Nhãn

4 tháng 10, 2012

540. Ai chống lưng Syria?


Hơn 20 năm qua, sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, người Nga đau lòng nhìn Mỹ và NATO “làm cỏ” dần đồng minh hoặc các nước có thiện cảm với Liên Xô cũ.
(ĐVO) Lần lượt Nam Tư, Afghanistan, Iraq, Lybia… và giờ đến Syria, Iran, Triều Tiên cũng đang nằm trong tầm ngắm trực tiếp.

Ngoài Iran, hiện nay Nga chỉ có đồng minh duy nhất là Syria, và cũng là nước duy nhất mà Nga có căn cứ quân sự ở khu vực Trung Đông. Nếu chế độ thân Nga của tổng thống Assad sụp đổ, Nga sẽ bị hất cẳng ra khỏi Trung Đông không hẹn ngày trở lại. Căn cứ hải quân Tartus tuy quan trọng nhưng cũng chưa đạt tới tầm chiến lược vì dù sao nó cũng chỉ là căn cứ hậu cần, kỹ thuật đảm bảo cho lực lượng hải quân Nga hoạt động tại khu vực Địa Trung Hải.

Thế nhưng sự tồn tại của nó là vấn đề quan trọng trong chiến lược quân sự của Moscow, còn căn cứ Tartus tức là còn sự hiện diện quân sự của Nga tại khu vực này (dù là chỉ trên lí thuyết), chế độ hiện thời của Syria sụp đổ, liệu chính phủ mới thân phương Tây có còn để Nga đặt căn cứ tại đó không? Một khi đã mất chỗ đứng chân cuối cùng, liệu đến bao giờ Nga mới lại khôi phục được địa vị của mình ở Trung Đông? Đến bao giờ Nga mới tìm lại được ảnh hưởng to lớn của của Liên Xô cũ đối với Ai Cập, Syria, Iran, Iraq, Jordan…? Vì vậy, đây có thể là ván bài mà Nga phải chơi tới cùng ở khu vực này.


Hiện Mỹ và NATO đang tăng cường sức ép lên Syria trên hướng biển bằng các động thái liên tiếp cử các tàu chiến đến khu vực này được che đậy dưới nhiều lí do khác nhau. Tàu khu trục hiện đại nhất của Anh là HMS Daring, HMS Bulwark cùng hai tàu khu trục tên lửa vừa diễn tập đổ bộ ở khu vực này. Trong khi đó, tàu sân bay Charles De Gaulle của Pháp cũng đang neo đậu ở đây với sự bảo vệ của hơn 10 tàu khu trục tên lửa cùng 1 tàu ngầm hạt nhân.

Ngày 22/08, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng xác nhận đã tái triển khai siêu tàu sân bay USS John C.Stennis chạy bằng năng lượng nguyên tử và có khả năng chở 90 máy bay chiến đấu tới Trung Đông. 2 tàu sân bay Mỹ và hàng chục tàu khác tham gia cuộc diễn tập rà quét thủy lôi kéo dài từ ngày 16/09 đến ngày 27/09 tại ngoài khơi eo biển Hormuz thuộc vịnh Ba Tư nhằm mục đích tập luyện khả năng đối phó với tình huống Iran phong tỏa eo biển huyết mạch của tuyến vận tải dầu thô thế giới.

Để đáp trả hành động của Mỹ và NATO, Nga cũng đã có những động thái cứng rắn không kém.


Căn cứ hải quân Nga tại cảng Tartus của Syria. (TM)

Theo hãng tin Ria Novosti của Nga trong tháng 8, nước này liên tục duy trì 11 tàu chiến ở Địa Trung Hải, được tàu khu trục chống tàu ngầm mang tên "Đô đốc Chabanenko" hộ tống. Tư lệnh Hải quân Nga, Phó Đô đốc Viktor Chirkov xác nhận rằng mặc dù đoàn tàu chiến của Nga có chở theo lính thủy đánh bộ, nhưng các con tàu sẽ không tham gia các nhiệm vụ tại Syria mà chỉ tiến hành diễn tập quân sự theo kế hoạch nhưng cũng để ngỏ khả năng biên đội này cập cảng Tartus.

Tuy các tàu này đều là tàu chiến nhưng nó cũng có thể chuyên chở một số lượng không nhỏ các loại vũ khí, trang bị mà không ai có quyền xét hỏi như các tàu vận tải quân sự. Trước đó, Nga tuyên bố sẽ có đòn đáp trả đích đáng với bất cứ hành động tấn công nào nhằm vào căn cứ Tartus của nước này ở Syria. Sự thật là dù dưới danh nghĩa nào nhưng sự hiện diện một số lượng không nhỏ tàu chiến Nga trong thời gian dài đã làm yên lòng người Syria nhưng lại gây ra bão tố trong lòng Mỹ và NATO. Bờ biển Syris không dài, ước chừng chưa tới 200km, sự có mặt của các tàu chiến Nga ở các vùng biển xung quanh căn cứ Tartus đã án ngữ toàn bộ khu vực biển phía nam của Syria.

Ngay cả trong trường hợp người Nga không có động thái gì thì Mỹ và NATO cũng không thể sử dụng máy bay, pháo hạm, tên lửa để tấn công Syria từ khu vực này mà chỉ còn một nửa bờ biển phía bắc và đoạn bờ biển thuộc lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho Syria có thể chuyên tâm phòng thủ bờ biển trên hướng này mà không cần để ý đến phía nam. Vì vậy, nếu có thể vượt qua tuyến phòng ngự này quân đồng minh cũng chỉ có thể vươn tay tới khu vực Aleppo ở khu vực tây bắc Syria – nơi quân nổi dậy đang dần tỏ ra yếu thế.
Về phía Iran, mặc dù đang nằm trong vòng vây của Mỹ và Israel nhưng họ chi viện tất cả những vũ khí hiện đại nhất của mình cho Syria, từ tên lửa phòng không cho đến tên lửa đối hạm, thậm chí là cả chuyên gia quân sự và binh lính. Đây là điều rất dễ hiểu vì là đồng minh thân cận của Damacus, Tehran không hề muốn chế độ hiện thời ở Syria sụp đổ, nếu Mỹ lật đổ được chế độ Assad, “con mồi” tiếp theo chắc chắn sẽ là Iran nên Tehran sẵn sàng làm tất cả để khiến Mỹ và đồng minh sa lầy ở đây, không  còn thời gian và tâm trí để rảnh tay đối phó với mình.
Thực tế đã chứng minh sự đúng đắn của luận điểm này khi ngày 30/07, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố sẵn sàng tấn công Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này dám đem quân đánh Syria. Tiếp theo đó, ngày 07/08, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khameni, thông qua người đại diện đã một lần nữa tái khẳng định sự bền vững của liên minh Iran – Syria. Lời hứa của nguyên thủ quốc gia và lãnh tụ tinh thần tối cao Iran là một sự bảo đảm bằng vàng đối với Syria.
Một vấn đề nữa cũng rất đáng quan tâm là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 06/11 tới đây. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, mặc dù hơi chiếm ưu thế hơn một chút so với ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Mitt Romney nhưng nhìn chung dư luận Mỹ chưa cảm nhận thấy sự phục hồi của nền kinh tế và chiến lược tạo việc làm mà ông Obama đề ra còn chưa phát huy hiệu quả, dẫn đến vị thế tranh cử của ông không thật sự nổi trội so với đối thủ, bất cứ một động thái nóng vội hoặc một quyết định thiếu suy nghĩ nào của ông Obama sẽ mang tới những hậu quả khôn lường.

Phụ trách thăm dò ý kiến của đảng Dân chủ là ông Doug Schoen nhận xét: “tỷ lệ ủng hộ Obama dù tốt hơn Romney nhưng nó sẽ chả có ý nghĩa gì nếu kinh tế tiếp tục tồi tệ, nếu Triều Tiên tiếp tục gây hấn và Iran vẫn cứ làm giàu urani hoặc nguy cơ chiến tranh bùng nổ ở Trung Đông”. Vì thế, có thể khẳng định là từ giờ cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống, ông Obama sẽ không đưa ra hành động nào mang tính phiêu lưu, mạo hiểm đối với Syria.

Tiếp tục "Mùa xuân Arab"?

Có một vấn đề đặc biệt quan trọng mà ít người chú ý là cuối tháng 2/2012, Syria đã thông qua hiến pháp mới, mà vấn đề quan trọng nhất là xóa bỏ điều khoản quy định địa vị lãnh đạo độc tôn của đảng Baath do ông Assad lãnh đạo và cho phép xây dựng nền chính trị đa nguyên, đa đảng ở Syria. Tuy nhiên, sự hạn chế này không có hiệu lực hồi tố có nghĩa ông Assad đã nắm quyền từ năm 2000, nếu tái đắc cử có thể tiếp tục lãnh đạo đến năm 2028 sau khi mãn nhiệm năm 2014.

Tính từ sau bầu cử Tổng thống Mỹ đến khi ông Adsad hết nhiệm kỳ cũng chỉ còn hơn một năm, xem xét kỹ các nhân tố quyết định: từ tiềm lực quốc phòng không hề yếu kém của Syria đến thái độ cương quyết của Nga và sự ủng hộ hết mình của Iran cùng với những nguyên nhân nội tại của Mỹ và NATO cho thấy khả năng giành chiến thắng bằng can thiệp quân sự là không cao, có thể Mỹ sẽ đợi đến thời điểm mãn nhiệm của ông Assad để tung ra đòn quyết định.

Theo đánh giá của một số chuyên gia phân tích chính trị, từ giờ đến thời điểm ấy, Mỹ sẽ hết sức giúp đỡ phe nổi dậy tiến hành chiến tranh, nếu đạt được mục đích lật đổ chính quyền thì càng tốt, nếu không cũng gây rối loạn chính trị, làm lung lay sự trung thành của các quan chức lãnh đạo cốt cán, thúc đẩy tự diễn biến trong nội bộ đảng Baath, làm xói mòn lòng tin của nhân dân Syria vào chính phủ đương nhiệm. Khi đó, họ có thể tiếp tục thực hiện chiến lược “Mùa xuân Ả rập” đã đạt được những thành công vang dội ở Paragoay, Ai Cập… đối với Syria, loại bỏ ông Assad mà không phải sử dụng đến biện pháp quân sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét