Nhãn

15 tháng 4, 2013

743. Đổi tên nước làm tiền đề đổi tiền cứu nợ bất động sản?

Cầu Nhật Tân

Hiện, trái đắng bất động sản trôn vùi hàng trăm tỉ USD đang mắc kẹt. Chính quyền nuốt không nổi, nhổ ra cũng không xong. Loay hoay mãi không tìm đâu ra nguồn lực để giải cứu. Vốn liếng quốc gia có bao nhiêu đã bị quan chức phóng tay ném hết vào canh bạc bất động sản rồi. Không lẽ giải thể hết các ngân hàng? Kiều hối thì giảm mạnh, phân tán. Vốn FDI nước ngoài thì không mặn mà ở lại Việt Nam nữa mà di cư sang các nước có nhiều thuận lợi hơn. Vốn vay ODA thì hiện chỉ còn Nhật là hào phóng hơn cả nhưng hầu hết vốn vay Nhật đều được ném vào xây dựng hạ tầng mà không vào sản xuất, hơn nữa vốn vay Nhật chỉ giải quyết hàng & công nghệ tồn kho của Nhật nên hiệu quả vốn rất thấp… Cán cân thanh toán quốc gia ngày càng mất thăng bằng chổng phộc lên trời.

Để bù lại, thuế phí thi nhau tăng. Những con số tăng trưởng, GDP đầy ấn tượng được các nhà ảo thuật vẽ ra rất tài tình như thể ta đang rầm rập tiến mạnh, tiến chắc và đã với được một tay tới chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, một thực tế ai cũng nhìn thấy là sản xuất cả nước đang ngày càng đình đốn. Doanh nghiệp thi nhau phá sản, giải thể. Thất nghiệp tràn lan. Đồng vốn là dòng máu nuôi sống nền sản xuất quốc gia đã bị các vòi bạch tuộc bằng nhiều thủ đoạn khác nhau chích ra qua hệ thống ngân hàng và chảy hết vào khối u bất động sản.

Tổng dư nợ bất động sản hiện ở mức khoảng trên 160 tỉ USD.

Một quan chức Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đang buôn 10 biệt thự tại khu đô thị CIPUTRA (Hà Nội) tiết lộ: ông “ôm” 10 em này với tổng mức đầu tư gần 400 tỉ. Lúc giá bất động sản đang ở đỉnh, đã có người trả 60 tỉ/1 em. Ông bảo cho xuất chuồng với giá đó vẫn chưa đủ bù chi phí bôi trơn. Định bụng chờ thị trường lên đỉnh 70 tỉ/em thì cho các em lên đường kiếm tí lãi nhằm đầu tư để thằng con lớn qua Canada lập hậu cứ. Nào ngờ, thị trường xuống dốc không phanh, hết đáy nọ đến đáy kia mà chưa thấy gượng lên. Được hỏi lấy đâu ra nhiều tiền vậy thì ông cho biết đều được “anh em” thương tình, tạo điều kiện vay ngân hàng dưới dạng dự án sản xuất. Với mức hoa hồng khá cao 35% khoản vay, các quan chức ngân hàng sẽ giúp lập dự án sản xuất khống để hợp thức việc vay vốn đầu tư vào bất động sản. Đó là chưa kể nhiều chi phí lo lót khác.

Thỉnh thoảng ông ve ve con CAMRY biển 80 lượn qua lượn lại mấy biệt thự. Tiếp chuyện, ông thở dài đánh sượt nói: ước gì đổi tiền 10 ăn 1 như năm 1985 thì hay biết mấy. Ông ao ước điều này 1 thì quan chức chóp bu đang ước 100 lần bởi nhiều vị hiện không những ôm 10 em đâu mà hàng trăm em, thậm chí cả khu đô thị. Tất cả đều đầu tư bằng tiền nhà nước, mà tiền nhà nước là của dân.

Vừa rồi bỗng nhiên lại gióng giả đổi tên nước. Chắc chắn mấy ông quan không thương dân đến mức bỗng chốc nghiêm túc bàn việc giao nộp quyền lực vào tay dân đâu. Lại mưu mô gì đây thôi. Không chừng gióng lên thế, tiện thể đổi luôn tiền (10 ăn 1) cho phù hợp với tên nước mới sẽ in trên đồng tiền. Đó là cách nhanh nhất xí xóa được món nợ bất động sản hiện nay.

1 nhận xét:

  1. Quá hay, tác giả có trót ôm e nào bằng tiền túi ko? Hỏi vậy chưa chắc làm j có Xiền ấy nhỉ!

    Trả lờiXóa