Nhãn

8 tháng 12, 2012

619. Vũ Cao Đàm: Nói “Đi theo con đường Bác Hồ đã chọn” là nói đến con đường nào vậy?



Những ngày này, lòng dân sôi sục trước sự vu cáo bỉ ổi của bọn cộng sản Đại Hán, chúng vừa hăm dọa đánh Việt Nam, vừa cãi trắng những tội ác xâm phạm lãnh thổ mà chúng đang gây ra trên đất nước ta.

Có điều đáng suy nghĩ là, trong tình hình khẩn trương như vậy, chúng ta không nghe được bất cứ tiếng nói nào của các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng? Người ta chỉ nhớ, có lần chính ông bình thản tuyên bố… Biển Đông vẫn lặng sóng yên ổn.

Trong khi đó, tôi nghe được vào rất nhiều lúc, ở rất nhiều nơi, rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam đang quyết trung thành  “Đi theo con đường Bác Hồ đã chọn”, rồi vun đắp tình hữu nghị mà hai vị lãnh tụ đã dày công vun đắp (!).

Tôi cũng được nghe nhiều lần, đài truyền hình đưa tin các vị lãnh đạo cấp cao nhất của Nhà nước và của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp các khách nước ngoài cũng luôn khẳng định: “Chúng tôi đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn”.

Tôi không phải người nghiên cứu Hồ Chí Minh, nên am hiểu có phần không được đến nơi đến chốn. Vì vậy tôi mong muốn được gửi một số ý nghĩ phân vân của tôi, nhờ xin ý kiến rộng rãi trên trang mạng Bauxite Việt Nam, là trang mạng mà giới trí thức thường gặp nhau đàm đạo, với hy vọng nhận ý kiến chỉ giáo của các bậc thức giả.
*
Theo ngu ý của tôi, thì Cụ Hồ đã chọn nhiều con đường lắm. Chí ít tôi cũng liệt kê được 5 mốc thời gian mà Cụ Hồ nói về “Con đường mà Cụ quyết định lựa chọn”:


Cách đây 91 năm, vào năm 1921, khi được đọc “Luận cương về các vấn đề dân tộc thuộc địa của Lê Nin”, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Cụ Hồ) quyết định đi theo con đường của Quốc tế thứ ba, tức Quốc tế Cộng sản.

Cách đây 67 năm, khi giành được chính quyền, tháng 9/1945, cụ quyết định chọn con đường “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, rồi về sau người ta đã xóa cái con đường  “Dân chủ Cộng hòa” của Cụ và đổi thành con đường “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Cùng chính tại thời điểm cách đây 67 năm, 2 tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, Tháng 11/1945, cụ Hồ tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương để mở rộng khối đoàn kết dân tộc và tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế (không cộng sản) trong sự nghiệp kháng chiến chống Pháp. Phải nói, đây là một quyết định rất dũng cảm của Cụ Hồ, con đường đã đặt cụ phải đối mặt với nhiều nan đề trong sự nghiệp của Cụ.

Cách đây 61 năm, vào năm 1951, Cụ Hồ lập lại Đảng, với tên gọi mới, là Đảng Lao động, chứ không phải là Đảng Cộng sản. Danh xưng Đảng Lao động Việt Nam được giữ đến cuối đời của Cụ. Cho đến khi Cụ mất, thì người ta lại đổi tên đảng của Cụ thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cách đây 47 năm, vào ngày 10/5/1965, Cụ Hồ viết di chúc, và bản di chúc của Cụ được công bố trong buổi tang lễ của Cụ vào 4 năm sau đó, năm 1969, trong đó Cụ viết rất rõ: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Như vậy, trong vòng 44 năm, từ năm 1921 đến năm 1965, Cụ Hồ không đưa ra một khuôn mẫu duy nhất về con đường mà cụ quyết định lựa chọn. Tôi xin bàn về hai con đường ở chặng đầu và chặng cuối đoạn đường mà Cụ Hồ đã đi qua:

Con đường thứ nhất, vào năm 1921, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành 31 tuổi đã quyết định chọn con đường của Quốc tế Cộng sản. Nhân ngày nhân ngày sinh Lênin, 22/4/1960, Cụ Hồ đã viết một bài trên báo Nhân dân giải thích, rõ “Chủ nghĩa yêu nước đã dẫn tôi đến với Chủ nghĩa Lênin”, và Cụ Hồ còn giải thích rõ thêm về niềm tin của Cụ: “Chỉ có Quốc tế Cộng sản mới giúp được các dân tộc thuộc địa giải phóng khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân”.

Con đường thứ hai, vào năm 1965, trong lời cuối cùng của Bản Di chúc, Cụ Hồ Chí Minh 75 tuổi đã quyết định lựa chọn con đường phát triển một nước “Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Chúng ta có thể tìm tòi rất kỹ, trong Bản Di chúc, không một chỗ nào Cụ Hồ nói đến việc “xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Hai mốc thời gian đó cách nhau vẻn vẹn 44 năm. Phải chăng là Cụ Hồ quên? Cụ Hồ sơ suất? Không. Tôi không tin. Tôi không tin là một người tinh tế như Cụ Hồ lại quên viết cái điều được xem là trọng đại đó trong những lời trăn trối cuối cùng trước toàn đảng của Cụ. Chắc chắn là không, vì trong những lời đầu tiên của Bản Di chúc, Cụ đã khẳng định rất cẩn thận: “…tinh thần và đầu óc vẫn rất sáng suốt” khi đặt bút viết những lời cuối cùng nhắn nhủ lại cho đời sau.
*
Vậy các nhà lãnh đạo Việt Namnói “Đi theo con đường Bác Hồ đã chọn” là nói đến con đường nào của Cụ Hồ vậy?

Sau 44 năm, từ chỗ quyết định đi theo Quốc tế ba của Lênin đến chỗ chỉ nói đến “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…”, Cụ Hồ không nói gì đến xã hội chủ nghĩa nữa.
*
Chúng ta có thể hiểu được, vì sao Cụ Hồ có thái độ như vậy đối với chủ nghĩa cộng sản. Có hai bài viết khá kỹ về sự kiện này. Đó là Hồi ký Hoàng Tùng và một bài viết của Giáo sư Tương Lai, qua đó, người đọc có thể thấy được chính Cụ Hồ cũng đã từng là nạn nhân của sự “độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tùy tiện quy kết” từ những cấp rất cao khi kiên định quan điểm về dân tộc, không tán thành thổi phồng vấn đề giai cấp. Chẳng hạn, vì lý do ấy mà Staline không tiếp Hồ Chí Minh, chưa chịu công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho mãi đến năm 1950 sau cuộc gặp ở Matxcơva.

Một tài liệu cho biết cuối cùng Staline cũng nhận tiếp Hồ Chí Minh, ngay tại phòng làm việc của mình, với sự có mặt đông đủ các nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên Xô, phía Trung Quốc có Đại sứ Trung Quốc Vương Gia Tường, phía Việt Nam có Trần Đăng Ninh. Staline mở đầu: Chúng ta là những người bạn, người anh em thân thiết, gặp đồng chí hơi muộn một chút, xin thứ lỗi! Sau khi nghe ý kiến Cụ Hồ, Staline phát biểu chậm rãi nhưng rành rọt, đại ý:

– Tại sao các đồng chí tự ý giải tán Đảng? Đồng chí tưởng lừa được chủ nghĩa đế quốc à, chính là đồng chí lừa chúng tôi, vì ở xa, không biết thực hư thế nào (có ý trách là không xin ý kiến).

– Chính phủ các đồng chí là cái chính quyền gì, sao mà lắm nhân sĩ, trí thức, địa chủ, quan lại thế? (Ý nói không phải chính quyền công nông).

– Tại sao đến nay các đồng chí không tiến hành cải cách ruộng đất? Để đánh thắng đế quốc Pháp, sự chi viện của quốc tế là cần thiết, nhưng phải phát động quần chúng, động viên quần chúng, đem lại lợi ích thiết thân cho họ, đó mới là điểm mấu chốt làm nên thắng lợi.

Staline tỏ ý không hài lòng lắm, hỏi: trong 2 cái ghế dân tộc và giai cấp, đồng chí ngồi trên cái ghế nào? (Có ý phê bình lập trường giai cấp còn mơ hồ).

Tóm lại, Liên Xô không muốn dính vào vấn đề Việt Nam ở thời điểm này. Cuộc đón tiếp được coi là nhạt nhẽo.

[Theo Trương Quảng Hoa: “Ghi chép bí mật về quyết sách giúp Việt Namchống Pháp”, đăng trên Tạp chí Viêm hoàng xuân thu, số 10 năm 1995].

Hiểu sự kiện này có ý nghĩa như thế nào mới thấy ra được bản lĩnh của Hồ Chí Minh, những khó khăn mà Hồ Chí Minh phải vượt qua như thế nào.

Gay gắt nhất là khó khăn do các đồng chí của mình gây ra. Trần Phú, Ngô Đức Trì là những học viên lớp đầu của trường Phương Đông trong khoảng thời gian từ 1927 đến 1930, đã được đào luyện rất kỹ theo tinh thần “giai cấp chống giai cấp” của Đại hội VI, trở thành những người cộng sản “cứng rắn”, được cử về để “uốn nắn” lại những “sai lầm” của Nguyễn Ái Quốc!

Người phê phán gay gắt nhất Nguyễn Ái Quốc là Trần Phú. Tại Hội nghị TƯ tháng 10-1930, Trần Phú đã phê phán những sai lầm về chính trị và tổ chức của Hội nghị hợp nhất là “chỉ lo đến việc phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp đấu tranh, ấy là một sự rất nguy hiểm”, về “chia địa chủ làm đại, trung và tiểu địa chủ”, về “nói phải lợi dụng bọn tư bản mà chưa rõ mặt phản cách mạng”, cùng một số sai lầm khác, sau đó ra nghị quyết “thủ tiêu Chính cương, Sách lược và Điều lệ cũ của Đảng” [Văn kiện Đảng Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 1998, t. 2, tr. 110-112]. Sau Hội nghị TƯ 10-1930, trong thư gửi Quốc tế Cộng sản ngày 17-4-1931, ông còn phê phán nội dung Hội nghị hợp nhất “mang nặng dấu ấn các tổ chức cách mạng cũ, các vấn đề cơ bản đều mâu thuẫn với đường lối Quốc tế Cộng sản (do thiếu một chính sách giai cấp),… mang dấu ấn nhất định của thời kỳ Quốc – Cộng hợp tác 1925-1927” [Tài liệu lưu trữ tại Phòng QTCS, nay là Trung tâm bảo tồn và nghiên cứu các tài liệu lịch sử hiện đại Nga, viết tắt là R.C. ký hiệu 495.154.462.].

Thời gian này, Hà Huy Tập đã trở về Trung Quốc, đứng đầu Ban Chỉ huy hải ngoại của Đảng. Ngày 31-3-1935, trong thư gửi Quốc tế Cộng sản, ngoài nội dung chính là báo cáo kết quả của Đại hội Ma Cao, trong 10 điểm nói thêm, có 2 điểm báo cáo về Nguyễn Ái Quốc, ở điểm thứ mười, ông đã viết: “Ở Xiêm và Đông Dương, các tổ chức cộng sản đã tiến hành một cuộc đấu tranh công khai chống lại những tàn dư của tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương của đảng Thanh niên và của đ/c Nguyễn Ái Quốc, những tàn dư ấy rất mạnh và tạo thành một chướng ngại nghiêm trọng cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản… Chúng tôi đề nghị đ/c Lin viết một quyển sách để tự phê bình những khuyết điểm đã qua” [Văn kiện Đảng TT, t. 5, tr. 204].

Có thể nói, đi theo Quốc tế ba, Cụ Hồ cũng đã chịu nhiều nỗi dày vò bất hạnh vì chính Stalin nghi ngờ và kỳ thị về nguồn gốc gia đình trí thức quan lại của Cụ Hồ, thậm chí có giai đoạn Cụ Hồ bị “treo giò” không được hoạt động, và bị những vị như Trần Phú và Hà Huy Tập phê phán. Hãy đọc bức thư Cụ viết cho Tổng thư ký Quốc tế Cộng sản Đimitrov:

Đồng chí thân mến,

Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Kông. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi. Nhân dịp này, tôi viết thư gửi đồng chí để xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này.

Đồng chí hãy phân tôi đi đâu đó. Hoặc là giữ tôi ở lại đây. Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích. Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng.
Tôi sẽ rất biết ơn đồng chí, thưa đồng chí thân mến, cho phép tôi được hội kiến. Tôi tin rằng như vậy sẽ tốt hơn. Đã từ lâu rồi đồng chí không gặp tôi.

Đồng chí thân mến, xin đồng chí nhận lời chào cộng sản anh em của tôi.

6-6-1938

LIN (Nguyễn Ái Quốc)

(Đây là bản dịch đăng trên trang mạng của Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó ghi là thư Nguyễn Ái Quốc gửi cho Manuilxki, một vị lãnh đạo khác của Quốc tế Cộng sản, nhưng tôi tìm thấy bản tiếng Pháp trong phông tư liệu cá nhân của một vị chuyên viên của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, nay là Viện Lịch sử Đảng, thì thấy đề là thư gửi Đimitrov).

Theo Hồi ký của Hoàng Tùng, thì khi Cụ Hồ từ Trung Hoa Dân Quốc về nước còn bị Trịnh Đình Cửu hỏi giấy ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản.
*
Nhắc lại một cách sơ lược vài sự kiện đó để càng hiểu thêm, vì sao Cụ Hồ đã không nói gì đến màu sắc ý thức hệ trong cái “Điều mong muốn cuối cùng” của Cụ nữa.

Theo ý nguyện cuối cùng của Cụ Hồ, kiên quyết dứt bỏ sự ràng buộc ý thức hệ với bọn đế quốc Trung Cộng xâm lược là điều phù hợp lòng dân hiện nay.

Xin các vị lãnh đạo tỉnh táo: Giữ được Đảng mà mất nước vào tay Trung Cộng thì còn ý nghĩa gì nữa đâu! Vì cố gắng bảo vệ Đảng mà thẳng tay đàn áp những người biểu tình chống Trung Cộng xâm lược thì được lòng Trung Cộng, nhưng mất lòng tin với dân. Lịch sử sẽ ghi lại sự kiện này. Và đó mới chính là điều Đảng cần minh định.

V.C.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét