Trần Mạnh Hảo (1947 - ) là một nhà thơ, nhà văn kiêm nhà báo Việt Nam.
Ông từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến năm 1989, viết cuốn Ly
Thân và bị khai trừ khỏi đảng. Hiện ông sống ở Việt Nam như một tác giả tự
do. Ông cũng từng giữ chức danh ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam.
“Tôi rất thích nghị quyết bốn
trung ương”
Lời Nguyễn Trần Bạt (www.vi-p.com.vn VT3)
Nguyễn Trần Bạt (sinh năm 1946 ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, Việt Nam)
- doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn, học giả, nhà sáng lập InvestConsult Group (công
ty tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về đầu tư và kinh doanh ngay
sau khi Việt Nam ban hành chính sách “Đổi mới”
vào năm 1987.
Hiện nay (2010)
ông đang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty này. Công ty
InvestConsult Group có doanh thu hàng triệu USD mỗi
năm. Ông đã được nêu danh trong các cuốn sách Barons “Who’s Who in Vietnam”[1],
“Who’s Who in Asia Pacific”[2],
“Who’s Who in the World”[3] và
“The Global 500 Leaders for the New Century”[4] như
một luật sư và nhà tư vấn xuất sắc.[5][6][7] Ông
đã từng nhiều lần tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về các vấn đề kinh tế và chính trị.[8]
Nguyễn Trần Bạt, tác giả quyển “Đối thoại với Tương lai” đã
từng cảnh cáo đảng cộng sản Việt Nam, dọa rằng nếu đảng không tự do hóa, dân chủ
hóa xã hội, nhất định sẽ bị nhân dân lật đổ bằng cách mạng cam, quýt, bòng bưởi
hay nhài nhiếc, như sau:
“Tôi cho rằng những món nợ của những nhà cầm quyền ở Việt Nam đối
với dân tộc này chính là dân chủ hóa xã hội… Nếu việc ấy không được thực hiện bởi
họ thì dân tộc chúng ta sẽ đối mặt với một cuộc cách mạng xã hội” (NXB HNV, 2010, trang 923)(Bauxite Việt nam online ngày
16-8-2011).
Trong lần nói chuyện với các nhà lý luận hàng đầu của đảng
cộng sản Việt Nam, Nguyễn Trần Bạt quên hẳn việc mình từng cổ xúy cho cách mạng nâu, tím,
vàng, cam quýt sẽ nhất định xảy ra tại Việt Nam, để nói ngược lại rằng, chớ nên để xảy ra cách mạng cách miết gì cả, ỔN ĐỊNH
CHÍNH TRỊ là thượng sách thôi các đồng chí cộng sản trung kiên ơi, như sau:
NTB: “Tôi có nói trong quyển sách này là cái di chứng của cách mạng
không phải là chết chóc mà là sự sợ hãi. Và sự sợ hãi các di chứng của cách mạng
không chỉ có trong người dân mà có ngay trong cả những người lãnh đạo, những
người cầm quyền. Các cuộc cách mạng luôn kéo theo sự sợ hãi, sự bất ổn định
tinh thần, làm con người dừng lại không sáng tạo. Nếu như chúng ta tạo ra một
trạng thái yên ổn thì mọi người đều có thể là tư tưởng của riêng mình, mọi người
đều có thể trở thành nhà khoa học của riêng mình. Do đó, tỷ lệ con người có
năng lực sáng tạo sẽ lớn hơn, phổ biến hơn và điều đó làm cho nhân loại trở nên
tiết kiệm hơn. Cho nên, luận điểm của tôi là luận điểm nhân loại không còn đủ sức
chịu đựng các cuộc cách mạng. Nói cho cùng, các cuộc cách mạng diễn ra trong thực
tế đời sống của lịch sử nhân loại cũng không nhiều lắm, mà hậu quả của nó đã
ghê gớm như vậy. Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết là kết quả của cách mạng. Nhân
cái đà đấy, người ta đã tạo ra một quốc gia là kết quả của sự cưỡng bức rất nhiều
thứ. Và nói rằng cách mạng là một cơ hội lớn cho rất nhiều kẻ cơ hội”.
KHI NHÀ DÂN CHỦ NGUYỄN TRẦN BẠT ĐỒNG QUAN ĐIỂM VỚI KẺ “PHẢN
ĐỘNG” ĐIẾU CÀY NGUYỄN VĂN HẢI
Chừng như trong ông Nguyễn Trần Bạt luôn luôn tồn tại hai
con người khác trong mình, hai con người đối lập hoàn toàn với nhau: ông Điếu
Cày Nguyễn Văn Hải thủ lãnh “Câu lạc bộ nhà báo tự do” vừa lãnh án 12 năm tù
(sau khi đã bị tù 2 năm rưỡi vì tội danh gán ghép: trốn thuế) và ông Đinh Thế
Huynh, Ủy viên Bộ chính trị, trưởng ban tuyên giáo trung ương. Lúc thì ông Nguyễn
Trần Bạt ăn nói rất “phản động” (mà toàn nói “phản động” trên các báo chí sách
vở lề phải) giống y như ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã nói (chỉ được nói trên
báo lề trái). Rất
lạ là ông Bạt và ông Hải cùng phát ngôn những điều giống nhau, cùng xác nhận Việt
Nam chưa có tự do dân chủ, cần phải đa nguyên chính trị, đảng cần phải trả lại
tự do đã cướp của dân lại cho dân… mà ông Hải thì bị tù oan ức hai lần ngót 16
năm và 7 năm quản thúc, còn ông Bạt thì lại được đảng cộng sản thưởng cho đi nước
ngoài liên tù tì, cũng lại liên tù tì lên truyền hình ca ngợi đảng vinh quang,
Bác Hồ vĩ đại…là sao?
Điếu Cày từng đấu tranh ôn hòa đòi quyền được thực thi phép
biện chứng Mác –xít là xã hội phải phải có phe đối lập, trí thức phải đối lập với
đảng cộng sản thì liền bị bắt, còn Nguyễn Trần Bạt đòi đối lập ngay cả trên báo
chí sách vở lề phải thì lại được đảng tung hô theo kiểu “phản động có thưởng”
như khi ông định nghĩa TRÍ THỨC PHẢI ĐỐI LẬP VỚI ĐẢNG CỘNG SẢN mới gọi là trí
thức như sau:
“Tiêu chuẩn thứ
nhất là trí thức phải cầm quyền về mặt lẽ phải, thứ hai là trí thức phải luôn
luôn đối lập với nhà cầm quyền, đối lập với quá khứ, đối lập với nhau và đối lập
với các yếu tố bên ngoài” (mép gấp
bìa bốn cuốn: “Nguyễn Trần Bạt – Đối thoại với tương lai- tập 2-NXB Hội nhà văn
3-2011).
Điếu Cày đòi phi chính trị trong kinh tế, văn hóa giáo dục
thì bị bắt còn Nguyễn Trần Bạt cũng phát ngôn y như Điếu Cày thì lại được mời
đi giảng cho các giáo sư, các nhà giáo trong Học viện chính trị Hồ Chí Minh.
Khi nhà cầm quyền coi chính trị là thống soái, Nguyễn Trần Bạt vạch ra nền giáo
dục Việt Nam sa đọa là vì nó bị chính trị hóa, như sau: “Cải cách
giáo dục về bản chất là phi chính trị hóa giáo dục, trả lại cho học đường tất cả
những sự yên tĩnh của nó” (sách đã dẫn)
Điếu Cày nói xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng cộng
sản không có dân chủ thì bị bỏ tù 14 năm rưỡi (2,5 năm “trốn thuế” + 12 tù mới
đây); Nguyễn Trần Bạt cũng nói như thế này ở nhiều nơi, nhiều lúc thì lại được
đảng thưởng công. Trên mép gấp bìa bốn cuốn “Cải cách và sự phát triển” (NXB
Hội Nhà Văn 6-2011), Nguyễn Trần Bạt vạch ra một mệnh đề sống còn của đảng cộng
sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam là khi nền chính trị tuyệt đối nằm trong tay một
đảng cầm quyền thì nhân dân thực chất không có một tự do hay một chút quyền lực
nào: “Nếu xã hội tiếp tục là sở hữu của các tập đoàn chính trị, thậm chí người
ta xây dựng các pháp chế để hợp pháp hóa vai trò làm chủ xã hội về mặt chính trị
của các tập đoàn chính trị thì tức là không có nhân dân trong đó, tức là không
có dân chủ”…
Điếu Cày từng nói khi nào còn đảng cộng sản độc quyền, độc
tôn thì xã hội không bao giờ có tự do thì bị bắt vào tù; Nguyễn Trần Bạt nói y
chang Điếu Cày mà nói trong sách được xuất bản, nói khi giảng cho các nhà lý luận
cao cấp của đảng thì lại được đảng vỗ tay:
“Trong quá khứ, hầu
hết các Đảng Cộng Sản trên thế giới, đều đã từng làm việc này. Họ xây dựng nền
văn hóa để kiểm soát xã hội về mặt thái độ chính trị, xây dựng đội ngũ công
nhân để làm chỗ dựa, làm lực lượng chính trị, xây dựng đội ngũ trí thức làm trí
khôn chính trị, tức là những người cầm quyền luôn muốn biến xã hội trở thành lực
lượng của mình, công cụ của mình mà quên mất rằng làm như vậy sẽ khiến cho xã hội
không còn tự do nữa”.
KHI NGUYỄN TRẦN BẠT, NHÀ “ĐỐI LẬP CUỘI” LÀ ĐỒNG CHÍ VỚI ÔNG
ĐINH THẾ HUYNH
Trong một chương trình của VT3 trò truyện với ông Lại Văn
Sâm về “đồng thuận”, ông Bạt đã hứng chí tuyên bố: “Tôi rất
thích nghị quyết bốn trung ương”, mặc
dù không ai hỏi ông về nghị quyết này. (You Tube – Khách của VT3: Luật sư Nguyễn
Trần Bạt).
Bằng cách mượn đài truyền
hình để lập công với đảng, ông Bạt đã gián tiếp chôn cất vốn liếng dân chủ tự
do, chôn cất tư cách nhà nghiên cứu đối lập với chính quyền trong tàn tro của
thói trí trá, trong nấm mồ của phương pháp luận đa nhân cách.
Ông Nguyễn Trần Bạt tuyên bố đứng hẳn về phía chính quyền: “Nghiên cứu xã hội
học tức là anh phải đặt mình vào địa vị của nhà cầm quyền, bởi vì bao giờ những
nghiên cứu xã hội cũng phải bắt đầu từ lực lượng xã hội mạnh nhất, mà lực lượng
xã hội mạnh nhất chính là các đảng chính trị cầm quyền. Vì nếu không xuất phát
từ quyền lợi của các đảng chính trị cầm quyền thì các khái niệm tử tế không
hình thành được. Cho nên phải đặt mình vào địa vị của họ để nghiên cứu cái mà
mình muốn có hại gì cho họ không?”
“Tôi đã có một kết
luận rằng nhân quyền không còn là quyền chính trị, nhân quyền là quyền phát triển
và chống lại rủi ro của cuộc sống”.
Ông Bạt từng tuyên bố: muốn thành trí thức thì phải đối lập
với chính quyền. Nay ông lại tuyên bố ông đứng hẳn về phía đảng cộng sản để ca
ngợi nghị quyết, đứng hẳn về phía chính quyền để nghiên cứu xã hội học. Do vậy,
ông Bạt đã tự tước bỏ vai trò trí thức của mình để
làm một kẻ không trí thức, để được yêu đảng thoải mái và được đảng yêu. Ông Bạt làm như mình chưa hề đóng vai đối lập với đảng với
chính quyền, chưa từng đồng quan điểm “phản động” với anh Điếu Cày đang ở tù vậy.
Ông Bạt trí trá cãi cho đảng: “nhân quyền không còn là
quyền chính trị”, nghĩa là độc đảng, độc
quyền thì xã hội vẫn có nhân quyền, vẫn đầy tự do dân chủ à Điếu Cày muôn năm
trong tù ơi!?
Vì đứng hẳn về phía chính quyền, nên ông Bạt tha hồ mạt sát
dân oan bị chính quyền cướp đất, nhục mạ dân oan là bọn “ăn vạ chính phủ”, bọn
“không có năng lực” :
“Người ta tưởng rằng nhân quyền gắn liền với sự đòi đất, kêu
oan, biểu tình, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Con người sở dĩ ăn vạ chính phủ
là vì họ không có năng lực”.
Ông Bạt có thiên tài biểu diễn trò ảo thuật của cái chong
chóng tư tưởng, của con thò lò lý luận, thực thi sứ mệnh cập kênh của câu thơ
dân gian vui tặng bác Tạ Đình Đề năm xưa: “Hoan hô bác Tạ Đình Đề / Mới vừa
theo địch thoắt về với ta”. Phút trước mới thấy ông Bạt ôm khát vọng anh Điếu
Cày, thoắt một cái, phút sau đã thấy ông Bạt ôm tinh thần bác Đinh Thế Huynh.
Ông Bạt hùng hồn làm luật sư bảo vệ đảng: chính quyền cướp đất của dân chính là
nhân quyền cao nhất vậy…
Ông Nguyễn Trần Bạt khẳng định ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM KHÔNG
TOÀN TRỊ (tức là KHÔNG ĐỘC TÀI): “Và đến bây giờ, tôi kết luận là: không có bất kỳ nguy cơ
nào về mặt chính trị cho các nhà cầm quyền, cho Đảng Cộng sản Việt Nam và cho
chính phủ Việt Nam khi chúng ta có một xã hội dân sự lành mạnh. Ngược lại,
nó gỡ cho họ những gánh nặng khủng khiếp trong việc bành trướng cơ cấu nhà nước
để tổ chức quản lý xã hội, cái mà nhiều người không thiện chí gọi là toàn trị. Tôi
cho khái niệm toàn trị là một khái niệm thuần túy lý thuyết. Xã hội chúng ta thực
ra cũng không toàn trị. Các nhà lãnh đạo của chúng ta không có ai toàn trị” (Phần tô đậm là TMH nhấn mạnh).
Ngược với xã hội toàn trị là xã hội dân chủ ông Bạt à? Hoan
hô xã hội ta dân chủ nhất thế giới vì ông Bạt vẫn lặp đi lặp lại bài hát TỰ DO
GẤP TRIỆU LẦN TƯ BẢN này do ông Đinh Thế Huynh vừa gài vào bộ nhớ ID của nhà
nghiên cứu theo phái “Pharisiêu-giả hình” Nguyễn Trần Bạt : “Xã hội chúng ta thực ra cũng không toàn trị. Các nhà lãnh đạo
của chúng ta không có ai toàn trị”.
Ông Bạt giờ như Tháp Bayon bốn mặt quay về bốn hướng khác
nhau mà mỗi người, từ các phía khác nhau cứ tưởng ông ta chỉ có một gương mặt đối
lập với chính quyền. Khiến nhà thơ Hoàng Hưng (người từng bị đảng bắt tù oan mấy
năm trời chỉ vì dám cầm tập thơ “Kinh Bắc” của Hoàng Cầm trong người) phục lăn
tinh thần phản kháng xã hội của nhà lý luận đối lập Nguyễn Trần Bạt mà viết bài
khen ông Bạt hết lời trên mạng lề trái Bauxite Việt Nam.
Con tắc kè hoa có thiên tài đổi màu da nhanh chớp nhoáng để sống
còn. Thiết tưởng ông Nguyễn Trần Bạt, một
nhà kinh doanh giàu có không cần phải học phép đổi màu da để liên tù tì đổi màu
theo thời tiết chính trị. Ông Bạt còn lâu mới học được phương cách của tướng
quân Brutus thời cổ La Mã: một tay vung lên vạn tuế Ceasar,và một tay ngầm rút
dao đâm chết Ceasar. Thế thì xin ông Nguyễn Trần Bạt hãy thu dọn các mặt nạ của
mình lại để thiên hạ khỏi cười chê, đặng đem ít mặt nạ lý luận thò lò của mình
mà tặng các cháu mồ côi cho chúng vui tết trung thu, ông Bạt nhé.,.
Sài Gòn ngày 29-9–2012 (tức 14 tháng tám âm, tối mai là tết
trung thu)
Trần Mạnh Hảo
Ghi chú: Văn bản ghi lại cuộc trao đổi của Nguyễn Trần
Bạt khá dài, có thể đọc ở các địa chỉ sau:
http://www.doanhnhan360.com/Desktop.aspx/Giao-luu-360/Doanh-nhan-Lam-quen/Toa_dam_ong_Nguyen_Tran_Bat-P1/
http://vn.360plus.yahoo.com/jw!lmJ4rsmEBRMyVAF4nAXjQA–/article?mid=1141&fid=-1
http://vn.rd.yahoo.com/blog/mod/art_title/*http://vn.360plus.yahoo.com/jw!lmJ4rsmEBRMyVAF4nAXjQA–/article?mid=1143
http://www.doanhnhan360.com/Desktop.aspx/Giao-luu-360/Doanh-nhan-Lam-quen/Toa_dam_ong_Nguyen_Tran_Bat-P1/
http://vn.360plus.yahoo.com/jw!lmJ4rsmEBRMyVAF4nAXjQA–/article?mid=1141&fid=-1
http://vn.rd.yahoo.com/blog/mod/art_title/*http://vn.360plus.yahoo.com/jw!lmJ4rsmEBRMyVAF4nAXjQA–/article?mid=1143
Tác giả gửi cho
NTT blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét