(Trái hay Phải)
- "Bộ giáo dục phải cảnh giác rằng đấy là
thái độ nghi ngờ của ban lãnh đạo các trường cao đẳng nghệ thuật, đối với chất
lượng giảng dạy Văn học ở bậc phổ thông mà muốn đào tạo lại, giáo dục theo cách
của họ chứ không phải họ đang xem thường, coi nhẹ môn Văn"
- Đó là góc nhìn của chuyên gia kinh tế, Chủ tịch InvestConsult Group Nguyễn Trần Bạt.
Có thể bỏ thi tất cả các môn
PV: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra Quy chế tuyển sinh Đại học 2013, theo
đó, 10 trường thuộc khối nghệ thuật sẽ không phải thi môn Văn. Học Văn là học
làm người, nay bỏ thi môn Văn, chỉ xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp. Theo
ông, liệu có thể lạc quan rằng, Bộ GD thừa tự tin trong việc dạy và học văn ở cấp
THPT rồi, và học sinh cứ tốt nghiệp THPT đã là người tốt rồi? So với thực tế hiện
nay, ông thấy điều này có đúng không?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Định nghĩa học Văn tức là học làm người tôi chưa nghe thấy
bao giờ cả. Vấn đề bỏ thi môn Văn và bỏ học môn Văn là hai việc khác
nhau. Tôi nghĩ, khi tốt nghiệp phổ thông đã thi môn Văn
rồi thì cũng không nhất thiết phải thi môn Văn thêm một lần nữa ở đầu vào của đại
học.
Chỉ dựa vào điểm xét tuyển môn Văn ở
bậc phổ thông không có nghĩa là người ta bỏ môn Văn mà họ đang bỏ thi một lần nữa
môn Văn. Như vậy, các trường đào tạo nghệ thuật chỉ tổ chức thi năng khiếu, lựa
chọn trên cơ sở năng khiếu của từng thí sinh và việc ấy tôi nghĩ là không
sai.
PV: Tuy nhiên trước một thực tế, bệnh thành tích, tiêu cực trong giáo dục
vẫn được coi là căn bệnh nan y, không thuốc chữa thì việc dư luận hoài nghi, lo
ngại là hoàn toàn có lý, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Nếu vẫn tiếp tục thi môn Văn ở đầu vào của bậc đại học thì mọi
việc cũng vẫn thế, vẫn có chạy chọt, vẫn có phao trong các cuộc thi đại học.
Vấn đề đặt ra là tổ chức nghiêm túc một cuộc thi tốt nghiệp bậc phổ thông và tập
trung việc lựa chọn các đối tượng nghệ thuật thì tôi nghĩ không có gì sai. Vấn
đề là bộ giáo dục đào tạo làm thế nào để chắc chắn rằng các cuộc thi tốt nghiệp
phổ thông của mình là nghiêm túc.
PV: Và như vậy, có nghĩa là chúng ta vẫn phải tin tưởng vào kết quả học
và thi Văn của bậc trung học phổ thông hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ
chúng ta có một nền giáo dục như thế nào thì nó được phản ánh đúng như thế. Nền
giáo dục thấp là do nó thấp. Thấp vì xã hội chưa phát triển, thấp vì không có đầu
tư đầy đủ, không phải lỗi thuần túy của bộ giáo dục và đào tạo. Xã hội đã không
lên án tất cả những khuyết tật thông thường liên quan đến việc viết lách, nói
năng của xã hội.
Nền Văn học có vấn đề, nền dạy dỗ,
giáo dục Văn học của chúng ta cũng có vấn đề. Cái đấy phải được xem xét kỹ,
không thể nói chung chung.
Tôi nghĩ để có được một đầu vào cho
các trường đại học tốt và để có cả đầu ra cho xã hội khi người ta không vào được
đại học, thì tăng cường chất lượng giáo dục phổ thông
quan trọng hơn nhiều so với cuộc thi môn Văn trong đầu vào của các trường đại học.
“Bỏ thi đại học còn hoan nghênh nữa”
PV: Nhiều vị hiệu trưởng khối các trường ủng hộ quy chế trên của Bộ với lập
luận rằng, bỏ qua việc thi môn Văn, trường sẽ không bỏ sót các thí sinh thật sự
có năng khiếu, ông nghĩ sao về lập luận này?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Nếu Hiệu
trưởng và ban lãnh đạo của các trường đại học và cao đẳng nghệ thuật thống nhất
trong việc loại bỏ môn Văn, tập trung tuyển chọn năng khiếu nghệ thuật thì tôi
nghĩ là phải hoan nghênh.
Thậm chí, Bộ giáo dục thông qua đề xuất
không thi đại học, mà tuyển chọn thẳng dựa vào kết quả của cuộc thi tốt nghiệp
phổ thông thì tôi còn hoan nghênh hơn nữa. Có nhiều quốc gia người ta không thi
đại học. Nước Anh là một nước có nền giáo dục rất hiện
đại nhưng người ta không thi đại học.
Chất lượng đầu vào các trường đại học không thể hiện qua kỳ thi tuyển
chọn, mà nó nằm ở công nghệ tuyển chọn. Nhất là với các trường nghệ thuật, do có đặc thù riêng, nên bỏ thi
Văn tập trung vào tuyển chọn năng khiếu là rất quan trọng.
Điều đó cũng cho thấy, Bộ giáo dục và
đào tạo đã bước đầu để cho các trường đại học tự chủ, tự quyết, tự chịu trách
nhiệm về chất lượng đầu vào của quá trình tuyển chọn.
PV: Giả sử điều đó là đúng, liệu năng khiếu thuần túy có thể trở thành
tài năng khi môn Văn bị xem nhẹ? Hay điều đó sẽ gây ra những hệ lụy mà chúng ta
đã và đang nhìn thấy nhan nhản trong làng giải trí Việt, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi cho rằng
ở đây có một sự lẫn lộn giữa việc bỏ kỳ thi Văn với việc
xem nhẹ môn Văn. Tôi không cho rằng các trường cao đẳng nghệ thuật xem
nhẹ môn Văn, bởi vì Văn học là nghệ thuật cơ sở, nghệ thuật cơ bản, nó là một
trong những năng lực cơ bản.
Nếu trong chương trình đào tạo của
các trường nghệ thuật bỏ môn Văn thì tôi phản đối ngay. Nhưng nếu họ không bỏ
môn Văn thì vấn đề không có gì phải nói ở đây.
Trường nghệ thuật đang cảnh giác với chất lượng môn Văn
Kết luận về việc coi thường môn Văn
của các trường cao đẳng nghệ thuật là một kết luận hơi cực đoan, và thiếu
công bằng đối với họ. Còn chương trình dạy Văn nhạt
nhẽo thì có nhiều lý do, các trường đào tạo nghệ thuật không chịu trách nhiệm
về chuyện này. Xã hội và Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm về sự nhạt
nhẽo của môn Văn.
Tôi cũng không hề nghĩ học sinh, giới
trẻ giờ không thích học Văn, đấy là một sự kết án rất oan đối với bọn trẻ. Ở
đây tôi tiếp không biết bao nhiêu bạn trẻ yêu thích Văn học, thậm chí họ yêu
cầu các văn bản chính trị cũng phải thể hiện dưới hình thức ngôn ngữ văn học
đầy đủ và hấp dẫn.
Nói “học Văn là học làm
người” lại càng không đúng. Người ta học làm người bằng rất nhiều môn học,
không chỉ có Văn. Học
Lịch sử cũng là học làm người, làm người yêu nước thì phải biết Lịch sử. Giáo
dục công dân là dạy bọn trẻ thành công dân, tức là dạy những đạo đức cơ bản,
những luật lệ cơ bản, những cách tôn trọng pháp luật cơ bản. Giải phẫu sinh
lý học cũng là một môn dạy làm người, để cho người ta hiểu chính cấu trúc
sinh học của mình.
Văn là một môn quan trọng để hiểu
biết về con người, nhưng không thể kết luận người nào
không học Văn thì không học làm người. Thiếu Văn thì không thể thành người.
Đó là kết luận hồ đồ.
Lấy gì để đảm bảo trong các chương
trình đào tạo của các trường nghệ thuật người ta không dạy Văn học? Tôi lấy
ví dụ ở trường múa, khi người ta học vở Hồ thiên nga, là người ta vừa học Văn
học, vừa học Âm nhạc.
Ví dụ Trọng Tấn, Lan Anh chẳng hạn,
là những người hát opera. Để hát opera thì họ phải làm quen với những vở
opera là kiệt tác của nghệ thuật Văn học và Âm nhạc. Nếu họ không có kiến thức
Văn học thì làm sao họ hát được những vở nhạc kịch như vậy?
Ví dụ các nghệ sỹ kịch nói khi diễn
những vở kịch như “Âm mưu và ái tình”, "Othello", “Hamlet” v.v...,
những tác giả tạo ra những vở kịch ấy là những văn hào vĩ đại nhất của lịch sử
nhân loại.
Đòi hỏi chất lượng Văn học để tạo
ra các sản phẩm biểu diễn nghệ thuật như vậy nó cao hơn nhiều, chuyên nghiệp
hơn nhiều so với chương trình dạy văn học trong các trường phổ thông. Coi chừng,
họ không coi thường môn Văn mà còn coi trọng hơn nhiều. Có thêm kỳ thi chỉ vừa làm phiền họ, mà vừa không tuyển chọn
được năng khiếu.
Tại sao không đặt ra vấn
để các trường đại học cảnh giác với chất lượng đào tạo Văn học đã có, làm biến dạng năng khiếu nghệ thuật
ban đầu của sinh viên. Cho nên người ta chỉ chọn năng khiếu bẩm sinh, bản
năng, sau đó người ta sẽ dạy Văn học theo kiểu của người ta, để phục vụ cho
quá trình đào tạo của người ta.
Như vậy, sẽ không mất thì giờ để gạt
bỏ các định kiến sai trái của quá trình học văn vu vơ, để sinh viên có thể bắt
đầu quá trình học văn học chuyên nghiệp như học Goethe, học Corneille,
Molierre hay Shakespere... Ở đây là sự kiêu ngạo chứ không phải sự cẩu thả của
các trường đào tạo nghệ thuật. Đây có thể là sự cảnh
giác đối với quá trình đào tạo kém chất lượng ở các bậc đào tạo khác để
dạy lại học sinh trên cơ sở những nguyên lý đúng đắn ban đầu.
Bộ giáo dục phải cảnh giác rằng đấy là thái độ nghi ngờ của
ban lãnh đạo các trường cao đẳng nghệ thuật đối với chất lượng giảng dạy Văn
học đã được sử dụng ở các trường phổ thông. Do đó vấn đề đặt ra là nâng cao
chất lượng giảng dạy môn Văn ở bậc phổ thông chứ không phải chỉ trích việc bỏ
thi môn Văn ở đầu vào của các trường đại học và cao đẳng nghệ thuật.
Nguyễn Trần Bạt
|
PV: Xin Cảm ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét