HRW/ Strategic Review
Phil Robertson, Phó
Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch)
Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Myanmar hồi tháng Tư năm
2010, ông khẳng định với các nhà lãnh đạo hàng đầu rằng Việt Nam ủng hộ “lộ
trình” dân chủ hóa của quốc gia này. Sau đó, ông phát biểu từ ghế chủ tịch đoàn
trong lễ bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh thường niên ASEAN lần thứ 16 tại Hà Nội
rằng cuộc bầu cử sắp tới ở Myanmar cần diễn ra một cách “tự do và dân chủ, với
sự tham gia của tất cả các đảng phái.” Lời phát biểu đó thật sự ấn tượng, nhất
là từ miệng nhà lãnh đạo một chính phủ độc đảng, nơi Đảng Cộng sản Việt Nam
(ĐCSVN) được Hiến pháp quy định rõ vai trò “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và
xã hội,” và chính quyền kiểm soát chặt chẽ mọi cuộc bầu cử.
Nhưng lời phát biểu trên của ông Dũng không gây được nhiều chú ý, vì
nhiều sự lạ đời và đạo đức giả hơn thế từng được tuyên bố tại các hành lang
cũng như trong các phòng họp của ASEAN nhiều năm qua.
Đa số các quan sát viên cho rằng Việt Nam chỉ đơn giản là lại hành xử với vai
trò lãnh đạo một nhóm trong ASEAN, được gọi là CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và
Việt Nam) đều có chính quyền độc đoán hà khắc, luôn cùng nhau cố gắng hạn chế
những ý kiến chỉ trích và tìm cách gỡ bỏ rào cản kinh tế của các đối tác đối
thoại của ASEAN, như Úc, Canada, Mỹ và Liên minh Châu Âu nhằm vào Myanmar.
Chỉ hơn sáu tháng sau, vào ngày mồng 7 tháng Mười Một năm 2010,
Myanmar tổ chức bầu cử nghị viện, trong đó 25 phần trăm tổng số ghế được dành
cho quân đội. Cuộc bỏ phiếu này không thể nói là tự do hay công bằng, do đã
được dàn xếp trước để đảm bảo thắng lợi áp đảo của Hiệp hội Liên đoàn Đoàn kết
và Phát triển, một tổ chức chính trị được quân đội hậu thuẫn.
Vào thời điểm Thủ tướng Dũng đưa ra lời phát biểu nêu trên,
Myanmar đang có bảng thành tích tệ hại – như quân đội nắm chính quyền suốt từ
năm 1962, bà Aung San Suu Kyi, người được trao giải Nobel Hòa bình đang bị quản
chế tại gia, hàng trăm tù nhân chính trị đang bị giam giữ, các cuộc biểu tình
bị đàn áp dã man, luật pháp hà khắc, các quyền dân sự và chính trị luôn bị đè
nén, khiến quốc gia này trở thành “trường hợp cá biệt,” thậm chí ngay cả khi so
với các nước láng giềng trong khối ASEAN.
Vì vậy, ít người có thể hình dung được, chỉ hai năm sau đó, các
nhà hoạch định chính sách và giới báo chí lại phải công khai so sánh Việt Nam
với Myanmar để xem quốc gia nào đáng bị gọi là quốc gia vi phạm nhân quyền tệ
nhất ASEAN – một biệt danh chẳng ai muốn có. Đương nhiên, đây là một động thái
ít nhiều mang tính chất trò chơi ngoại giao, vì đối với các nạn nhân thì bị vi
phạm nhân quyền, dù ở đâu cũng tệ cả.
Nhưng khi Myanmar đang hướng tới chiếc ghế chủ tịch ASEAN vào
năm 2014, những người quan tâm về nhân quyền trong khu vực đương nhiên tự vấn
rằng liệu có thể diễn ra một cuộc đua giữa Myanmar và Việt Nam để tránh làm kẻ
đội sổ, dẫn đến những cải thiện về thành tích nhân quyền ở cả hai nước này hay
không.
Những tiến bộ của Myanmar
Dù còn rất nhiều việc phải làm, nhưng Myanmar dưới chính quyền
của Tổng thống Thein Sein đã có những bước tiến quan trọng để thay đổi bảng
thành tích cũ vốn rất tồi tệ về nhân quyền của mình. Nổi bật nhất là việc dỡ bỏ
những hạn chế và cho phép bà Aung San Suu Kyi cùng các cộng sự trong Liên đoàn
Quốc gia vì Dân chủ (LĐQGDC) ra tranh cử trong cuộc bỏ phiếu ngày mồng 1 tháng
Tư năm 2012. Có tổng số 43 thành viên của LĐQGDC trúng cử, chỉ tương đương với
gần 7 phần trăm số ghế trong nghị viện. Tuy nhiên, thắng lợi đó là một bước
khởi đầu quan trọng cho cuộc bầu cử năm 2015, khi có 75 phần trăm tổng số ghế
trong Nghị viện sẽ được định đoạt bằng lá phiếu.
Nhưng cũng có nhiều bước cải cách ở Myanmar chỉ mang tính hình
thức, theo kiểu tay này đưa thì tay kia giật lại. Ví dụ như hơn 600 tù nhân
chính trị, trong đó có các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng như Min Ko Naing
và các nhà hoạt động khác, từng lãnh đạo cuộc nổi dậy vì dân chủ năm 1988, danh
hài Zargana và các lãnh tụ dân tộc thiểu số như nhà lãnh đạo dân tộc Shan, Khun
Htun Oo – được thả, một động thái được quốc tế hoan nghênh. Nhưng rất ít người
trong số đó được phép ra khỏi Myanmar – nghệ sĩ Zargana là trường hợp ngoại lệ,
vì chính quyền Myanmar từ chối cấp hộ chiếu cho họ. Chính quyền Myanmar cũng
vẫn im hơi lặng tiếng về trường hợp của hàng trăm tù nhân chính trị khác, không
được nổi tiếng bằng số người nêu trên, hiện đang còn trong vòng kiềm tỏa của hệ
thống ngục tù bí hiểm của quốc gia này. Tổ chức Hỗ trợ Tù nhân Chính trị
(HTTNCT) có trụ sở tại Thái Lan, do những cựu tù nhân chính trị Myanmar đang
sống lưu vong thành lập, cho biết hiện có ít nhất 394 tù nhân nữa đang bị giam
giữ, chưa tính 424 trường hợp khác đang được HTTNCT xác minh, tính đến ngày
mồng 1 tháng Chín năm 2012. Một nhóm khác ở Yangon, Mạng lưới Cựu Tù nhân, đã
tiến hành phỏng vấn những người mới ra tù và ước tính hiện có tới 445 tù nhân
chính trị đang bị giam giữ. Những người quan sát hiểu biết tình hình nhận xét
rằng có nhiều khả năng tù nhân chính trị người dân tộc thiểu số không nằm trong
bất kỳ danh sách nào, nhất là những người Hồi giáo Rohingya từ các bang Arakan
và Kachin ở các vùng xa xôi phía Bắc, và họ cũng cần phải được phóng thích. Để
giải quyết tận gốc vấn đề này, và đảm bảo rằng tất cả các tù nhân chính trị đều
được thả hết, chính quyền Myanmar cần chấp thuận việc thành lập một ủy ban kiểm
tra có thành phần quốc tế tham gia để thống kê tổng số tù nhân chính trị đang
bị giam giữ một cách triệt để và độc lập.
Chính quyền Myanmar đã ký các thỏa thuận ngừng bắn với nhiều
nhóm sắc tộc tự trị có vũ trang, kể cả nhóm Liên minh Dân tộc Karen (LMDTK), là
nhóm đã tiến hành một trong những phong trào nổi dậy lâu nhất trên thế giới.
Ông Aung Min, đại diện cho Văn phòng Tổng thống, đã gặp gỡ các lãnh tụ dân tộc
thiểu số, các nhà hoạt động dân chủ lưu vong, các tổ chức phi chính phủ và
nhiều tổ chức khác để thúc đẩy hòa giải với hàng loạt cuộc họp, điều mà chỉ hai
năm trước đây không ai có thể tưởng tượng nổi. Các nhân vật lưu vong lâu năm,
như nhà hoạt động công đoàn Maung Maung, cựu lãnh đạo sinh viên Naing Aung và
Moe Thee Zun và nhà hoạt động chính trị quốc tế Thaung Htun đã được phép trở về
Myanmar.
Các thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm sắc tộc thiểu số vẫn còn
mong manh, và chưa dẫn đến việc cắt giảm quân số ở các vùng dân tộc thiểu số
hay các cuộc đàm phán có trọng lượng để hòa giải lâu dài. Các vấn đề chính trị
quan trọng như phân quyền, quan hệ giữa các bang và nhà nước liên bang, và việc
chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền trong quá khứ chưa được đặt lên
bàn đàm phán. Quân đội vẫn tiếp tục cưỡng ép lao động không công, tham gia các
vụ tống tiền và lạm dụng, nhất là đối với những người dân thường thuộc các sắc
tộc thiểu số. Và ở bang Kachin, nơi tiếp tục diễn ra các cuộc giao tranh khốc
liệt giữa Quân đội Kachin Độc lập và lực lượng của chính quyền Myanmar, không
có mấy thay đổi rõ rệt trong chiến thuật của Quân đội Myanmar nhằm mục tiêu vào
dân thường và gây ra những vụ lạm dụng nhân quyền trầm trọng.
Một dấu hiệu khả quan hơn là Myanmar đã ký kết thỏa thuận có
tính ràng buộc, kèm theo kế hoạch hành động chi tiết, với Tổ chức Lao động Quốc
tế (ILO) về việc chấm dứt lao động cưỡng ép, và với tổ công tác Liên Hiệp Quốc
về chấm dứt sử dụng trẻ em làm chiến binh. Ngày mồng 3 tháng Chín, Quân đội Myanmar
thả đợt đầu tiên gồm 42 chiến binh trẻ em về cho cha mẹ và người thân chăm sóc.
Một loạt các văn bản pháp luật cũng được sửa đổi để đảm bảo các quyền tự do
rộng hơn, ví dụ như cho phép tụ tập ôn hòa nơi công cộng và thành lập các công
đoàn. Ngày 20 tháng Tám, chính quyền tuyên bố chấm dứt kiểm duyệt trước
khi xuất bản, một bước tiến quan trọng đặt nền móng cho tự do báo chí – mặc dù
cũng trong ngày đó, Bộ Thông tin Myanmar ra hướng dẫn chi tiết cho hoạt động
truyền thông, trong đó có điều khoản nghiêm cấm phê phán chính phủ hay các
chính sách của chính phủ.
Rõ ràng là vẫn còn nhiều việc phải làm, vì hàng loạt quy định
pháp luật hà khắc từng được sử dụng để đối phó với các nhà hoạt động chính trị
vẫn còn nguyên hiệu lực – có thể kể tên một số ít trong đó như: Đạo luật về Hội
họp Bất hợp pháp [Unlawful Association Act], Luật Bảo vệ Nhà nước [State
Protection Law] và Đạo luật về Tình trạng Khẩn cấp [Emergency Provisions Act].
Vẫn có những rủi ro về nguy cơ đảo ngược tiến trình cải cách, đặc biệt là khi
xem xét vai trò của Quân đội Myanmar trong lịch sử, và quyền lực được Hiến pháp
2008 trao, khiến quân đội tiếp tục nằm ngoài tầm kiểm soát của một chính phủ có
danh nghĩa dân sự. Tuy vậy, chính quyền của Thein Sein có vẻ đã đáp ứng được
phần lớn những mong đợi của cộng đồng quốc tế về đường lối dân chủ hóa. Hoa Kỳ,
Liên minh Châu Âu và Canada đua nhau đình chỉ hoặc gỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế
kéo dài nhiều năm qua, bất chấp sự phản đối của các nhà vận động nhân quyền ở
Myanmar và quốc tế, vốn nhận định rằng một tiến trình gỡ bỏ từng bước sẽ giữ
được sức ép tốt hơn để đảm bảo các bước cải cách phải được duy trì.
Trên thực tế, các thay đổi nói trên đã tạo đà cho những cải cách
bền vững hơn, nhưng đồng thời cũng gây ra tâm lý siêu lạc quan kiểu “cơn sốt
vàng” trong một bộ phận của cộng đồng quốc tế về một “đất nước Myanmar mới.”
Liệu Quân đội Myanmar có chấp nhận tiếp tục lộ trình đó hay không vẫn còn là
câu hỏi lớn, nhất là nếu và khi tiến trình cải cách bắt đầu động chạm đến các
thỏa thuận làm ăn giữa các sĩ quan quân đội cùng các thương gia bè phái nhiều
vây cánh. Phe cứng rắn và bảo thủ trong quân đội vẫn còn quyền lực để có thể
kìm hãm, thậm chí đảo ngược những nỗ lực cải cách. Tuy nhiên, với việc Tổng
thống Thein Sein sẽ nắm quyền đến năm 2015, giới đầu tư nước ngoài đang đặt
cược rằng cỗ xe cải cách sẽ tiếp tục tiến lên phía trước.
Bước thụt lùi của Việt Nam
Như đã phân tích ở trên, Myanmar vẫn còn rất nhiều việc dang dở
phải làm, dù đã có xu hướng đi lên xét về góc độ tôn trọng nhân quyền. Trong
khi đó, Việt Nam đang lún nhanh hơn vào bãi lầy phát triển kinh tế và nhân
quyền. Phải chứng kiến những bước tiến hướng tới cải cách của Myanmar
chắc hẳn gây cảm giác không mấy dễ chịu cho một số nhà lãnh đạo ở Hà Nội. Dù gì
chăng nữa, suốt hơn một thập kỷ qua, Myanmar luôn dễ dàng giành danh hiệu quốc
gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất trong khối ASEAN. Đây quả là một thành
tích đáng kể trong nhóm các quốc gia, được các nhà phê bình đặt cho cái tên
thích hợp là “câu lạc bộ các nhà độc tài” từ khi được thành lập vào năm 1967,
gồm năm nhà lãnh đạo độc tài của Philippines,
Indonesia, Singapore, Malaysia và Thái Lan, sau này gộp thêm Thủ
tướng Hun Sen của Campuchia, và các nhà lãnh đạo chuyên chế từ Việt Nam, Lào,
Singapore, Brunei và Malaysia.
Nhưng giờ đây, khi Myanmar đang thực hiện cải cách, giới ngoại giao
và tài trợ quốc tế ở Hà Nội đang tự hỏi liệu Việt Nam có được phong là “ca nhân
quyền tuyệt vọng nhất” của ASEAN hay không? Không có gì lạ khi giới lãnh đạo
chóp bu ở Hà Nội không mấy dễ chịu trước viễn cảnh bị soi gáy như thế.
Dù chính phủ cả hai quốc gia đều có bảng thành tích nhân quyền
tệ hại, nhưng kể từ sau năm 1988, Việt Nam và Myanmar được đối xử khác hẳn, với
rất nhiều ưu đãi được dành cho Việt Nam. 1988 là một năm đầy sự kiện với cả hai
quốc gia. Myanmar đàn áp dã man những người biểu tình dân chủ ở Rangoon và các
thành phố khác vào tháng Chín năm 1988, giết chết khoảng 3000 người theo ước
tính hoặc nhiều hơn thế, và buộc hàng ngàn người khác phải chạy trốn vào rừng
hay xa hơn nữa. Ngay hôm trước ngày khởi đầu chiến dịch đàn áp, các tướng lĩnh
Myanmar thành lập một chính quyền quân phiệt mới, gọi là Hội đồng Khôi phục
Trật tự và Luật pháp Liên bang (HĐKPTTLPLB). Nhưng sức ép quốc tế bắt đầu gia
tăng sau khi bà Aung San Suu Kyi bị quản chế tại gia vào năm 1989 và đảng của
bà không được nhận bàn giao quyền lực dù đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử nghị
viện năm 1990. Đầu tư nước ngoài càng ngày càng bị thắt chặt, hạn chế và kiểm
soát vì các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế và phong trào dân chủ nội địa của
Myanmar thúc đẩy chính sách gây sức ép và cấm vận, và cuối cùng giành được sự
ủng hộ của nhiều chính phủ phương Tây.
Trong cùng năm đó, Việt Nam tuyên bố bắt đầu rút quân khỏi
Campuchia, và hoàn tất việc rút quân vào năm 1989, khởi đầu cho tiến trình chấm
dứt nội chiến ở Campuchia đánh dấu bằng việc ký kết Hiệp định Hòa bình Paris,
và bình thường hóa quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam vào năm 1995. Một sự kiện khác
không kém phần quan trọng là việc Hà Nội triển khai chính sách đổi mới, nhằm mở
cửa nền kinh tế, khiến nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ hào hứng đầu tư vào Việt
Nam đã tạo sức ép thay đổi chính sách của Hoa Kỳ. Việc thiếu vắng một nhân vật
đối lập có khả năng tập hợp được mọi người như Aung San Suu Kyi đặt các nhà
hoạt động nhân quyền ở Việt Nam vào thế cực kỳ bất lợi, giữa lúc các nhà đầu tư
đang hăm hở tin rằng Việt Nam sẽ là con hổ kinh tế mới ở Châu Á. Các tập đoàn
nước ngoài đổ xô đến tìm kiếm lợi nhuận từ nguồn nhân công giá rẻ và một lực
lượng lao động cần cù. Cơn sốt này đã gạt ra ngoài lề những mối quan ngại lớn
về nhân quyền liên quan đến Đảng Cộng sản Việt Nam và thái độ không chấp nhận
bất kỳ một hình thức đối lập nào của đảng này. Từ khi đất nước
được thống nhất vào năm 1975, ĐCSVN chưa hề ngần ngại vi phạm nhân quyền khi
thấy vị trí hay đặc quyền của mình bị thách thức.
Sau khi Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng lên nắm quyền vào năm
2006, có thể thấy rõ sự gia tăng của những xu hướng sau đây. Một là, chủ nghĩa
bè phái và tham nhũng trong các doanh nghiệp nhà nước cùng nạn dịch thâu tóm
đất đai của những nhà đầu tư trong và ngoài nước nhiều vây cánh đã đổ thêm dầu
vào ngọn lửa phẫn nộ của người dân đối với các quan chức ĐCSVN đã và đang lợi
dụng chức vụ để làm giàu cho bản thân. Hai là, ông Dũng đã sử dụng các đồng
minh trong Bộ Công an (BCA) cố gắng bưng bít mọi tiếng nói bất đồng chính kiến,
và nhờ mối quan hệ chặt chẽ với bộ này đã khiến ông ta trở thành một trong
những thủ tướng nhiều quyền lực nhất trong giai đoạn gần đây.Và ba là, khi các
tiếng nói thách thức nền chính trị độc đoán và chủ nghĩa tư bản bè phái xuất
hiện ngày một nhiều, chính quyền gia tăng đàn áp các nhà hoạt động và bất đồng
chính kiến, khiến nhân quyền càng bị coi thường. Trong khi lạm phát tăng cao,
dẫn đầu là giá thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, tốc độ đầu tư chậm lại vì
nhu cầu hàng xuất khẩu Việt Nam ở các thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ đang yếu đi
do nền kinh tế gặp khó khăn, ngày càng có nhiều bức xúc với chính phủ, để rồi
vấp phải sự đối phó của một nhà nước chỉ biết chăm chăm lo ổn định trật tự.
Kết quả là những người cầm bút, viết blog độc lập, các nhà lãnh
đạo tôn giáo và các nhà hoạt động từng thắc mắc về chính sách nhà nước, phanh
phui các vụ tham nhũng của quan chức, chống lại việc tịch thu và cưỡng chế đất
đai, đòi hỏi tự do thực hành tín ngưỡng hay đòi hỏi các giải pháp dân chủ thay
thế nền cai trị độc đảng, thường xuyên bị công an sách nhiễu, theo dõi gắt gao,
giam giữ không cho tiếp xúc với bên ngoài tới một năm hoặc lâu hơn mà không
được tiếp cận nguồn hỗ trợ pháp lý, và bị xử trong các phiên tòa một-ngày, với
mức án tù ngày càng nặng hơn vì những tội danh mơ hồ về an ninh quốc gia.
Đàn áp có tính sáng tạo
Các điều luật về an ninh quốc gia được đặt tên như trong tiểu
thuyết của George Orwell. Điều 79, có nội dung cấm “hoạt động nhằm lật đổ chính
quyền nhân dân,” có thể mang đến án tử hình. Điều 87, “phá hoại chính sách đoàn
kết,” hay điều 88, “tuyên truyền chống nhà nước” có thể đưa người vi phạm vào
tù từ 15 đến 20 năm. “Phá rối an ninh” theo điều 89 có thể dẫn đến 15 năm tù.
Kể cả khi rời khỏi đất nước, chính quyền cũng không tha thứ cho kẻ vi phạm và
có thể xử tới án tù chung thân theo điều 91, “trốn ra nước ngoài hoặc trốn ở
lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.” Và nếu không khép được vào tội
nào khác, vẫn còn có điều 258 có thể dùng trong mọi trường hợp để xử tội “lợi
dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước” với mức án lên tới bảy
năm tù.
Xem xét hồ sơ nhân quyền của Việt Nam cho
thấy các điều luật nói trên thường xuyên được sử dụng để hình sự hóa các quyền
tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa, đưa đến các án tù lâu năm cho các
nhà hoạt động; tra tấn trong giai đoạn tạm giữ trước khi xét xử là chuyện
thường xảy ra; có các chiến dịch được dàn dựng bài bản để đe dọa và sách nhiễu
các nhà hoạt động; kiểm duyệt báo chí rộng khắp và ngày càng gia tăng nỗ lực
nhằm giám sát và hạn chế những ý kiến phê bình trên mạng internet; thường xuyên
chà đạp quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo; sử dụng có hệ thống lao động cưỡng ép trong các trung tâm
cai nghiện ma túy và các trại được gọi là cải tạo.
Hoạt động của các nhà tù và hệ thống trại giam của Việt Nam,
nhất là ở các vùng xa, vẫn còn là điều hết sức bí ẩn, khiến việc thống kê tổng
số tù nhân bị giam giữ vì lý do chính trị trở nên rất khó khăn, nhưng Tổ chức
Theo dõi Nhân quyền ước tính con số này phải lên tới hàng trăm.
Trong năm 2011, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ghi nhận được chính
quyền Việt Nam đã xử ít nhất 33 nhà bất đồng chính kiến và hoạt động các mức án
tù lâu năm, kèm theo các hình phạt bổ sung như quản chế hoặc hạn chế ngặt nghèo
quyền tự do đi lại sau khi được thả. Những người này bị truy tố chỉ vì đã thi
hành các quyền tự do được ghi nhận trong Điều 69 của Hiến pháp Việt Nam và các
điều 18 (tự do tôn giáo và tín ngưỡng), 19 (tự do ngôn luận), 21 (quyền nhóm
họp ôn hòa) và 22 (tự do lập hội) của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và
Chính trị, đã được Việt Nam tham gia ký kết từ ngày 24 tháng Chín năm 1982
nhưng thường xuyên lờ đi không thực thi. Ngoài các vụ trên, danh sách vẫn còn
dài nữa – Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đang giám sát thêm 49 trường hợp khác
hiện đang bị giam giữ chưa xét xử vì các lý do chính trị và tôn giáo, trong đó
có hai nhạc sĩ, bốn blogger, ba mươi lăm nhà hoạt động tôn giáo, hai nhà hoạt
động vì quyền lợi người lao động và bốn nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai.
Chính sách đàn áp thể hiện rõ trong các trường hợp như vụ xử
tù bốn thanh niên Công giáo trước đó
chưa được ai biết đến ở thành phố Vinh miền trung thuộc tỉnh Nghệ An, với lý do
họ phát tán truyền đơn “dân chủ.” Họ bị tạm giam từ năm đến mười tháng, sau đó
bị kết án lên đến ba năm sáu tháng tù giam tại phiên tòa vào ngày 24 tháng Năm.
Cũng có những vụ đang còn dở dang như vụ ba blogger công dân nổi tiếng gồm Nguyễn Văn Hải (blogger
Điếu Cày), Phan Thanh Hải (blogger Anhbasg)
và Tạ Phong Tần, những người cùng nhau thành
lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do năm 2007, rồi
chẳng bao lâu sau đó bị chính quyền đàn áp. Một diễn tiến bi thảm của vụ này là
vào tháng Bảy, thân mẫu bà Tạ Phong Tần, cụ Đặng Thị Kim Liêng, đã tự thiêu để
phản đối sự sách nhiễu của lực lượng an ninh đối với con gái và gia đình bà,
khiến phiên tòa xử họ lại phải hoãn thêm lần nữa. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary
Clinton đã nhắc đến vụ việc này khi bà phát biểu tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng Bảy năm 2012 rằng
“chúng tôi quan ngại về sự cản trở quyền tự do ngôn luận trên mạng và phiên tòa
sắp tới xử những người sáng lập nhóm gọi là Câu lạc bộ Nhà báo Tự do.”
Nhưng các tù nhân chính trị khác, như nhà thơ và nhà vận động chống tham nhũng Nguyễn Hữu Cầu,
năm nay đã 65 tuổi, dường như đã bị phần lớn thế giới bên ngoài lãng quên. Ông
đã phải ở tù 35 năm kể từ năm 1975 – lần đầu từ năm 1975 đến 1980 trong một
trại cải tạo, lần thứ hai từ năm 1982 đến giờ do đã phanh phui các vụ tham
nhũng của quan chức địa phương. Dù ông đã mất gần hết thị lực và thính lực,
nhưng chính quyền không đưa ra dấu hiệu nào thể hiện ý định sẽ thả ông. Những
người khác, như linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý, do quá nổi tiếng nên các nhà
ngoại giao nước ngoài còn được phép thỉnh thoảng đến thăm. Cha Lý đã bị đột quỵ
nhiều lần trong tù vào năm 2009, khiến tay và chân bên phải bị liệt,
nhưng chính quyền từ chối phóng thích ông trước hạn tám năm tù
giam vì lý do sức khỏe.
Kiểm soát các hội đoàn
Chính quyền Việt Nam không hề giấu giếm nỗ lực để bảo đảm mọi tổ
chức, hội đoàn phải hoạt động dưới sự kiểm soát của nhà nước. Vì lý do đó, các
đảng chính trị lưu vong, những người lao động muốn thành lập công đoàn riêng
tách khỏi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do nhà nước quản lý, và những người
viết blog như nhóm Câu lạc bộ Nhà báo Tự do luôn phải đi giữa các làn đạn sách
nhiễu, bắt bớ và tù đày. Ví dụ như, vào ngày 17 tháng Tư, công an bắt Nguyễn
Quốc Quân, một công dân Mỹ và là ủy viên trung ương của đảng đối lập lưu vong
Việt Tân, khi ông đang nhập cảnh vào Việt Nam và truy tố ông theo điều 84 bộ
luật hình sự về tội hoạt động khủng bố. Tuy nhiên, sau khi công bố tội danh ban
đầu trên báo chí, chính quyền lại thôi không truy tố ông về tội khủng bố mà áp
dụng điều 79, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”
Chính quyền dành sự quan tâm và “chăm sóc” đặc biệt đối với các
nhóm tôn giáo độc lập đứng tách khỏi các định chế tôn giáo đã đăng ký và chịu
sự kiểm soát của nhà nước. Trong năm vừa qua, các chi phái không được công nhận
của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, các nhà thờ Tin lành tại gia ở Tây Nguyên
và các vùng khác, các chùa Phật giáo Khmer Krom và Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thống nhất (GHPGVNTN) đều bị chính quyền truy bức. Trong năm 2011, các giáo xứ
Công giáo tổ chức lễ thắp nến cầu nguyện trước phiên tòa xử nhà hoạt động pháp
lý và bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ thu hút được hàng
ngàn người tham gia, không khỏi khiến chính quyền giật mình. Các vị chức sắc
tôn giáo bị quản chế tại gia gồm có Đức Tăng thống GHPGVNTN Hòa thượng Thích
Quảng Độ, hai lãnh đạo Phật giáo Hòa Hảo Lê Quang Liêm và Võ Văn Thanh Liêm.
Trong tháng Bảy năm 2011, các vị chức sắc Công giáo Dòng Chúa Cứu thế, cha Phạm
Trung Thành và cha Đinh Hữu Thoại bị cấm rời khỏi Việt Nam. Ngoài ra, hàng chục
người Thượng ở Tây Nguyên từng tham gia vào phong trào nhà thờ Tin lành Đềga
vẫn đang bị cầm tù.
Những người hoạt động tôn giáo thường bị xử các mức án nặng nề.
Ví dụ như, vào ngày 13 tháng Chạp năm 2011, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Văn Lía và Trần Hoài
Ân bị xử tổng cộng tám năm tù giam, cộng thêm năm năm quản
chế. Vào ngày 26 tháng Ba năm 2012, một phiên tòa xử mục sư Tin lành Nguyễn
Công Chính 11 năm tù về tội “phá hoại chính sách đoàn kết” theo điều 87 bộ luật
hình sự. Có ít nhất 35 nhà hoạt động tôn giáo khác đang bị tạm giam chờ xét xử.
Chìa khóa của việc vận động mọi người tham gia vào các vấn đề
như cưỡng chế đất đai, tự do tôn giáo, nhân quyền hay đa nguyên chính trị,
chính là khả năng chia sẻ thông tin. Hệ thống kiểm duyệt của nhà nước đối với
đài phát thanh, truyền hình và báo in từng khiến cho việc này rất khó thực hiện
ở Việt Nam, cho đến khi giải pháp thông tin điện tử được mở ra qua mạng
Internet. Ước tính khoảng 34 phần trăm người dân Việt Nam đang sử dụng mạng
Internet, tính đến tháng Hai năm 2012, khiến cuộc chiến về tự do ngôn luận giờ
đây chủ yếu diễn ra trên mạng.
Trong khi Myanmar đang ngày càng cởi mở hơn về mạng Internet,
chính quyền Việt Nam lại có động thái siết chặt bằng một dự thảo nghị định làm gióng lên hồi chuông báo động của
các công ty Internet toàn cầu như Google và Yahoo cũng như
những người vận động cho tự do ngôn luận.
Dự thảo nghị định này có thể được đưa ra Quốc hội Việt Nam xem
xét trong kỳ họp sắp tới, thể hiện ý định áp đặt bàn tay kiểm soát mạng
Internet với lý do quen thuộc là an ninh quốc gia, qua những quy định nghiêm
cấm một số nội dung, với ngôn ngữ lỏng lẻo và mơ hồ.
Cái bẫy lớn được giăng sẵn cho các blogger và các nhà vận động
trên mạng với các quy định cấm chống đối chính quyền, hay đăng tải các thông
tin gây “phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội” hay “phá
hoại khối đại đoàn kết dân tộc” hoặc “gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc,
sắc tộc và tôn giáo.” Nếu như thế vẫn chưa đủ, thì các thông tin bị coi là
“xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm cá
nhân” sẽ được vận dụng để khép tội hình sự.
Trước thực tế nhu cầu sử dụng Internet đang phát triển nhanh, kể
cả nhu cầu sử dụng các mạng xã hội phổ biến như Facebook, mà người dùng
Internet ở Việt Nam có thể truy cập được bằng cách lách qua hệ thống tường lửa
do chính quyền dựng vẫn còn nhiều sơ hở, và không khí sôi nổi của các diễn đàn
bình luận và trao đổi về các vấn đề gai góc đối với nhà nước, có lẽ một cuộc
đụng đầu lớn sẽ xảy ra trong tương lai không xa.
Ai thắng ai?
Khởi đầu thập niên này, Việt Nam và Myanmar vẫn là đồng minh lâu
năm, cùng tâm đắc với câu cửa miệng của ASEAN là “không can thiệp vào công việc
nội bộ của nhau” và cùng phải chịu những lời chỉ trích từ nước ngoài về hồ sơ
nhân quyền. Nhưng giờ đây, hai nhà nước càng ngày càng như hai con tàu ngược
chiều đã vượt qua điểm gặp nhau giữa đại dương, mỗi bên đi theo hướng trái
ngược nhau về nhân quyền. Đến năm 2015, khi cuộc bầu cử toàn quốc ở Myanmar mở
ra khả năng chuyển giao quyền lực thực sự bằng hòm phiếu, có lẽ Thủ tướng Dũng
sẽ hối tiếc về lời phát biểu của mình năm 2010, với chủ đích khích lệ Myanmar
đi theo con đường dân chủ hóa – nhất là khi chính người dân Việt Nam sẽ thắc
mắc bao giờ thì Việt Nam sẽ thực hiện được điều đó.
Nguồn: Race to the bottom: Burma and
Vietnam head in opposite directions on human rights (HRW).
Tạp chí Strategic Review, Vol 2 – No. 4, tháng Mười – tháng Mười
Hai, 2012. Bài được viết trước các vụ xử ba blogger Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh
Hải và Tạ Phong Tần và hai nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình và Võ Minh Trí.
Bản tiếng Việt do ông Phil Robertson gửi tới trang
Ba Sàm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét