Nguyên Bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc
JB Nguyễn Hữu Vinh: Nguyễn Đình Lộc – “cậu học
trò U80”
Tôi phải mạn phép ông
và các quý độc giả để dùng cái biệt danh nghe là lạ, mà có vẻ khiếm nhã vậy, chứ
không phải là “cựu/nguyên bộ trưởng Tư pháp”, bởi một lý do sẽ kể ngay dưới
đây.
Sau những ngày tất bật,
sôi động quanh bản Kiến nghị 72 và cùng đoàn đại biểu trực tiếp trao nó cho Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp,
ông Nguyễn Đình Lộc đột nhiên bảo tôi: “Vinh bày cho mình vi tính với nhé?”.
Ngạc nhiên, vui và thú
vị, đó là những cảm giác của tôi ngay từ ban đầu. Tôi liền kể cho ông về các
blogger U90 như Tô
Hải, Lê Hiền Đức. Dù sao thì họ cũng là
“dân đen”, còn cựu quan chức cao niên, cao cấp tới hàm bộ trưởng như ông mà quyết
“xóa mù vi tính” thì quả là chuyện hiếm có.
Thế hệ của Nguyễn Đình
Lộc, khi làm tới chức bộ trưởng vào những năm 90’ thế kỷ trước, thì máy tính ở
các cơ quan nhà nước chủ yếu được dùng như máy chữ, có chăng chỉ hơn là khả
năng lưu trữ và in ấn được nhiều thôi.
Thứ khiến cho Nguyễn Đình Lộc
lâu nay ít quan tâm tới thế giới mạng có lẽ một phần còn bởi cả một kho sách khổng
lồ choán khắp 4 bức tường, cùng trên, dưới gậm 4 chiếc bàn làm việc của ông,
không phải chỉ sách báo về luật pháp, mà là đủ cả mọi lĩnh vực.
Giờ thì tôi bắt đầu làm…
gia sư, học trò là một cựu bộ trưởng. Các bác cao niên nghe kể cũng vui lây, động
viên: “Công của cậu vậy là lớn lắm đó nhé!”.
Thế là, dẫu có bận bịu
mấy đi nữa, tôi cũng vẫn quyết tranh thủ thì giờ vài ngày lại ghé qua nhà ông
1-2 tiếng.
Nhà “học trò” Nguyễn Đình Lộc
cách trung tâm thủ đô 10 cây số, ở trong một ngõ nhỏ sâu hun hút, rẽ trái, rẽ
phải mấy lần mới tới. Hai ông bà già ngày ngày lặng lẽ bên nhau. Bà bị chứng
vôi hóa đốt sống cổ, thỉnh thoảng đau, phải nằm bất động, nhưng vẫn chợ búa, nấu
nướng, chăm sóc ông từng li từng tí; vậy mà còn phải đáp 4 chuyến ô tô buýt đi,
về mỗi ngày tới nhà con gái chăm sóc cháu ngoại mới sinh.
Có lẽ rất cảm thông với
bà, ông tự tay pha nước, gọt trái cây… mời “gia sư”. Có hôm, bà đi chợ, ông lại
quên, khóa cửa bên trong làm bà về không mở được, thế là ông vội xuýt xoa xin lỗi
thật tình cảm, mặc dù bà cũng chỉ hơi càu nhàu.
Vốn ngại “ăn cơm
khách”, lại thêm nhiều việc bấn bíu, nên phải vài bận tôi từ chối khéo lời mời ở
lại ăn cơm. Thế nhưng từ chối mãi cũng không đành; lại thêm một dịp hiểu cuộc sống
của hai ông bà.
Bài học được bắt đầu từ
“A, B, C”, vào Internet và đọc các blog, trang báo điện tử. Cảm giác thích thú
của ông khi được lặn ngụp vào cả một bể thông tin nhiều chiều khổng lồ, một
cách rất nhanh chóng, đã giúp tôi thêm gắng kiên nhẫn, hướng dẫn từ cách dùng
bàn phím, con chuột ra sao, cho đến những giải thích liên quan “thế giới mạng”.
Còn điều thích thú với
tôi là về một
vị quan chức một thời mà sao lại có thể nhũn nhặn, khiêm nhường, không chút giấu
dốt,… đến lạ.
Nếu như ta xem lại toàn bộ các video buổi tiếp xúc trao bản Kiến nghị 72, chắc
sẽ thấy phía sau con người dung dị ấy là một thái độ kiên định, vì sự tiến bộ
xã hội.
Còn nhiều chuyện, nhỏ
có, lớn có, liên quan tới ông mà tôi muốn viết ra, nhưng quả tình, lúc này chỉ
muốn có vài dòng như trên thôi, để đem tới chút gợi mở cho những ai vừa mới
theo dõi đoạn phỏng vấn ông trên VTV tối qua rồi
buồn, bực, nghi vấn … đủ cả.
Tôi cũng không muốn đi
sâu mổ xẻ trò gian trá, bẩn thỉu quá lộ của thứ truyền thông có “định hướng” thời
nay, đánh lừa được không ít người nhẹ dạ, đã từng được thực hiện không biết bao
nhiêu lần. Rõ nhất là vụ cắt xén lời phát biểu của TGM
Ngô Quang Kiệt mấy năm trước. Gần đây là trò lắp
ghép hình ảnh với lời lẽ thóa mạ những trí thức danh tiếng
tham gia biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo. Và tối qua
là màn “phỏng vấn” ông Nguyễn Đình Lộc.
Chính thế, nên tôi
không muốn bình luận những lời nhận xét nặng nề về ông, do người ta không nhận
ra những đoạn video bị cắt xén, lắp ghép rất sống sượng, không nghĩ về tình huống
một vị cựu quan chức với bản tính hiền lành như thế, mà phải đối đầu với một cỗ
máy khổng lồ có đủ thứ thủ đoạn đê hèn.
Tôi cũng chưa muốn vạch
ra trò “Kẻ tung, người … vồ lấy”, khi mà chuyện mới tối qua thôi, thì sớm nay
đã có ngay kẻ như reo lên khoái trá, làm bộ ngây
ngô lớn tiếng “la làng”.
Còn “gợi mở” của tôi là
gì? Đó là những
người dân có cùng mục đích tranh đấu cho tự do dân chủ của mình hãy ráng cảm
thông hơn với nhau, biết tự đặt mình vào địa vị người khác để thấu hiểu, làm được
việc gì có ích cho dân tùy theo hoàn cảnh, khả năng của mình thì càng tốt. Bên cạnh đó, họ rất cần
tỉnh táo, cảnh giác với những màn gian trá, gây chia rẽ, mà không dễ lúc nào
cũng có thể vạch mặt ngay được.
Một khi không phải chỉ
có lớp trẻ, mà cả những “cậu học trò” già như Nguyễn Đình Lộc quyết tìm đến với
biển thông tin, tri thức tự do, thì chúng ta còn có thể tin tưởng, hy vọng vào
tương lai. Và những trò hèn hạ kia, cho dù có đạt được kết quả tức thời tới đâu
đi nữa, cũng chỉ như “châu chấu đá xe”, cỗ xe đang băng tới một xã hội văn
minh, hòa cùng phần còn lại của thế giới.
© Ba Sàm
–
Tái bút: đêm qua thật
khó ngủ, cứ nghĩ về những gì chưa viết ra được quanh câu chuyện của ông Nguyễn
Đình Lộc.
Sáng nay dậy, đọc lại
những gì mình đã viết, và hơn 50 phản hồi của độc giả, tôi không cầm được nước
mắt – thương cho dân ta quá! Bị úp vào đầu thứ gông cùm ghê gớm, trở thành hết
thảy là những kẻ đớn hèn, tới độ một ông tướng công an lúc về hưu, ngẫm mãi sự
đời rồi cũng phải thốt ra chân lý: “HÈN!” Mà đằng sau cái “chân lý” đó có khi
lại thêm những chân lý khác nữa, ví như: kẻ hèn nhiều lại đi bắt nạt kẻ
ít hèn hơn, chỉ để đè nén, che đậy nỗi khiếp nhược của mình.
Cũng chính ông tướng
công an kia, nghe nói đã làm được một điều tử tế, là khi đương chức đã không
chịu chấp nhận sử dụng những hình ảnh ngụy tạo đê hèn từ vụ giăng bẫy tướng
Trần Độ để bôi xấu ông.
Còn một vị cựu bộ trưởng
khác, cũng là bạn thân tình từ lâu, đã nhắc nhở Nguyễn Đình Lộc vụ Trần Độ, về
cái chết khó hiểu của Võ Văn Kiệt. Không rõ đó có phải chỉ xuất phát từ tình
thân, hay do ai đó muốn gửi “thông điệp”, tương tự như vài cách gửi khác, với
tần suất rất khác thường?
Mong sao trong mỗi
chúng ta, một lũ hèn, hãy ráng chung lưng lần bước vượt qua nỗi sợ hãi, để rũ
bỏ gông cùm. Thế thôi!
Viết tới đây,
liền nhận được bài viết của Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, xin giới thiệu cùng độc
giả: NGHĨ VỀ TRẢ LỜI VTV CỦA ÔNG NGUYỄN ĐÌNH LỘC.
|
Nhà giáo Phạm Toàn email nhờ BS đăng phản hồi sau đây:
Anh Nguyễn Đình Lộc là người tử tế
Anh Nguyễn Hữu Vinh
đã viết một nét rất thoáng chân dung anh Nguyễn Đình Lộc. Nó gợi cho tôi nhớ
lại một lần tôi tiếp xúc với anh Lộc. Đó là quãng năm 2004 gì đó (xin lỗi,
tôi quen nhớ theo ấn tượng chứ không nhớ thật tỉ mỉ) tại lễ trao giải văn hóa
Phan Châu Trinh cho nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn, tôi có hỏi anh Lộc: “Anh
Lộc à, tôi dịch “Nền Dân Trị Mỹ” của Tocqueville, thấy bên Hoa Kỳ họ không có
“Quốc hội con” kiểu “Hội đồng nhân dân” cấp phường, cấp xã, thị xã, thành phố
… như của ta, thế là sao nhỉ?” Anh Lộc cười tươi tỉnh bảo tôi: “Ta dịch của
Nga ấy mà”. Một cách giải thích hết sức hồn nhiên, như bản tính con người.
Cái hồn nhiên như thế
rất dễ bị chọn làm mồi ngon cho một bộ máy không tử tế, đầy mưu mẹo ranh ma,
điều đó hoàn toàn giải thích được — bọn ranh ma từng cắt xén tình cảm “Nhất định
thắng” của nhà thơ Trần Dần để chỉ còn là “mưa sa trên nền cờ đỏ” và cả chục
năm rủa xả nhà thơ đương thời đôn hậu nhất mà tôi từng gặp. Bọn ranh ma từng
làm cha Ngô Quang Kiệt chết đứng!
Cái hồn nhiên của anh
Lộc thể hiện rất rõ ở cách anh học dùng PC để vào mạng. Xin chia sẻ với anh Lộc:
em gái tôi, năm nay 79 tuổi, vốn làm ở Thành Ủy Hà Nội, cũng học PC chỉ để đọc
“Bên Thằng Cuộc” của nhà báo vĩ đại Huy Đức.
Xin chia sẻ với những
ai như anh Lộc: trong nhóm biên soạn sách giáo khoa Cánh Buồm của tôi có em
Dương Trọng Tấn đã soạn một phần mềm tự học PC cho người già (à quên, người
nhiều tuổi). Em Tấn là con một vị tướng, ba của Tấn đã từng bắt con nghỉ hè
phải tự đi lên Hà Giang, biên giới, những di tích chiến sự… để tự học. Em Tấn
soạn phần mềm tự học đó cho riêng ba mình. Tôi đã mời em Tấn cùng làm việc vì
tôn trọng người cha như thế (dù tôi chưa gặp) và người con như thế.
Cuộc đời này có những
người hồn nhiên yêu đời tự mang lại hạnh phúc cho chính mình ngay từ khi cái
gọi là hạnh phúc chung chỉ là bánh vẽ.
Xin cám ơn Nguyễn Hữu
Vinh. Xin chúc anh Nguyễn Đình Lộc mạnh khỏe, yên tĩnh. Cho tôi được nói lời
yêu quý các anh và tất cả những người như các anh.
Phạm Toàn
|
Nguyễn Hiếu
Bài viết mang phong
cách của người theo đạo(e đoán anh là người theo đạo). Với tư cách trung lập,
tuổi đời em còn thua xa anh em xin được góp ý với anh rằng:
1 người theo đảng cả
đời và về hưu với hàm bộ trưởng thì tính cách và suy nghĩ luôn phải thận trọng.
Phải ngó trước nhìn sau với từng câu nói. Vậy nên, cho dù có bị cắt xén đi
chăng nữa, những lời nói của chú Lộc đã có chon lọc thiệt hơn.
Em đã làm việc trong
môi trường nhà nước được 8 năm nên e hiểu được hoàn toàn tính cách của người
theo đảng và đặc biệt là người có chức vụ cao: mẫu số chung là họ luôn snghĩ
thiệt hơn cho mình trước khi nói đến 1 vđề, làm việc gì. Vã lại, ko biết lúc
nói chuyện với anh chú Lộc có hay nhìn vào mắt anh ko chứ nhìn bộ dạng của
chú Lộc trên tivi thì e cho rằng chú ấy là người ko thật thà. Nếu ngoài đời
chú Lộc vẫn quẹn nhìn xuống chân và liếc ngược để nói chuyện thì không thật
thà “chứ còn gì nữa” (xịn lỗi chú Trong vì cháu Bí từ nên mượn lời). Cùng 1
câu chuyện nhưng chú ấy luôn có cách nói riệng với từng người khác nhau để vô
hại đến mình.
Nếu anh thấy e nói
đúng thì reply lại giúp e nhé. E sợ mình sủa bậy thì oan cho chú ấy quá.
Chúc a và mọi người
cuối tuần vui vẻ!
|
ÔNG NGUYỄN ĐÌNH LỘC TRẢ LỜI PV ĐÀI RFA
Có phải phát biểu bị lợi dụng?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-03-23
2013-03-23
Truyền hình nhà nước
đêm 22 tháng 2 đã phát hình buổi vận động góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
trong đó có phần phỏng vấn nguyên Bộ trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc.
Ông Lộc đã phát biểu rằng
ông không tham gia soạn thảo bản kiến nghị 7 điểm mặc dù làm trưởng đoàn giao bản
kiến nghị này cho Ủy Ban Pháp Luật Quốc hội vào ngày 4 tháng Hai vừa qua. Sự phủ nhận này gây một cơn
lốc giận dữ trong cộng đồng mạng tại Việt Nam.
Trong Chương trình
Thời sự VTV1 vào tối thứ Sáu 22/3/2013 người dân ngạc nhiên khi ông cựu Bộ
trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc xuất hiện trả lời về việc người dân góp ý sửa đổi
Hiến Pháp. Ông Lộc trong những ngày gần đây rất nổi tiếng vì từng làm trưởng
đoàn gồm 15 nhân sĩ trí thức đến số 37 đường Hùng Vương để trao kiến nghị 7 điểm
và bản Dự thảo sửa đối Hiến pháp năm 2013 cho Ủy Ban Pháp luật của Quốc Hội.
Khi được phóng viên
truyền hình hỏi vai trò của mình trong bản kiến nghị, ông Nguyễn Đình Lộc đã trả
lời như sau:
“Phần tôi thật ra đóng vai trò thì nói về trưởng đoàn nghe
có vẻ to lắm nhưng chỉ đến đấy mới được lên trưởng đoàn, đến lúc trao thì mới
được lên trưởng đoàn thành ra giao cho cái gọi là trưởng đoàn còn trước đấy tôi
không tham gia tôi không soạn thảo. Vì tôi là nguyên là bộ trưởng Bộ Tư pháp
nên các đồng chí ấy, các bạn có vẻ tín nhiệm tôi cao thôi chứ còn thật ra tôi
không tham gia vào xây dựng văn bản ấy, cho nên bây giờ có người cứ bảo tôi thế
này tôi thế kia nhưng nếu tôi làm thì tôi nhận thôi nhưng tôi không làm cái đó.
Chính anh em họ làm mà hôm ấy mình chỉ là người đến đấy họ trao làm trưởng đoàn
để mà trao cái quyết định thế thôi.
Tức nhiên trước khi trao thì phải đọc chứ. Tôi cũng có
nghiên cứu và bản thân tôi lúc bấy giờ cũng muốn sửa một số chỗ nhưng các đồng
chí bảo: Không, cái này công bố trên mạng rồi bây giờ mình sửa thì không nên.
Thật ra đến lúc đó mới trao cho tôi sau, trước đấy không trao đổi kỹ tôi nói rằng
là cũng có lúc người khác trao nhưng hôm cuối cùng gặp nhau thì bảo cứ để ông Lộc
ông ấy trao. Như tôi đã nói việc viết những văn bản ấy tôi không tham gia, tất
nhiên tôi có tham gia ý kiến nhưng tôi không phải là người viết đâu. Còn cái dự
thảo gọi là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 thì tôi hoàn toàn không tham gia
cũng không phải là người thành lập. Ký vào chỗ bảy điểm còn Dự thảo Hiến Pháp sửa
đổi năm 2013 thì tôi không hề viết cái đó”.
Khi chương trình được
phát sóng cư dân mạng đã thông tin cho nhau về cuộc phỏng vấn này và không ít
người cho rằng ông Lộc đã phản bội lại những đồng chí của ông, ít nhất là mười
bốn người cùng đi với ông để trao bản kiến nghị 7 điểm và Dự thảo sửa đổi Hiến
pháp năm 2013.
Hạ uy tín
Để làm rõ hơn về bài phỏng vấn này chúng tôi đã liên lạc được với ông Nguyễn Đình Lộc và ông thẳng thắn cho biết là chương trình này không có sự biên tập nào đối với những phát biểu của ông. Để chứng minh, ông nói thêm về việc ông có tham gia soạn thảo kiến nghị 7 điểm hay không:
Hạ uy tín
Để làm rõ hơn về bài phỏng vấn này chúng tôi đã liên lạc được với ông Nguyễn Đình Lộc và ông thẳng thắn cho biết là chương trình này không có sự biên tập nào đối với những phát biểu của ông. Để chứng minh, ông nói thêm về việc ông có tham gia soạn thảo kiến nghị 7 điểm hay không:
“À không, thì cái đó nó cũng rõ thôi. Thật ra thì cái bản ấy
tôi không tham gia viết, nhưng hôm ấy hôm cuối cùng gặp nhau thì một số đồng
chí bảo tôi, đề nghị ông Lộc bởi ổng chuyên về pháp luật cho nên để ổng làm trưởng
đoàn để mà đi trao thôi chứ việc mà viết thì tôi không viết đâu. Thật ra cũng
có những chỗ tôi định đề nghị là có thể sửa được không nhưng anh em bảo cái ấy
đã đưa lên mạng rồi không nên sửa nữa. Đấy là ý kiến chung chứ không riêng một
người nào đâu, nói chung ấy là ý kiến chung”.
Khi chúng tôi mang câu chuyện có nguồn tin cho rằng ông đã
có ý định rút tên ra khỏi bản kiến nghị và nhân tiện hỏi ông có ân hận gì khi
tham gia vào bản kiến nghị hay không, ông cho biết:
“Cái việc hôm ấy đã làm xong rồi thì rút hay không rút làm
gì nữa? Chỉ làm bằng ấy thôi chứ có làm thêm điều gì đâu? Chuyện gì mà ân hận nhỉ? Quốc hội kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến
thì chúng tôi góp ý kiến thôi có gì đâu mà ân hận? Tiếp thu hay không thì đó là
việc của ban soạn thảo, đem trình Quốc hội thì Quốc hội quyết chứ. Khi tham gia
thì mọi người đều có quyền tham gia nhưng mà ý kiến tham gia thì không phải mọi
thứ đều bắt buộc phải nghe. Phải nói đó là ý kiến chung chứ không phải một người,
hôm ấy có mười mấy người cơ mà, rồi sau này tham gia thêm”.
Để sáng tỏ hơn những gì nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn
Đình Lộc nói trước công chúng, chúng tôi phỏng vấn Giáo sư Tương Lai, người có mặt từ đầu
trong danh sách 72 người và cũng có mặt tại buổi trao kiến nghị 7 điểm cùng Dự
thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 cho Ủy Ban Pháp luật Quốc hội vào ngày 4 tháng Hai.
Giáo sư Tương Lai cho biết:
“Ở trên mạng đã
có một vài phê phán cho rằng ông Nguyễn Đình Lộc trở cờ này nọ tôi cho nhận định
như thế là rất vội vã và không đúng. Có mấy điều mà tôi nghĩ là ông Lộc ông ấy
nói đúng. Bởi vì chính tôi cũng được vinh dự tham gia vào đoàn đại biểu mang kiến
nghị đến 37 Hùng Vương. Khi chuẩn bị đến bấy giờ mọi người bảo anh Lộc làm trưởng
đoàn thì anh Lộc rất vui vẻ và cùng đi, vì vậy anh ấy nói ra là cũng bình thường
vì chúng tôi nghĩ rằng đã tham gia vào việc đưa kiến nghị thì ai làm trưởng
đoàn cũng thế thôi. Nhưng vì anh Lộc nguyên là Bộ trưởng Bộ Tư Pháp thì anh ấy
làm trưởng đoàn nó có cái hay của nó. Cho nên chúng tôi nghĩ chẳng có vấn đề gì mà phải rắc rối, cho nên anh Lộc anh
nói như vậy là đúng”.
Riêng về điều mà ông
Nguyễn Đình Lộc khẳng định là không hề tham gia soạn thảo bản Dự thảo Hiến Pháp
2013 Giáo sư Tương Lai nhận xét:
“Điều thứ hai anh
ấy nói cũng đúng. Anh ấy nói không tham
gia soạn thảo bản Hiến pháp 2013, tôi nghĩ điều đó có thể cũng đúng. Theo
chỗ tôi biết việc soạn thảo đó xem như là một tư liệu tham khảo kèm theo bản kiến
nghị 7 điều mà chúng tôi đã ký tên vào thì bản Hiến pháp năm 2013 là do một số
chuyên gia về luật soạn thảo nhưng trong đó hình như không có anh Lộc, vì vậy
điều anh nói là cũng đúng”.
Còn việc thứ ba thì
sao? Ông Nguyễn Đình Lộc đã làm cư dân mạng bức xúc khi nói rằng khi ông đưa ý
kiến thì mọi người nói rằng kiến nghị 7 điểm đã được đưa lên mạng nên không thể
sửa, Giáo sư Tương Lai một lần nữa xác nhận:
“Anh ấy nói khi
soạn thảo bản kiến nghị 7 điểm thì anh ấy
có tham gia và có ý kiến và về cuối thì cũng có một vài ý kiến cần phải sửa
nhưng quả thật lúc bấy giờ đã đưa lên mạng rồi không sửa kịp nữa. Điều đó cũng
là đúng.
Như cá nhân tôi
được các anh ấy cho tham gia góp ý kiến về bản kiến nghị thì đến phút cuối tôi
cũng đề nghị là nên chỉnh sửa thế nào để khi người ta xem người ta dễ hiểu hơn.
Tôi cũng nói quyết liệt lắm. Cuối cùng ý kiến của tôi cũng có thể được chấp nhận
một phần nào và chúng tôi cùng sửa. Còn anh
Lộc có thể anh cũng là người không gay gắt thấy xong thì anh cũng cười thế thôi”.
Mặc dù những phát biểu
của ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp đều được giáo sư Tương Lai
xác nhận là đúng nhưng những băn khoăn của Giáo sư là những câu nói không mạch
lạc và thiếu thuyết phục của ông Lộc có thể làm hại chính bản thân của ông,
Giáo sư Tương Lai nói:
“Theo tôi người ta có thể khai thác những ý
nói không thật rõ ràng của anh Lộc để người ta làm mất uy tín của anh ấy,
đây là điều mà bản thân anh Lộc phải rút kinh nghiệm thôi. Mỗi người phải tự chịu
trách nhiệm về chính mình. Cái cách anh ấy nói không rành rọt dứt khoát khiến
người ta có thể khai thác và người ta nói ông này bị ép buộc, hoặc thế này thế
kia điều đó sẽ rất hại uy tín cho một người từng là Bộ trưởng và nhất là một
trí thức chân chính.
Từ phát biểu không rành rọt
của ông nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, của
nhà luật gia, nhà trí thức Nguyễn Đình Lộc người ta có thể bẻ quẹo đi thì điều
đó rất có hại cho uy tín của cá nhân anh Lộc. Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm
cho bản thân mình còn áp lực hay không áp lực thì tôi không được biết để bản
thân anh Lộc sẽ nói mà thôi”.
Vu khống, trù dập
Vu khống, trù dập
Khi được hỏi liệu những phát biểu này có làm mất đi phần
nào uy tín của kiến nghị 7 điểm hay không, Giáo sư Tương Lai cho biết:
“Bản thân của vấn đề này chẳng mảy may ảnh
hưởng gì đến ý nghĩa sâu xa và trực tiếp của kiến nghị 7 điểm mà chúng tôi đã
ký vào và đến tận nơi ban soạn thảo trao kiến nghị đó. Việc làm này là quang
minh chính đại theo yêu cầu chung của Quốc hội đưa ra cho toàn dân.
Cuộc thảo luận
công khai gần đây do ông Uông Chu Lưu phó chủ tịch Quốc hội chủ trì những anh
em từng tham gia soạn thảo kiến nghị 7 điểm nói trên đã được mời và mọi người
đã trình bày ý kiến này một cách rất thẳng thắn. Ý kiến của Giáo sư Hoàng Tụy,
của Giáo sư Chu Hảo, ý kiến của TS Nguyễn Quang A… Anh Chu Hảo cho tôi biết từ
hôm kia là chỉ tập trung vào bàn lời nói đầu của Hiến pháp mà thôi. Anh Chu Hảo
đã thay mặt cho nhóm soạn thảo kiến nghị 7 điểm trình bày toàn văn đoạn chúng
tôi kiến nghị phải sửa lời nói đầu như thế nào. Rõ ràng đây là một việc làm
quang minh chính đại theo yêu cầu của những người chủ trương nhân dân góp ý kiến
vào Hiến Pháp, thì chúng tôi làm!”
Những tấn công dồn dập
bằng mọi cách, mọi phương tiện sẵn có đối với kiến nghị 72 của truyền thông đại
chúng, đặc biệt là hệ thống VTV1 của nhà nước đã làm người dân thật sự thất vọng.
Vừa kêu gọi góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp lại vừa trù dập, vu khống, bôi bẩn
những người góp ý vì không phù hợp với ý muốn của Đảng. VTV1 gọi là tranh luận
nhưng những người được mời lên chỉ nói chung một thứ ngôn ngữ và do đó không
khí tranh luận được xem như không có. Giáo
sư Tương Lai nhận xét việc này thông qua sự việc VTV1 phỏng vấn ông Nguyễn Đình
Lộc:
“Dùng xảo thuật
ngôn từ để ăn gian trong thảo luận, tệ hơn nữa là quy kết hăm dọa để vu vạ, hãm
hại người khác là hành vi khó nhận diện và luận tội hơn nhiều so với tham
nhũng, ăn cướp, giết người. Thế mà có khi những việc làm thiếu lương thiện như
vậy lại gây ra tai họa cho xã hội không kém nặng nề. Không phải vô cớ mà người
xưa nói: “Một lời nói một đọi máu”. Không
bao giờ có một cuộc thảo luận đúng nghĩa nếu người tham gia thiếu lương thiện.
Và càng cần sự
lương thiện trân trọng từ mọi người nhất là những người nắm quyền phát ngôn, những
cái miệng có gang có thép trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Mặc dù đa số cư dân mạng giận dữ với thái độ của ông Lộc
nhưng không ít người cho rằng ông Nguyễn Đình Lộc có phải là nạn nhân hay không
chưa ai dám cả quyết nhưng những gì ông nói bị đưa vào một chương trình mà chủ
đích hạ nhục kiến nghị 72 quá lộ liễu khiến tính chính danh của một hệ thống
truyền thông cấp quốc gia bị lệch lạc như chính nội dung mà nó đưa ra.
Đoan Trang: Không thể biện minh
Tôi đã từng nghĩ, trong
mọi cuộc đấu tranh đều có sự “phân công lao động”: Có người thì luôn ở tuyến đầu,
trực diện chiến đấu, thậm chí giáp lá cà với đối phương; có người luôn ở vị trí
nhân viên tình báo, âm thầm và lặng lẽ đưa thông tin của đối phương về cho quân
mình. Vai trò của nhân viên tình báo vô cùng quan trọng, nhất là khi thông tin
trở thành thứ vũ khí lợi hại nhất.
Trong công cuộc đấu
tranh vì dân chủ cũng vậy, tôi đã từng tin là có những người đóng vai trò “điệp
viên hoàn hảo” như thế. Đó là lý do để tôi viết bài “Giọt nước mắt của lề phải”,
với những câu này: “Nhưng dù thế nào đi nữa, (…) vẫn
luôn có những nhà báo lề phải ngày đêm lặng lẽ mang những gì tốt đẹp nhất mình
có thể tìm được đến cho độc giả. Tôi kính phục họ - những nhà báo trung thực,
giấu sự phản kháng vào trong thầm lặng.(…) Họ im lặng, cố gắng mang đến
cho độc giả những thông tin tốt nhất có thể có được, thông qua một lối diễn đạt
nhẹ nhàng nhất, và chỉ thầm ước mong: rồi độc giả sẽ hiểu”.
Nhưng ngay cả khi viết
những dòng như thế, tôi cũng vẫn nghĩ rằng, sẽ đến một lúc mà mỗi người ở cái
cương vị “lề phải” ấy phải lựa chọn: Đứng về phía sự tiến bộ, vì nhân dân, hay
đứng về phía cường quyền, chống lại nhân dân? Sẽ đến một lúc mà sự im lặng trở
thành đồng lõa với tội ác, sự “đóng giả, vào vai nhà tình báo hai mang” là sự dối
trá, và cái lập luận “phải nhẫn nhục ở trong chúng nó để đánh phá chúng nó từ
bên trong” trở thành bao biện. Đó chính là khi mà, không có những thông
tin của anh, người ta cũng chẳng thiếu thông tin; không có sự “hỗ trợ” từ anh,
người ta cũng chẳng chết. Anh không thể lấy cớ “tôi phải ẩn mình, phải giả
vờ giống như chúng nó, để bọc lót, hỗ trợ anh em” để biện minh cho sự hèn nhát,
kém cỏi hay phản bội của mình được.
Hành động của ông Nguyễn
Đình Lộc khi trả lời chương trình Thời sự 19h của VTV hôm 22/3 cũng vậy, không
có gì biện minh cho ông được. Điều duy nhất mà tôi có thể khẳng định theo
hướng có lợi cho ông, đó là, từ góc nhìn của một phóng viên, tôi biết phóng sự
này của VTV có sự cắt và ghép hình ảnh, lời nhân vật (ít nhất là sử
dụng nhiều hình chèn vào đoạn phỏng vấn). Nhưng điều đó chỉ thuần túy là kỹ thuật,
chứ không ảnh hưởng gì đến suy
nghĩ, đến thông điệp mà ông Lộc truyền tải đến khán giả, thông điệp ấy là “Tôi
không liên quan đến bản Kiến nghị Hiến pháp của ‘một số người’ nào đó”.
Tôi đã từng nghĩ “trong
lề phải có những giọt nước mắt”. Tôi cũng đã từng nghĩ “sẽ đến một thời điểm mà
sự hai mang, hai mặt không còn có thể được chấp nhận nữa”. Và tôi sợ rằng thời
điểm ấy đã đến rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét