Cuối kỳ họp đầu tiên Quốc Hội khoá XIII nhiều vị lãnh đạo sau khi được bầu vào các chức vụ cao nhất đã long trọng hứa sẽ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng người dân. Lời hứa đó nên được coi như lời thề, vì lịch sử cho thấy thời nào mà lãnh đạo biết gần dân, nghe dân, thì dù đất nước khó khăn đến mấy dân cũng không mất niềm tin. Mà còn niềm tin thì còn tất cả, khó khăn sẽ được khắc phục, đất nước sẽ vững bước đi lên.
Trong cuộc gặp mặt hồi tháng trước của Tổng Bí Thư với Liên hiệp KHKT đã có nhiều trí thức bày tỏ những ưu tư, trăn trở trước hiện tình đất nước đang trải qua những giờ phút nghiêm trọng như cách đây ba mươi năm. Vì không có cơ hội tham gia buổi gặp mặt, tôi xin góp câu chuyện sau để hưởng ứng cuộc trao đổi ý kiến đáng nhớ đó.
Chúng ta đều biết, trong quá trình hoạt động cách mạng, Đảng đã giành được những thắng lợi vẻ vang, đồng thời cũng đã có lúc phạm sai lầm lớn. Đặc biệt, những sai lầm trong khoảng mười năm sau thống nhất đất nước đã khiến lòng tin của dân đối với Đảng sa sút trầm trọng.
Nhưng ngay cả trong thời kỳ đen tối ấy tôi vẫn giữ được niềm tin. Đó là nhờ giữa lúc bế tắc đó, tôi đã được may mắn nhìn thấy ở các lãnh tụ Đảng một tinh thần thật sự cầu thị, bình tĩnh tiếp thu ngay cả những ý kiến mà thoạt nghe tưởng như rất khó chấp nhận.
Số là khoảng tháng 5-6 năm 1979, tôi cùng với 4 anh em trí thức khác được Tổng Bí Thư Lê Duẩn mời xuống Đồ Sơn gặp để trao đổi ý kiến về tình hình kinh tế xã hội. Kế hoạch trù định làm việc trong 2 tuần nhưng nửa chừng phải dừng lại để về Hà Nội vì có tin Phó Chủ Tịch Nguyễn Lương Bằng vừa mất.
Trong mấy ngày đó chúng tôi đã có điều kiện góp ý trực tiếp và thẳng thắn với TBT. Phát biểu đầu tiên tôi nêu thắc mắc: cùng với nhiều anh em khoa học, tôi đã cố gắng tìm hiểu nhưng vẫn chưa hiểu lý luận làm chủ tập thể là thế nào. Sau khi được TBT giải thích kỹ càng, tôi thưa lại: tất cả sự giải thich ấy tôi đã được nghe trong nhiều cuộc thảo luận chính trị, song tôi vẫn băn khoăn một điều cơ bản: ta nói làm chủ tập thể là hình thức dân chủ cao hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong lúc đó ngay dân chủ tư sản ta cũng chưa đạt được. Và để dẫn chứng tôi nêu ra nhiều việc và đọc lên cho TBT nghe mấy câu truyền miệng mà hồi đó khá phổ biến ở vỉa hè Hà Nội: năng làm thì đói, biết nói thì no, biết bò thì sướng, càng bướng càng khổ. Hồi ấy lý luận làm chủ tập thể được coi là cơ sở lý luận và điểm mấu chôt trong đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, một sáng tạo lớn của Đảng, cho nên tôi hiểu rằng tôi đã chạm một điểm nóng, cực nóng, chưa biết rồi sẽ gặp phản ứng gì.
Hôm sau, TBT nêu câu hỏi: làm thế nào chống tiêu cực (hồi ấy tiêu cực là từ dành để nói tham nhũng). Tôi đáp: với cách quản lý kinh tế như ta, không thể chống tiêu cực được. Bởi công chức cán bộ lương quá thấp, không sống nổi thì họ phải xoay xở mọi cách để sống và khi xoay xở tất nhiên không tránh được tiêu cực. Bắt đầu là tầng lớp cán bộ công chức cấp thấp nhất, rồi leo dần lên cấp cao hơn vì kinh tế càng khó khăn thì cấp cao hơn cũng dần dần không sống nổi bằng lương. Cứ thế tiêu cực sẽ đi từ cấp thấp nhất lên cấp cao dần. Có thể lúc bấy giờ tiêu cực chỉ mới lên tới cấp trung gian – cái cấp mà, như người dân mô tả, “trung ít gian nhiều” – nhưng nguy hiểm là một khi tiêu cực đã bắt đầu có chút lý do dựa vào cuộc sống để được dung thứ, thì nó sẽ phát triển không biên giới, và lây dần sang cả những cán bộ công chức mà hành vi tiêu cực hoàn toàn không thể biện minh bằng lý do cuộc sống. Không ai có thể cưỡng lại cái quy luật đó, cũng không ai dám chắc với cơ chế này tiêu cực sẽ dừng lại ở cấp nào. Nói cách khác, tiêu cực, tham nhũng gắn liền với cách quản lý, nó là một khuyết tật hệ thống của cơ chế quản lý. Vậy vấn đề là phải thay đổi cơ chế quản lý thì mới chống được tiêu cực, mới chống được tham nhũng.
Một hôm khác TBT nêu băn khoăn: ta có nhiều đơn vị tiên tiến: Duyên Hải, Đại Phong, rồi Vũ Thắng, v.v… tại sao không nhân lên nổi? tại sao phong trào thi đua cứ đi xuống dần, cứ nhạt dần? Tôi thưa lại: lấy ví dụ hợp tác xã Vũ Thắng là đơn vị tiên tiến trong nông nghiệp, hàng năm được Nhà Nước cấp không 1000 tấn than, lại còn bao nhiêu ưu ái khác về cán bộ, v.v…, nếu nhân lên thì cả nước lấy đâu ra đủ than, đủ cán bộ tốt, v.v.. cấp cho mọi hợp tác xã ? Theo tôi, cách quản lý kinh tế như vậy chỉ có TQ và ta làm, mà cả hai đều thất bại. Còn về thi đua thì phải thấy rằng ở LX phong trào stakhanovit có thể thành công vì đó là thi đua giữa công nhân nhà máy, ở đó năng suất lao động từng người có thế đánh giá bằng những số liệu khách quan. Nếu áp dụng cho các ngành khác, ví dụ giáo dục, thì làm gì có những số liệu khách quan như thế, cho nên thi đua sớm muộn sẽ dẫn đến báo cáo thành tích giả tạo (chẳng hạn, nếu lấy tiêu chí thi đua là ít học sinh bị đúp lớp thì chắc chắn mau chóng sẽ không còn học sinh bị đúp nhưng không vì thế mà chất lượng giáo dục tăng lên, trái lại). Cho nên ở LX ngay từ 1935 đã có chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng bãi bỏ thi đua trong giáo dục. Tại sao ta không rút kinh nghiệm việc ấy mà cứ máy móc áp dụng thi đua trong mọi ngành? Trong kháng chiến khi tinh thần yêu nước, hy sinh chịu đựng rất cao, hơn nữa thành tích thi đua không gắn liền với quyền lợi vật chất thiết thực thì thi đua ít bị méo mó, còn ngày nay, khi lợi ích vật chất ngày càng lấn át lợi ích tinh thần, thì thi đua trong nhiều ngành rất dễ trở thành không lành mạnh. Vì vậy tôi đề nghị nên xem lại việc mở rộng máy móc thi đua trong mọi ngành, đặc biệt trong giáo dục.
Ngoài ra dĩ nhiên chúng tôi còn góp nhiều ý kiến khác, xung quanh việc coi trọng lợi ích vật chất, mở rộng quyền tự chủ của các xí nghiệp, bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, v.v…. Thậm chí khi bàn về chính sách nông nghiệp có người đã không ngần ngại chỉ rõ: chính sách của Đảng đã bần cùng hóa nông dân. Tóm lại, thật sự đã có không khí nói thẳng nói thật trong mấy ngày đó.
Điều bất ngờ với chúng tôi là trước những ý kiến gai góc mà trước đó lãnh đạo chưa từng nghe bao giờ, TBT dù rất buồn vẫn không tỏ ý bực dọc mà vẫn bình tĩnh, đĩnh đạc cùng chúng tôi trao đổi, thảo luận trong không khí cởi mở, thân thiện.
Sau đó một thời gian ngắn có Hội nghị TƯ thứ 6. Vào lúc đó tôi chuẩn bị đi Canada. Ngay trước ngày lên đường, tôi được Thủ Tướng Phạm Văn Đồng mời cơm và căn dặn mấy điều nhờ tôi nhắn nhủ với anh chị em trí thức Việt kiều. Thủ Tướng cho biết: những ý kiến các anh góp vừa qua ở Đồ Sơn rất tốt, kỳ này chúng ta sẽ chuyển hướng mạnh. Về sau tôi được biết Hội nghị TƯ 6 đã có nghị quyết lịch sử, với nhiều thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và chủ trương. Bỏ ngăn sông cấm chợ, nhân dân được tự do làm ăn hơn, lợi ích vật chất được coi trọng hơn, không còn xây dựng các điển hình tiên tiến theo kiểu hợp tác xã Vũ Thắng, và chuyện thi đua trong giáo dục cũng dần dần lui vào quá khứ (mãi gần đây mới được dựng lại do sự trỗi dậy của tư tưởng thành tích, gây ra gian dối, quan liêu, tiêu cực mà người ta vẫn muốn nhắm mắt làm ngơ).
Theo tôi tư duy đổi mới đã thật sự hình thành từ Hội nghị TƯ 6, tuy chưa quyết liệt và còn phải vất vả mấy năm nữa mới trở thành đường lối đổi mới chi phối toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội mà nhờ đó chúng ta đã vượt qua được khủng hoảng gay gắt những năm 80.
Kể lại câu chuyện trên tôi muốn nói rằng ngay khi khó khăn nhất, nếu lãnh đạo chịu khó lắng nghe những tiếng nói tâm huyết ngược với lời ca tụng thông thường thì không những lấy lại được niềm tin mà còn tìm ra được lối thoát. Còn như cứ thích nghe những lời tán tụng đường mật thì đó chính là con đường dẫn tới hủy hoại niềm tin, mà mất niềm tin thì mất hết, đúng như nguyên Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết đã cảnh báo.
Điều làm tôi xót xa là cái thái độ thật sự cầu thị của các lãnh đạo ngày nào dường như ngày càng hiếm thấy trong bộ máy quyền lực. Không chỉ ở cấp lãnh đạo cao nhất mà ngay trong từng ngành, đã có biết bao ý kiến, đề nghị tâm huyết của trí thức am hiểu đã bị bỏ qua mà cái giá phải trả ngày càng lộ rõ.
Trong khi đó tệ nạn tiêu cực, tham nhũng đã diễn biến đúng như dự báo, nghĩa là từ cấp thấp nhất đã leo dần lên mọi cấp và lan ra toàn xã hội. Đến mức mà khi kỷ niệm ngày sinh thứ 90, Cố vấn Phạm Văn Đồng đã phải thốt ra: căn nhà của chúng ta quá nhiều rác rưởi dơ bẩn, phải quét sạch đi thì sự nghiệp cách mạng mới có thể thành công. Từ đó đến nay, rác rưởi chỉ tăng lên, ngập dần cả những tầng cao. Thật chua xót.
Đã qua hơn một phần ba thế kỷ từ ngày thống nhất đất nước mà trước mắt vẫn còn đó các vấn đề hệ trọng sống còn, với những khó khăn, thách thức có phần, có mặt phức tạp gay gắt hơn.
Nhưng cũng thật kỳ diệu: ngày nay trong giới trí thức và các tầng lớp nhân dân những tấm lòng yêu nước, yêu dân, những ý kiến xác đáng, những việc làm đẹp đẽ vì Tổ Quốc thân yêu ngày càng nhiều và dễ thấy, miễn là chịu nhìn, chịu thấy, chịu lắng nghe. Đó là niềm tin và hy vọng của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét