Nhãn

2 tháng 3, 2013

693. GS Chu Hảo: HOÃN ĐƯỢC THÌ NÊN HOÃN


Bài phát biểu của GS Chu Hảo tại Hội thảo khoa học Góp ý cho việc Sửa đổi Hiến pháp 1992, do Viện Nghiên cứu những vấn đề phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức, sáng 28 – 2 – 2013. Bài cũng được đăng trên trang Văn hóa Nghệ An sau khi được biên tập ở mức “có thể chấp nhận được”.
Bổ sung, 1/3/2013: trang Văn hóa Nghệ An đã gỡ bỏ bài này.


Giáo sư Chu Hảo (sinh năm 1940) là một trí thức nổi tiếng tại Việt Nam. Ông từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ từ 1996 đến 2005.

Theo Nghị quyết số 38 2012 QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội thì thời hạn lấy ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng 3 sắp tới. Sau đó Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tham khảo các ý kiến ấy để chỉnh sửa Dự thảo và trình Quốc hội thông qua vào tháng 10 năm nay.

Đến nay đã có rất nhiều ý kiến cho rằng quy định thời hạn như trên là hoàn toàn không thích hợp đối với một vấn đề cực kỳ hệ trọng như việc sửa đổi Hiến Pháp. Hình như lâu nay ta đã quen coi việc thay đổi Hiến pháp chỉ là để “thích hợp” với tình hình trước mắt mà không nhận thức rõ rằng Hiến pháp phải là một văn kiện pháp lý tối thượng thể hiện khát vọng trường tồn của cả một dân tộc và quyết định thể chế chính trị lâu dài cho một quốc gia. Chắc hẳn chính vì thế mà từ năm 1945 tới nay nước ta đã có tới bốn lần làm Hiến pháp mới (vào các năm 1946, 1959, 1980, 1992) và một lần sửa đổi (vào năm 2001). Lần này, theo dự kiến ban đầu, Quốc hội cũng chỉ định sửa đổi chứ không làm mới. Nhưng Dự thảo đưa ra lấy ý kiến toàn dân thì đã vượt ra khỏi khuôn khổ của việc sửa đổi về quy mô cũng như kết cấu. Và sau khi đại diện Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tuyên bố “không có vùng cấm trong việc góp ý” thì cuộc thảo luận về Hiến pháp đã trở nên sôi động bất ngờ.

Thật đáng mừng vì chưa bao giờ nhân dân lại quan tâm đến việc  sửa đổi Hiến pháp như thế. Chưa bao giờ một bộ phận không nhỏ cộng đồng người Việt lại được thảo luận rộng rãi những vấn cốt lõi của Hiến pháp đến như thế. Và sẽ thật đáng buồn nếu cuối cùng sự việc lại được lặp lại như hồi toàn dân góp ý kiến cho các văn kiện chính trị của Đại hội Đảng lần thứ 10 và 11: một phong trào góp ý rầm rộ trong suốt một năm để rồi toàn dân đón nhận văn kiện chính thức sau Đại hội hầu như không thay đổi gì cả. Hóa ra xin ý kiến nhân dân chỉ là chiếu lệ. Dù có thế đi chăng nữa thì chúng ta vẫn cứ nên tích cực tham gia thực tập dần những cuộc thảo luận chính trị dân chủ như thế này trong một xã hội dân sự lành mạnh.

Có rất nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo có một vài tiến bộ nhưng lại có nhiều điểm thụt lùi so với Hiến pháp hiện hành và về bản chất thì chưa có gì thay đổi. Những vấn đề cốt lõi đang cản trở sự phát triển bền vững của đất nước vẫn còn đó như thách thức dư luận của toàn dân. Có thể tóm tắt những điểm chính cần phải được tiếp tục thảo luận rộng rãi như sau.

1) Hiến pháp là “Luật lệ cơ bản của nhà nước quy định chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, tổ chức bộ máy nhà nước” như quan niệm của đa số người dân Việt Nam hiện nay (xem chẳng hạn Từ điển tiêng Việt, NXB KHXH 1994), hay Hiến pháp thường phải là “Một khế ước xã hội theo tinh thần thỏa thuận giữa nhân dân với chính quyền nhằm kiến tạo môi trường pháp lý có sự kiểm soát bên trong và bên ngoài đối với quyền lực” như quan niệm phổ quát mà hầu hết các nước dân chủ trên thế giới chấp nhận.

2) Quyền con người (gắn với quyền Tự do mà Tạo hóa dành cho Con người với tư cách một cá thể độc lập) khác với Quyền công dân (gắn với thể chế Dân chủ quy định quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người với tư cách là một thành viên của cộng đồng) như thế nào? Chúng ta nên thực thi quyền con người và quyền công dân theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn về Quyền con người năm 1948 và các Công ước quốc tế khác mà Việt Nam đã tham gia, hay chấp nhận những “ngoại lệ” như  ở các nước đã thiết lập nền chuyên chính vô sản từ trước tới nay.

3) Quyền lập hiến nhất thiết phải là của nhân dân (khác với quyền lập pháp là của Quốc hội), vì vậy quyền phúc quyết Hiến pháp và những vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước  phải thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền phúc quyết ấy chỉ bằng việc tham gia góp ý kiến xây dựng và chỉnh sửa Hiến pháp (như đang làm hiện nay), hay nhất thiết phải thông qua chưng cầu dân ý, trong đó toàn dân bày tỏ ý kiến tán thành hoặc không tán thành của mình bằng phiếu kín như một hình thức phổ thông đầu phiếu sau khi được thông tin đầy đủ và minh bạch các ý kiến đa chiều, nhất là trái chiều, để lựa chọn quyết định của riêng mình?

4) Xét cho cùng chế độ sở tư nhân đối với đất đai đã tồn tại hàng nghìn năm trên đất nước ta. Cuộc cách mạng dân tộc năm 1945 cũng thực hiện khẩu hiệu chính trị “Người cày có ruộng!”. Chỉ từ Hiến pháp 1980 ta mới bắt chước Liên xô quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” để gây ra biết bao hệ lụy bất ổn xã hội hết sức nặng nề. Vậy mà Dự thảo Hiến pháp vẫn khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nên chăng rứt khoát từ bỏ quy định sai trái này?

5) Mọi hoạt động của lực lượng vũ trang chỉ nhằm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân, vì vậy phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân. Quy định quân đội phải trung thành với Đảng cầm quyền sẽ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nào?

6) Cuối cùng, một vấn đề hết sức quan trọng nhưng rất ‘nhậy cảm” cũng đang được đặt ra. Đó là về Điều 4 trong Dự thảo Hiến pháp mới. Tôi xin góp phần  hóa giải sự “nhậy cảm” này bằng cách viện dẫn lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự lãnh đạo của Đảng như sau: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5 , trang 115, NXB Sự thật 1983). Có nghĩa là Đảng phải giành được sự tín nhiệm của quần chúng bằng đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn và năng lực thực hiện (cán bộ giỏi) của mình, chứ không cần phải “hợp hiến hóa” một cách thiếu dân chủ. “Hợp hiến hóa” sự lãnh đạo của Đảng có thể làm tăng tính chính danh, nhưng sẽ làm giảm đáng kể tính chính đáng của Đảng.

Lẽ nào một cuộc thảo luận dân chủ về một vấn đề hệ trọng như vậy lại có thể làm một cách thật nghiêm chỉnh chỉ trong vòng 3 tháng? Nếu gượng ép để Quốc hội thông qua bằng được Dự thảo với nội dung về cơ bản như đang có thì chắc chắn đất nước sẽ lại tụt hậu xa hơn nữa so với thế giới văn minh hiện đại. Nên chăng kéo dài thời gian thảo luận dân chủ đến khi có một bản Dự thảo Hiến pháp phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ, sự hòa giải-hòa hợp dân tộc và sự phát triển bền vững của đất nước, mang lại tự do hạnh phúc cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Bản Dự thảo ấy phải được toàn dân phúc quyết mới trở thành Hiến pháp có hiệu lực.

Lẽ nào một nguyện vọng chân chính như vậy của toàn dân lại không được tôn trọng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét