Nhãn

4 tháng 3, 2013

697. Chất lượng văn bản quản lý phản ánh chất lượng cán bộ



Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật nhưng sai luật diễn ra khá phổ biến. Ngoài ra, có nhiều quy định không đi vào được đời sống vì tính bất hợp lý của nó, gây bức xúc trong xã hội. Báo Lao Động có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam - một số nội dung liên quan đến thực trạng này.

Trong thời gian qua, liên tục có nhiều quy định của một số bộ, ngành ban hành đã gặp phải sự phản ứng gay gắt từ phía dư luận. Các quy định đó không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của dân mà còn có những xung đột, mâu thuẫn với các quy định của hiến pháp và các đạo luật khác. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

- Đó là một thực trạng đáng buồn trong đời sống pháp lý – xã hội hiện nay. Tính pháp chế của hệ thống pháp luật đòi hỏi các văn bản dưới luật không được trái (hoặc xung đột, mâu thuẫn như PV nói) với tinh thần và nội dung của luật. Đó là nguyên tắc pháp chế quan trọng trong hoạt động quản lý Nhà nước.
Không thể vì sự lúng túng trước các hiện tượng xã hội nảy sinh mà tùy tiện ra những quy định quản lý trái luật. Một quyết định trái luật hoặc không phù hợp với thực tế, không tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người dân, sẽ bị cộng đồng xã hội phản ứng là lẽ đương nhiên.

Đây là phương cách duy nhất của đối tượng quản lý khi phải chịu sự điều chỉnh vô lý của các quyết định từ các chủ thể quản lý. Cũng may, sự phản ứng của dư luận cũng đã có ý nghĩa tác động đến chủ thể ra quyết định để buộc họ phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình trong hoạt động ra văn bản quản lý.

Điều quan trọng là, các cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm khảo sát, phân tích hiện tượng xã hội nảy sinh, trên cơ sở quy định của luật, nhu cầu thực tế các quan hệ xã hội cần điều chỉnh mà ban hành các quy định cho phù hợp, tránh tùy tiện theo kiểu “đẽo cày giữa đường” để làm khổ dân, suy giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Ông có thể phân tích những tác hại hay tác động tiêu cực khi nghị định, thông tư không phù hợp đi vào đời sống?

- Hậu quả của những văn bản này, trước hết là làm xáo trộn sinh hoạt đời sống của bộ phân cư dân có liên quan, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Từ đó làm suy giảm lòng tin của nhân dân, dẫn đến làm suy giảm hiệu quả quản lý của Nhà nước.

Từ chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật, có thể nhận thấy được chất lượng của cán bộ pháp lý của các bộ ngành hiện nay. Hoặc yếu kém về năng lực, hoặc chỉ vì lợi ích của ngành mình mà đưa ra những quy định không phù hợp, ông có nhận định gì về thực tế này?

- Rõ ràng chất lượng của văn bản quản lý phản ánh chất lượng của những người ra quyết định. Đúng là chất lượng cán bộ công chức, viên chức Nhà nước hiện nay có vấn đề. Điều này có liên quan đến cơ chế đào tạo, tuyển chọn, sử dụng cán bộ.

Nguyên nhân của việc yếu kém về chất lượng của các văn bản quản lý có thể xuất phát từ hai lý do: Một là, do sự yếu kém thực sự về trình độ quản lý, về nhận thức pháp luật của cán bộ chuyên môn.
Họ không biết văn bản họ soạn thảo ra đúng sai ở chỗ nào, mang tính chất vá víu, cứ làm cho xong chuyện, không quan tâm đến đời sống của văn bản đó sẽ ra sao khi áp dụng vào đời sống. Như thế là vô trách nhiệm. Và hai là, họ xuất phát từ lợi ích nhóm, cục bộ nên ra văn bản chỉ với mục đích bảo vệ lợi ích đó mà không tính đến lợi ích chung của xã hội, của đất nước. Lý do thứ hai mới là điều đáng sợ.

Luật ban hành nhưng không đi vào cuộc sống được vì phải chờ các văn bản hướng dẫn. Ở đây có vấn đề về chất lượng làm luật phải không, thưa ông?

-
Làm luật là thuộc chức năng của Quốc hội, nhưng quy trình làm luật lại có vấn đề nên ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động lập pháp của Quốc hội
. Luật được Quốc hội thông qua phải chờ Chính phủ ra nghị định hướng dẫn. Và như thế là hiệu lực của luật phụ thuộc vào nghị định chứ không phải nghị định phụ thuộc vào luật, mà Chính phủ thì có bao nhiêu việc, đâu phải chỉ có việc ra nghị định. Cơ chế làm luật và thực thi luật là cả một vấn đề lớn mà trong bài phỏng vấn này không thể nói hết được.

- Xin cảm ơn ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét