với dân với đảng!

    Trả lờiXóa
  2. Tôi thì thấy, chỉ có bọn nghiện là phê và tự phê!

    Trả lờiXóa