Bùi Minh Quốc (sinh ngày 3 tháng 10 năm 1940) là một nhà thơ, nhà báo,
hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng là Phó Chủ tịch Hội
Văn nghệ, Tổng Biên tập Tạp chí Ðất Quảng tại Quảng Nam - Ðà Nẵng, người sáng lập và là Chủ tịch
đầu tiên của Hội Văn nghệ tỉnh Lâm Ðồng.
Thuở bé, tôi đã cùng các bạn trong đội nhi đồng Tháng Tám
hát vang: “Đoàn giải phóng quân một
lần ra đi…” (Nhạc và lời Phan Huỳnh Điểu)… Và hát: “Lập quyền dân, tiến lên, Việt nam!” (Nhạc
và lời Văn Cao).
Tôi chưa thể tự biết, nhưng dường như mơ hồ cảm nhận được,
một lẽ sống lớn, cũng là hạnh phúc lớn mà Cách mạng Tháng Tám đã gieo vào trái
tim trong trắng của mình: Đoàn Giải phóng quân ra đi để đáp lời sông núi, để lập
quyền dân, để Việt Nam tiến lên.
Tôi lớn lên theo lẽ sống ấy.
Tiếp bước cha anh, tôi phải đáp lời sông núi Việt Nam. Non
sông Việt Nam đòi tôi phải trở thành người chiến sĩ Giải phóng.
“Có thể nào yên,
hỡi miền sâu thẳm của lòng ta!”.
Tiếng thơ ấy, là của Tố Hữu, viết về miền Nam, đã vang lên,
đã thấm nặng hồn tôi suốt những tháng năm tuổi trẻ trên miền Bắc, nơi tôi sinh
ra. Tôi học hành không yên, công tác không yên, sáng tác không yên, vì đâu đó,
thăm thẳm trong không gian cách trở của đất nước bị chia cắt, sâu thẳm trong
chính lòng mình, có một miền Nam đang bị chà đạp, miền Nam đang đổ máu, miền
Nam đang chiến đấu, từng ngày.
Một cách tự nhiên, tôi hát “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước…”. Và
một cách tự nhiên, tôi lên đường vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu,
trở thành người chiến sĩ Giải phóng.
Hàng triệu, hàng triệu người như tôi đã vượt Trường Sơn.
Hàng triệu, hàng triệu người như tôi đã vượt rào ấp chiến
lược, vượt vòng cương tỏa và những cám dỗ dễ chịu của đời sống thị thành, thoát
ra bưng biền, tự gánh lấy trách nhiệm nặng nề của người chiến sĩ Giải
phóng.
Tôi dần nhận ra, “giải phóng” trước hết là tự giải
phóng.
Tự giải phóng mình khỏi những
thu vén cá nhân nhỏ mọn tầm thường, tự giải phóng mình khỏi nỗi sợ bẩm sinh: sợ
đói rét, sợ tù đày, sợ chết. Mà phải tự giải phóng mình từng ngày, thậm chí từng
giờ. Bởi vì những khổ nạn đó rình rập bủa vây người chiến sĩ Giải phóng từng
ngày, từng giờ.
“Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!”
Tiếng gọi thiêng liêng ấy vang lên trong lòng tôi, trên mỗi
bước tôi đi. Đấy cũng chính là tiếng lòng tôi, là tiếng non sông đã trở thành
chính tiếng lòng tôi, thành toàn bộ cuộc đời tôi, cuộc đời đồng chí đồng đội và
đồng bào tôi.
Tôi, người chiến sĩ Giải phóng, chiến đấu trên tuyến đầu
trong thế trận chiến tranh nhân dân của cả một dân tộc đã vùng lên từ Cách mạng
Tháng Tám 1945 giành lấy độc lập thống nhất cho Tổ Quốc Việt Nam và tự do cho mỗi
con người Việt Nam.
Năm mươi vạn quân
Mỹ đổ vào. Thời thế đổi thay chăng ?
Ở Núi Thành, những
dũng sĩ đâm lê trả lời câu hỏi lớn
Mỗi thềm nhà
thành pháo đài trụ bám
Trước mặt quân
thù trùng điệp những vành đai
Ai từng sống đất
này những ngày nghiêm trọng ấy
Không thể nào
quên cái không khí lạ lùng
Những trai gái
đua nhau lên vành đai tìm Mỹ diệt
Dường cho đến tận
giờ ta vẫn chưa hiểu hết
Phép nhiệm màu
nào sau những nụ cười kia
Tôi nhớ mãi một
chiều giáp Tết Mậu Thân
Các mẹ, chị, tay
gậy tay dao tập hợp giữa đồng
Nghe thư Đảng
Và cứ thế, khắp
cánh đồng pháo bắn
Nườm nượp dòng
người náo nức hối nhau đi…
Chúng tôi đi, không tính
toán so đo chuyện đói no sống chết, đi cho đến ngày 30 tháng 4.1975.
Đi cho đến ngày 7.01.1979, ngày 17.02.1979, rồi 1984, 1988,
lại thêm bao đồng đội của tôi chết trên đất Cam-pu-chia, trên biên giới phía bắc,
trên biển Đông, bởi họng súng của những kẻ vốn được coi là đồng chí chí cốt, là
bạn chí tình.
Và cho đến một ngày tôi cùng các đồng chí đồng đội đồng
nghiệp của tôi nghe Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cất lời hô “cởi trói”.
Hóa ra những người chiến sĩ Giải phóng chúng tôi bấy lâu đã bị
một thế lực nhân danh sự nghiệp Giải phóng ngấm ngầm trói buộc vào một guồng
máy lấy xương máu chúng tôi và xương máu nhân dân để đúc thành ngai ghế “vua
quan cách mạng” của họ.
Tôi và nhân dân tôi lại tiếp tục đi, trong một không gian
thanh bình trả giá bằng bao nhiêu xương máu để rơi vào một vòng nô lệ mới dưới
ách bọn người tự xưng là đầy tớ nhân dân để làm “vua quan cách mạng”.
Gần 40 năm đã qua kể từ ngày được gọi là “Giải phóng”.
Ôi nhân dân, Người ẩn chứa những gì
Mà bao năm mòn gót còng lưng trước công đường của Đảng?
Các đầy tớ của Người mặt mày quan dạng
Ngồi dửng dưng sau từng núi đơn từ
Ôi nhân dân nhẫn nhục đến bao giờ?
Xiềng xích nào trong đầu Người trói buộc?
Nỗi nhẫn nhục nuôi béo bầy bạch tuộc
Trăm vòi đang hút kiệt nước non này
Trăm vòi hươ nhầy nhụa cả trời mây
Phun khắp chốn chứng si-đa não tủy
Chúng thách thức những cái đầu biết nghĩ
Những con tim còn sôi sục Việt Nam
Những cái đầu biết nghĩ và những con tim Việt Nam luôn sôi sục tình yêu Tổ Quốc và Tự do biết rằng các chiến sĩ Giải phóng phải kiên quyết tiếp tục sự nghiệp Giải phóng, bắt đầu bằng tự giải phóng ở từng con người. Trước hết là tự giải phóng khỏi những ham muốn thu vén cá nhân nhỏ mọn tầm thường, tự giải phóng khỏi nỗi sợ, như: Kim Ngọc đã tự giải phóng khỏi nỗi sợ trước sự trói buộc của những giáo điều phản động đi ngược lại lợi ích của nhân dân; ông nói với các đồng chí của mình “Nếu tôi sợ, anh sợ, chúng ta đều sợ, thì để dân chết đói à?”. Ông đã cùng các đồng chí ở cơ sở dũng cảm thực hiện khoán “chui”, góp phần giải phóng sức sản xuất, giải phóng tiềm năng sáng tạo, giải phóng cho nền dân chủ đích thực của mấy chục triệu nông dân Việt Nam, tạo tiền đề cho sự nghiệp giải phóng toàn diện sức sản xuất của toàn xã hội, cả trên lãnh vực sản xuất vật chất lẫn lãnh vực sản xuất tinh thần mà Võ Văn Kiệt, Trần Độ đã tiếp nối một cách xứng đáng.
Những cái đầu biết nghĩ và những con tim Việt Nam luôn sôi sục tình yêu Tổ Quốc và Tự do biết rằng các chiến sĩ Giải phóng phải kiên quyết tiếp tục sự nghiệp Giải phóng, bắt đầu bằng tự giải phóng ở từng con người. Trước hết là tự giải phóng khỏi những ham muốn thu vén cá nhân nhỏ mọn tầm thường, tự giải phóng khỏi nỗi sợ, như: Kim Ngọc đã tự giải phóng khỏi nỗi sợ trước sự trói buộc của những giáo điều phản động đi ngược lại lợi ích của nhân dân; ông nói với các đồng chí của mình “Nếu tôi sợ, anh sợ, chúng ta đều sợ, thì để dân chết đói à?”. Ông đã cùng các đồng chí ở cơ sở dũng cảm thực hiện khoán “chui”, góp phần giải phóng sức sản xuất, giải phóng tiềm năng sáng tạo, giải phóng cho nền dân chủ đích thực của mấy chục triệu nông dân Việt Nam, tạo tiền đề cho sự nghiệp giải phóng toàn diện sức sản xuất của toàn xã hội, cả trên lãnh vực sản xuất vật chất lẫn lãnh vực sản xuất tinh thần mà Võ Văn Kiệt, Trần Độ đã tiếp nối một cách xứng đáng.
Những con người tự giải phóng mình để góp phần đẩy mạnh
công cuộc giải phóng xã hội như Kim Ngọc, như Võ Văn Kiệt, Trần Độ ngày càng
đông đảo. Ngày càng đông đảo những người Việt Nam tự giải phóng khỏi
nỗi sợ trước ách kìm kẹp của bọn tự xưng là đầy tớ nhân dân để làm vua quan
cách mạng (trong đó có bọn lì lợm bám giữ ngai ghế bằng cách cam tâm ngấm ngầm
làm tay sai cho thế lực bành trướng). Dựa chắc vào các chủ trương đúng đắn, các điều
khoản đúng đắn của Hiến Pháp và pháp luật, tiến hành công khai và hợp pháp, trầm
tĩnh và ôn hòa, kiên quyết và kiên trì, sự nghiệp tự giải phóng lập quyền dân
nhất định phát triển không gì ngăn cản nổi.
Ngày càng đông đảo, những con người Việt Nam kết
chặt cùng nhau chống nội xâm chống bành trướng, ngày ngày cùng nhau cất tiếng
hát vang: “Giải phóng Việt Nam, chúng ta
cùng quyết tiến bước”!
Đà lạt tháng 4.2012- tháng 4.2013
BMQ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét