Nhãn

1 tháng 3, 2013

687. THƯ NGỎ của GS Tương Lai gửi ông Nguyễn Phú Trọng

Posted by basamvietnam on 28/02/2013

Tương Lai tên thật là Nguyễn Phước Tương, sinh năm 1936 tại Thừa Thiên - Huế
·       Năm 1986, ông là Phó Viện trưởng, Viện Xã hội học Việt Nam
·       Từ năm 1988 - 1999, ông là Viện trưởng, Viện Xã hội học Việt Nam
·       Từ năm 1989 - 2000, ông vừa cũng kiêm nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Xã hội học[1]
·       Từ năm 1990 - 2006, ông là thành viên nhóm tư vấn các thủ tướng Việt Nam là Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải.
·       Trong nhiều năm qua, ông thường xuyên viết các bài báo, phát biểu về các chủ đề văn hóa xã hội của Việt Nam, với hàng trăm bài viết về phát triển, hội nhập, giáo dục, văn hóa... được đánh giá là sắc sảo và thẳng thắn trên các báo, tạp chí[2]
·       Năm 2007, ông cùng với một số vị trí thức tên tuổi khác của Việt Nam như Hoàng TụyNguyễn Quang A,... sáng lập nên Viện nghiên cứu Phát triển - IDS, một viện nghiên cứu tư nhân đầu tiên ở Việt Nam với vai trò nghiên cứu chính sách và phản biện.
·       Sau khi viện nghiên cứu IDS bị giải thể vào tháng 9 năm 2009, ông tiếp tục đóng góp các bài viết phản biện trên tư cách cá nhân về chính trị, xã hội[3], giáo dục[4]
·       Ngày 28/2/2013 ông có viết THƯ NGỎ của GS Tương Lai gửi ông Nguyễn Phú Trọng 

Kính thưa anh Nguyễn Phú Trọng,
Tôi dùng cách xưng hô này để tiện cho nội dung thư sẽ viết với tư cách của một người có hân hạnh được quen biết Anh. Đúng hơn là biết, chứ chưa dám nói là quen, vì tôi cũng chỉ gặp và nói chuyện với anh đôi ba lần kể từ dạo anh làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và có mặt trong buổi tôi báo cáo với Tổng bí thư Đỗ Mười và Bộ Chính trị về cuộc Khảo sát xã hội học về Cơ cấu xã hội và Phân tầng xã hội, một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Theo lời thuật lại của Chu Hảo, lúc ấy là Thứ trưởng Bộ KH và CN ngồi cạnh Anh, thì anh đã nhận xét về tôi “Tay này báo cáo với Tổng Bí thư và Bộ Chính trị mà cứ nói khơi khơi như nói trước Hội đồng Khoa học của Viện không bằng !”.
Lần gặp gần đây nhất là ngày 17 tháng 1 năm 2011 tại Hội trường Hội nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Hà Nội. Có thể Anh quên vì bận nhiều việc nên tôi xin được nhắc lại: Hôm ấy, khi tôi đi đăng ký phát biểu ý kiến với Đoàn Chủ tịch Hội nghị, ngang qua chỗ Anh ngồi, Anh đã chủ động đứng dậy chào gọi và bắt tay tôi. Tôi cảm kích về cử chỉ thân thiện này, biết rằng thế là Anh vẫn nhớ tôi, nên đã bắt tay Anh rất chặt và nói “Xin chúc mừng Tân Tổng Bí thư“.
Anh cười và hỏi: “Chúc mừng cơ à?”. Tôi đoán biết và mang máng hiểu ra Anh đang nghĩ gì và định nói gì, nên cũng vui vẻ trả lời “Phải chúc mừng chứ. Hãy cứ chúc mừng đã. Và rồi tôi sẽ dõi theo công việc của Anh làm, hành động và ứng xử của Anh với tư cách Tổng Bí thư, để rồi có tiếp tục chúc mừng hay không là chuyện về sau, còn bây giờ thì phải chúc mừng đã”.  Cả Anh và tôi cùng cười. Những người đứng cạnh cũng cười vì tôi vốn nói to, mọi người đều nghe và nhìn thấy. Nhắc lại chuyện này để nói rằng, hai năm qua, dõi theo những công việc Anh làm, quả thật tôi nghĩ là phải rút lại lời chúc mừng đã đưa ra với Anh hai năm trước. Vì sao?  
Vì chưa lúc nào vận mệnh của đất nước lại bấp bênh, chao đảo như hiện nay khi mà bàn tay của Trung Quốc đã thọc quá sâu vào mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước,của đời sống đất nước ta. Chính vì thế, chưa bao giờ uy tín của Đảng xuống thấp đến vậy. Điều này liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của Tổng Bí thư. Thực trạng này được phơi bày quá rõ ràng mà chính Anh, cũng như nhiều người giữ vị trí cao trong bộ máy cầm quyền, đã nhiều lần trực tiếp hoặc gián tiếp nói ra, chứ chẳng phải do “những phần tử thù địch” nào bôi nhọ cả!
Đành rằng với nguyên tắc “lãnh đạo tập thể“, cả Bộ Chính trị, và toàn thể BCHTƯĐ phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên, với trách nhiệm là người đứng đầu BCHTƯ, Tổng bí thư là người phải gánh vác, không thể đổ cho ai được cả.
Trong bức thư này chưa thể nói nhiều về thực trạng của đất nước mà người Tổng bí thư phải chịu trách nhiệm, xin chỉ nêu lên hai điều trực tiếp nhất và gần đây nhất đã làm trầm trọng thêm sự mất uy tín của Đảng, gây bức xúc trong lòng dân: Một là phát biểu tùy tiện của Tổng Bí thư tại Vĩnh Phúc gây phẫn nộ trong công luận, và hai là sự câm lặng của Đảng, Nhà nước và cả Hệ thống chính trị trong ngày 17 tháng 2! Cái ngày mà cách đây 34 năm, hơn nửa triệu quân Trung Quốc xâm lược theo lệnh của Đặng Tiểu Bình đã tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc, gây nên tội ác tày trời đối với đồng bào ta, hàng van chiến sĩ ta đã hy sinh trong cuộc chiến đấu đánh trả quân xâm lược, buộc chúng phải tuyên bố rút quân.
Trong phạm vi bức thư ngắn này, tôi chỉ đề cập đến hai vấn đề nói trên để mong được Anh xem xét và cho tôi câu trả lời.
Quả thật, tôi quá sửng sốt khi nghe anh nói: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chứ gì nữa? Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy. Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? Tham  gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì…ì? Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này”.

Sửng sốt vì không thể hình dung được đây là lời của Tổng Bí thư, một người vốn tính thận trọng, lại tùy tiện quy kết một cách hồ đồ như vậy. Sẽ quá dài dòng và có lẽ cũng chưa là thật sự cấp bách vào lúc này để chỉ ra sự lẫn lộn, nếu không muốn nói là đánh tráo khái niệm, khi Tổng Bí thư nói đến “các luồng ý kiến” được nêu lên trong dịp các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến vào Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp theo Nghị quyết và lời kêu gọi của Quốc hội, lại là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.
Là một trong những người đã ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992, tham gia vào đoàn đại biểu do ông Nguyễn Đình Lộc làm trưởng đoàn đến 34 Hùng Vương Hà Nội để trao bản Kiến nghị đó cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 kèm theo một Dự thảo Hiến pháp mới để tham khảo, tôi hết sức bất bình về quy kết hồ đồ của Tổng Bí thư đối với một số điểm trong nội dung của 7 vấn đề mà bản Kiến nghị của chúng tôi đã chuyển cho Ủy ban Dự thảo nói trên. Tuy vậy, trong thư ngỏ này, tôi chỉ nói ý kiến của riêng tôi và chịu trách nhiệm về những điều tôi nói trong bức thư này.
Phải nói thêm là, đoàn đại biểu chúng tôi đã được Ủy ban Dự thảo tiếp đón trọng thị và tiếp nhận Kiến nghị có 72 chữ ký cùng với Dự thảo Hiến pháp 2013. Một số phóng viên báo đến dự và sau đó một số báo đã đưa tin về cuộc gặp này. Trong thư gửi ông Nguyễn Đình Lộc, người dẫn đầu đoàn đại biểu đến trao Kiến nghị, ông Ủy viên Ủy ban, Trưởng Ban Biên tập đã cho biết là “những điều nêu trong Kiến nghị nói trên sẽ được tập hợp, nghiên cứu trong quá trình chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp”. Vậy thì, khi Tổng Bí thư quy kết “vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chứ gì nữa?” liệu có phải là nhằm vào những vấn đề mà bản Kiến nghị của chúng tôi nêu lên không? Nếu vậy thì Nghị quyết và lời kêu gọi toàn dân góp ý kiến vào việc Sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội còn có giá trị gì nữa khi mà những ý kiến trái tai lãnh đạo thì bị quy là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống! Là một đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư phải trả lời với Quốc hội và với cử tri về kết luận hồ đồ nói trên. Ít nhất, Tổng Bí thư cần giải thích rõ những ý kiến mà Tổng Bí thư dẫn ra, vì sao gọi đó là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Là nhà lý luận, lại từng là Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Tổng Bí thư cần giải thích rõ nội hàm của khái niệm đạo đức, lối sống và tư tưởng chính trị để từ đó mà nói rõ những “kiến nghị…” dẫn ra ở trên là suy thoái đạo đức, lối sống, suy thoái về tư tưởng chính trị như thế nào? Một nhà lý luận sao lại có thể giải thích tùy tiện và hồ đồ rằng: “Người ta đang có những quan điểm đấy. Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!. Vậy thì đã thừa nhận người ta nêu lên “quan điểm” thì cần phải tranh luận để làm sáng tỏ đúng sai, sao lại quy kết đó là “suy thoái” và đòi phải “ xử lý“? Sẽ không đúng lúc nếu lại đưa ra tất cả những điều mà Tổng Bí thư cho đó là suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, xin chỉ đề cập đến mấy vấn đề sau đây:
Ở đâu thì tôi không rõ, chứ trong 7 điểm nêu trong Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992, thì kiến nghị bỏ Điều 4 của Hiến pháp không đồng nghĩa với “phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng” theo cách hiểu của Tổng Bí thư. Xin nhắc lại nguyên văn nội dung của kiến nghị đó trong văn bản đã được trao cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: “… Chính vì vậy chúng tôi đề nghị bỏ Điều 4 của Dự thảo. Việc tiếp thu đề nghị này tạo cơ hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam lấy lại niềm tin đã từng có trong dân để thực sự trở thành lực lượng lãnh đạo chính trị được xã hội chấp nhận”. 
Một vấn đề nữa được Tổng Bí thư nêu lên: “Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả?” và quy kết đó là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” thì lại càng hồ đồ hơn nữa. Xin nhắc lại rằng, đây là quan điểm chúng tôi đã nêu hơn mười năm trước trong nhiều Hội thảo Khoa học do các cơ quan Nhà nước tổ chức và đã đăng công khai trên nhiều tờ báo.


Xin chỉ dẫn ra một ví dụ ; trong bài “Nhà nước pháp quyền và Xã hội dân sự” đăng trên báo “Người Đại biểu Nhân dân“, tiếng nói của Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân,  ngày 26.5.2006 và bài Hành trình từ “chuyên chính vô sản” đến “Làm chủ tập thể” và “Nhà nước pháp quyền cũng đăng trên “Người Đại biểu Nhân dân” ngày 10.6.2013, tôi đã trình bày về vấn đề “tam quyền phân lập” như sau:
Vấn đề cơ bản nhất của nhà nước pháp quyền là pháp quyền ở trên nhà nước. Theo nguyên lý của tư tưởng pháp quyền đó, nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc “tam quyền phân lập”. Mục đích của sự phân quyền đó là trong cơ cấu quyền lực phải có sự kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau nhằm tránh sự độc quyền, lạm quyền. Nhà nước và công chức chỉ được làm những điều luật pháp cho phép, còn dân thì được làm tất cả những điều mà luật pháp không cấm, thể hiện rõ nguyên lý quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, nhân dân có quyền tham gia vào việc hoạch đinh pháp luật, giám sát và kiểm soát hoạt động và nhân sự của bộ máy nhà nước. Đây là điểm quy chiếu để xác lập sự khác biệt giữa nhà nước pháp quyền và nhà nước không pháp quyền… Ở các kiểu loại nhà nước không pháp quyền thì quyền lực được tập trung vào độc quyền cá nhân [nhà vua] hay một nhóm người định đoạt mọi vấn đề của đất nước. Sự chuyển giao quyền lực giữa các chủ thể quyền lực là cơ chế nối truyền [gia đình, dòng tộc, các nhóm quyền lực cùng chung lợi ích, nhân dân đứng ngoài tiến trình này, hoặc chỉ là vật trang sức để lừa mị mà thôi”.
Vậy thì dựa vào cơ sở nào để quy kết rằng nói đến "tam quyền phân lập” là "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" xin Tổng Bí thư chỉ rõ ra đặng chúng tôi nâng cao nhận thức. Cũng xin nói thêm rằng, hai bài báo nói trên lại nằm trong cụm bài trong mục "Đàm luận sáng thứ hai" của tôi đã được tặng thưởng báo chí về Đề tài Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2006. Ban tổ chức đã động viên tôi bay ra Hà Nội nhận giải thưởng bằng việc cho biết là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sẽ là người đứng ra trao giải thưởng đó. Tôi đã gửi thư cám ơn và in lỗi đã không ra Hà Nội được, và bức thư đó đăng trên báo. [Xin nói thêm là tiếp năm sau, tôi lại được tặng thưởng lần thứ hai giải báo chí về Đề tài Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2007 cùng với hai tác giả khác là ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội và hòa thượng Thích Chơn Thiện, đại biểu Quốc hội]! Vậy mà nay tôi lại bị Tổng Bí thư quy kết là “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống” vì đã có tư tưởng về “tam quyền phân lập” thì xem ra tôi khó mà tiếp thu sự khiển trách của Tổng Bí thư về sự “suy thoái” của mình.
Đành tự an ủi với quan điểm tôi đã viết trong bức thư nói trên [đăng trên báo Người Đại biểu Nhân dân ngày 31.12.2006 với đầu đề do Tòa soạn đặt: "Dùng ngòi bút của mình chiến đấu cho lý tưởng cao cả".  Quan điểm đó là: "Nhằm giữ cho ngòi bút của mình không thẹn với chính mình, phải có sự lao tâm khổ tứ để chọn ý, chọn lời, chọn cách diễn đạt để sao cho những cá nhân nào đó khỏi động lòng, khiến họ có thể dùng thói độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tùy tiện quy kết, gây khó khăn cho tờ báo đã đăng bài của mình... Nhưng rồi nghề nào cũng có nghiệp ấy, "đã mang lấy nghiệp vào thân" thì cũng phải bằng mọi cách mà đi cho trọn con đường đã chọn... tôi sẽ tiếp tục chiến đấu bằng ngòi bút trung thực của chính mình...!".
Vả chăng, thưa anh Nguyễn Phú Trọng, tôi chỉ là hạt cát nhỏ nhoi trong biển cả nhân dân, sự bị xúc phạm của tôi chưa là gì so với điều mà anh đã xúc phạm đến nhân dân, trong đó có những bậc lão thành cách mạng đáng kính, những trí thức tâm huyết, những người từng giữ trọng trách, nay tuy đã về hưu, tuy tuổi cao sức yếu, vẫn cố gắng tham gia soạn thảo và ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992.
Họ làm điều ấy với lòng mong mỏi đóng góp vào việc soạn thảo một Hiến pháp ngang tầm với đòi hỏi của thời đại, đáp ứng được khát vọng của cả dân tộc muốn hội nhập vào quỹ đạo phát triển của thế giới trong bối cảnh của nền văn minh mới thế kỷ XXI. Trong số đó, có người từng được Anh mời đến góp ý kiến với Hội đồng lý luận Trung ương, mà nếu tôi nhớ không nhầm, thì rất nhiều lần Anh tỏ ý kính phục và trân trọng trí tuệ và tâm huyết của những đóng góp ấy với tư cách là Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ. Những người như vậy mà Anh dám quy cho họ là "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" sao?
Anh Trọng ạ, nếu thật sự muốn chỉ ra sự suy thoái ấy thì phải tìm vào trong những kẻ vong ân bội nghĩa với đồng bào, đồng chí từng ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới cách đây 34 năm! Vong ân bội nghĩa bằng sự câm lặng trong ngày 17 tháng 2 để khỏi phải phạm vào "điều cam kết" với những kẻ đã từng xua hơn nửa triệu quân xâm lược tràn vào các tỉnh biên giới năm 1979, tàn sát dân lành, tiêu hủy nhà cửa, đốt phá làng mạc, kể cả việc đặt bom phá khu di tích Păc bó. Vì vậy, nói về "suy thoái tư tưởng chính trị" thì không thể chỉ quy chiếu vào sự trung thành hay không trung thành với một hệ tư tưởng được áp đặt, khi mà thực tiễn đã chứng minh những giáo điều từng được học thuộc lòng về hệ tư tưởng ấy đã gây tai họa cho sự nghiệp của đất nước ghê gớm như thế nào. Thì chẳng phải "Đổi Mới" được xem là một cột mốc trong đời sống của dân tộc ta vì nó đã đưa đất nước vượt qua thảm họa của sự sụp đổ những năm 80 do sự áp đặt mô hình được xây nên bằng những giáo điều tai hại đó sao!
Cho nên, trung thành vơi truyền thống không có nghĩa là quay về những thế kỷ đã lụi tàn để ngắm một dãy dài những bóng ma, mà trái lại phải đem hết sức mình tiến về phía trước, như dòng sông chỉ có  chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó. Còn nói về tư tưởng chính trị của Đảng thì có lẽ nên tham khảo cách định nghĩa về "đảng chính trị" của Đại Bách khoa Toàn thư Pháp: “Nhìn chung, một đảng chính trị có thể được định nghĩa như thể là một tập thể xã hội tìm kiếm sự ủng hộ của nhân dân nhằm trực tiếp thực thi quyền lực, và tập thể này được tổ chức theo thời gian và không gian sao cho nó có thể vượt qua được ảnh hưởng cá nhân của người lãnh đạo. Định nghĩa này vận dụng ba yếu tố: nền tảng của đảng, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của nó mà người ta xem xét trước khi xem xét những đảng được định nghĩa như vậy đã hình thành trong lịch sử như thế nào".
Ấy vậy mà, đã từ lâu, ở ta, thường quen dùng và thích dùng khái niệm "Đảng ta", xem đấy như là một lời phong tặng về uy tín của Đảng trong lòng dân, biến khái niệm đảng chính trị thành một thứ "bái vật giáo", mà quên mất rằng, khi là đảng cầm quyền, thì cũng như mọi thực thể quyền lực khác, đều không tránh khỏi sự tha hóa. Biểu hiện rõ nhất của sự tha hóa ấy chính là sự suy thoái về tư tưởng chính trị: ngày càng xa dân, cưỡi lên đầu lên cổ dân do cơ chế toàn trị, không muốn và không dám tiếp nhận sự phản biện xã hội [vì không có tự do tư tưởng, không có tự do báo chí, không cho phép quyền tư do lập hội...]. Và sự tha hóa ấy bộc lộ rõ quy luật đã được lịch sử đúc kết “quyền lực có xu hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối”! Câu chuyện về “một bộ phận không nhỏ” thoái hóa biến chất cứ ngày càng to dần lên, càng chống càng phình to ra như một căn bệnh ung thư đã di căn vô phương cứu chữa, mới đích thực là sự “suy thoái về tư tưởng chính trị” gắn liền với “suy thoái về đạo đức lối sống” đáng sợ nhất.
Thưa anh Nguyễn Phú Trọng.
Sự suy thoái mà Anh vừa nói, trước hết được biểu hiện quá rõ mà “triệu con mắt đều nhìn vào, triệu ngón tay đều chỉ vào” trong ngày 17.2. 2013 vừa rồi: Đó là sự quay lưng lại với đồng chí, đồng bào đã chết dưới họng súng của quân Trung Quốc xâm lược. Máu của hàng vạn đồng bào và chiến sĩ ta đã thấm đẫm giải đất biên cương. Máu người đâu phải là nước lã, ấy vậy mà để giữ “cam kết” với thế lực hiếu chiến Bắc Kinh, người ta đã chỉ đạo quán xuyến từ trên xuống dưới không có một nén hương, một vòng hoa tưởng niệm? Cần phải nói thêm rằng, thế lực hiếu chiến mà ai đó đã “cam kết” lại đã ngang nhiên tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm về ngày 17.2, ngày chúng mở cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng lại rao rêu khắp cả nước, đưa cả vào sách giáo khoa dạy trẻ em Trung Quốc, rằng đó là cuộc chiến tranh tự vệ nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”! Thế lực hiếu chiến mà ai đó “cam kết” lại đang dung dưỡng cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, công nhiên đưa lên bảng hiệu trong cửa hàng Beijing Snacks tại Bắc Kinh dòng chữ ngạo ngược: “không phục vụ người Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và chó!”.
Vậy thì ai đã đưa ra lời “cam kết” với bọn xâm lược là “không nhắc lại quá khứ” để tuyệt đối câm lặng trong ngày 17.2 vừa rôi?  Ai đã làm chuyện xấu hổ và dại dột ấy? Ai? Xin Tổng Bí thư chỉ ra.
Thực hiện sự “cam kết” đó, cùng với hương tàn khói lạnh trên các nghĩa trang liệt sĩ trong ngày 17.2, là sự câm lặng trên toàn bộ báo chí chính thống và hệ thống truyền thông theo một cây gậy chì huy thống nhất, là sự ngăn chặn, cản trở, đe dọa bắt bớ và trấn áp những ai đã dâng hương hoa tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc, biên giới phía Tây Nam, ở Hoàng Sa năm 1974 và ở trận Gạc Ma, Trường Sa năm 1988. Còn sự suy thoái tư tưởng nào bằng sự vong ân bội nghĩa ấy thưa anh Nguyễn Phú Trọng. Có sự sa đọa về đạo đức và lối sống nào bằng sự vong ân bội nghĩa ấy thưa Tổng Bí thư?
Mặt khác, nếu muốn rao giảng về đạo đức thì chính là đạo đức đích thực khi dám vượt qua mọi sự đe dọa, trù dập, trấn áp cho đến những thủ đoạn thấp hèn quen thuộc là đuổi việc, đuổi học, vẫn quyết theo tiếng gọi của lương tâm, phạm trù cơ bản nhất của đạo đức, quyết dâng vòng hoa tưởng niệm tại Đài Liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, thắp nén hương tại tượng Quang Trung nơi Gò Đống Đa, giương cao vòng hoa trắng quyết không cho những bọn vô sỉ giành giật và bóc xé dòng chữ tưởng niệm tại tượng đài Cảm Tử bên hồ Hoàn Kiếm, vượt qua mọi sự rình mò và soi mói để trang trọng dâng hoa và những dòng chữ tưởng niệm nhân ngày 17.2.2013 dưới chân tượng Đức Thánh Trần gần bến Bạch Đằng, quận I, thành phô Hồ Chí Minh. Chính là đạo đức, khi trong mỗi ngôi nhà, không phân biệt là nhà cao tầng, biệt thự hay nhà tranh vách đất, người ta thành tâm thắp một nén hương, bày bình hoa trên ban thờ với dòng tưởng niệm những người đã chết trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược nhân ngày 17.2. Cũng chính là đạo đức, khi nêu cao một lối sống không chịu khuất phục, dám ngẩng cao đầu để biểu thị chính kiến của mình như nhà báo trẻ nọ “làm báo từ năm 2006 đến giờ. Tôi nhận thức được hệ quả sẽ đến với tôi”. Biết rõ như vậy, nhưng nhà báo ấy vẫn nói lên tiếng nói trung thực của chính mình, “hoàn toàn do mệnh lệnh đạo đức của tôi ” như anh khẳng định.
Thưa anh Nguyễn Phú Trọng,
Liệu sau khi nhỡ lời, anh có thấy hối tiếc vì mình đã xúc phạm đến những người được nhân dân kính trọng, vị tướng lão thành từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc, năm nay đã 97 tuổi, đã suy nghĩ, nghiền ngẫm từng chữ từng lời, thêm bớt, bổ sung trước khi ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992, và ngày 17.2 vừa qua đã cùng với một số người đáng kính khác ký vào Kiến nghị ấy đã mang hoa đến tưởng niệm các liệt sĩ ngã xuống vì sự tồn vong của Tổ quốc? Nếu có, thì Anh nên xin lỗi họ, cũng tức là xin lỗi nhân dân. Chuyện nhất thời có sự hồ đồ thiếu tỉnh táo cũng là chuyện thường tình, cho nên xin lỗi là một cử chỉ văn minh trong lối sống của người có hiểu biết và có đạo đức. Người có “tư tưởng chính trị” vững vàng chính là người có bản lĩnh dám nhận sai lầm.
Vả chăng, hơn lúc nào hết, khi con thuyền của đất nước đang chao đảo, là người giữ trọng trách lèo lái thì biết thu phục nhân tâm, trân trọng hiền tài phải là cái đức của người biết mình, biết người. Trót hồ đồ, nói thiếu cân nhắc, xúc phạm những người đáng lý phải trân trọng, gây phẫn nộ trong công luận, thì việc lắng nghe để bình tĩnh nhận ra chân lý, có ứng xử thích hợp, luôn là điều đáng làm.
Đến một vị vua từng nằm gai nếm mật, mười năm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc Minh, lên ngôi đại định, mở đầu cho một triều đại vẻ vang thế kỷ XV, vua Lê Thái Tổ vẫn một lòng khiêm nhường kính cẩn: “Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đi trên băng mỏng, như đứng bờ vực thẳm chỉ vì chưa kiếm được hiền tài giúp đỡ việc trị nước…”. Còn vua Lê Thánh Tông, gặp khi có thiên tai đã chỉ dụ rằng “Bởi chính trị có thiếu sót, nên trời chỉ cho bằng tai biến. Đó là do lỗi lầm của trẫm mà chuốc lấy họa chứ trăm họ có tội gì đâu? Có phải vì trẫm đức tin chưa đến dân, lòng thành chưa thấu tới trời mà đến nỗi như thế chăng?”. Cũng trên cái mạch tư duy ấy, vua Minh Mạng thế kỷ XIX khi nghe tâu về vỡ đê, dân tình cơ cực đã xót xa tự vấn: “Nghĩ tấm thân lạm ở trên trăm họ, không biết tu đức để trời cho hòa khí, đến nỗi dân ta bị tai họa ấy, thực là một điều lỗi lầm của ta”! Thì ra, cha ông ta xưa đã không mắc phải điều mà ngày nay đã trở thành ca dao hiện đại: “mất mùa bởi tại thiên tai, được mùa bởi tại thiên tài đảng ta”!
Gợi lên vài dòng lịch sử chỉ nhằm nói thêm với người gánh vác trọng trách quốc gia rằng: phải biết “kính cẩn, lo sợ, như đi trên băng mỏng, như đứng bên bờ vực” chứ không thể tùy tiện phán bảo và quen thói bịt miệng dân, chỉ muốn dân cúi đầu tuân phục “chỉ thị, nghị quyết”, cho dù thực tiễn cho thấy có quá nhiều chỉ thị nghị quyết sai lầm gây bao tai họa cho dân. Và rồi, cái cách lớn tiếng đe dọa “lợi dụng việc góp ý kiến vào Hiến pháp để phá hoại đường lối chính sách, làm mất uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng” của một vài người có trọng trách trên báo chí và trên tivi mấy ngày qua đã không hù dọa được ai! Trái lại, chỉ làm cho lòng dân thêm phẫn nộ. Điều này mong Tổng Bí thư cần lưu ý.
Đối với riêng tôi, khi tham gia soạn thảo và ký vào Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 mà Tổng Bí thư đã phê phán nặng lời, tôi chỉ muốn nói rằng, tôi đã thực hiện lời chỉ dẫn của Các Mác “trí thức là người nói sự thật, phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu. Không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính mình, hoặc trước xung đột với quyền lực, bất cứ quyền lực nào.
Cho nên dù bị quy kết thế nào đi chăng nữa, tôi cũng thấy là chẳng có gì đáng bận tâm. Bởi lẽ, là người am hiểu và tôn trọng phép biện chứng, chắc Tổng Bí thư nhớ nằm lòng ý tưởng của Hégel được Ph.Angghen dẫn ra để nói về biện chứng của sự phát triển: mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá”.
Người am hiểu về biện chứng như Tổng Bí thư chắc sẽ bình tâm suy nghĩ về “những bước tiến mới” mà đời sống đất nước đang chứng kiến, để với cương vị của mình, thúc đẩy cho những ý tưởng mới phát triển nhằm đẩy lùi trạng thái cũ đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hóa. Làm được như vậy thì dấu ấn để lại trong lòng người và cho lịch sử sẽ không là sự cáo chung của lực lượng bảo thủ cố duy trì cái cơ chế đã đưa đất nước vào ngõ cụt, mà là người đem lại sự canh tân, thuận với quy luật phát triển, đáp ứng được lòng dân.
Kính gửi Tổng Bí thư lời chào trân trọng.
TP Hồ Chí Minh ngày 28.2.2013
Tương Lai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét