Không ai có thể đi đến
tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ, nhất là một
quá khứ mà chúng ta can dự và có phần cộng đồng trách nhiệm.
Cuốn sách này bắt đầu
bằng những câu chuyện xảy ra trong ngày 30-4-1975. Ngày mà tôi, một cậu bé mười
ba, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì nghe loa phóng thanh truyền
tin “Sài Gòn giải phóng”. Thay vì tiếp tục ăn thua, chúng tôi buông nhau ra.
Miền Nam, theo như những
bài học của chúng tôi, sẽ chấm dứt “20 năm rên xiết lầm than”. Trong cái thời
khắc lịch sử ấy, trong đầu tôi, một sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa,
xuất hiện ý nghĩ: phải nhanh chóng vào Nam để giáo dục các bạn thiếu niên lầm
đường lạc lối.
Nhưng hình ảnh miền
Nam đến với tôi trước cả khi tôi có cơ hội rời làng quê nghèo đói của mình.
Trên quốc lộ Một bắt đầu xuất hiện những chiếc xe khách hiệu Phi Long thỉnh thoảng
tấp lại bên những làng xóm xác xơ. Một anh chàng tóc ngang vai, quần loe, nhảy
xuống đỡ khách rồi đu ngoài cánh cửa gần như chỉ trong một giây trước khi chiếc
xe rú ga vọt đi. Hàng chục năm sau, tôi vẫn nhớ hai chữ “chạy suốt” bay bướm, sặc
sỡ sơn hai bên thành xe. Cho tới lúc ấy thứ tiếng Việt khổ lớn mà chúng tôi
nhìn thấy chỉ là những chữ in hoa cứng rắn viết trên những băng khẩu hiệu kêu gọi
xây dựng chủ nghĩa xã hội và đánh Mỹ.
Những gì được đưa ra từ
những chiếc xe đò Phi Long thoạt đầu thật giản đơn: Mấy chiếc xe đạp bóng lộn xếp
trên nóc xe; cặp nhẫn vàng chóe trên ngón tay một người làng tập kết vừa về Nam
thăm quê ra; con búp bê nhựa – biết nhắm mắt khi nằm ngửa và có thể khóc oe oe
– buộc trên ba lô của một anh bộ đội phục viên may mắn.
Những cuốn sách của
Mai Thảo, Duyên Anh… được các anh bộ đội giấu dưới đáy ba lô đã giúp bọn trẻ
chúng tôi biết một thế giới văn chương gần gũi hơn Rừng Thẳm Tuyết Dày[1], Thép
Đã Tôi Thế Đấy[2]… Những chiếc máy Akai, radio cassettes, được những người hàng
xóm tập kết mang ra, giúp chúng tôi biết những người lính xa nhà, đêm tiền đồn
còn nhớ mẹ, nhớ em, chứ không chỉ có “đêm Trường Sơn nhớ Bác”. Có một miền Nam
không giống như miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi.
Tôi vẫn ở lại miền Bắc,
chứng kiến thanh niên quê tôi đắp đập, đào kênh trong những năm “cả nước tiến
nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Chứng kiến khát vọng
“thay trời, đổi đất sắp đặt lại giang san” của những người vừa chiến thắng
trong cuộc chiến ở miền Nam… Chứng kiến cũng những con kênh đó không những vô dụng
với chủ nghĩa xã hội mà còn gây úng lụt quê tôi mỗi mùa mưa tới.
Năm 1983, tôi có một
năm huấn luyện ở Sài Gòn trước khi được đưa tới Campuchia làm chuyên gia quân sự.
Trong một năm ấy, hai cô em gái của Trần Ngọc Phong[3], một người bạn học chung
ở trường sỹ quan, hàng tuần mang tới cho tôi bốn, năm cuốn sách. Tôi bắt đầu biết
đến rạp chiếu bóng, Nhạc viện và sân khấu ca nhạc. Cho dù, đã kiệt quệ sau 8
năm “giải phóng”, Sài Gòn với tôi vẫn là một “nền văn minh”. Những năm ấy, góc
phố nào cũng có mấy bác xích lô, vừa mỏi mòn đợi khách vừa kín đáo đọc sách.
Nhiều người trong số họ mới ở trong các trại cải tạo trở về. Tôi bắt đầu tìm hiểu
Sài Gòn từ câu chuyện của những bác xích lô quen như vậy…
Mùa Hè năm 1997, một
nhóm phóng viên vì nhiều lý do phải rời khỏi tờ báo Tuổi Trẻ như Đoàn Khắc
Xuyên, Đặng Tâm Chánh, Đỗ Trung Quân, Huỳnh Thanh Diệu, Nguyễn Tuấn Khanh, Huy
Đức… Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi với các đồng nghiệp như
Thúy Nga, Minh Hiền, Thế Thanh, Cam Ly, Phan Xuân Loan… Thế Thanh lúc ấy cũng vừa
bị buộc thôi chức Tổng biên tập báo Phụ Nữ Thành Phố, và cũng như Tổng biên tập
báo Tuổi Trẻ Kim Hạnh trước đó, chị không được tiếp tục nghề báo mà mình yêu
thích.
Chúng tôi nói rất nhiều
về thế sự, về những gì xảy ra trên thế giới và ở đất nước mình. Một hôm ở nhà Đỗ
Trung Quân, nhà báo Tuấn Khanh, người vừa gặp rắc rối sau một bài báo khen ngợi
ca sỹ bị coi là chống cộng Khánh Ly, buột miệng nói với tôi: “Anh phải viết lại
những gì diễn ra ở đất nước này, đấy là lịch sử”. Gần như không mấy ai để ý đến
câu nói đó của Tuấn Khanh, nhưng tôi thì cứ bị nó đeo bám. Tôi tiếp tục công việc
thu thập tư liệu với một quyết tâm cụ thể hơn: Tái hiện giai đoạn lịch sử đầy
bi kịch của Việt Nam sau năm 1975 trong một cuốn sách.
Rất nhiều thế hệ, kể cả
con em của những người đã từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, sau ngày
30-4-1975, cũng trở thành sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, nhiều người không biết một
cách chắc chắn điều gì đã thực sự xảy ra thậm chí với ngay chính cha mẹ mình.
Không chỉ thường dân, cho đến đầu thập niên 1980, nhiều chính sách
làm thay đổi số phận của hàng triệu sinh linh như “Phương án II”[4], như “Z
30”[5] cũng chỉ được quyết định bởi một vài cá nhân, nhiều người là ủy viên Bộ
chính trị cũng không được biết. Nội bộ người Việt
Nam đã có nhiều đụng độ, tranh cãi không cần thiết vì chỉ có thể tiếp cận với lịch
sử qua những thông tin được cung cấp bởi nhà trường và bộ máy tuyên truyền.
Không chỉ các thường dân, tôi tin, những người cộng sản có lương tri cũng sẽ
đón nhận sự thật một cách có trách nhiệm.
Cuốn sách của tôi bắt
đầu từ ngày 30-4-1975, ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam.
Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác
bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc. Hãy để cho các nhà kinh tế chính trị
học và các nhà xã hội học nghiên cứu kỹ hơn hiện tượng lịch sử này. Cuốn sách của
tôi đơn giản chỉ bắt đầu kể những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày
30-4: cải tạo; đánh tư sản; đổi tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc
chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc.
Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, nói về sự “đồng
khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để dành lấy cái quyền được tự
lo lấy cơm ăn áo mặc.
Tư liệu cho cuốn sách
được thu thập trong hơn hai mươi năm, và trong vòng ba năm (từ tháng 8-2009 đến
tháng 8-2012) tôi đã dành toàn bộ thời gian của mình để viết. Bản thảo cuốn
sách đã được gửi tới một số thân hữu và một số nhà sử học, trong đó có 5 nhà sử
học uy tính của Mỹ chuyên nghiên cứu về Việt Nam. Sau khi sửa chữa, bổ sung,
tháng 11-2012, bản thảo hoàn chỉnh đã được gửi đến một số nhà xuất bản trong nước,
tuy nhiên, nó đã bị từ chối. Cho dù một số nhà xuất bản tiếng Việt có uy tín tại
Mỹ và Pháp đồng ý in, nhưng để lãnh trách nhiệm cá nhân và giữ cho cuốn sách một
vị trí khách quan, tác giả quyết định tự mình đưa cuốn sách này đến tay bạn đọc.
Đây là công trình của
một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật. Tuy tác giả có những cơ hội quý giá để tiếp
cận với các nhân chứng và những thông tin quan trọng, cuốn sách chắc chắn không
tránh khỏi những thiếu sót, chắc chắn sẽ còn được bổ sung khi một số tài liệu
được Hà Nội công bố. Hy vọng bạn đọc sẽ giúp tôi hoàn thiện nó trong những lần
xuất bản sau.
Lịch sử cần được biết
như nó đã từng xảy ra và sự thật là một con đường đòi hỏi chúng ta không bao giờ
bỏ cuộc.
Sài Gòn – Boston
(2009-2012)
…………………………
[1] Tiểu thuyết
cách mạng của Trung Quốc.
[2] Tiểu thuyết
cách mạng của Liên Xô.
[3] Đạo diễn điện
ảnh.
[4] Tổ chức cho
người Hoa nộp vàng để được vượt biên bán chính thức (1978-1979).
[5] Cải tạo những
người giàu lên bất thường (1983).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét