Nhãn

2 tháng 3, 2013

689. TS Nguyễn Thành Sơn: Bauxite Tân Rai sẽ ‘mắc’ vì dòng tiền



TS Nguyễn Thành Sơn, Tổng giám đốc Công ty năng lượng sông Hồng, người từng nhiều lần cảnh báo về nguy cơ lỗ của hai dự án bauxite trao đổi với báo Đất Việt về vấn đề này.

PV: Theo giải trình của Vinacomin, việc dừng không xây dựng cảng Kê Gà để đỡ lãng phí, điều này ngược với luận chứng kinh tế do chính tập đoàn đưa ra khi thuyết phục cần xây dựng cảng Kê Gà. Bản thân Vinacomin sẽ gặp khó trong vận chuyện nếu dừng công trình này. Vậy theo ông, lý do thật sự của việc dừng xây dựng cảng Kê Gà là gì?

TS Nguyễn Thành Sơn: Lý do chủ yếu là do Vinacomin đã sai ngay từ khi lựa chọn phương án xây dựng cảng tại Kê Gà.  Địa điểm hoàn toàn không phù hợp, ấu trĩ về mặt kỹ thuật; công năng của cảng được “gán” cho quá nhiều tham vọng, hão huyền; qui mô (công suất) của cảng được xác định không có cơ sở.

PV: Trong khi tính toán hiệu quả dự án, con đường vận chuyển ngắn nhất qua cảng Kê Gà đã được Vinacomin tính toán như một yếu tố khiến dự án có lãi. Với việc dừng cảng này đồng nghĩa tăng giá thành vận chuyển, cùng với giá nhôm trên thế giới xuống như hiện nay, chuyện bauxite lỗ đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hai dự án bauxite này trong hiện tại cũng như tương lai?

TS Nguyễn Thành Sơn: Hiện tại càng làm càng lỗ. Tương lai chắc chắn còn lỗ hơn nữa vì: thị phần alumina của Vinacomin trên thị trường thế giới rất nhỏ bé; chất lượng alumina thì khách hàng thừa biết được sản xuất theo công nghệ của TQ thì nó như thế nào rồi; còn về giá bán thì không thể cạnh tranh được vì giá thành alumina của Vinacomin đang để mức rất cao.

Tôi chẳng thấy có “thế mạnh” nào để có thể hy vọng sản phẩm alumina của Vinacomin sẽ tham gia vào thị trường khoáng sản thế giới một cách có hiệu quả cả.

PV: Công văn gửi báo chí của Vinacomin vẫn lạc quan rằng, sắp tới khi kinh tế phục hồi, giá alumina thế giới có thể lên tới 450 USD/tấn và khi đó thì chắc chắn hai dự án khai thác bauxite sẽ có lãi. Ông bình luận như thế nào về sự lạc quan đó? Và nếu xét ở góc độ kinh tế, theo ông, những dự án lớn như hai dự án bauxite ở Tây Nguyên mà gặp những trục trặc về dự báo hiệu quả, lại phải chờ đợi hiệu quả từ biến động thị trường thế giới thì đó có phải là một điều bình thường?

TS Nguyễn Thành Sơn: Lạc quan tếu! Cách đây không lâu, khi nói về  than ở Quảng Ninh, Vinacomin còn dám “bốc” sản lượng lên tới 100 triệu tấn/năm.

Hiện nay, nếu Chính Phủ giao Vinacomin khai thác trên 55 triệu tấn/năm, chắc không có nhiều người dám “xung phong”. Giá alumina trên thế giới lên/xuống là bình thường. Vinacomin có tài giỏi đến mấy cũng không thể không phụ thuộc vào đầu ra đầy rủi ro này.

Vấn đề chính là chi phí sản xuất đầu vào (giá thành) của alumina “Made in Tân Rai” hay “Made by Vinacomin” là bao nhiêu? đã được tính đúng, tính đủ như thế nào?. Vinacomin chỉ có thể tác động chủ yếu đầu vào. Vinacomin nên giải thích rõ giá thành sản xuất alumina ở Tân Rai là bao nhiêu?.

Vấn đề quan trọng đối với một dự án như Tân Rai (vốn đầu tư rất lớn, lại phải đi vay để đầu tư) thì trước mắt, khi đã đi vào sản xuất rồi thì phải trả nợ. Việc trả nợ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến “dòng tiền” (Cash Flow). Nó “chết” vì dòng tiền, chứ chưa chết vì “biến động thị trường” của alumina trên thế giới.

PV: Trong khi dư luận vẫn còn đang băn khoăn về hiệu quả dự án thì bỗng có một tin vui rằng, bùn đỏ ở Việt Nam tương đương với quặng sắt nghèo, 10 tấn bùn đỏ có thể thu được 2.5 tấn sắt. Bản thân Vinacomin trong công văn gửi báo chí cũng dự báo, việc sản xuất thép từ bùn đỏ sẽ tạo nguồn thu cho dự án. Là một chuyên gia trong lĩnh vực khai khoáng, ông có tin tưởng điều này không, vì sao?

TS Nguyễn Thành Sơn: Đây cũng là một lạc quan nữa của Vinacomin. Tính khả thi về mặt kỹ thuật của việc Vinacomin sản xuất được gang-thép từ bùn đỏ cũng giống như việc khai thác than trên sao Hỏa.

Tính khả thi về kinh tế (cái mà Vinacomin hy vọng “tạo nguồn thu cho dự án”) thì tôi dám khẳng định là bằng 0. Dự án sắt Thạch Khê của Vinacomin lớn nhất ĐNA, nằm sát bờ biển, hàm lượng quặng lớn, có nhiều đối tác đang quan tâm, nhưng Vinacomin đã và đang triển khai “hiệu quả” đến mức nào thì công luận đều rõ rồi.

Các dự án sắt khác của Vinacomin ở phía bắc cũng rất “hoành tráng” và “có hiệu quả”, cũng đã được khởi công vài năm nay, đang “đắp chiếu” chờ công nghệ Trung Quốc trên Cao Bằng. Tôi chẳng bao giờ tin Vinacomin có thể làm được sắt từ bùn đỏ.

PV: Hiện tại, như Vinacomin lập luận để dừng xây cảng Kênh Gà để tránh lãng phí, nếu cùng lập luận như thế, theo ông, có thể dừng tiếp những hạng mục công trình nào trong dự án lớn như  Boxit Tân Rai và Nhân Cơ?

TS Nguyễn Thành Sơn: Theo tôi, trước mắt cần dừng tiếp dự án Nhân Cơ. Chờ xem Tân Rai như thế nào đã. Nếu dừng Nhân Cơ bây giờ thì chỉ “đắp chiếu” khoảng 5000-7000 tỷ đồng thôi, còn nhỏ hơn nhiều so với việc cứ tiếp tục “đâm lao”. Việc thất thoát hàng nghìn tỷ đồng/năm trong quản lý sản xuất kinh doanh than ở Quảng Ninh đối với Vinacomin chỉ là “muỗi”.

Cách đây không lâu, trên báo Tiền Phong tôi đã chỉ ra cho Vinacomin 10 lỗ hổng gây ra tổn thất 4000 tỷ đồng/năm, nhưng Vinacomin không thèm “để ý”. Anh Trần Xuân Hòa (Chủ tịch hội đồng thành viên Vinacomin-pv) chỉ nói miệng “anh Sơn nói đúng”.

Còn đối với Tân Rai thì phải chạy nghiệm thu nghiêm túc hết 100% công suất liên tục khoảng 1 tháng (720h) để đánh giá xem dự án có đạt và có thể bàn giao cho chủ đầu tư hay không?

Chỉ khi chạy hết công suất liên tục mới bộc lộ rõ những “ưu điểm” của dự án (chất lượng, giá thành) và khi đó khách hàng mới tin tưởng và dám ký hợp đồng mua dài hạn.

Hoàng Hạnh (thực hiện) datviet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét