Nhãn

8 tháng 8, 2012

440. Thái Bình: Một số vấn đề ông Bộ trưởng Vũ Đức Đam trả lời VTV ngày 5/8/2012


Ngày 5/8/2012 trong chương trình dân hỏi Bộ trưởng trả lời của VTV, Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời nghe rất khó lọt tai. Thứ tự câu hỏi và trả lời theo Việt NamNet điện tử ngày 6/8/2012.

Không phải tất cả tập đoàn đều là gánh nặng

Bộ trưởng Đam “Theo tôi cần thống nhất một quan điểm, nước nào cũng có DNNN. Ở nhiều thời kỳ, kể cả ở các nước phương Tây, DNNN đóng vai trò rất quan trọng”.

Theo Bộ trưởng Đam nước nào cũng có DNNN, nhưng Bộ trưởng không nói tiếp, đúng nước nào cũng có DNNN, nhưng ở những nước công nghiệp phát triển họ chỉ giữ rất ít những DNNN ở lĩnh vực công ích nhằm phục vụ xã hội không nhằm lợi nhuận, những lĩnh vực này không sinh lời nên tư nhân không đầu tư vì vậy nhà nước phải đầu tư để phục vụ xã hội. Mặt khác, các DNNN đó bình đăng với các doanh nghiệp tư nhân khác, chứ không như ở Việt Nam.

Bộ trưởng Đam cho biết: “Trong số đó, số không có lãi chỉ khoảng 20% so với 60% trước đây. Trước đây, cứ 100 DNNN thì 60 không có lãi, chính vì thế trong quá trình đổi mới DNNN, những doanh nghiệp đó được cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê…”.

Như vậy đã rõ, trước đây cứ đầu tư 10 doanh nghiệp, chỉ có 4 doanh nghiệp có lãi, còn 6 doanh nghiệp hoặc lỗ hoặc hòa vốn. Chỉ có tiền “chùa” mới đầu tư như vậy, còn tiền cá nhân chắc chắn không ai bỏ vốn đầu tư kiểu đó. Đến nay số không lãi còn khoảng 20%, con số này cũng cần làm rõ, biết đâu rơi vào những ông lớn có số vốn khủng thì tỷ lệ không lãi 20% xem ra chưa nói lên điều gì?

Hiếm hoi lắm ông Đam mới đưa ra được ví dụ DNNN làm ăn có hiệu quả đó là Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Và ông Đam kết luận “Không phải tất cả các tập đoàn, tổng công ty đều lỗ và đều là gánh nặng”. Kết luận của ông Đam không sai, nhưng với số vốn khủng các tập đoàn kinh tế nhà nước nắm giữ và được ưu ái tối đa về đất đai, tín dụng, độc quyền... hiệu quả làm ra liệu có tương xứng?

Vinalines lỗ do nguyên nhân khách quan

Bộ trưởng Đam cho biết “Vinalines những năm trước là lãi, chỉ bắt đầu năm nay là lỗ. Lý do chính khiến Vinalines lỗ là kinh tế thế giới rất khó khăn. Vinalines vận chuyển quốc tế là chính mà giá cước lại xuống một cách không thể dự liệu được. Có nhiều mặt hàng xuống đến 90%, đại đa phần giảm hơn một nửa”.

Nói như ông Đam giá cước vận tải thế giới đa phần giảm hơn một nửa là không đúng, vì như ông Đam nói thì ngành vận tải biển cả thế giới sụp đổ vì không kinh doanh kiểu gì được khi đầu vào giữ nguyên hoặc tăng mà đầu ra giảm trên 50%, kinh doanh như vậy thì cả ngành vận tải biển thế giới phá sản chứ không riêng Vinalines. Thực tế không phải vậy cước vận tải biển năm nay có những mặt hàng vẫn tăng và ngành vận tải biển thế giới vẫn đứng vững.

Nói Vinaline lỗ là do khách quan chỉ đúng một phần, thực tế kinh tế thế giới trì trệ tác động đến mọi ngành kinh tế trong đó có vận tải nhưng không phải yếu tố quyết định dẫn đến thua lỗ của Vinalines, thua lỗ của Vinalines chủ yếu do quản lý yếu kém của doanh nghiệp tích tụ nhiều năm mà người chịu trách nhiệm chính là Dương Chí Dũng. Sau đó có buông lỏng quản lý của các ngành chủ quản.
Nói về Vinashin ông Đam cho rằng phát triển lớn mạnh như ngày nay của Vinashin là một thành công. Nhưng thưa Bộ trưởng Đam, Vinashin được đầu tư với số vốn khổng lồ, hiện nay chỉ còn cái xác mà không có “hồn”, nếu không được trợ giúp phá sản là chắc.

Nhiều cán bộ trung cao cấp che giấu giỏi

Bộ trưởng Đam trình bày “Vụ việc Dương Chí Dũng xảy ra năm 2007”, “khi cơ quan điều tra báo cáo là lãnh đạo của Tổng công ty, cụ thể là ông Dương Chí Dũng, có dấu hiệu vi phạm, Thủ tướng đã chỉ đạo khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành ngay các biện pháp ngăn chặn đặc biệt đối với ông Dương Chí Dũng. Tất cả những việc này được làm với thái độ rất cương quyết, đúng trình tự tố tụng”.

Một giám đốc tai tiếng ngay từ những năm 2007, có nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, được Thủ tướng chỉ đạo khởi tố bị vụ án, khởi tố bị can, tiến hành ngay các biện pháp đặc biệt với Dương Chí Dũng, ngoài ra Dương Chí Dũng còn gây mất đoàn kết nội bộ như Bộ trưởng Thăng đã thừa nhận, khi đang bị thanh tra mà vẫn bổ nhiệm Dương Chí Dũng làm Cục trưởng và vẫn khẳng định là đúng quy trình? Tiến hành các biện pháp ngăn chặn đặc biệt mà Dương Chí Dũng vẫn cao chạy xa bay?

Bộ trưởng Đam nói “mà trong lịch sử từ trước đến nay, khá nhiều cán bộ trung cao cấp che giấu rất giỏi”. Câu hỏi đặt ra là liệu trong hàng ngũ cán bộ trung cao cấp đang chức có bao nhiêu người “che dấu giỏi” chưa bị lộ?

Bộ trưởng Đam nói “Một nguyên nhân nữa là công tác đấu tranh, phê bình và tự phê bình từ cấp cơ sở chưa làm thật tốt. Khi họ được tuyên dương, lên chức, bổ nhiệm, họ vẫn là một chân dung rất đẹp, rất tốt. Đùng một cái họ bị phát hiện và thành tội phạm, ta mới giật mình”. Điều này có lẽ chỉ diễn ra ở Việt Nam, các nước văn minh chắc chắn hiếm gặp.

Hà Nội 7/8/2012
T.B.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét