Khi còn hoạt động bí mật
và nửa bí mật nửa công khai với số đảng viên chưa nhiều, ngân sách đảng
không có, hoàn toàn dựa vào dân, có khi còn dựa vào tiền bạc của “giai cấp
trên” ủng hộ để có nguồn kinh phí ít ỏi bảo đảm hoạt động. Thời kỳ ấy, gần
như tất cả đảng viên của Đảng đều trân trọng lời thế trước Đảng kỳ
nguyện tuyệt đối trung thành với đảng, với nhân dân. Đúng là ngoài lợi ích
của nhân dân, “Đảng” không có “lợi ích” nào khác. Do vậy, để bảo vệ Đảng,
nhân dân đã không ngại hi sinh tính mệnh và tài sản, thậm chí nghe theo lời Đảng
đã cử hàng triệu hàng triệu con em xông ra các mặt trận, không ngại mũi
tên hòn đạn, không ngại tù đầy.
Nói như thế để thấy thời
kỳ đầu, và trong kháng chiến trường kỳ, khi Đảng bám rễ trong nhân dân,
chung lưng đấu cật với nhân dân, và cái chính là đảng chưa có tiền chưa có
gạo, không bám vào dân mà hoạt động thì đói. Đã đói thì không thể hoạt động
được. Hoạt động gian khổ và không ít đảng viên đã hi sinh trong nhà tù đế
quốc. Mấy nghìn “tù Phú Quốc”, “tù Côn Đảo” chắc chắn có nhiều đảng viên. Như vậy trong cuộc chiến
đấu cách mạng, cả đảng viên và quần chúng của Đảng đều đổ xương đổ máu chứ
không chỉ riêng có đảng. Về số lượng thì, nhân dân hi sinh nhiều gấp nhiều
lần đảng viên. Mà suy cho đến cùng thì đảng viên cũng là từ nhân dân mà ra.
Trên thế giới hầu như chưa có nước nào lại phải chịu hi sinh nhiều như nước ta và dân tộc ta, một cuộc chiến kéo dài 31 năm, quân đội, đảng viên và nhân dân hi sinh xương có thể xếp thành núi, máu có thể chảy thành sông. Điều này, các thế hệ người Việt Nam còn nhớ đinh ninh. Nhưng dựa vào đấy để mà “kể công” để mà tranh quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội là không đúng với truyền thống của dân tộc.
Để công bằng, các nhà lãnh
đạo hiện nay, dựa vào các cứ liệu lịch sử mà phân chia giai đoạn công và tội của
Đảng cộng sản, viết lại những thành tích, ưu điểm, sai lầm kể cả sai lầm
nghiêm trọng giết hại hàng vạn đảng viên và quần chúng trung kiên trong
cái nhận thức “tả khuynh” và giáo điều, để phân rõ công và tội. Dân tộc ta rất công bằng,
độ lượng và lại rất rõ ràng, minh bạch trong phân biệt công và tội. Lâu nay ta
có thói quen, hễ ai đó “nói động đến Đảng”, đến “lãnh tụ”, thậm chí ở xã,
nói động đến Bí thư Đảng ủy, là bị coi là “nói xấu Đảng” cần theo dõi và xử
lý! Bao nhiêu cái án oan sai cũng từ cách nhìn nhận thế này. Làm con người,
không một ai là không có khuyết điểm, chỉ khác nhau ở chỗ biết thừa nhận
khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm một cách chân thành và hiệu quả. Nhân
dân ta rất ghét sự dối trá, sự bao che, và lừa lọc.
Trong giai đoạn có nhiều
phức tạp cả về nhận thức lẫn hành động như hiện nay, trước hết và hơn ai hết
Đảng cần tổng kết ưu khuyết điểm, công tích và cả những sai lầm nghiêm trọng.
Bài học đã rõ rồi. Bản thân cụ thân sinh ra tôi là một đảng viên đảng lao
động được kết nạp năm 1947, làm Phó Chủ tịch UBKCHC xã, cải cách ruộng đất
quy cụ là địa chủ phản động quốc dân đảng đầu sỏ, bị kết án 20 năm tù, cho
giảm 3 năm vì có con trái lớn là tôi đang ở bộ đội. Cũng vô cùng may mắn,
vì ngay làng bên, một đồng chí tên là Thành con một gia đình địa chủ kháng
chiến, đi hoạt động cách mạng từ nhỏ, được bầu vào Ban thường vụ Tỉnh ủy. Trong
một cuộc “đấu đá” ở nhà quê, Đội Cải cách với danh nghĩa “Tòa án nhân dân
đặc biệt” đã lên tận tỉnh, trong khi Thường vụ Tỉnh ủy đang họp, lôi bằng
được đồng chí Thành về trường đấu và bắn luôn. Bí thư tỉnh ủy giật mình biết
chuyện thì mọi sự đã quá muộn.
Đó là “bi kịch” của
cải cách ruộng đất mà Đảng ta đã lãnh đạo. Tuy nhiên, khi Đảng có nghị quyết
sửa sai cải cách ruộng đất, ngay bản thân gia đình và người bị xử trí oan,
thậm chí “oan đến chết người” vẫn tin theo Đảng, tham gia sửa sai, nhanh
chóng ổn định tình hình trước khi tiến hành phong trào hợp tác hóa nông
nghiệp. Chắc chỉ có người này người kia trong đảng chức vụ này chức vụ kia
mới “thù dai” hoặc “trả thù cá nhân” chứ nhân dân thì độ lượng vô cùng.
Đảng công khai một lần
nữa thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng của mình về tất cả mọi vấn đề không
chỉ có cải cách ruộng đất, cả về hợp tác hóa nông nghiệp, tiểu thủ công
nghiệp, cả về phát triển công nghiệp nặng công nghiệp nhẹ, cả về văn hóa
giáo dục y tế và an sinh xã hội. Một xã ở huyện nọ trong tỉnh tôi đã có 74
cán bộ xã “ăn chặn” tiền chính phủ giúp hộ nghèo ăn Tết. Nhưng cán bộ này đều
là đảng viên. Ở xã tôi, họ chia nhau, cho nhau, bán rẻ cho nhau hơn 1000
xuất đất cho đảng viên từ cấp thôn trở lên đều có phần. Một bí thư chi bộ
mua một xuất đất giãn dân giá 50 triệu đồng, ngay hôm sau bán 750 triệu đồng.
Dân bảo đảng viên buôn đất ăn đất kinh khủng lắm. Đảng nên tổng kết và công
khai những vấn đề này trước dân để lấy lại lòng tin của dân.
Một khi dân tin rồi thì Đảng
cứ phải lãnh đạo cứ phải cầm quyền thôi, chẳng có ai dám tranh quyền của Đảng
đâu. Còn hiện nay, tham nhũng từ trên đến cơ sở, mà chủ yếu lại là đảng
viên có chức có quyền mới có điều kiện tham nhũng, tham nhũng là hút máu
hút mủ của dân, nhưng nếu đảng dũng cảm nhận sai lầm khuyết điểm, nhận
công khai trước dân, ai có khả năng sửa chữa khuyết điểm dân vẫn ủng hộ
làm việc còn kẻ nào ngoan cố thì chính Đảng phải xử trí thôi, dân làm gì
có quyền xử trí?
Lúc nào cũng giơ mãi cái công lao ra để mà tiếm quyền lãnh đạo
thì thật sự không công bằng. Ai là người xứng đáng lãnh đạo cầm quyền đất nước,
lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam thời kỳ hiện nay trước hết phải tổ chức
công khai minh bạch hỏi ý kiến dân. Dân đồng ý thì tiếp tục vai trò còn
dân không đồng ý thì dân chọn. Đơn giản thôi. Sở dĩ Đảng
còn cố tình lý sự để bám lấy vai trò lãnh đạo chẳng qua là vì lợi ích của
Đảng và đảng viên chứ không phải hoàn toàn là vì lợi ích của dân chúng đâu. Các vị nghĩ và thử tổ
chức thảo luận công khai với dân xem sao?
Tác giả gửi Quê choa
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
…………………………………………………………..
Đoàn Vương Thanh, tức Nguyễn Thanh Hà, 79 tuổi, cựu phóng viên TTXVN,
ĐT 0166 83 83 020 và 0321 6295 440. Email: nguyenthanhhahy@gmail.com
Đoàn Vương Thanh, tức Nguyễn Thanh Hà, 79 tuổi, cựu phóng viên TTXVN,
ĐT 0166 83 83 020 và 0321 6295 440. Email: nguyenthanhhahy@gmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét