Nhãn

8 tháng 4, 2013

733. Việt Nam che giấu núi nợ xấu khổng lồ


Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, báo động kinh tế Việt Nam đang chờ khủng hoảng tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2013.

Kinh tế Việt Nam ngày càng tồi tệ có thể dẫn đến khủng hoảng vì chính quyền che giấu sự thật về núi nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cảnh cáo như vậy tại “Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013” do Ủy ban Kinh tế nhà nước tổ chức trong hai ngày 5 và 6/4/2013 tại Nha Trang. Con số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam là bao nhiêu, không ai biết rõ vì không mấy ai tin các con số được công bố trước đây là con số thật, qua tường thuật của báo điện tử VNEconomy.

Theo ông Thiên, có những thứ “còn xấu hơn cả nợ xấu” bởi vì không có những con số chính xác, đáng tin cậy thì “không thể xây dựng chiến lược đúng để giải quyết vấn đề”. Ông cho biết nhiều doanh nghiệp chủ lực của lực lượng tăng trưởng kinh tế “đã chết”.

“Hiện tượng số doanh nghiệp đóng cửa của quý một năm nay ngang bằng với số doanh nghiệp đăng ký mới được ông Thiên cho là sự kiện mang tính lịch sử. Bởi chênh lệch của hai số liệu này thường ở khoảng 10 nghìn, nghiêng về số doanh nghiệp mới”, ông được VNEconomy kể lại.

Theo ông Trịnh Quang Anh của Tập đoàn Đầu Tư Phát Triển Việt Nam phát biểu trong diễn đàn nói trên, “nếu cộng cả những khoản nợ xấu tiềm tàng, gồm nợ khoanh, nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN và nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines, tổng nợ xấu ngân hàng được ước tính sẽ vọt tới tầm nửa triệu tỷ đồng.” (hay khoảng $23 tỉ 825 triệu).

Nếu như ông nói, con số vừa kể “tương đương 18% tổng dư nợ tín dụng, gần 10% tổng tài sản toàn hệ thống hay khoảng 17% GDP” mà theo ông Anh nhấn mạnh là “đáng sợ”, và “rất có thể còn trầm trọng hơn trong thời gian tới”.

Cuối năm ngoái, Ngân Hàng Nhà Nước VN đưa ra con số nói tính đến 30/9/2012, tỷ lệ nợ xấu chiếm 8.82% tổng dư nợ toàn hệ thống. Nếu tính tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng hiện nay vào khoảng 2.8 triệu tỷ đồng thì nợ xấu vào khoảng 280,000 tỷ đồng (hay khoảng $13 tỉ 342 triệu).

Nhưng đầu Tháng Ba vừa qua, Ngân Hàng Nhà Nước lại hoan hỉ báo tin nợ xấu chỉ còn 6% hay dưới $10 tỉ. Nhiều viên chức nhà nước ở các cơ quan khác nhau cũng phải công nhận cái sự “làm đẹp” con số nợ xấu đó “đáng sợ và đáng ngờ”.

Con số do ông Trịnh Quang Anh đưa ra có vẻ gần với sự thật nhất và khác xa các con số do Ngân Hàng Nhà Nước công bố.

Chính phủ đã đưa ra một số đề án giải quyết cái núi nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Trong đó có cả việc lập một công ty để giải quyết nợ xấu nhưng ngày 30/3/2013 mới đây, báo Đất Việt nói “không được thông qua ở kỳ họp chính phủ Tháng Ba”.

Điều này xác nhận Việt Nam vẫn đang rất lúng túng, không biết giải quyết như thế nào để cứu nền kinh tế và một số không nhỏ những công ty quốc doanh chủ lực đang chờ chết nếu không được bơm tiền thêm. Tập đòan đóng tàu Vinashin, tổng công ty tàu thủy Vinalines, nhiều công ty sản xuất xi măng hay thép nợ đầm đìa, sản phẩm bán không được mà đúng ra phải phá sản từ lâu nhưng nằm đó “chết lâm sàng”. (TN)
_______________________
'Nửa triệu tỷ đồng nợ xấu ngân hàng'

Quy mô nợ xấu có thể vượt nửa triệu tỷ đồng nếu cộng cả những khoản nợ tiềm tàng, nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines - theo tính toán của Tiến sĩ Trịnh Quang Anh.

Tại Diễn đàn kinh tế Mùa xuân đang diễn ra ở Nha Trang, phần lớn các diễn giả đều cho rằng vẫn nợ xấu vẫn chưa có con số thống nhất, trong đó không ít ý kiến hoài nghi về số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố. Nợ xấu toàn hệ thống theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2012 là 120.000 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ tín dụng. Còn theo công bố mới nhất của đại diện Chính phủ, quy mô tính đến cuối tháng 2/2013, đã giảm xuống còn khoảng 6%thay vì mức hơn 8,8% Thống đốc công bố năm ngoái.

Ông Trịnh Quang Anh cho rằng thực tế nợ còn "xấu" hơn rất nhiều. Trong cuốn kỷ yếu Diễn đàn kinh tế Mùa xuân năm 2013, Tiến sĩ Trịnh Quang Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam đưa ra những ước tính về quy mô nợ xấu hiện nay.

Theo ước tính của ông, nếu cộng cả những khoản nợ tiềm tàng, gồm nợ khoanh, nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780 và nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines, tổng nợ xấu ước tính sẽ vọt tới tầm nửa triệu tỷ đồng. Con số này tương đương 18% tổng dư nợ tín dụng, gần 10% tổng tài sản toàn hệ thống hay khoảng 17% GDP danh nghĩa năm 2012. Con số nợ xấu thực của nhóm khách hàng doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục được nhân lên nếu bóc tách phần nợ thực chất đã “chết” đang còn “ẩn nấp” trong nhóm “nợ cần chú ý” để hạch toán sang đúng nhóm nợ.

Bình luận về việc nợ dưới chuẩn giảm mạnh (hơn 2%) theo công bố mới đây của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Tiến sĩ Tô Ánh Dương cho rằng không loại trừ khả năng nhiều khoản đã được làm đẹp bằng những hợp đồng vay mới để trả nợ cũ quá hạn.

"Tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh chỉ là giảm số liệu, không phải là bản chất, giảm thật sự. Nói cách khác, trích lập dự phòng rủi ro là một trong những biện pháp làm giảm nợ xấu phần nào trên bảng cân đối kế toán", ông Dương thẳng thắn cho biết. Trên thực tế, khi xử lý rủi ro bằng dự phòng không có nghĩa là khoản nợ đã được xóa cho khách hàng.

Các chuyên gia cũng đưa ra những số liệu theo chính ông gọi là "đáng sợ" về cơ cấu của nợ xấu. Theo ông Quang Anh, xét con số tuyệt đối, nợ xấu nằm chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, trước hết là Agribank rồi đến BIDV - chiếm tới gần 1/3 tổng nợ xấu toàn hệ thống. Tại khối cổ phần, nhóm ngân hàng yếu kém nằm trong diện phải tái cơ cấu năm 2012 - chiếm tới gần 1/5 tổng nợ xấu toàn hệ thống (chưa tính Habubank do đã được sáp nhập vào SHB).

Một đặc điểm nữa về cơ cấu nợ xấu theo Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng Giám đốc Học Viện Ngân Hàng là thống kê của Bộ Tài chính cho hay, các địa phương có công trình xây dựng cơ bản hiện nợ các doanh nghiệp liên quan đến dự án khoảng 90.000 tỷ đồng. "Đây là khoản nợ xấu phải thuộc trách nhiệm các địa phương xử lý, chứ không thể là các ngân hàng", ông Hưng cho biết.

Nợ xấu cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản và chứng khoán (trước đây được tính vào lĩnh vực phi sản xuất, bị hạn chế tăng trưởng tín dụng) chỉ chiếm 8% tổng nợ xấu. Theo nhiều diễn giả, đây là một con số rất đáng ngờ. "Sự thực, rất nhiều khoản cấp tín dụng dưới các danh nghĩa khác nhau, được 'luồn' vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán hay có liên quan đến lĩnh vực phi sản xuất này. Nợ xấu từ số dư nợ cho vay trên, hiển nhiên sẽ được che giấu kỹ nhất", ông Quang Anh cho biết.

Nguồn: Nguoiviet/ VNE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét