Nhãn

19 tháng 12, 2012

624. Phí bảo trì đường bộ - tận thu ngu xuẩn


Tôi đi đường có bảo trì thì tôi trả phí -- tại sao tôi đi đường đất cũng bắt tôi trả bảo trì? Đường mới có bảo trì nếu cần thì tích hợp vào vé, đa số đường đều lấy tiền thuế của dân ra làm chẳng ra gì thì bảo trì cái gì? Các ông thu của doanh nghiệp vận tải thì doanh nghiệp lại đè dân ra mà móc -- còn dân đen thì đè đéo gì ra mà móc? Vấn đề là thu được bao nhiêu thì các ông ăn cắp bấy nhiêu!

Thu phí bảo trì đường bộ, cước vận tải sẽ leo thang

Ngày 19/12, tại hội nghị triển khai hướng dẫn thu phí bảo trì đường bộ cho các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào) do Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính tổ chức ở TP HCM, các doanh nghiệp vận tải đều than khó và tiếp tục bày tỏ bức xúc trước những điều bất hợp lý trong việc thu phí.

Ông Đinh Nam Dinh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM cho rằng, dự thảo quy định phí sử dụng đường bộ tính theo năm (12 tháng) và theo chu kỳ đăng kiểm của xe là không đúng với bản chất của phí và lệ phí "có sử dụng dịch vụ (sử dụng đường bộ) thì mới đóng phí". Theo ông Dinh, "đó là nguyên tắc bất di bất dịch". Sử dụng lúc nào thì trả lúc đó, sử dụng nhiều thì trả nhiều, sử dụng ít thì trả ít chứ không thể ứng trước tiền phí mà người sử dụng không biết sẽ sử dụng ở mức độ nào.

Ngoài ra, ông Dinh cũng "cảnh báo" việc thu phí bảo trì đường có thể sẽ gây ra những hệ lụy. Xe hư hỏng không thể sửa chữa (có khi đắp chiếu cả vài năm), chủ xe phải nợ một khoản tiền phí rất lớn. Đến khi có tiền sửa hoặc bán cho người khác thì cũng không dám sửa và người mua cũng không dám mua vì trả nợ phí.


"Thậm chí, trường hợp người chủ xe không may mất mà con cháu chưa ai được nhận thừa kế thì tự dưng người đã chết vẫn còn nợ phí. Chưa kể các trường hợp xe để làm kỷ niệm, làm đồ cổ cũng phải đóng phí thì thật là vô lý", ông Dinh nói và đề nghị nên thu phí sử dụng đường bộ hàng tháng, và tốt nhất vẫn là nên thu qua xăng dầu để đảm bảo công bằng xài bao nhiêu đóng phí bấy nhiêu. Đồng thời cơ quan thu phí phải mở một tài khoản chung cho cả nước và được liên thông với tất cả các trạm đăng kiểm để người nộp phí biết hàng tháng nộp tiền vào tài khoản.

Chia sẻ với các doanh nghiệp vận tải trong tình hình kinh tế khó khăn phải “gồng mình” trước quá nhiều loại thuế, phí, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng thời gian thu phí bảo trì đường bộ đã được gia hạn 7 tháng trước đó, vì vậy theo ông giờ đã đến lúc phải chấp hành.

Phí bảo trì đường bộ sẽ bắt đầu được thu theo đầu phương tiện ô tô và xe máy từ ngày 1/1/2013. Mức thu, cách thức thu do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành tự quyết định theo khung phí của Thông tư 197.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Đinh Nam Dinh, Chủ Nhiệm HTX Vận tải Số 9 cho rằng, hoạt động của các doanh nghiệp vận tải đang xuống dốc, trong khi giá cước vận tải hàng hóa đường bộ tại Việt Nam thuộc loại đắt nhất thế giới. Qua năm 2013, kinh tế tiếp tục được đánh giá là còn nhiều khó khăn, nếu thu thêm một khoản phí, cước vận tải phải đội lên.

Ông Dinh dự tính, với mức phí bảo trì đường bộ theo quy định, giá cước vận tải sẽ tăng thêm tối thiểu 7-10%. "Số tiền này đầu tiên doanh nghiệp phải bỏ ra đóng, nhưng sau đó buộc phải san sẻ cho phía khách hàng", ông nói.

Đại diện một công ty vận tải lớn tại TP HCM cũng nhìn nhận, với chính sách này, mỗi doanh nghiệp vận tải ôtô sẽ phải nộp hàng tỷ đồng mỗi năm. Công ty của ông đang có 120 đầu container, nếu nộp phí đường bộ, sẽ tốn thêm hơn 1 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013.

Còn như Công ty Vận tải Công Thành, hiện có mấy trăm đầu kéo và cả nghìn rơ móc, đại diện đơn vị nhẩm tính hàng năm công ty sẽ phải đóng một khoảng phí bảo trì đường bộ lên đến hơn 8 tỷ đồng. "Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, gồng thêm những khoản phí lớn như vậy sẽ làm doanh nghiệp thêm kiệt sức", ông nói.

Chia sẻ tại hội nghị, Phó chủ tịch hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng trong thời kỳ kinh tế suy thoái như hiện nay, doanh nghiệp cực kỳ khó khăn, nếu Nhà nước đã quyết định thu phí bảo trì đường bộ thì nên giảm các trạm thu phí BOT.
Bên cạnh đó, ông cho rằng, doanh nghiệp cần rà soát lại tất cả các phương tiện, cái nào cần dùng thì đăng kiểm và đóng phí còn không thì thôi nhằm tránh việc phát sinh chi phí. Đồng thời ông cũng đưa ra khuyến cáo, doanh nghiệp vận tải tuyệt đối không nên lợi dụng phí này để đẩy giá lên.

"Bởi đẩy giá thành vận tải lên trong lúc này là đồng nghĩa với việc tìm cái chết", ông nhấn mạnh.

Trước kiến nghị giảm các trạm thu phí đường bộ, BOT, ông Trường, Thứ trưởng Bộ giao thông cho biết, khi xây dựng Nghị định 18, và Thông tư 197 đối với việc thu phí bảo trì đường bộ thì cơ quan này đã không tính đến các công trình BOT (vì đây là nguồn tiền vay từ nhà đầu tư nước ngoài nên phải thu phí để hoàn lại vốn). Do đó, những công trình BOT vẫn tiếp tục thu phí bình thường.

Ông Trường thông tin, hiện nay cả nước có 56 trạm thu phí, trong đó có 14 trạm là thu nộp ngân sách Nhà nước, một số trạm thì bán quyền thu phí. Chậm nhất là 25/12, Bộ Giao thông sẽ ban hành danh mục các trạm thu và dự kiến sẽ có 14 trạm dừng thu trong đợt này.

Còn đại diện Bộ Tài chính cho rằng, trong quá trình xây dụng mức thu đối với các đầu phương tiện, cơ quan quản lý đã đưa ra công khai để lấy ý kiến, tuy nhiên khó tránh khỏi những bất cập. "Trong thời gian triển khai thu 3-6 tháng đầu tiên, nếu có những điểm chưa hợp lý, cơ quan này sẽ tiến hành nghiên cứu lại để có những thay đổi phù hợp với thực tiễn", ông nói.

Thông tư liên ngành Giao thông - Tài chính về mức phí bảo trì đường bộ, các chủ phương tiện bắt đầu nộp phí từ 1/6, nhưng đã được lùi thêm 7 tháng và chính thức triển khai từ 1/1/2013. Theo đó, chủ phương tiện xe máy, ôtô đều phải nộp loại phí này, trừ các loại xe cứu thương, cứu hỏa, xe chuyên dùng, xe phục vụ an ninh, xe máy của hộ nghèo.
Với ôtô, mức phí thấp nhất là 130.000 đồng một tháng, áp dụng cho xe dưới 9 chỗ. Mức phí cao nhất 1,04 triệu đồng dành cho xe tải, xe chuyên dùng trọng tải trên 27 tấn. Chủ xe ôtô đóng phí theo chu kỳ đăng kiểm tại cơ quan đăng kiểm. Sau khi nộp phí, cơ quan này sẽ dán Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp.
Mức thu 50.000 đồng một năm được áp với xe máy dưới 100cc; xe có dung tích trên 100cc được áp khung phí từ 100.000 đến 150.000 đồng. UBND cấp tỉnh, thành sẽ quyết định mức thu phù hợp với địa phương mình.
Lệ Chi - Hữu Công

1 nhận xét: