Bài diễn văn tại Hội
nghị Bác ái Á Châu – Thái Bình Dương, ngày 22 tháng 5, năm 2008, tại Hà Nội, Việt
Nam
Chúng tôi nhận được bài này từ một cộng tác viên gửi cho, sau
khi đọc thấy không thể không đưa lên trang mạng để đông đảo bạn đọc trong nước,
nhất là thế hệ trẻ Việt Nam, cùng chia sẻ với Giấc Mơ Việt Nam của TS Phùng
Liên Đoàn mà theo chúng tôi biết, sau gần 5 năm suy nghĩ thận trọng, vượt qua rất
nhiều khó khăn để hoàn tất một chương trình chi tiết, đến nay ông đã tiến hành
những bước khởi đầu thuận lợi.
Dẫu đây là bài diễn văn đã được chuyền nhau trong nhiều giới,
vẫn xin được coi lời mở đầu vắn tắt này như một thông điệp gián tiếp gửi đến
tác giả để xin phép, và cũng là bày tỏ sự kính trọng đối với tấm lòng nhiệt huyết
vì đất nước của ông.
Bauxite Việt Nam
Kính thưa quí vị,
Tôi là Phùng Liên Đoàn, 68 tuổi. Tôi đã đi học và làm việc ở Việt
Nam 21 năm, ở Hoa Kỳ 47 năm.
Tôi xin phép đọc bài thơ của Nguyễn Bá Trác mà tôi đã thay đổi
chút ít cho phù hợp với cuộc đời của tôi.
Trượng phu đã không hay xé gan chẻ cật phù cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương
Trời Nam nghìn dặm thẳm
Non nước một màn sương
Giấc mơ ngày lên đường.
Những dòng thơ kế tiếp đây cũng được tôi hiểu theo một cách đặc
biệt
Chí chưa thành
Danh chưa lập
Tuổi trẻ bao lâu mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Giấc mơ ngày lên đường!
Thưa quí vị, tất cả chúng ta đều có những giấc mơ khi ta lớn
lên. Ta mơ ta sẽ là ai, mơ về những điều ta sẽ làm, những điều ta mong muốn, những
gì làm cho ta hạnh phúc, và tương lai của gia đình con cái ta.
Tôi sinh ra ở làng Bát Tràng, chỉ cách đây 7 km xuôi nước sông Hồng.
Các vị niên trưởng tại làng tôi rất tự hào về quá khứ huy hoàng của làng quê,
nơi đã có nhiều người đỗ học vị Tiến sĩ vào những thế kỷ 15-17. Nhưng khi tôi lớn
lên tại làng vào khoảng 1940–1949, tôi nhớ rõ là cả làng không có một nhà trẻ,
một trường học, một thư viện, một bệnh xá; và trẻ con chúng tôi phải đi chân đất
không có giầy. Người Pháp và người Nhật làm chủ chúng tôi. Họ sử dụng các viên
chức người Việt để áp chế người Việt. Tôi nhớ sơ sơ về nạn đói kinh hoàng năm
1945 khi tôi mới 6 tuổi. Tôi nhớ bố tôi đã rời nhà để lên rừng tham gia kháng
chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Tôi nhớ rõ mẹ tôi chỉ được đi học 2 năm vì phải
nuôi bố mẹ đau ốm và ở tuổi 24 đã phải một thân nuôi 6 anh em chúng tôi. Hai em
của tôi đã chết vì bệnh tật rất thông thường.
Lúc đó, giấc mơ của tôi là thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp, để
bố tôi trở về với gia đình và tôi được đi học ở Hà Nội.
Năm 1951 bố tôi về nhà thật, nhưng không phải là người chiến thắng
giặc Pháp mà là vì cụ quá yếu bởi sốt rét, và Việt Minh bảo cụ về nhà để cho mẹ
tôi lo. Mẹ tôi đưa bố tôi đi khám ở nhà thương cách nơi tôi đang đứng đây chỉ
vài ba dãy phố, và may thay, sau một thời gian chữa trị, bố tôi đã bình phục.
Sau khi vượt qua 2 kỳ thi hắc búa ở tuổi 11, tôi được nhận vào học
Trường trung học Nguyễn Trãi cách khách sạn này có vài ba tòa nhà. Và như vậy
tôi đã thực hiện được giấc mơ của tôi hồi thơ ấu. Tôi ở trọ gần ga Hàng Cỏ và
phải cuốc bộ đi học hàng ngày qua ngang Hỏa Lò, bây giờ là Khách sạn Hanoi
Tower, nhưng hồi đó là nhà tù khét tiếng vì đã là nơi giam hãm tra khảo nhiều
người Việt Nam yêu nước kể cả Nguyễn Thái Học và Lương Ngọc Quyến mà ngày nay
được đặt tên cho đường phố Hà Nội. Quý vị cũng rõ Hỏa Lò đã từng giam giữ nhiều
phi công Mỹ bị bắn rơi, kể cả John McCain, ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ năm
2008.
Giấc mơ của tôi lúc đó là có một chiếc xe đạp để đến trường học
nhanh hơn và thú vị hơn. Tôi đã không thực hiện được giấc mơ này cho mãi đến 3
năm sau.
Nhưng tôi là một học sinh tồi, xếp hạng 37 trên 49 học sinh. Và
tôi bị phạt “công xi” phải đến trường hai Chủ nhật liên tiếp vì tôi làm giả chữ
ký của bố tôi trong sổ học bạ. Hiện tôi vẫn còn giữ sổ học bạ đó để luôn luôn
ghi tạc rằng gian lận là không tốt. Bố mẹ tôi biết rằng tôi đang ở chỗ trọ
không tốt và hai cụ đã thu xếp cho tôi ở với người bà con đáng tin cẩn ở phố
Hàng Bát Sứ phía bên kia Hồ Hoàn Kiếm. Chúng tôi thuê một phòng 3mx3m ở trên một
căn bếp. Chúng tôi gồm 5 người, 3 người chú họ xấp xỉ tuổi của tôi, anh tôi và
tôi. Chúng tôi dùng ba tấm ván làm bàn học ban ngày và giường ngủ ban đêm. Tôi
học khá hẳn lên, được xếp vào năm học sinh có điểm cao nhất ở lớp 7.
Giấc mơ của tôi lúc đó là được ăn sáng trước khi đi học và một
que kem trong giờ ra chơi.
Tôi thực hiện được giấc mơ này khi bố mẹ tôi cho 5 đồng mỗi tuần.
Nhưng tôi mất 5 đồng đầu tiên khi bị người lớn ngoài công viên dụ chơi bài ba
lá. Kể từ đó đến giờ tôi không đánh bạc nữa cho dù tôi hiện sinh sống ở Las
Vegas.
Thế rồi cuộc đời tôi trôi theo số phận may mắn. Bố tôi tìm được
việc làm nhân viên Sở Duyên hải thuộc Bưu điện chính ở Sài Gòn. Gia đình chúng
tôi thu xếp vào Sài Gòn trên chiếc tàu mang tên Ville de Hai Phong. Đó là lần đầu
tiên vào tuổi 13 tôi được nhìn thấy một chiếc tàu to lớn và được lướt sóng đại
dương. Chúng tôi ngủ ở khoang dưới đáy tàu dành cho hành khách hạng tư. Nhưng
vào ban ngày thì chúng tôi được phép lên boong cao nhất để xem tàu vượt sóng.
Tôi nhìn thấy đại dương bên phía Đông và những rặng núi trải dài bên phía Tây.
Tôi tự hỏi nước tôi thực sự như vậy sao. Tại sao cuộc sống của người dân Việt Namlại
không đẹp như núi rừng kia và huy hoàng như bình minh đó?
Giấc mơ của tôi là một ngày không xa nước Việt Nam sẽ độc lập và
người Việt Nam được no ấm.
Như quý vị đã biết, một phần của giấc mơ đó đã là hiện thực. Nước
Việt Nambây giờ là một nước độc lập nhưng còn nhiều người Việt Nam chưa được no
ấm.