Nhà báo Nguyễn Vạn Phú
Ngân hàng Nhà nước
(NHNN) phản ứng mạnh bài ‘Rửa’ vàng bằng
cơ chế đăng trên báo Thanh Niên ngày 24-4 đến nỗi báo này phải rút bài xuống,
hôm sau thì đăng đính chính trên báo in.
Vấn đề được NHNN đẩy đến chỗ
hình sự hóa khi mời Bộ Công an (Tổng cục An ninh II) “cùng xử lý thông tin rửa
vàng”, tạo một tiền lệ chưa từng có.
Bình tĩnh đọc lại bài
báo trên báo Thanh Niên thì thấy căn cứ để tác giả nêu ra các con số nhập lậu
vàng vào Việt Nam trong các năm qua là một báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới.
Theo đó, bài báo cho rằng Việt Nam đã nhập khẩu 87,8 tấn vàng thỏi trị giá
4,561 tỷ đô-la vào năm 2011; 75,2 tấn vàng thỏi trị giá trên 4 tỷ đô-la vào năm
2012. Với vàng nữ trang thì ít hơn, năm 2011 nhập năm 2011 là 13 tấn, năm 2012
thêm 12,5 tấn nữa.
Cái sai về mặt kỹ thuật
ở đây là báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới dùng khái niệm “gold demand”, tức
nhu cầu vàng, được họ định nghĩa là “tổng lượng vàng nữ trang và vàng miếng
tiêu thụ trong cả nước”. Nhu cầu vàng này được ước tính dựa trên cung vàng từ
các nguồn, gồm vàng chế tác và vàng nhập từ các nguồn không chính thức. Nói tóm
lại, họ lấy các con số do các công ty vàng bạc lớn của cả nước bán ra trong năm
để ước tính ra “demand” (cầu vàng), còn các công ty này lấy vàng từ đâu thì họ
không quan tâm (vì cũng chẳng biết). Vàng đó có thể từ nhập lậu, cũng có thể từ
các dạng vàng khác dập thành vàng miếng hoặc vàng nguyên liệu nhập từ trước.
Ví dụ theo thông tin
trên trang web của SJC, doanh thu của SJC năm 2010 là 4,27 tỷ đô-la, năm 2011
là 5,28 tỷ đô-la (khoảng 100 tấn giá lúc đó), chủ yếu là nhờ mua bán vàng miếng
ra thị trường. Lưu ý là doanh thu này không có nghĩa SJC bán ra 100 tấn mà có
thể xoay vòng nhiều lần, mua vào rồi bán ra nhưng cuối cùng cũng tính thành nhu
cầu tiêu thụ vàng của toàn thị trường. Nhưng vàng nguyên liệu ở đâu ra để bán?
Có thể từ nhập khẩu, có thể từ mua vàng đủ loại trên thị trường (từ chuyên môn
là scrap gold) về chế biến thành vàng bốn số chín.
Vậy nếu bài báo nói những
con số này là nhu cầu vàng, trong đó một tỷ lệ nào đó là từ vàng nhập lậu thì
hoàn toàn chính xác, không cãi vào đâu được. Vàng nhập lậu tác động lên tỷ giá
là chuyện ai cũng biết nên đoạn tiếp theo cũng không có gì sai cả.
Bây giờ đến đoạn quan
trọng nhất là câu “hé lộ khả năng đã có tình trạng trục lợi chính sách để ‘rửa’ số
lượng vàng lậu khổng lồ đã tràn vào Việt Nam”. Chỉ cần biên tập bỏ
chữ khổng lồ (vì như đã nói ở trên là không xác định được khối lượng vàng nhập
lậu là bao nhiêu) thì câu này đâu có cáo buộc trực tiếp NHNN điều gì đâu. Bài
báo chỉ nói đến khả năng người khác trục lợi do chính sách chứ đâu nói chính
sách là nhằm rửa vàng lậu?
Tôi đã từng phê phán
chính sách cho tạm xuất tái nhập vàng rồi nên ở đây không nhắc lại nữa nhưng rõ
ràng chính sách này dễ bị một bên khác lợi dụng để hưởng lợi nhiều cách, kể cả
không loại trừ khả năng hợp thức hóa vàng lậu nhập trước đó (dù số lượng có thể
ít) mà NHNN không biết.
Nếu NHNN là nơi muốn lắng
nghe dư luận để điều chỉnh chính sách thì đây là dịp rất tốt để hiểu thị trường
bên ngoài đang nghĩ như thế nào về mình, công tác tuyên truyền còn yếu ra sao để
họ hiểu nhầm như thế ấy, chứ tại sao lại hình sự hóa vấn đề lên như thế? Lắng nghe như thế biết
đâu là nguồn thông tin để NHNN rà soát lại chính sách xem có để ai lợi dụng
không chứ chưa gì đã phủ định hết sạch như thế thì chủ quan quá.
Chính sách liên quan đến
vàng đang tiếp tục nhận những phê bình của công luận. Dù báo Thanh Niên có đính
chính thì báo Pháp Luật TPHCM lại có bài “Thị trường vàng: Nguy cấp! Điều hành
vàng: Thất bại!” (Với câu dẫn rất ấn tượng: Thanh tra cần làm rõ: Vàng lậu
vào VN là bao nhiêu? Đấu giá vàng và tạo ra tình hình độc quyền thương hiệu để
làm gì?); báo Tuổi Trẻ thì có bài “Ai mua hơn 12 tấn vàng đấu thầu?” đặt
vấn đề NHNN đã tung ra hơn 12 tấn vàng nhưng giá vàng trong nước không những
không giảm mà ngày càng bỏ xa giá vàng thế giới.
Đâu có thể “méc” bên Bộ
Công an hết được!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét