Nhãn

12 tháng 3, 2013

708. Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về bauxite

(NLĐO)- Ngày 11-3, TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc BQL Các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Vinacomin, có bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng sau khi nghe ông trả lời trên VTV1 về vấn đề bauxite Tây Nguyên. Báo NLĐO xin trích giới thiệu bức thư ngỏ này.



Hà Nội, ngày 11-3-2013.

Kính gửi anh Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Công Thương,

Tôi là Nguyễn Thành Sơn, may mắn đã quen biết và đôi khi có làm việc với anh từ năm 1977 (khi tôi còn làm việc ở Vụ Kế hoạch - Bộ Điện Than), chắc anh vẫn nhớ.

Tối qua, tôi đã lắng nghe anh trả lời phỏng vấn của VTV1 về bauxite. Tôi xin phép được trao đổi với anh một số ý như sau:

Trước hết anh nói: “Trữ lượng bauxite của VN là khoảng 10-11 tỉ tấn” là sai mất rồi. Con số 10-11 tỉ tấn chỉ là tiềm năng về bauxite, dứt khoát không phải là trữ lượng. Theo chuẩn đánh giá của Mỹ thì trữ lượng bauxite của VN chỉ bằng 1/5 con số đó thôi. VN không phải “là một trong một số ít nước được đánh giá là có trữ lượng bauxite lớn trên thế giới” đâu anh ạ. Đó chỉ là đánh giá của những người không hiểu thế nào là “trữ lượng” thôi.

Về việc phải nhập khẩu nhôm: Là Bộ trưởng Công Thương, anh thừa biết ngành luyện kim của VN như thế nào? Kim loại nào cũng phải nhập. Dễ làm như gang-thép mấy chục năm nay rồi có cạnh tranh nổi đâu, càng làm càng kém hiệu quả. Giá điện ở VN thì anh quá thuộc rồi. Với nền kinh tế VN, “mơ” đến công nghiệp nhôm cũng giống như “mơ” về giá điện 600 đồng/KWh. Anh nói, hằng năm ta phải chi hơn 1 tỉ đô la để nhập nửa triệu tấn nhôm. Tôi sẵn sàng cá với anh, trên Tây Nguyên, nếu Vinacomin tự làm ra được nửa triệu tấn nhôm (như loại đang phải nhập) sẽ tốn hơn 2,5 tỉ đô la kia. Việc nhập nhôm không phải là lý do chính đáng để phải triển khai hai dự án bauxite như anh nói đâu.

Về chủ trương: Mọi chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đều hướng đến mang lại lợi ích tối đa cho dân tộc, cho nền kinh tế. Dù Đảng và Nhà nước đã có chủ trương về bauxite-nhôm nhưng khi triển khai chủ trương đó một cách “quyết liệt” như Vinacomin và Bộ Công Thương đã làm mà không thấy hiệu quả và lợi ích đâu thì bộ và Vinacomin phải có trách nhiệm báo cáo lại với Đảng và Nhà nước chứ? Tôi thấy, trong quá trình triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước về bauxite-nhôm, bộ và Vinacomin đã mắc nhiều sai lầm đáng tiếc nên đã dẫn đến tình trạng hiện nay. Nếu anh thu xếp được thời gian, tôi sẽ trình bầy riêng với anh về chủ đề này.

Về dự án thí điểm: Anh đã nói đúng, là “ở giai đoạn hiện nay, chúng ta mới đầu tư thí điểm hai dự án khai thác bauxite và chế biến thành a-lu-min tại Tân Rai (Lâm Ðồng) và Nhân Cơ (Ðắk Nông)”. Chắc Vinacomin chưa kịp báo cáo với anh, cái gọi là “thí điểm hai dự án” của “quả đấm thép” Vinacomin hiện đã bổ sung vào nợ công của VN hơn 1,2 tỉ đô la rồi đấy. Nếu cứ ‘quyết liệt’ làm nốt Nhân Cơ thì nợ công sẽ tăng thêm gần 2 tỉ đô la kia. Đến tình trạng như hiện nay, đối với Bộ Công Thương, có thể coi đó là hai dự án “thí điểm”, nhưng đối với Vinacomin thì đó là 2 dự án “thí mạng” rồi anh Hoàng ạ. Để trả nợ cho hai dự án “thí điểm” này của bộ, gần 140.000 lao động của Vinacomin (trong đó có tôi) sẽ phải làm việc cật lực 20 năm may ra mới “xong” (tôi chỉ còn phải làm hơn 1 năm nữa thôi).

Về nguyên nhân chậm tiến độ: Là người của Vinacomin, tôi thấy nguyên nhân chủ yếu của việc chậm tiến độ của hai dự án là do chủ đầu tư quá nóng vội, “quyết liệt” làm cho bằng được, còn nhà thầu thì hứa hão. Là cấp trên của Vinacomin, Bộ Công Thương không nên trách chủ đầu tư “chưa thực hiện thật tốt công tác thông tin tuyên truyền, giải thích”. Tôi biết Vinacomin rất tích cực trong việc thông tin tuyên truyền giải thích. Chỉ có điều, những thông tin mà dư luận quan tâm thì Vinacomin lại “lờ” đi, không “tuyên truyền”, còn những vấn đề được Vinacomin “giải thích” thì dư luận đã đoán được trước như cảng Kê Gà rồi.

Thiệt hại hàng trăm triệu đô la do chậm tiến độ thì rõ rồi, tôi không thấy anh nhắc đến. Nhưng, lợi ích của việc chậm tiến độ như anh nói là “chúng ta phải chấp nhận kéo dài nhưng đổi lại sẽ yên tâm hơn về mức độ an toàn công trình” thì tôi không tin. Mức độ an toàn của bùn đỏ trước hết do công nghệ thải bùn đỏ (“khô” hay “ướt”) quyết định, chứ không phụ thuộc vào mấy lớp vải địa kỹ thuật của nhà thầu dùng. Tôi thấy Bộ Công Thương, sau khi đi khảo sát ở Hungary về nhưng vẫn phê duyệt công nghệ thải bùn “ướt” là một sai lầm cố ý. Người Hungary có khuyên chúng ta cứ làm “ướt” không? Anh nói “dư luận xã hội chưa đồng thuận với việc triển khai dự án, nên ở giai đoạn đầu của quá trình thi công có một số hạng mục đã phải tạm giãn tiến độ chờ xem xét”. Tôi thấy, qui trách nhiệm chậm tiến độ cho dư luận xã hội là không nên. Nếu bộ “xem xét” mọi việc đều đúng thì chẳng có dư luận nào “chưa đồng thuận” cả. Còn nếu dư luận xã hội sai thì việc gì bộ phải “xem xét” (Anh cứ hỏi anh Lê Dương Quang - bạn tôi).

Về chất lượng công trình: Tôi thấy dự án Tân Rai mới chỉ chạy được 30-40% công suất thiết kế mà anh đã khẳng định “đã sản xuất thử thành công sản phẩm a-lu-min đầu tiên với chất lượng được đánh giá cơ bản đạt yêu cầu”.

Về phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án: Anh đã nói rằng “cần phải dựa trên những tính toán dài hạn” là rất đúng. Để thực hiện lời của anh, thế giới từ những năm 80 của thế kỷ trước đã phát minh ra một số cái gọi là NPV, B, C, IRR... Nếu có ai đó, lấy giá bán alumina tại thời điểm hôm nay (liên quan đến B) so sánh với chi phí (liên quan đến C) tại thời điểm ngày mai thì họ đã sai. Anh nên cho Vinacomin công khai xem chi phí làm ra 1 tấn alumina ở Tân Rai như thế nào để dạy cho người ta cách tính.

Về hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án: Anh nói (như nhiều người giống anh đã nói): “Ðối với doanh nghiệp thì hiệu quả kinh doanh là mục tiêu chủ yếu, nhưng đối với xã hội điều lớn hơn mà tất cả chúng ta mong đợi là hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội đối với phát triển vùng, phát triển ngành và phát triển nền kinh tế”. Anh cứ hỏi anh Vũ Đức Đam thì biết, nếu ngành than ở Quảng Ninh mà thua lỗ thì tình hình Quảng Ninh sẽ như thế nào? Bản thân bauxite Tân Rai hay Nhân Cơ không có lãi thì lấy gì để “lan tỏa” cho Lâm Đồng hay Đắk Nông? Đối với hai dự án bauxite này, các “tham mưu” của anh đang vận động anh xin Chính phủ giảm tiền đền bù, giảm phí môi trường, giảm thuế xuất khẩu... thì tôi không hiểu cái gọi là “hiệu quả tổng hợp về kinh tế-xã hội” là cái gì? Quan điểm của anh cho rằng: “hãy để dự án vận hành một thời gian rồi chúng ta sẽ có cơ sở xem xét và đánh giá hiệu quả của dự án. Ðó là cách tiếp cận khách quan và phù hợp” là “vòng vo tam quốc” cho vui thôi. Tôi không rõ, trước khi các anh ký trình Thủ tướng xin được triển khai “quyết liệt” cả hai dự án thí điểm thì các anh đã “tiếp cận khách quan và phù hợp” đến như thế nào trong chương mục “đánh giá hiệu quả của dự án”?

Về việc dừng cảng Kê Gà: Tôi thấy người đặt câu hỏi rất đúng và trúng, còn anh trả lời cũng rất hay và khéo... Nhân đây, tôi cũng xin nhắc đến cái gọi là “qui hoạch bauxite” của Bộ Công Thương. Năm ngoái, khi anh Khanh “rà soát”, “hiệu chỉnh” xong, tôi đã gửi cho các anh (và cả anh Hoàng Trung Hải nữa) nhận xét của tôi về cái qui hoạch hiệu chỉnh đó. Với phương pháp luận và tư duy qui hoạch như vậy thì cảng Kê Gà không phải là dự án duy nhất sẽ bị Thủ tướng “tuýt còi” đâu.

Về hậu quả của hai dự án thí điểm: Nghe anh nhắc đến bùn đỏ tôi cũng mừng. Nhưng, tôi không rõ “nhiều bài học về môi trường, không chỉ trong nước mà có cả trên thế giới” được anh nhắc đến nó như thế nào? Tôi biết chắc chắn, bùn đỏ nếu được đổ thải ra ngoài trên độ cao 800-900 m so với mực nước biển và ở đầu nguồn nước như ở Tân Rai và Nhân Cơ thì chỉ an toàn khi được thải “khô” như cả thế giới đang làm.

Về xử lý bùn đỏ: Tối qua tôi thấy gương mặt anh vẫn hơi buồn khi nhắc đến thành công của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN “đang hoàn thiện đề tài ở quy mô thử nghiệm, để chuyển sang quy mô công nghiệp việc nghiên cứu xử lý bùn đỏ để thu hồi lại xút, sản xuất sắt xốp, xỉ”... Tôi cũng xin mạn phép để nhắc đến "tính hiệu quả kinh tế" của việc xử lý bùn đỏ. Việc thu hồi “xút” chẳng ai dại gì lại làm như viện hàn lâm của VN cả. Trong sách giáo khoa của Liên Xô, họ dạy chúng tôi là xút phải cố gắng thu hồi tối đa trong nhà máy trước khi thải ra ngoài cùng bùn đỏ. Việc sản xuất “sắt xốp, xỉ” từ bùn đỏ từ Tây Nguyên đã “thành công” thì cũng là “tin” tham khảo thôi anh ạ, ai cũng biết rồi... Ngoài ra, quặng sắt Thạch Khê có hàm lượng Fe2O3 còn cao hơn 2-3 lần so với bùn đỏ, nằm ngay sát bờ biển (thuận lợi đủ thứ), không hiểu 10 năm nữa có ra được sắt “xốp” không?

Vài lời tâm sự, chắc đã làm anh mất nhiều thời gian.

Tôi gửi anh thư ngỏ vì cách đây chưa lâu, tôi có gửi tới anh (qua đường bưu điện) phương án “Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của Vinacomin” do tôi “sáng tác” nhưng không thấy được anh hồi âm.

Kính chúc anh sức khỏe và thành công.

Kính thư,

TS Nguyễn Thành Sơn"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét