Nhãn

23 tháng 9, 2011

196. Ở VN - làm quan cần gì

Mình vẫn nghĩ làm sếp không nhất thiết phải giỏi nhất về chuyên môn, nay được bác Phamvuluaha blog nói hộ quá đã. Nhưng bác ý sai rùi, làm quan ở VN có thẻ đảng và bằng cấp chỉ là phụ, cái chính là dây dợ, còn 2 cấy kia mua được mà!

Làm quan có cần bằng cấp?
Chuyện lùm xùm quanh tấm bằng tiến sĩ đáng ngờ của Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn chưa kịp ráo mực nay lại tới chuyện thứ trưởng Cao Minh Quang. Báo chí nước nhà lại ra quân trổ tài thám tử truy lùng nguồn gốc tấm bằng lạ này. Nghi vấn cũng lắm, nhưng mình nghĩ những câu hỏi đó chỉ hợp lý nếu bàn về tư cách của ông thứ trưởng, chứ bàn tới khả năng làm lãnh đạo thì đều trật chìa. Mình muốn hỏi (hơi cắc cớ): “Làm quan có cần bằng cấp?”


GS Nguyễn Văn Tuấn đã có bài phân tích rất chi tiết “Trình độ học vấn của bộ trưởng Việt Nam, Mĩ và Úc”, với kết luận bộ trưởng Việt Nam có trình độ cao nhất. Nhưng hình như vẫn chưa ai tìm ra mối tương quan giữa bằng cấp và tài kinh bang tế thế.  Thử làm một so sánh nhỏ về trình độ học vấn và chuyên môn của những vị đang nắm chức vụ bộ trưởng tài chính (thường là một trong những vị trí quan trọng và uy quyền nhất trong nội các) ở một số nước. Tuy chưa thể đầy đủ, nhưng danh sách ngắn dưới đây cho thấy hình như chỉ có ở ta không những bằng cấp mà cả chuyên môn cũng hết sức quan trọng. Bộ trưởng tài chính thì phải là tiến sĩ kinh tế/tài chính, bộ trưởng y tế nhất định là tiến sĩ y khoa, bộ trưởng quốc phòng đương nhiên là đại tướng. Sơ sơ cũng đủ thấy sự khác biệt lớn về điều kiện cần và đủ để làm quan ở ta và bên Tây.

Bộ trưởng Tài chính (học vị cao nhất) - Tổng hợp nhiều nguồn tại thời điểm 18/9/2011
Ấn Độ          Pranab Mukherjee: Thạc sĩ Lịch sử & Chính trị học
Anh             George Osborne: Cử nhân Lịch sử Hiện đại
Canada        James Flaherty: Cử nhân Luật
Đức             Wolfgang Schäuble: Tiến sĩ Luật
Mỹ              Timothy Geithner: Thạc sĩ Kinh tế học Quốc tế, Nghiên cứu Đông Á
Nga             Alexei Kudrin: Tiến sĩ Kinh tế
Nhật            Jun Azumi: Cử nhân Luật
Pháp           François Baroin: Cử nhân (không nêu rõ)
Singapore    Tharman Shanmugaratnam: Thạc sĩ Kinh tế, Quản lý Công
Trung Quốc  Tạ Húc Nhân: Cử nhân Quản lý Tài chính công nghiệp
Úc               Wayne Swan: Cử nhân Quản lý Công
Việt Nam     Vương Đình Huệ: Tiến sĩ Tài chính, Kế toán

Làm quan ở Tây cần gì?
Stockwell Day là một chính khách lẫy lừng của Canada, dù ông chỉ có trình độ trung học (ông có học cao đẳng và đại học ít lâu nhưng đều bỏ ngang). Ông từng nắm nhiều chức quan trọng như Bộ trưởng Ngoại Thương, Bộ trưởng Nội Vụ, Chủ tịch Hội đồng Ngân quỹ (phụ trách chi tiêu chính phủ). Ông cũng suýt trở thành thủ tướng nếu không thua Stephen Harper (thủ tướng hiện nay) trong cuộc đua giành ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền. Đầu năm nay, ông rút lui khỏi chính trường trong sự tiếc nuối của nhiều người.

David Miller làm thị trưởng Toronto hai nhiệm kỳ (từ 2003 tới 2010). Ông có bằng cử nhân kinh tế hạng summa cum laude (hạng cao nhất) của Đại học Harvard, và sau đó là cử nhân luật Đại học Toronto. Nhiệm kỳ thứ nhất ông được dân thương nên dễ dàng đắc cử lần thứ nhì. Nhiệm kỳ thứ hai ông bị dân ghét vì yếu thế trong các cuộc thương thảo với công đoàn nên để xảy ra đình công liên miên. Đầu tiên hệ thống vận tải công cộng đình công một ngày làm kinh tế thành phố thiệt hại bạc tỉ. Rồi sau đó là đình công của nhân viên và công chức thành phố, khiến dịch vụ công bị đình trệ, đặc biệt là gần một tháng rưỡi không ai gom dọn rác, cả thành phố thối inh giữa mùa hè oi ả.  Dân ghét đến nỗi Miller tự rút lui không ứng cử lần ba. Thị thưởng hiện nay, Rob Ford, chỉ học Đại học Ottawa tới năm hai rồi bỏ vì phải lo việc gia đình. Cuối năm 2010, ông Ford đắc cử dễ dàng với thông điệp cắt giảm lãng phí trong chi tiêu của thành phố.  Chưa biết ông Ford sẽ kết thúc nhiệm kỳ ra sao, nhưng những so sánh về khả năng của hai thị trưởng này trong việc lèo lái thành phố lớn nhất Canada chưa bao giờ dựa trên cơ sở bằng cấp hay chuyên môn của hai vị.

Kể lòng vòng để thấy tấm bằng chỉ chiếm một dòng nhỏ trong lý lịch của các quan xứ Tây. Thậm chí vị nào khoe bằng cấp cao và học trường xịn trong các cuộc tranh luận khi vận động tranh cử thì có khi bị trúng đòn hồi mã thương, bị coi là elite (tinh tướng?), không sâu sát với phó thường dân, mất phiếu như chơi. Trong đợt bầu cử Hạ viện Canada hồi tháng 5/2011, thủ lĩnh đảng Tự do Michael Ignatieff tuy không hề khoe khoang về trí tuệ siêu việt của mình (vì đã quá nổi tiếng) nhưng luôn bị giới quan sát chê là có phong thái tranh luận và phát biểu quá vòi vọi trên mây, không tạo thiện cảm với cử tri tiếp xúc trực tiếp hay xem qua TV. Nên nhớ giáo sư tiến sĩ Ignatieff là một nhà hùng biện tài danh, từng dẫn chương trình cho đài BBC, có mấy chục năm giảng dạy ở những đại học cỡ như Oxford, Cambridge và Harvard. Cái chính là dân không tin vào cương lĩnh của đảng Tự do, vậy là từ vị thế đảng đối lập chính thức, đảng này chỉ về ba và mất nhiều ghế nhất trong lịch sử của đảng này. Thua lấm lưng trắng bụng trên chính trường, Michael Ignatieff đành từ chức lãnh tụ đảng, quay về giảng dạy tại Đại học Toronto.

Chẳng qua cũng là do cơ chế chọn và giám sát lãnh đạo của họ. Ở Canada, thủ tướng là lãnh tụ đảng thắng ghế nhiều nhất trong Hạ viện; sau khi chính thức nắm quyền, thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm bộ trưởng. Ở Mỹ, bộ trưởng do tổng thống đề cử rồi được lưỡng viện chất vấn trước khi chuẩn y. 

Dù là thể chế gì đi nữa, các quan đều phải thi đậu kỳ sát hạch nghiêm túc nhất và trung thực nhất: sự tín nhiệm của dân. Một điểm chung nữa là quá trình chọn lựa nhân sự chính phủ không bao giờ thiếu công tác vetting được thực hiện rất kỹ lưỡng trước khi trình danh sách lên quốc hội, hay công bố chính thức. Vetting là chọn người, rồi điều tra kỹ càng về lai lịch, quá trình hoạt động chính trị, kinh nghiệm, và kể cả soi kỹ đời tư (xem trước đây có lăng nhăng tình ái, có quịt nợ, trốn thuế, mướn người làm là dân nhập cư lậu, quên đóng tiền phạt đậu xe … hay không). Soi kỹ như vậy thì làm gì có chuyện khai man điều gì.

Lúc mới đắc cử, tổng thống Obama từng đau đầu khi phải chọn lựa giữa Lawrence Summers và Timothy Geithner cho chức Bộ trưởng Tài chính. Về tuổi đời, bằng cấp, chuyên môn và kinh nghiệm, Summers ăn đứt Geithner. Lawrence Summers trở thành giáo sư chính thức (ngành kinh tế) của Harvard lúc mới 28 tuổi; lúc ông là bộ trưởng tài chính trong nội các Bill Clinton, Timothy Geithner chỉ giữ chức ngang với cấp vụ trưởng ở ta. Sau khi hết làm bộ trưởng, Lawrence Summers có mấy năm làm hiệu trưởng Harvard. Về kinh nghiệm, Timothy Geithner từng làm cho IMF, rồi Bộ Tài chính, tham gia những chương trình giải quyết khủng hoảng nợ quốc gia ở Mỹ La tinh và Đông Á. Ông cũng hiểu rõ Wall Street vì lúc đó đang là Chủ tịch Quỹ Dự trữ New York (tuy ban đầu có mấy sếp ngân hàng lớn chê ông là “mặt búng ra sữa”). Nhưng cuối cùng thạc sĩ Geithner thắng giáo sư tiến sĩ Summers vì được đánh giá là có kỹ năng “mềm” tốt hơn. Lawrence Summers có cái đầu nóng, và sẵn sàng tranh cãi kịch liệt, dễ làm mất lòng người khác. Ngoài khả năng giải quyết vấn đề nhanh nhạy, Timothy Geithner được xem là đắc nhân tâm hơn, nên dễ được quốc hội chuẩn y hơn.

Làm quan ở ta cần gì?

Câu này dễ trả lời hơn, không cần dài dòng như trên. Trước nhất là tấm thẻ đảng; cái này thì chắc chắn là thật 100%. Ai dại gì làm hay mua đồ giả. Thứ hai, đương nhiên là tấm bằng càng cao càng tốt, hay nhất là tiến sĩ. Sao cái bằng lại có sức nặng đến vậy? Theo ngu ý, chung quy cũng tại cơ chế chọn người “tài” ở ta.

Bất chấp bao nhiêu mỹ từ về quyền lựa chọn của nhân dân, chắc chắn dân thường không có cửa đề cử nhân sự cho chính quyền. Trong mấy trăm vị ủy viên trung ương, Ban Tổ chức của Đảng chỉ cần tìm ra được vài chục vị để lấp đầy ghế cho nội các biết gật gù, đâu cần biết ra quyết sách cho đất nước, bởi đó là việc của bộ tam hay bộ tứ chóp bu. Vậy, tấm bằng và chuyên môn là cách đơn giản nhất để sàng lọc (hay loại trừ) một cách danh chính ngôn thuận. Hoan hô cách làm sáng suốt. Muôn năm cái bằng (tiến sĩ). Chỉ mong các vị lấy bằng thật giùm cho. Mà bằng thật (không đồng nghĩa với xịn) có khó gì cho cam, với biết bao chuyên ngành chỉ có ở ta, tỉ như xây dựng Đảng.

Nói đi cũng nên nói lại. Cũng có không ít người ở ta công nhận kinh nghiệm quan trọng hơn bằng cấp. Ngay như ông Vũ Viết Ngoạn cũng không coi trọng bằng cấp, và khẳng định mình dư kinh nghiệm về quản lý tài chính vì từng là Tổng giám đốc Vietcombank, rồi Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Mình thích ý này, và ủng hộ ông cả hai tay vì mấy ai có “kiến thức và kinh nghiệm 30 năm về tài chính ngân hàng” như ông. Khổ nỗi ông không chịu nỗi sức ép dư luận vốn coi cái bằng to hơn cái đình, nên cũng đành thanh minh thanh nga về quá trình khổ cực học và làm luận văn tiến sĩ. Chi vậy?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét