Đôi lời: Thời gian gần đây, nhiều người bàn về trí thức. Vậy trí thức là gì? Ai là trí thức? Vai trò của trí thức như thế nào trong xã hội?…
Nhận được bản dịch công phu của dịch giả Quốc Trung, Da Vàng blog xin giới thiệu cùng quý độc giả để cùng tìm hiểu, nghiên cứu.
Tác giả: Chức Sa Mộng – Người dịch: Quốc Trung
Về định nghĩa trí thức là gì, theo quan điểm thịnh hành ở các nước, trí thức là chủ thể đã qua đào tạo chuyên ngành, nắm vững kiến thức chuyên môn, lấy tri thức làm thủ pháp mưu sinh, lấy lao động trí óc làm nghề nghiệp.
Hiện nay, giới học thuật Trung Quốc nhìn chung cho rằng, trí thức là người lao động trí óc có trình độ văn hóa tương đối cao, chủ yếu lấy việc sáng tạo, tích lũy, tìm hiểu, truyền bá, quản lí và ứng dụng kiến thức văn hóa khoa học là ngành nghề, được phân bố trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục, kĩ thuật công trình, văn hóa nghệ thuật, y tế…, là chủ thể được Trung Quốc gọi chung là “tầng lớp có thu nhập trung bình”.
Trí thức với tư cách là một khái niệm mang tính chính trị và là một tầng lớp xã hội tương đối độc lập sẽ tồn tại lâu dài, và cuối cùng sẽ phát triển cùng với trình độ cao của sức sản xuất, sẽ biến mất cùng với sự biến mất của khoảng cách chênh lệch giữa công nhân với nông dân, giữa nông thôn với thành thị, giữa lao động trí óc với lao động thể lực.1) Trí thức là một trong 4 loại người lao động lớn của Trung Quốc: Công nhân, nông dân, quân nhân, trí thức, tức trí thức là người lao động trí óc, người lao động kĩ thuật chuyên môn. Như: Giáo viên, bác sĩ, kĩ sư và nhà khoa học đều là những trí thức điển hình.2) Trí thức là người đọc sách (“độc thư nhân”) thời cổ đại, hoặc là sự tiếp diễn hiện đại của “sĩ” thời cổ đại. Hoài bão của “độc thư nhân” thời cổ đại là “dĩ thiên hạ vi kỉ nhiệm, vi quốc (đế) phân ưu, vi dân thỉnh nguyện”, đồng thời hoàng đế cũng thực sự trọng đãi và tôn trọng họ. Xét từ góc độ này, xã hội Trung Quốc hiện đại đã không còn trí thức.3) Xã hội hiện đại vẫn có những người thích được ở vào địa vị trí thức, hoặc có thói quen nói những lời kính cẩn với trí thức, thường là chỉ những người có trình độ văn hóa tương đối cao, học hành tương đối nhiều.4) Biệt danh của trí thức là “xú lão cửu” (tạm dịch: loại người thối tha thứ 9), phản ánh địa vị chính trị và kinh tế thấp hèn của trí thức trong và sau Cách mạng Văn hóa .I. Đối tượng mà từ “trí thức” muốn chỉ là gì?Không ít học giả Trung Quốc cho rằng từ “trí thức” (tiếng Hán: tri thức phần tử “知识分子”- ND) được dịch từ tiếng Tây. Giáo sư Diệp Khải Chính ở Khoa xã hội Trường Đại học Đài Loan đã có sự trao đổi khá tường tận về vấn đề này. Theo quan điểm của Diệp Khải Chính, khái niệm “trí thức” bắt nguồn từ Phương Tây. Ở Châu Âu có hai từ có liên quan đến khái niệm “trí thức”, nếu nói theo tiếng Anh tương đối thông dụng hiện giờ thì một là intelligentsia (giới trí thức – ND), hai là intellectual (người trí thức – ND).
Hai từ này lần lượt thuộc Đông Âu và Tây Âu, mang ý nghĩa lịch sử khác nhau.
Từ intelligentsia bắt nguồn từ nước Nga, do nhà văn Nga Boborykin (Petr Dmitrievich Boborykin; 1836-1921 đề xuất vào năm 1860, được dùng để chỉ riêng một nhóm nhân vật đã đưa triết học Đức vào nước Nga.
Nước Nga Sa hoàng khi ấy còn khá lạc hậu, du học sinh đem những tư tưởng và lối sống của xã hội Tây Âu, tỏ ra bất mãn với tình trạng nước Nga đương thời, hoặc cao đàm khoát luận về lí tưởng sặc mùi chủ nghĩa không tưởng và học theo lối sống của xã hội thượng lưu Phương Tây, hoặc bắt tay vào cải cách xã hội thực tế. Trong số họ sau này đã hình thành nên những nhóm tư tưởng khác nhau, như chủ nghĩa Dân túy, chủ nghĩa Tự do, chủ nghĩa Tân Căng-tơ…Có học giả lại cho rằng intelligentsia có nguồn gốc từ Ba Lan, được sử dụng bởi nhà triết học Ba Lan Karol Libelt (1807-1875).Ba Lan khi ấy đã có một tầng lớp xã hội mang tính đồng nhất rất cao về mặt văn hóa, cả đặc điểm tâm lí, lối sống, địa vị xã hội lẫn hệ thống giá trị của họ đều mang màu sắc riêng.
Tầng lớp này là giới quí tộc thị thành có ruộng đất, khác với tầng lớp trung lưu mới nổi, đã thiết lập một hệ thống giáo dục của mình nhằm duy trì lối sống mang màu sắc riêng.Trong hệ thống này, học sinh học kiến thức thuộc đủ mọi phương diện, và đặc biệt chú trọng bồi dưỡng ý thức lãnh đạo và trách nhiệm xã hội mạnh mẽ. Những người được đào tạo trong môi trường này hết sức coi trọng nền học thức của mình và lấy đó làm tự hào.Về sau, tinh thần của giới quí tộc này đã được những người học đại học ở Ba Lan kế thừa, họ dũng cảm phê phán xã hội, coi đại sự quốc gia là trách nhiệm của mình.Khi Ba Lan bị các cường quốc chia cắt, lớp người này trở thành lực lượng chủ yếu trong công cuộc cứu nước và chống lại giai cấp thống trị. Vì thế, nếu xét từ ý nghĩa lịch sử của từ intelligentsia , thì trí thức là lớp người được qua học hành tương đối, có óc phê phán và có tinh thần phản kháng đối với hiện trạng, họ hình thành nên một tầng lớp riêng biệt trong xã hội.Tầng lớp này cùng những đặc tính truyền thống của nó đã dần bị tan rã và biến mất sau Cách mạng Tháng Mười.Thời đại Liên Xô cùng những ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười đã sản sinh ra các nước xã hội chủ nghĩa của cách mạng vô sản, đều định nghĩa trí thức là những nhà chuyên môn làm lao động trí óc, mà không còn chỉ một tầng lớp riêng có ý thức xã hội và óc phê phán mạnh nữa.Từ “trí thức” có nguồn gốc từ Tây Âu khác với từ Đông Âu.Intellectual có nguồn gốc từ nước Pháp, được khởi nguồn từ Vụ án Dreyfus.
Tôi lên án (J’accuse), bài trên báo L’Aurore số ra ngày 13/1/1898
Ngày 13/01/1898, Zola đã viết một bức thư ngỏ gửi Tổng thống với đầu đề “Tôi lên án”, kêu gọi xét xử lại Vụ án Dreyfus vì bị vu cáo. Ngày hôm sau, bức thư ngỏ này đã được đăng trên tờ “Tia sáng”, chủ bút Clémenceau (có lẽ là Georges Clemenceau; 1841-1929 – ND) đã dùng câu “Tuyên ngôn của giới trí thức” (Manifeste des intellectuels) để mô tả nó.
Về sau, chỉ cần cứ nhắc đến intellectuels là người ta hiểu ngay đó là những nhà văn, giáo viên, nhà báo chủ trương hoặc đồng tình với việc sửa sai cho Dreyfus (…).Vì thế, intellectuels trong tiếng Pháp được dùng để chỉ nhóm nhà văn, giáo viên, nghệ sĩ nổi tiếng về học thuật, họ phê phán nền chính trị và trở thành trung tâm của ý thức xã hội đương thời.Truyền thống này được khởi nguồn từ những người có qua học hành sau Đại Cách mạng Pháp. Họ phản kháng lại xã hội đương thời vừa bằng những chuẩn mực, biện pháp, đàm luận cổ súy cho triết học thực chứng, lại vừa mang khí phách cách mạng khá sâu đậm.Phần lớn những người này không thuộc giới học thuật, mà là từng nhiều năm chuyện trò bàn luận trong các quán cà phê, mang theo tinh thần kiểu Messianic Bohemians, coi mình có sứ mệnh phải lo cho thiên hạ.Nếu xét theo truyền thống này thì intellectuel không mang ý nghĩa giai cấp xã hội, mà chỉ chú trọng đến tâm thái cá nhân cùng vai trò của mình trong xã hội.
Do hàm nghĩa lịch sử của hai từ trên không giống nhau, cho nên trong tiếng Anh hiện đại thường dùng intellectual để chỉ “người trí thức”, và dùng intelligentsia để chỉ “tầng lớp trí thức”.
Trung Quốc thời cổ đại, các khái niệm gần với hàm nghĩa của “trí thức” là “sĩ” hoặc “sĩ đại phu”.
“Sĩ” chiếm vị trí trung tâm trong cơ cấu xã hội truyền thống Trung Quốc, nằm trong “tứ dân chi đạo” sĩ, nông, công, thương.Tuân Tử có thuyết pháp “Nho giả tại bản triều tắc mĩ chính, tại hạ vị tắc mĩ tục”, nói lên chức năng chính trị và văn hóa xã hội của “sĩ”.Kể từ thời Tần Hán, ở những thời kì tương đối ổn định, sự duy trì trật tự chính trị và trật tự văn hóa đều nằm trong tay “sĩ”; còn ở những thời kì hắc ám hoặc hỗn loạn, “sĩ” cũng thường gánh vác nhiệm vụ phê phán chính trị hoặc phê phán xã hội.Bằng hình thức hương cử, lý tuyển ở đời Hán và chế độ khoa cử từ thời Tùy Đường, “sĩ” có thể được bước vào hàng ngũ quan lại qua thi cử, nghĩa là “học nhi ưu tắc sĩ”, cả hệ thống quan lại về đại thể đều do “sĩ” thao túng.Thông qua các tổ chức xã hội tông tộc, học hiệu, hương ước, hội quán…, “sĩ” trở thành tầng lớp lãnh đạo của xã hội dân gian.Vì thế, theo tâm lí xã hội thông thường, “sĩ” là người “độc thư minh lí”; thứ đạo đức và sự rèn luyện tri thức (chủ yếu là Nho gia kinh điển) mà họ được thụ hưởng khiến cho họ trở thành hạng người được lựa chọn duy nhất có tư cách trị lí quốc gia và lãnh đạo xã hộiTheo Dư Anh Thời, trí thức Trung Quốc khởi xuất từ một cội nguồn văn hóa khác hẳn với Phương Tây.Bắt đầu từ thời Khổng Tử, trí thức tự gánh lấy “đạo”, mà thứ “đạo’ này chỉ riêng có ở Trung Quốc.
Ba học phái lớn thời Tiên Tần, là Nho, Mặc, Đạo, mặc dù đều có đạo riêng của mình, nhưng cũng không nằm ngoài sự đại diện cho “đạo” này.
Trí thức Phương Tây thời cận đại về cơ bản là những nhân vật “thế tục” (Secular) đã thoát li khỏi tôn giáo Trung cổ.Họ ít nhiều đều có xuất thân tôn giáo, song khi phê phán xã hội, họ lại khỏi cần dựa vào tín ngưỡng tôn giáo hoặc lí luận Thần học.
Trái lại, chỗ dựa của họ thường chỉ là “lí tính” hoặc “lương tâm trí thức” cá nhân.
Mặt khác, “đạo” của Phương Tây thời Trung cổ là được kí thác ở Cơ đốc giáo, đó là “đạo” được Thượng đế khải thị; kẻ đại diện cho nó là tăng lữ Giáo hội và nhà thần học – quyền uy tinh thần ngang hàng với quyền uy chính trị thế tục.
The Tribute Money – tranh của họa sĩ Phục hưng Ý Masaccio vẽvề điển tích “Render unto Caesar the things which are Caesar’s, and unto God the things that are God’s”
Vì thế, trí thức Phương Tây thời cận đại không chịu tự nhận mình khởi nguồn từ truyền thống tôn giáo này, bởi vì họ đã không còn tuân thủ nguyên tắc “Cái gì của Caesar thì trả lại cho Caesar, cái gì của Thượng đế thì trả lại cho Thượng đế” nữa, thứ mà họ muốn quản là cái của Caesar.
Trí thức Trung Quốc khởi xuất từ trực tiếp kế thừa truyền thống Tam Đại.
Xuân Thu Chiến Quốc là một thời đại “lễ băng nhạc hoại”; lễ nhạc đã không xuất từ thiên tử, mà là xuất từ chư hầu, thế nên Khổng Tử mới quở trách là “thiên hạ vô đạo”. Tầng lớp thống trị vừa không thể đảm trách “đạo”, cái gánh “đạo” bèn rơi vào tay “sĩ” được hiểu một cách đúng đắn là “lễ ý”.
Xét về nghĩa này, có thể nói Khổng Tử là bậc trí thức hàng đầu xuất hiện sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc.“Sĩ” trước Khổng Tử chỉ là một tầng ớp cố định trong xã hội quí tộc cổ đại.Sau Khổng Tử, nguồn gốc xuất thân của “sĩ” bắt đầu thay đổi.Khổng Tử trước tiên bèn giới thuyết thêm cho “sĩ”.
Ông nói: “Sĩ trí vu đạo, nhi sỉ ố y ố thực giả, vị túc ư nghị dã”(…). “Luận ngữ” . Lí nhân lại nói: “Sĩ nhi hoài cư, bất túc dĩ vi sĩ hĩ”(…). Loại “sĩ” mới này (cùng với “Hiến vấn” ở trên) chính là nguyên mẫu trí thức mà chúng ta nói tới.
“Đạo” thời thượng cổ chứa đựng thành phần (“thiên đạo”) mang tính tôn giáo, truyền thống này tới tay Khổng Tử đã không còn đi theo hướng “thiên đạo” (đạo trời) nữa mà đã chuyển sang lĩnh vực “nhân đạo” (đạo người).
Sau Khổng Tử, bách gia ý khởi, tuy giữa các “đạo” khác nhau, nhưng về đại thể vẫn đều lấy việc tạo dựng lại trật tự chính trị xã hội làm cái đích cuối cùng. Cho nên, tính cách lịch sử của trí thức Trung Quốc đã chịu sự qui định của truyền thống văn hóa mà mình kế thừa; nếu xét theo kiểu “cái của Xêda”, thì tiếp cận với trí thức Phương Tây thời cận đại; còn nếu xét theo kiểu đại diện cho “đạo”, thì lại tiếp cận với tăng lữ và nhà thần học Phương Tây thời Trung cổ.
Trí thức, nếu xét theo ý nghĩa của Trung Quốc thời cận đại, xuất hiện ở Trung Quốc sau Chiến tranh Nha phiến, chịu sự ảnh hưởng của nền văn minh Phương Tây, đi kèm với việc phế bỏ khoa cử, chấn hưng tân học, thoát thai từ giới sĩ đại phu phong kiến trong quá trình chuyển từ xã hội phong kiến sang xã hội thực dân nửa phong kiến.Họ hoặc là truyền bá tư tưởng mới, kiến thức mới, hoặc là làm các nghiên cứu học thuật thời cận đại, hoặc là mở các xí nghiệp thời cận đại, hoặc là dồn sức vào công cuộc xây dựng hiện đại hóa.
Nghiêm Phục, Lương Khải Siêu, Chiêm Thiên Hựu… có thể được coi là đại diện cho trí thức thế hệ đầu của Trung Quốc.
Ngày nay, khi chúng ta sử dụng từ “trí thức” thì hàm nghĩa của nó đã khác xa so với “sĩ” của Trung Quốc thời cổ đại, và hoàn toàn khác với cách dùng của Phương Tây, nó thường được dùng để chỉ những người lao động trí óc đã qua học chuyên ngành ở một trình độ nhất định, có kiến thức chuyên môn, làm công việc kĩ thuật chuyên môn đồng thời có chức danh tương ứng.
II. Trí thức điển hình có những đặc tính cơ bản nào
Theo quan điểm duy vật Mác-xít, trí thức là sản phẩm của lịch sử xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định.K.Marx nói: “Khi hiệu suất lao động sản xuất của con người vẫn còn cực thấp, chỉ có thể tạo ra mức thặng dư hết sức ít ỏi ngoài những tư liệu sinh hoạt cần thiết, thì việc nâng cao sức sản xuất, mở rộng trao đổi hàng hóa, phát triển nhà nước và luật pháp, mở mang nghệ thuật và khoa học, đều chỉ có thể thực hiện được bằng một sự phân công lớn hơn, nền tảng của sự phân công này là làm một cuộc đại phân công giữa quần chúng lao động thể lực đơn thuần với thiểu số những người cầm quyền quản lí lao động, kinh doanh buôn bán, quản lí quốc sự cùng làm nghệ thuật và khoa học sau này”. Điều này có nghĩa trí thức là sản phẩm của sự phân công xã hội chia tách lao động trí óc với lao động thể lực.
Như vậy có thể nói, đặc tính cơ bản của trí thức là “người lao động trí óc”.
Nhà xã hội học đương đại T.Parsons đã xuất phát từ chủ nghĩa kết cấu chức năng để tìm ra cội nguồn văn hóa sản sinh ra trí thức.Theo quan điểm của T.Parsons, trí thức được sinh ra dựa vào hai điều kiện: Một là sự xuất hiện của văn tự, hai là “sự đột phá của triết học”.Cái gọi là sự đột phá của triết học được dùng để chỉ con người đã có được một sự nắm bắt khái niệm hóa đối với môi trường tự nhiên và thế giới vũ trụ mà mình dựa vào đó để sinh tồn, tức đã ý thức được mối quan hệ giữa cái tôi với thế giới.
Con người không chỉ là một sự tồn tại mang tính sinh học, mà ngoài những nhu cầu mang tính sinh học ra, anh ta còn có những nhu cầu mang tính tâm lí, tức sự truy cầu ý nghĩa cuộc sống, sự truy cầu giá trị lớn nhất, sự truy cầu tiếp xúc được với thế giới vũ trụ.
Nói một cách khác, anh ta có một loại nhu cầu là hiểu được “Tại sao?”. Để đáp ứng cho nhu cầu ấy mà đã xuất hiện chuyên gia về văn hóa, tức trí thức xét về một ý nghĩa nào đó.Chức năng chủ yếu nhất của trí thức chính là trăn trở để giải đáp những vấn đề ấy. Đó chính là nguyên nhân cắt nghĩa vì sao hầu hết trí thức đều khởi nguồn từ giáo sĩ, nhà tiên tri, nhà triết học.
Vì thế, chức năng của trí thức chủ yếu mang tính văn hóa, những làm có liên quan đến các hoạt động mang tính văn hóa như giá trị, quan niệm, kí hiệu…, nhằm thiết lập một hệ thống ý nghĩa mang tính văn hóa cho xã hội.
Ở buổi đầu của sự phát triển xã hội, văn tự là thứ kí hiệu tượng trưng mà chỉ có một số ít người nắm được, vì thế mà mang tính chất “thần thánh”.Trong một xã hội mà văn tự được quần chúng cả xã hội sùng bái, thì trí thức mới có thể trở thành một tầng lớp, một nhóm được nhận dạng.
Xét từ góc độ này, trí thức cần là “chuyên gia về văn hóa”, chứ không chỉ là “người lao động trí óc” chung chung, hoặc trí thức là một bộ phận người quan tâm đến đồng thời tạo ra, làm sáng tỏ và truyền bá các giá trị văn hóa trong số “người lao động trí óc”.
Chức năng của trí thức một khi đã là giải thích thế giới ngoại tại, thì lẽ dĩ nhiên là bao giờ cũng có thiên hướng hoài nghi và phê phán, cách nghĩ và quan điểm bao giờ cũng có khoảng cách so với hiện trạng xã hội.Không có một xã hội hiện thực nào là tròn trĩnh cả, vì thế mà trí thức luôn tỏ ra không hài lòng với hiện trạng xã hội, bao giờ cũng phê phán cái xã hội mà anh ta đang ở vào, bao giờ cũng có ý muốn cải tạo hoặc làm cho xã hội tốt đẹp hơn theo lí tính và theo lí tưởng của mình.
Đây có lẽ là hình ảnh của người trí thức điển hình nhất trên thế giới từ xưa đến nay. Nhờ hình ảnh này mà anh ta được đánh đồng một cách lãng mạn với lương tâm của xã hội.
K.Marx và F.Engels có thể được xem là đại diện điển hình, họ sáng lập ra học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học, làm rõ được qui luật khách quan chủ nghĩa tư bản phát sinh, phát triển rồi cuối cùng đi đến diệt vong, kêu gọi giai cấp vô sản lãnh sứ mệnh đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, đánh hồi chuông cầu nguyện cho chế độ cũ.
K.Marx và F.Engels được suy tôn là “người thầy dẫn dắt cách mạng vô sản”, song họ lại không phải xuất thân từ giai cấp vô sản, thành phần xã hội thực chất của họ là trí thức. Qua đây có thể thấy, trí thức còn là lực lượng tự phê phán và là người có tiếng nói đại diện cho quần chúng trong xã hội.
Do trí thức bao giờ cũng phê phán xã hội anh ta đang ở vào, cho nên anh ta bao giờ cũng có mối quan hệ căng thẳng mang tính bẩm sinh với giới quyền uy chính trị.Một mặt, trí thức muốn tạo một khoảng cách với giới quyền uy chính trị, để giữ được tư cách là người phê phán riêng biệt của mình; mặt khác, giới quyền uy chính trị cũng chẳng ưa gì trí thức, sợ rằng quyền uy của mình sẽ bị hoài nghi và chỉ trích.
Xét về điểm này, trí thức còn có chiều hướng lánh xa giới quyền uy chính trị.
Bởi trí thức không chỉ nắm tri thức mà không chiếm hữu tư liệu sản xuất, cho nên sẽ không chiếm hữu một vị trí độc lập trong hệ thống quan hệ sản xuất của xã hội, không phải là một giai cấp độc lập, trong một vài thời kì lịch sử nhất định của xã hội thậm chí còn không gắn kết thực sự với bất cứ một giai cấp hoặc tầng lớp nào trong xã hội.
Mao Trạch Đông từng ví trí thức của nước Trung Quốc thực dân nửa phong kiến với lông mao, cho là họ phụ bám trên da bọn đế quốc, giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản quan liêu, giai cấp tư sản dân tộc và giai cấp tiểu tư sản, cách mạng dân chủ đã lột sạch 3 tấm da đầu, còn cách mạng xã hội chủ nghĩa lột sạch 2 tấm da sau. “Da đã bị lột, lông còn biết bám vào đâu”, kết quả là chỉ còn biết bám vào thân giai cấp vô sản.
Karl Mannheim, nhà sáng lập môn xã hội học tri thức thì cho rằng, một đặc tính cơ bản của trí thức là tự do bay bổng (free-floating).
Xét từ điểm này, bản thân trí thức chẳng phải là một giai cấp và tầng lớp xã hội độc lập, cũng chẳng gắn kết thực sự với gia cấp hoặc tầng lớp nào khác trong xã hội, mà là một tập hợp người tương đối tự do bay bổng trong xã hội.
Xét về đại thể, trong ngữ cảnh Phương Tây hiện đại, trí thức có 3 đặc tính cơ bản:Một: Đã qua đào tạo chuyên ngành, nắm được kiến thức chuyên ngành, biết cách sử dụng những kí hiệu tượng trưng để giải thích vũ trụ nhân sinh;Hai: Lấy tri thức làm thủ pháp mưu sinh, lấy lao động trí óc làm nghề nghiệp, hình thành nên một tầng lớp xã hội không gắn kết thực sự với giai cấp khác, không lệ thuộc vào thể chế hiện tại, “tự do bay bổng”, tương đối độc lập;
Ba: Có ý thức về trách nhiệm xã hội mạnh mẽ, có thái độ phê phán đối với chính trị đương thời, thường tỏ ra không hài lòng với hiện trạng.
Đặc tính thứ ba, sau khi qua Michael Confino tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học, đã được qui tụ lại thành 5 điểm sau:1) Quan tâm sâu sắc đến tất cả mọi vấn đề thuộc lợi ích chung – bao gồm những vấn đề về các phương diện xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị;2) Tầng lớp này thường tự có cảm giác mình mắc tội, vì cho rằng việc giải quyết quốc gia đại sự và những vấn đề nói trên đều có trách nhiệm cá nhân của họ;3) Có thiên hướng xem tất cả những vấn đề về chính trị, xã hội là thuộc vấn đề đạo đức;4) Bất luận là về mặt tư tưởng hay về mặt đời sống, những người thuộc tầng lớp này đều cảm thấy mình có nghĩa vụ tìm ra lời giải đáp mang tính logic cuối cùng cho mọi vấn đề;
5) Họ tin chắc rằng hiện trạng xã hội bất hợp lí, cần phải thay đổi.
Năm điểm do M.Confino tổng hợp về đại thể là phù hợp với truyền thống trí thức Trung Quốc, nhất là về mặt tinh thần trách nhiệm và quan tâm thế sự. Từ “nhân dĩ vi kỉ nhiệm” của Tăng Sâm đến “dĩ thiên hạ vi kỉ nhiệm” của Phạm Trọng Yêm đều hiển thị điều trí thức Trung Quốc có tinh thần trách nhiệm sâu sắc đối với những vấn đề thuộc các phương diện đạo đức, chính trị, xã hội.
Nói về mặt quan tâm thế sự, lại càng nên dẫn câu sau trong bộ câu đối của Đông Lâm Đảng Cố Hiến Thành cuối đời Minh: “Gia sự, quốc sự, thiên hạ sự, sự sự quan tâm”.Cho đến khi nước Trung Quốc mới được thành lập, tinh thần của truyền thống “quan tâm” này vẫn tràn đầy sức sống trong sinh mệnh của trí thức Trung Quốc.
Đặng Thác bèn viết một thiên tạp văn “Sự sự quan tâm” trong “Yến Sơn dạ thoại”. Ông còn viết trong bài thơ có tên “Ca xướng Thái Hồ”: “Đông Lâm giảng học kế qui sơn, sự sự quan tâm thiên địa gian. Mạc vị thư sinh không nghị luận, đầu lô trịch ngoại huyết ban ban”. Đây chính là minh chứng cho sự diên miên bất tuyệt của truyền thống trí thức Trung Quốc.
Người trí thức đại diện cho “lương tâm xã hội” tồn tại cả trong xã hội Phương Tây lẫn xã hội Trung Quốc.Song, nếu quan sát từ góc độ lịch sử, thì truyền thống này ở Phương Tây là một hiện tượng hiện đại. Nhìn chung, tầng lớp trí thức được hình thành không trước thế kỷ 17, 18.
Nhà tư tưởng (philosopher) trong phong trào Khai sáng ở Tây Âu dại thể có thể đại diện cho nguyên hình trí thức Phương Tây; nguồn gốc xa xưa intellegentsia của nước Nga cũng chỉ có thể tính ngược dòng đến thế kỉ 18.
So với Phương Tây, truyền thống trí thức Trung Quốc có thể được coi là xa xưa hơn, ít nhất cũng được tính từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, đã có lịch sử hơn 2000 năm, và dường như có thể nói là chưa từng bị gián đoạn.
Từ xưa đến nay, Trung Quốc luôn có một nhóm người không đông về cơ bản là xử lí văn tự, tức là “đọc thư nhân” hoặc “sĩ” như vẫn thường nói, họ có cả một truyền thống được hun đúc bằng Nho học.Theo ý kiến của Tiền Mục, “sĩ” do học lễ mà dẫn đến phê phán tất cả những thứ phi lễ trong giới quí tộc đương thời, Khổng Tử là đại diện điển hình.Bách gia chư tử có thể nói là lần đầu tiên tỏ rõ nhất sự bất mãn đối với xã hội và giới quí tộc đương thời. Sau khi chế độ khoa cử được thiết lập, “sĩ” của Trung Quốc tỏ ra hết sức bạc nhược trước sự cám dỗ của con đường tấn thăng đã thành chế độ cùng với sự đè nén của thể chế chính trị quân quyền chí thượng.Trong tình hình ấy, đặc tính của “sĩ”, dưới sự dẫn dắt của tinh thần nhân văn, lấy thành tựu đạo đức cá nhân theo kiểu nội phát làm nền, là chăm chút tu dưỡng cá nhân, lấy thành tựu làm qui phạm luân lí đạo đức phổ biến, từ đó mà suy diễn sang hệ chính trị, chứ không phải là lấy thành tựu tri thức làm chủ đề.Vì thế, “sĩ” của Trung Quốc cổ đại về mặt truy cầu tinh thần trước sau vẫn không quên được chính trị, cho dù là Lão Tử hay Trang Tử, thì khi viết sách dạy học vẫn hết sức hào hứng với chính trị.
Xét về đại thể, “sĩ” của Trung Quốc cổ đại có 2 điểm khác cơ bản với trí thức của Phương Tây thời cận đại:Một, “sĩ” của Trung Quốc không truy cầu tri thức như trí thức Phương Tây, mà lấy tư tưởng Nho gia là cốt lõi, chú trọng luân lí đạo đức, truy cầu sức mạnh đạo đức nội hóa để ràng buộc mình, nhào nặn nên nhân cách cho mình, bằng đạo “nội thánh ngoại vương” của “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, bằng “vi thiên địa lập tâm, vi sinh dân lập mệnh”, “vi vương giả sư”, dùng Nho học để giáo hóa thiên hạ.Hai, trí thức Phương Tây thời cận đại là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, họ lấy “xã hội thị dân” làm môi trường sinh tồn, có thể dựa vào tri thức và kĩ năng của mình để tìm chỗ đứng trong đời, làm nghề tự do, mưu sinh độc lập, được tương đối tự do bay bổng trong một môi trường như vậy thì sẽ không có được bao nhiêu mối liên hệ tất yếu nội tại với thể chế cùng giai cấp thống trị chiếm địa vị chi phối.“Sĩ” của Trung Quốc cổ đại thì lệ thuộc và phục vụ, theo tính chế độ, cho thể chế hiện tồn, họ vừa là sản phẩm của thể chế hiện tồn lại vừa tạo ra đồng thời bảo vệ thể chế ấy, hơn nữa chỉ có làm một thành viên hoặc quân hậu bị của giai cấp thống trị thì mới có giá trị để tồn tại.“Học nhi ưu tắc sĩ” chính là biểu trưng điển hình của tính lệ thuộc này.
Dù “sĩ” của Trung Quốc cũng coi trọng “hồng nghị”, coi trọng “dĩ thiên hạ vi kỉ nhiệm”, nhưng cũng chỉ khi ở vào thuận cảnh thì mới thể hiện được tinh thần tiến thủ tích cực của Nho gia, còn một khi đã bị rơi vào nghịch cảnh, thì lại chuyển hướng Lão Trang, lui về điền viên, tức điều gọi là “Nho Đạo hỗ bổ”.
III. Trong đời sống hiện thực, trí thức trên thực tế chỉ những người nào
Căn cứ theo các đặc tính của trí thức, người trí thức điển hình bao gồm nhà triết học, nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ, nhạc sĩ…Ở đây, trí thức không phải là người lao động trí óc được hiểu theo cách thông thường, mà là chỉ một bộ phận người quan tâm đến các giá trị văn hóa của nhân loại, có ý thức trách nhiệm đối với xã hội nằm trong số người lao động trí óc, về đại thể tương đương với “nhà tư tưởng”.
Nếu một nhà khoa học kiệt xuất vắt kiệt cuộc đời mình, không từ gian khổ để phát minh ra bom nguyên tử, điểm xuyết thêm một nội dung quan trọng cho văn hóa nhân loại, song trong quá trình phát minh lại không hề tìm hiểu xem hậu quả có thể đem lại của bom nguyên tử là gì, thì nhà khoa học như thế tuy là nhà sáng chế, nhưng lại không thuộc về trí thức điển hình.
Do sự phân công xã hội, chức năng xã hội của mọi người ngày càng đi vào chuyên sâu hơn, khiến cho mối quan hệ giữa con người với xã hội có chiều hướng lấy mối quan hệ nghề nghiệp đơn thuần làm cốt lõi, sự phát triển của khoa học kĩ thuật đã đem lại tính chuyên biệt hóa ngành nghề.
Chúng ta có được những chuyên gia lão luyện, họ có thể mang lại lối sống tiện nghi hơn, đời sống vật chất thịnh vượng hơn cho mọi người, nhưng có thể nhận thức xã hội của họ lại nông cạn, sự hiểu biết về sinh mệnh có thể còn đơn thuần; điều mà họ quan tâm là làm sao để phát huy được tài năng của mình vào chuyên môn, và thường xem nhẹ nội dung văn hóa của những thứ họ sáng tạo ra.
Vì thế, một nhà khoa học hoặc một học giả không nhất thiết là trí thức, trừ phi anh ta quan tâm đến những vấn đề lớn liên quan đến xã hội và đến cả nhân loại (như chiến tranh, nghèo đói, phát triển bền vững…); một nhà viết tiểu thuyết hoặc đạo diễn điện ảnh cũng không nhất thiết là trí thức, trừ phi những thứ anh ta viết ra, đạo diễn không đơn thuần là mang tính giải trí, mà hoặc mờ hoặc tỏ có đề cập đến những vấn đề xã hội đã tương đối sâu rộng.
Đồng thời, trí thức có một hàm nghĩa riêng biệt được xem là giới thuyết căn bản, đó là trí thức là một nhà phê phán và là người phát ngôn có quan tâm đến xã hội và thời đại mà mình đang ở vào.
Nhưng trong đời sống hiện thực, loại trí thức điển hình này rút cục chỉ là một thiểu số cực ít, trí thức như chúng ta thường nói không phải chỉ hình ảnh của loại trí thức lí tưởng hóa này.Trong tiếng Hán hiện đại, người ta thường giải thích trí thức là “người lao động trí óc có vốn kiến thức văn hóa khoa học nhất định.
Như người làm công tác khoa học kỹ thuật, người làm công tác nghệ thuật, giáo viên, bác sĩ…” Theo mục “Trí thức” trong “Giản minh triết học từ điển” do Rosenthal và Eugene chủ biên, trí thức là “tầng lớp xã hội được cấu thành bởi những người lao động trí óc”. “Kĩ sư, công trình sư cùng đại diện của các nhân viên kĩ thuật khác, bác sĩ, luật sư, người làm công tác nghệ thuật, giáo viên, người làm công tác khoa học và phần lớn công chức đều thuộc về tầng lớp xã hội này”.
Trong các thao tác cụ thể, Trung Quốc lâu nay vẫn xếp những người có trình độ trung học trở lên và làm lao động trí óc vào loại trí thức.
Trong các công việc thực tế có liên quan đến trí thức, khái niệm được sử dụng ở các bộ phận không giống nhau, bộ phận tổ chức gọi là “cán bộ khoa học kĩ thuật”, bộ phận nhân sự gọi là “nhân tài”.
Việc phân chia ranh giới cho khái niệm ở các bộ phận cũng thường là xác định dựa theo phạm vi công tác của mình, chẳng hạn Vụ Công tác mặt trận giới định đối tượng làm công việc loại trí thức của mình là trí thức ngoài Đảng có tính đại diện, có tác động ảnh hưởng.
Có một điểm cần phải làm rõ, không phải cứ những người đã qua học hành nhất định, có kiến thức chuyên môn, làm lao động trí óc thì đều là trí thức.Chẳng hạn, ở Trung Quốc, công chức nhà nước không thuộc về phạm trù trí thức.Công chức nhà nước là cán bộ chính đảng như thường nói.
Do việc thực hiện tri thức hóa, chuyên môn hóa đã được tiến hành từ Hội nghị toàn thể Trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 11 khóa 3 mà một bộ phận tương đối lớn trong đội ngũ này hiện đã có trình độ đại học chuyên ngành trở lên, số thạc sĩ, tiến sĩ cũng không phải là ít.
Nếu chỉ xét ở góc độ bối cảnh học hành và trình độ kiến thức chuyên môn, thì rõ ràng họ chẳng khác gì mấy với trí thức, hơn nữa nhiều người vốn lại là trí thức.
Song, trí thức mà chúng ta nói đến có một đặc tính quan trọng, đó là làm công tác chuyên môn kĩ thuật, tức nội dung cốt lõi trong công việc của trí thức là sáng tạo, tìm hiểu, truyền bá hoặc vận dụng tri thức.
Công chức nhà nước tuy trong công việc cũng phải vận dụng các loại kiến thức chuyên môn, nhưng họ chủ yếu vẫn là quản lí xã hội, có sự khác nhau căn bản về nội dung và tính chất với công việc của trí thức.Mặt khác, trí thức của Trung Quốc với tư cách là đối tượng chính sách mà được xếp là tầng lớp xã hội đặc thù.Như vậy có thể thấy, công chức là người chế định và người thực hiện chính sách, bản thân họ dĩ nhiên không thể trở thành đối tượng của chính sách.
Hiện nay, trong công tác tổ chức cán bộ quản lí nhân sự của Trung Quốc đã xếp công chức và nhân viên chuyên môn kĩ thuật vào loại quản lí.
Vì thế, nếu xét theo tình hình của Trung Quốc hiện nay, thì tất cả những cán bộ được xếp vào loại công chức hoặc được quản lí theo kiểu công chức trong các cơ quan chính đảng, bất luận trình độ cao thấp, và cũng bất luận trong công việc phải động chạm đến bao nhiêu kiến thức chuyên môn, đều không nằm trong phạm vi trí thức.
Nguyên văn: 什么是知识分子?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét