Nhãn

8 tháng 8, 2012

438. Lê Mạnh Chiến ‘chiến’ Phan Huy Lê: Đôi điều về “Nạn cống vải”


ĐBND giới thiệu bài viết của tác giả Lê Mạnh Chiến, đã được rút gọn cho phù hợp với khuôn khổ trang báo, và mong nhận được ý kiến trao đổi xoay quanh vấn đề này.

Chuyện về ông Lưxenkô ở Liên Xô trước đây

Lưxenkô (Lysenko Trofim Denisovich, 1898 – 1972) là một nhà nông học Liên Xô, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp toàn Liên Xô (1935), viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (1939), Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa (1954), ba lần đoạt Giải thưởng Stalin (1941, 1943, 1949), 8 lần đoạt Huân chương Lenin. Tuy vậy, Lưxenkô lại là kẻ lừa đảo lớn bậc nhất trong lịch sử khoa học thế giới.


Lưxenkô nêu lên quan điểm cho rằng có thể tạo ra mọi loài thực vật mới mang những phẩm chất ưu việt bằng cách thay đổi môi trường tự nhiên. Từ đó, ông ta đề xướng cái gọi là “học thuyết Mítsurin” (theo tên của nhà chọn giống và lai - tạo giống nổi tiếng là Mitsurin Ivan Vlađimirovich, 1855 - 1935), đối lập với học thuyết di truyền học dựa trên quan niệm về gen và nhiễm sắc thể. “Học thuyết Mítsurin” rất phù hợp với luận điểm của giới cầm quyền về đấu tranh giai cấp để cải tạo xã hội nên được chính quyền Liên Xô ra sức ủng hộ. Lưxenkô hứa hẹn áp dụng học thuyết của mình để đưa nền nông nghiệp Liên Xô phát triển rực rỡ, trở thành nhất thế giới. Từ năm 1929 trở đi con đường thăng tiến của Lưxenkô đi lên như diều gặp gió. Năm 1938, ông ta trở thành Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp toàn Liên Xô và từ đó áp đặt “học thuyết Mítsurin” lên toàn bộ hoạt động của viện này. Để “minh chứng” cho “học thuyết” của mình, Lưxenkô đã sai người đi phá hoại các cơ sở thí nghiệm của các nhà khoa học đối lập, ăn cắp thành quả thí nghiệm của họ rồi tự nhận là của mình. Các nhà bác học không tin vào “học thuyết Mítsurin” đều bị bỏ tù, trong số đó có viện sĩ Nikolai Ivanovich Vavilov (1887 – 1943), là một nhà di truyền học rất có uy tín ở Liên Xô và ở nước ngoài. Năm 1940, Vavilov bị bắt giam và bị đày đọa đến chết trong nhà tù ở Kolyma năm 1943. Dưới sự lãnh đạo của Lưxenkô và sự áp đặt học thuyết của ông ta trong khoa học và trong sản xuất, nền nông nghiệp của Liên Xô chịu nhiều thất bại nặng nề và trở nên lụn bại. Năm 1947, nhiều nhà khoa học đã vạch rõ tai hại của đường lối Lưxenkô cho giới lãnh đạo Liên Xô biết nhưng tất cả bọn họ đều bị bắt giam. Mãi đến năm 1966, quan điểm sai lầm và tội ác của Lưxenkô mới bị cả nước và chính phủ Liên Xô lên án kịch liệt, chấm dứt thời kỳ làm mưa làm gió của ông ta trong sinh vật học và trong nông nghiệp.
Hoạt động của Lưxenkô là một chuỗi lừa dối chưa từng có trong lịch sử khiến cho di truyền học chân chính bị cấm đoán, học thuyết Đacuyn bị xuyên tạc, các nhà khoa học có tâm huyết và tài năng bị hãm hại, họ đều bị giam cầm cho đến chết, và đặc biệt là đã kéo khoa sinh vật học và khoa học nông nghiệp ở Liên Xô thụt lùi hàng chục năm.

Vụ án giáo sư Hwang Woo - Suk ở Hàn Quốc

Hwang Woo - Suk (đọc theo âm Hán – Việt là Hoàng Vũ Tích) sinh năm 1953, là một giáo sư về sinh sản học thú y (theriogenology) và công nghệ học sinh vật (biotechnology) ở Đại học Quốc gia Seoul, Hàn quốc. Cho đến tháng 11 năm 2005, Hwang Woo Suk được coi là chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc, nổi tiếng trên thế giới với các bài đăng trên tạp chí Science năm 2004 và 2005, nơi ông từng thông báo là đã thành công trong việc tạo ra tế bào gốc phôi người bằng phương pháp nhân bản thuần hệ vô tính (cloning). Nếu điều này là có thật thì công trình của Hwang Woo Suk là một thành tựu cực kỳ vĩ đại trong khoa học và sẽ được áp dụng trong y học để thay thế các bộ phận của con người bị hư hỏng hoắc phải cắt bỏ vì mắc bệnh nguy hiểm.

Nhưng, sau đó người ta đã phát hiện rằng ông này đã ngụy tạo hàng loạt thí nghiệm, và những kết quả mà ông ta công bố đều là giả mạo. Ngày 12.5.2006, Hwang Woo Suk bị buộc tội dối trá, tham nhũng vì đã sử dụng công quỹ vào những công việc ám muội, vi phạm đạo đức trong nghiên cứu sinh vật học qua việc nghiên cứu tế bào gốc giả mạo. Trường Đại học Seoul đã sa thải ông ta, chính phủ cắt hết kinh phí và không cho phép ông ta nghiên cứu trong lĩnh vực này nữa. Ngày 26.10.2009, tòa án quận Trung tâm Seoul đã tuyên phạt Hwang Woo Suk hai năm án treo.

Sự gian dối trong khoa học lịch sử

Ở nước ta, trong thời gian từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước đến nay, một số kết luận về lịch sử đã được xác quyết một cách vội vàng, không có cơ sở khoa học. Riêng chúng tôi đã phát hiện được hai sai lầm nghiêm trọng và đã công bố trên báo chí từ năm 2003. Trước sự phát hiện của chúng tôi, người đứng đầu giới sử học từ mấy chục năm nay là ông Phan Huy Lê đã biểu lộ thái độ lẩn tránh, thậm chí, khi không thể phản bác được thì ông quay ra xuyên tạc lý lẽ của chúng tôi để đánh lừa độc giả rồi cướp luôn kết quả nghiên cứu của chúng tôi, nhận vơ rằng đó là kết quả nghiên cứu của ông.

Thay đổi thuật ngữ “thời đại đồ đồng” thành “thời đại đồng thau” - một sai lầm nghiêm trọng, và biểu hiện tính không trung thực

Từ sau năm 1960, giới sử học nước ta đã đổi thuật ngữ “thời đại đồ đồng” thành “thời đại đồng thau”. Làm như vậy, họ đã phạm sai lầm nghiêm trọng, bởi vì từ “đồng” trong thuật ngữ “thời đại đồ đồng” dùng để chỉ thứ hợp kim tự nhiên của đồng mà tổ tiên chúng ta đã dùng để đúc các công cụ lao động, thứ “đồng” ấy là “đồng điếu” (tương ứng với bronze trong tiếng Anh, tiếng Pháp) chứ không phải là “đồng thau”. Đồng thau không thể dùng để đúc các công cụ lao động như búa, rìu v.v… nhằm mở ra một thời đại trong lịch sử. Bởi vậy, không thể chấp nhận khái niệm “thời đại đồng thau”.

Sai lầm này là một “công trình tập thể”, trong đó có đóng góp to lớn của các GS Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê… Chính các ông đã rao giảng nó, truyền bá nó, tự hào về nó và ra sức bảo vệ nó.
Trên tạp chí Thế Giới Mới số 534 ngày 5.5.2003, chúng tôi đã đăng bài Có hay không “thời đại đồng thau” ở nước ta? để chứng minh rằng, sử dụng thuật ngữ “thời đại đồng thau” là phản khoa học, phản lịch sử. Sau đó, bài báo này còn được đăng trên báo Người Đại biểu Nhân dân và vài tạp chí khác nữa. Cho đến nay (cuối năm 2010) giới sử học vẫn không thể phản bác được. Ông Phan Huy Lê cũng không thể làm gì hơn nhưng vẫn tiếp tục sử dụng thuật ngữ “thời đại đồng thau” trong khi giảng dạy, trong các bài vở của mình, và ông cương quyết đưa thuật ngữ sai trái này vào Từ điển Bách khoa Việt Nam tập 4 (xuất bản năm 2005). Quyết tâm “duy trì cái sai” của ông Phan Huy Lê đã bị cố giáo sư Nguyễn Văn Chiển ngăn chặn, và ông Phan Huy Lê đành phải từ bỏ thuật ngữ “thời đại đồng thau” để trở lại với thuật ngữ “thời đại đồ đồng” đã có từ trước. Tuy vậy, khi viết về “thời đại đồ đồng”, ông Phan Huy Lê vẫn nèo thêm một câu để vớt vát cái gọi là “thời đại đồng thau” - vốn là niềm tự hào của Phan Huy Lê, nhưng lại càng bộc lộ rõ thêm sự thiếu hụt kiến thức của chính ông. Đây là một biểu hiện về tính không trung thực.

Độc giả có thể biết rõ mọi luận chứng của chúng tôi về vấn đề này qua bài Thời đại đồng thau và văn hóa đồng thau - những thuật ngữ phản khoa học, phản lịch sử đã được đưa lên mạng Internet tại địa chỉ: http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=8474
Việc sáng tác “nạn cống quả vải” và việc bịa đặt cứ liệu lịch sử.

Trong tất cả các sách giáo khoa lịch sử từ tiểu học đến đại học suốt những năm 1960 đến nay, khi nói đến các cuộc khởi nghĩa trong thời kỳ Bắc thuộc, các giáo sư sử học luôn luôn nhấn mạnh rằng, “nạn cống vải” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan hồi đầu thế kỷ VIII. “Nạn cống vải” ở đây được họ giải thích là, hàng năm, hàng ngàn nông dân vùng quê của Mai Thúc Loan phải gánh quả vải tươi đến kinh đô Tràng An để cung phụng cho Dương Quý Phi, ái thiếp của hoàng đế nhà Đường.

Các nhà sử học đã khẳng định rằng, điều này đã được ghi chép trong các bộ sách lịch sử của Trung Quốc, rồi họ nêu ra bốn nguyên do và những chứng cứ làm cơ sở cho kết luận của mình. Trong bài Phải chăng “nạn cống vải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan đăng trên tạp chí Thế Giới Mới số 526, 525, 528 (từ 10.3 đến 24.3 năm 2003) chúng tôi đã hoàn toàn bác bỏ bốn nguyên do và chứng cứ của các giáo sư sử học về “nạn cống vải” và đã kết luận rằng, bốn luận cứ trên đây là hoàn toàn trái với sự thực, mọi lý lẽ của giới sử học về sự kiện này đều sai hoàn toàn. Hơn bảy năm qua, chưa có ai phản bác được.

Hãy làm một phép tính nhỏ. Khoảng cách từ Nghệ An đến Tràng An, nếu đo theo đường thẳng trên bản đồ là khoảng 4.000 km, còn trên thực tế thì lên đến khoảng 6.000 km. Một người đi bộ, lại phải gánh gồng, nếu thật khỏe mạnh cũng chỉ có thể đi được mỗi ngày 30km trong vài ngày đầu. Cứ cho là sức khỏe của anh ta luôn luôn ở mức cao nhất thì cũng phải mất hơn 200 ngày mới đi hết quãng đường cống vải. Chỉ riêng một phép tính nhỏ này cũng đủ bác bỏ hoàn toàn sự kiện cống vải để khẳng định rằng “nạn cống vải” theo kiểu các nhà sử học nước ta đã mô tả, là hoàn toàn không thể xảy ra trong lịch sử, bất cứ ở thời đại nào.

Tra cứu trong các bộ sách lịch sử của Trung Quốc, chúng tôi thấy sách Tân Đường thư (viết cách đây gần 1.000 năm, và là bộ sách lịch sử nhà Đường được tin cậy nhất từ xưa đến nay) đã xác nhận: về việc các kỵ sĩ phóng ngựa kế tiếp nhau chở quả vải từ phương nam về cho Dương Quý Phi.

Sách Hậu Hán Thư (bộ sách chính thức và đầy đủ nhất, được tin cậy nhất về lịch sử thời Đông Hán, hoàn thành từ nửa đầu thế kỷ V) đã xác nhận: việc vận chuyển quả vải tươi từ Lĩnh Nam về kinh đô (Lạc Dương, ở tỉnh Hà Nam) thời nhà Hán được thực hiện bằng ngựa kế tiếp qua các dịch trạm cách nhau không xa.

Như vậy, bằng luận cứ khoa học, bằng cứ liệu lịch sử, chúng tôi đã hoàn toàn bác bỏ câu chuyện hoang đường về “nạn cống vải” do các nhà sử học dựng lên từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Độc giả có thể biết rõ mọi lý lẽ phản bác của chúng tôi từng được công bố nhiều lần, qua bài Bác bỏ mọi luận cứ của giới sử học cho rằng “nạn cống vải” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khởi nghĩa Mai Thúc Loan hiện đang có mặt trên mạng Internet tại địa chỉ:
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=8411 (phần 2)

Ông Phan Huy Lê cùng bảy nhà sử học khác còn khẳng định rằng, sự kiện Mai Thúc Loan làm phu cống vải đã được ghi ở sách Đường thư.

Trong sách Lịch sử Hà Tĩnh tập I (Đặng Huy Báu chủ biên; các tác giả: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trương Hữu Quýnh, Hoàng Văn Khoán, Ngô Đăng Tri, Nguyễn Xuân Đình, Đinh Văn Thiềm, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000) có câu: Theo sử cũ (Đường thư, Dương Tư Húc truyện), đầu thời Khai Nguyên vào một năm được mùa vải tươi, Mai Thúc Loan bị bắt đi làm phu gánh vải nộp cống cho triều Đường.

Tôi đã tra cứu hai bộ sách về lịch sử thời nhà Đường là Tân Đường thư và Cựu Đường thư (vì Đường thư là tên gọi chung của cả hai bộ sách này) trên mạng Internet và tìm hết (bằng máy tính) các đoạn có cái tên Dương Tư Húc thì không hề có câu nào như các giáo sư sử học đã trích dẫn, nhưng cũng trong bộ sách này, tôi lại tìm thấy đoạn nói về việc các kỵ sĩ phi ngựa chở quả vải về cho Dương Quý Phi. Vì vậy, tôi đã viết bài Chớ nên bịa đặt cứ liệu lịch sử và đã đăng trên báo Người Đại biểu Nhân dân (số 240 và 241, ngày 7 và 8.12.2005), rồi đăng ở tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. Trong bài ấy, tôi đã chứng minh rằng, tám nhà sử học, trong đó có sáu giáo sư, ba người thuộc nhóm “tứ trụ” của giới sử học, đã bịa ra cứ liệu kể trên. Ngoài ra, các giáo sư này chưa từng biết Đường thư, Tân Đường thư, Cựu Đường thư là những sách gì. Họ chỉ biết vài đoạn của các sách đó qua bản dịch chép tay của các cụ nhà nho làm việc ở Viện Sử học hồi những năm 1960.

Là người “cao giá” nhất trong số tám nhà sử học viết Lịch sử Hà Tĩnh tập I, ông Phan Huy Lê không thể chối bỏ trách nhiệm trong vụ sáng tác sử liệu này.

Độc giả có thể biết rõ câu chuyện sáng tác sử liệu này sau khi đọc bài Những nhà sử học bịa đặt “cứ liệu” lịch sử tại địa chỉ: http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=8434

Tà thuật “phản biện” giả, xuyên tạc và chiếm đoạt thành quả nghiên cứu của người khác

Độc giả đã biết rằng, câu chuyện về “nạn cống vải” do các nhà sử học sáng tác đã bị bác bỏ hoàn toàn. Chúng tôi đã chứng minh rằng, cả bốn nguyên do và chứng cứ mà họ đưa ra là hoàn toàn trái ngược với sự thực. Suốt gần tám năm qua họ đã không thể chối cãi. Các giáo sư sử học vốn mê sách vở, thích có cứ liệu trong sách cổ, đến nỗi không có cứ liệu thì họ tự bịa đặt ra, vậy thì tôi cũng tra cứu sách cổ để tìm cứ liệu, và tôi đã tìm thấy. Cả sách Tân Đường thư và sách Hậu Hán thư đều xác nhận rằng, việc vận chuyển quả vải tươi từ phía nam Trung Quốc về kinh đô nước này đã được thực hiện bằng sức ngựa kế tiếp nhau qua các trạm. Với lý lẽ và chứng cứ chắc nịch như thế thì ông Phan Huy Lê không thể phản bác được. Vậy mà sau thời gian im hơi lặng tiếng từ đầu năm 2003 đến đầu năm 2009, ông ta đã tìm được cách phản bác, và ông ngỡ là đã phản bác được rồi. Nhưng bài Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – Lầm lẫn kéo dài và sự tráo trở lịch sử của Lê Hà & Thái Hoàng đăng trên tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh số 64 và 65, ngày 28.5 và 4.6.2009 (bài này đã được đăng lại trên blog trannhuong.com ngày 10.9.2009 tại mục Bầu bạn góp cổ phần) đã vạch rõ việc ông ta xuyên tạc lý lẽ của tác giả Lê Mạnh Chiến khiến ông ta im bặt từ đó đến nay.

Ông Phan Huy Lê đã “phản bác” tác giả Lê Mạnh Chiến ở đâu và bằng cách nào?

Xin thưa rằng, ông ta đã phản bác ở bài Khởi nghĩa Mai Thúc Loan – Những vấn đề cần xác minh trong tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 2-2009 và trên tạp chí điện tử Diễn đàn ngày 18.3.2009 (có thể đọc tại địa chỉ: http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/khao-cuu-lai-cuoc-khoi-nghia-cua-mai-thuc-loan).

Nếu muốn phản bác ý kiến của tôi, đương nhiên là phải phản bác những điểm mà tôi vừa nêu. Nhưng ông Phan Huy Lê không mảy may đụng chạm đến một điểm nào cả, vì nếu đụng đến thì ông bó tay, vậy thì ông chỉ có cách xuyên tạc ý của tôi, nhặt nhạnh vài cái râu ria rồi làm cho độc giả của ông tưởng đó là cốt lõi trong lý lẽ của tôi, rồi bám vào đó mà “phản biện”.

Muốn biết ông ta đã xuyên tạc lý lẽ của tôi ra sao, xin mời quý vị độc giả đọc mục 1 và mục 3 trong bài của ông ta theo địa chỉ mà tôi vừa nêu.

Sau khi cắt xén hết tất cả mọi lý lẽ của tôi và chỉ để lại vài chút râu ria, coi đó như là toàn bộ lý lẽ của tôi để “phản bác”, ông Phan Huy Lê viện dẫn sách này sách nọ, làm ra vẻ thông kim bác cổ nhưng khi nói đến hai bộ sách Tàu mà tôi cũng đã trích dẫn, ông còn viết sai tên tác giả. Viết lan man một lúc, có câu còn sai ngữ pháp và hoàn toàn không chứng minh được điều gì cả, ông ta liền phán một câu: Nhưng theo kết quả tra cứu của tôi (tức là của ông Phan Huy Lê – LMC) thì vào thời thuộc Đường không tìm thấy một tư liệu đáng tin cậy nào về chế độ cống vải từ Giao Châu hay An Nam, tức là nước ta.

Xin lỗi ông Phan Huy Lê, việc này thì ông chẳng thể tìm thấy được tư liệu đáng tin cậy về chế độ cống vải, bởi vì khi một sự việc đã không thể xảy ra thì chẳng có tư liệu đáng tin cậy nào ghi chép về nó, chỉ có những người quen thói bịa đặt mới ghi bậy mà thôi.

Chúng tôi cũng không thể tìm được tài liệu nào ghi chép rằng không hề có nạn cống vải, nhưng đã chứng minh được điều đó như độc giả và chính ông Phan Huy Lê đã thấy (nên ông ta mới đành phải “phản bác” giả vờ).

Sau khi thừa nhận rằng không có (tài liệu đáng tin cậy) về chế độ cống vải ở thời thuộc Đường, ông Phan Huy Lê lại đẩy chế độ cống vải lên thời nhà Hán để nói lên một điều: việc cho rằng Mai Thúc Loan từng đi phu gánh vải cũng “có cơ sở”. Ông Phan quên rằng, như tôi đã tìm thấy, sử nhà Hán đã sổ toẹt điều ấy rồi.

Cách đây gần tám năm, tôi đã chứng minh rằng, không có chế độ cống vải ở thời thuộc Đường và cũng không có chế độ cống vải (bằng cách gánh đi một mạch sang kinh đô nước Tàu) ở bất cứ triều đại nào. Vậy mà nay ông Phan Huy Lê tìm mọi cách để vạch “cái sai giả” của tôi, rồi lấy kết quả nghiên cứu của tôi làm “kết quả tra cứu” của ông ta. Thử hỏi, nên gọi hành động đó là gì?

Chuyện về ông Phan Huy Lê còn dài, nhưng xin tạm nghỉ ở đây.

Lê Mạnh Chiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét