Nhãn

10 tháng 3, 2013

705. BĐS cần một thông điệp rõ ràng: KHÔNG CÓ SỰ GIẢI CỨU NÀO HẾT!

Trường Giang- SM

Đó là kiến nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đối với Chính phủ trong Bản tin kinh tế vĩ mô quý I/2013 về giải pháp xử lý nợ xấu và các vấn đề liên quan của thị trường bất động sản (BĐS).

Bản tin nhận định, mặc dù thị trường BĐS đã chìm sâu vào khủng hoảng và trầm lắng trong nhiều năm qua, song nhiều doanh nghiệp vẫn phản ứng chậm chạp với sức ì lớn, không phù hợp với điều kiện thị trường, với bối cảnh kinh tế hiện tại. Không chỉ có vậy mà còn xuất hiện tâm lý ỷ lại, chờ đợi sự ứng cứu từ phía Nhà nước. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi một số cơ quan quản lý như Bộ Xây dựng đưa ra đề xuất hỗ trợ như giãn, giảm thuế; bản thân các doanh nghiệp BĐS cũng đòi giảm lãi suất cho vay; Hiệp hội BĐS TP HCM thì kêu gọi các ngân hàng giãn nợ BĐS… Đặc biệt sau hai cuộc họp của Chính phủ với lãnh đạo 2 thành phố Hà Nội và TP HCM về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho 2 thị trường BĐS này, tâm lý ỷ lại vào những gói kích cầu thông qua các kênh tín dụng lại càng phổ biến.

Trong khi đó, không những không chủ động xử lý vấn đề của mình, nhiều doanh nghiệp còn tìm cách găm hàng, giữ giá, ấp ủ hy vọng rằng cơn khủng hoảng nhà đất sẽ qua mau, khó khăn đã tới đỉnh điểm, giá đã xuống tới đáy và sắp sửa đến giai đoạn hồi phục. Song cứ nhìn vào con số trên 70 ngàn chung cư, biệt thự “đắp chiếu” rải rác khắp nước, và soi vào con số nợ xấu, theo thống kê không đầy đủ cũng hàng chục ngàn tỷ đồng của BĐS thì cơ hội để thị trường “tự phục hồi” theo một vận may nào đó, dường như không xảy ra. Trước tâm lý kỳ vọng vào một cuộc giải cứu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, đây là thứ kỳ vọng sai lệch bởi với quy mô của nợ xấu trên thị trường BĐS hiện nay, nhà nước không đủ khả năng giải cứu, ngay cả khi muốn cứu.

Không dừng ở đó, về mặt chiến lược, nhà nước cũng không thể chấp nhận việc giải cứu theo nhẽ thông thường bằng việc tung tiền của dân ra để bù đắp sai lầm cho những nhà đầu tư BĐS, vốn đã “ăn đủ” trong giai đoạn BĐS tăng trưởng, nay gặp khó khăn vì chính sự tham lam của họ. Theo Ủy ban Kinh tế, nếu nhà nước vào cuộc giải cứu, không khác gì cổ súy cho thói làm ăn bừa bãi, vô trách nhiệm, có lời thì lặng lẽ hưởng, rủi gặp lỗ thì đã có nhà nước “lo”. Chính điều này sẽ tiếp tục tạo nên mầm mống cho các cuộc khủng hoảng nợ xấu trong tương lai.

Để giải quyết vấn đề của thị trường BĐS và nợ xấu BĐS năm 2013, Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần đưa ra một thông điệp rõ ràng: “Không có một sự giải cứu nào hết!”, đặc biệt đối với thị trường trung và cao cấp. Các doanh nghiệp phải chịu sự điều chỉnh của thị trường và sẵn sàng chấp nhận đào thải. Sau khi thông điệp này được đưa ra, các doanh nghiệp sẽ phải có sự tính toán và điều chỉnh giảm giá phù hợp với thị trường, với khả năng thanh toán của bên mua, qua đó mới cân bằng được cung cầu. Được như vậy mới hy vọng giải phóng được bớt hàng tồn, giảm nợ xấu, kích thích sự vận động của một thị trường vốn đã bất động từ lâu nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét