Xuất khẩu gạo: Cờ đã đến tay sao Chính phủ không phất? Vậy mà nói lo cho nông dân!
Hoàng Kim (Đồng Tháp)
Thái Lan và Việt Nam xuất khẩu khoảng 45–50% lượng gạo trên thế giới. Chính phủ Thái Lan đã đơn phương quyết định tăng giá bán gạo lên 25% kể từ ngày 7/10, như vậy, việc ấn định giá bán gạo trên thị trường thế giới tùy thuộc vào việc ấn định giá bán gạo xuất khẩu của Chính phủ Việt Nam. Cờ đã đến tay mà sao nông dân chúng tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam vẫn chưa chịu phất?
Chính phủ Việt Nam không có kế hoạch mua bán lúa gạo khi Thủ tướng Thái Lan thực hiện lời hứa
Ngày 9/6, Agromonitor cho biết:
“Thị trường đã chịu ảnh hưởng một cách gián tiếp và có phần nhạy cảm khi Thái Lan đang bước vào giai đoạn vận động cho tổng tuyển cử vào 3/7, theo đó Đảng Vì Nước Thái (Pheu Thai) do em gái cựu Thủ tướng Thaksin là bà Yingluck Shinawatra đang muốn lá phiếu khu vực nông thôn khi đưa ra lời hứa sẽ tăng tới gần 50% giá thu mua lúa của Chính phủ đối với nông dân. Nếu chính sách được thực thi thì mức giá sẽ là bao nhiêu – chúng ta xem ước tính từ Reuters về KỊCH BẢN này sau khi phỏng vấn 8 nhà chế biến và xuất khẩu của Thái:
Mức giá thu mua của Chính phủ từ mức hiện nay 11000 baht/tấn lên mức 15000 baht/tấn lúa tương đương 496USD/tấn. Mức giá gạo xuất khẩu sẽ phải tăng từ mức hiện tại 500USD/tấn lên 750USD/tấn”.
Bà Yinglusk Shinawatra đã nhậm chức Thủ tướng Thái Lan vào ngày 9/8.
Vậy mà, ngày 24/8 ông Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đã tổ chức họp báo đột xuất, với mục đích hạ giá lúa gạo trong nước khi tuyên bố rằng:
“Cam kết tăng giá thu mua lúa gạo cho nông dân khi vận động tranh cử của Chính phủ mới tại Thái Lan, phải tới tháng 11 mới chính thức được triển khai và việc này cũng được thực hiện có lộ trình. Vì vậy, không nên để các đối tượng lợi dụng điều này là để tác động đến tâm lý của người dân làm ảnh hưởng đến thị trường trong nước”.
Cái “điều này” mà ông Biên sợ các đối tượng lợi dụng để tác động đến tâm lý của người dân làm ảnh hưởng đến thị trường trong nước chính là: “cam kết tăng giá thu mua lúa gạo cho nông dân khi vận động tranh cử của Chính phủ mới tại Thái Lan”, mà ông cho rằng còn lâu lắm mới xảy ra.
Thế nhưng, cái “điều này” mà ông Biên tuyên bố còn lâu mới xảy ra, lại sắp xảy ra, chẳng cần các đối tượng tung tin thúc đẩy gì cả.
Ngày 9/9 báo SGGP Online, cho biết:
“Nội các Thái Lan vừa thông qua quyết định thành lập Ủy ban về chính sách lúa gạo quốc gia do chính Thủ tướng Yingluck Shinawatra đứng đầu. Ủy ban này sẽ xem xét mọi khía cạnh liên quan đến giá lúa gạo, một mặt hàng giúp Thái Lan đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu. Thủ tướng Yingluck cũng quyết định khôi phục trở lại chương trình thế chấp lúa gạo. Theo đó, mỗi tấn lúa thường sẽ được ấn định ở mức 15.000 baht, còn lúa thơm HomMalisẽ là 20.000 baht/tấn”.
Và bài báo cho biết thêm:
“Với quyết định này, nhiều nhà kinh tế cho rằng giá gạo bán lẻ của Thái Lan sẽ tăng 25% kể từ ngày 7-10, ngày áp dụng chương trình cho vay thế chấp lúa gạo. Ngoài ra, gạo xuất khẩu Thái Lan cũng có thể sẽ tăng lên 850 USD/tấn, riêng với gạo HomMalicó thể lên đến 1.200–1.300USD/tấn. Điều này sẽ là bài toán khó cho các nhà xuất khẩu”.
Là một chính khách, ông Biên không tin vào lời hứa của một chính khách khác là ứng viên Thủ Tướng Thái Lan, rồi không tin cả vào lời hứa của Thủ tướng Thái Lan, ông Biên đang “suy từ bụng ta ra bụng người” chăng?
Là Tổ trưởng tổ điều hành xuất khẩu gạo, mà ngày 24/8 ông Biên lại đưa ra những giải thích vô căn cứ, và hết sức vô lý, rằng giá lúa gạo trong nước tăng là do tin đồn nhảm, phủ nhận nguyên nhân thật sự, là giá lúa gạo tăng là do Thái Lan sắp tăng giá bán gạo xuất khẩu, do lời hứa của Thủ Tướng Thái Lan.
Với phát biểu của ông Biên, chúng ta nhận thấy: Chính phủ Việt Nam chưa có sự chuẩn bị nào, để ứng phó với những thay đổi từ chính sách xuất khẩu gạo của Thái Lan: Chính phủ Việt Nam chưa có kế hoạch bán gạo xuất khẩu với giá tiệm cận giá bán gạo của Chính phủ Thái Lan. Chính phủ Việt Nam cũng chưa có kế hoạch hỗ trợ cho người ăn gạo trong nước, khi giá gạo thế giới lên đến 750 đô la Mỹ/ tấn.
Vậy thì, nếu ngày 7/10 nếu Thủ tướng Thái Lan thực hiện đúng như cam kết, Chính phủ Việt Nam sẽ làm cách nào để vừa bảo đảm quyền lợi cho nông dân vừa bảo đảm cho quyền lợi của người ăn gạo?
Phải chăng Chính phủ Việt Nam định thực hiện kịch bản y như năm 2008?
Còn nhớ ngày 16/9/2010, Ông Biên đã từng tuyên bố: “Trong những tháng cuối năm, mục tiêu kiềm chế lạm phát là quan trọng nên điều hành lúa gạo phải hướng tới mục tiêu này, không thể chạy theo mục tiêu đảm bảo có lãi cao cho nông dân”.
Còn nhớ tháng 6/2008, khi VFA bán gạo xuất khẩu giá 975 đô la Mỹ/ tấn, Chính phủ vội vả ngừng xuất khẩu vì lý do an ninh lương thực, mà thực chất là ngừng xuất khẩu để khống chế giá lúa gạo trong nước không cho tăng theo giá lúa gạo thế giới.
Còn nhớ năm 2008, Chính phủ thành công trong việc chống lạm phát bằng cách khống chế giá lúa gạo trong nước, VFA lời to khi mỗi kg lúa lời 2.432 đồng, còn nông dân, thay vì được hưởng cơ hội vàng bán lúa giá cao, đã nhận được bi kịch bán lúa hòa vốn.
Hiện tại, sau cuộc họp báo của ông Biên ngày 24/8, giá lúa gạo trong nước giảm trên 400 đồng/ kg, VFA lại đang tuyên bố không ký được hợp đồng bán gạo mới.
Vì vậy, nông dân chúng tôi ngờ rằng: cuộc họp báo ngày 24/8 của ông Biên là tạo dư luận cho Chính phủ thực hiện kịch bản năm 2008: khống chế giá lúa gạo trong nước để chống lạm phát, bằng cách ngừng ký hợp đồng bán gạo, khi giá gạo thế giới tăng lên trên 750 đô la Mỹ/ tấn.
Có khác chăng, là việc ngừng xuất khẩu gạo được VFA thực hiện âm thầm, bằng cách không ký hợp đồng bán gạo mới, rồi nói là không có khách hàng bán gạo, chứ không tuyên bố rình rang đảm bảo an ninh lương thực như năm 2008.
Năm 2011 không thể thực hiện kịch bản của năm 2008
Nông dân chúng tôi xin lưu ý Chính phủ rằng: bây giờ là năm 2011 chứ không phải là năm 2008.
Năm 2008 nông dân chúng tôi quá thiếu thông tin, nên không biết rằng: trong 3 tháng 6, 7, và 8 VFA bán gạo xuất khẩu với giá trên 800 đô la Mỹ/tấn, cho nên Chính phủ có thể tùy tiện giải thích ngừng xuất khẩu vì lý do an ninh lương thực, cho nên Chính phủ có thể dung túng cho VFA bán lúa giá 6.432 đồng/kg nhưng mua lúa của nông dân giá có 4.000 đồng/kg.
Còn năm 2011 này, nông dân chúng tôi biết rằng: Chính phủ Thái Lan đang dự kiến tăng giá bán gạo xuất khẩu vào ngày 7/10, lên khoảng 750 đô la Mỹ/tấn, và nếu thật sự Chính phủ Thái Lan tăng giá như dự định, thì giá bán gạo xuất khẩu của Việt Nam tiệm cận với giá bán gạo của Thái Lan hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn chủ quan của Chính phủ Việt Nam.
Do đó, năm 2011 này, nếu Chính phủ khống chế giá lúa gạo trong nước như năm 2008, thì việc giải thích do lý do khách quan như năm 2008, sẽ không được nông dân chúng tôi và những người hiểu biết chấp nhận.
Tại sao không bắt tay với Thái Lan để lập liên minh ấn định giá bán gạo xuất khẩu?
Từ năm 2007 đến nay, Thái Lan đã nhiều lần đề nghị Việt Nam hợp tác về vấn đề xuất khẩu gạo, nhưng Việt Nam chưa nhiệt tình hợp tác.
Ngày 18/3/2010, trên báo Người Lao động Online trong bài “Bắt tay với Thái Lan” tôi đã đề nghị nên lập liên minh song phương với Thái Lan để ấn định giá bán gạo xuất khẩu, tôi xin được phép nhắc lại:
“Hãy thử so sánh: Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có hơn 10 thành viên nhưng khai thác khoảng 40% sản lượng dầu của thế giới và chi phối cơ bản thị trường này. Trong khi đó, VN và Thái Lan chiếm đến 45,4% tổng lượng gạo xuất khẩu thế giới (số liệu vào năm 2008), vậy chúng ta hoàn toàn có thể bắt tay với người Thái để hình thành liên minh song phương ấn định giá bán gạo xuất khẩu. Theo tôi, đề xuất thành lập Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu gạo (Organization of Rice Exporting Countries – OREC) hoạt động theo mô hình của OPEC, do VN và Thái Lan làm nòng cốt, cũng là một giải pháp khả dĩ nhằm củng cố thế mạnh và giá trị của hạt gạo VN trên thị trường quốc tế”.
Khi đơn phương ấn định giá bán gạo xuất khẩu cao, điều lo ngại lớn nhất của Thái Lan là Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh bằng cách bán gạo xuất khẩu giá thấp.
Vì thế, ở thời điểm này, nếu Chính phủ Việt Nam đề nghị hợp tác song phương để ấn định giá bán gạo xuất khẩu với Chính phủ Thái Lan, tôi chắc chắc rằng Chính phủ Thái Lan sẽ nhiệt tình hưởng ứng.
Thời điểm hợp tác song phương để ấn định giá bán gạo xuất khẩu cao, nhằm mục đích giúp nông dân bớt nghèo đã chín muồi, cờ đã đến tay Chính phủ Việt Nam, sao Chính phủ không phất?
Cờ đã đến tay nếu Chính phủ không phất, thì từ rày về sau, nông dân chúng tôi sẽ không tin rằng Chính phủ thực sự muốn lo cho nông dân.
Vì lo cho nông dân cái con khỉ khô gì, khi chẳng chịu tăng giá mua bán lúa gạo?
Ghi chú: Việc trợ giá cho người ăn gạo trong nước khi bán gạo xuất khẩu tiệm cận với giá bán gạo của Thái Lan dễ lắm, nếu Chính phủ cần, nông dân chúng tôi xin nhiệt tình hiến kế.
H.K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét