Ngân hàng bị 'nẫng tay trên' tài sản thế chấp
TP - Tài sản thế chấp của
ngân hàng, được đăng ký giao dịch bảo đảm đàng hoàng nhưng đột nhiên bị cơ quan
thi hành án (THA) “nẫng tay trên”, trả cho một chủ nợ khác không được bảo đảm.
Chuyện hy hữu vừa xảy ra tại huyện An Dương (TP Hải Phòng).
Lô tài sản thế chấp của BIDV bị THA huyện An Dương (Hải Phòng)
cưỡng chế cho khoản vay không có tài sản đảm bảo
Tháng 10-2010, Ngân
hàng BIDV- chi nhánh Bắc Hà Nội và Công ty cổ phần luyện Gang Vạn Lợi (Công ty
Gang Vạn Lợi-Hải Phòng) ký hợp đồng thế chấp tài sản số 2010/1992426.
Theo đó, Công ty Gang Vạn Lợi đã thế chấp tòan bộ tài sản hình thành
từ vốn vay gồm nguyên vật liệu (quặng sắt, than cốc), phụ gia trong khâu sản xuất
đến thành phẩm.
Số lượng quặng được thế chấp là
100.000 tấn, trị giá 59,4 tỷ đồng do Công ty Gang Vạn Lợi mua từ Tổng
công ty Thép Việt Nam.
Hợp đồng thế chấp, tài
sản đã được ngân hàng đăng kí giao dịch bảo đảm và chuyển vào tài khoản của Tổng
Công ty Thép Việt Nam 47,5 tỷ đồng, thanh toán tiền mua quặng cho Cty Gang Vạn
Lợi.
Hiện hợp đồng tín dụng
trên vẫn đang còn hiệu lực, tài sản đảm bảo được phía BIDV cử cán bộ luôn giám
sát gắt gao. Tuy nhiên, tháng 4-2012, Công ty Gang Vạn Lợi bị Công ty Tứ Đỉnh (Lào Cai)
khởi kiện đòi nợ hơn 13,4 tỷ đồng.
Việc cơ quan
thi hành án bắt tài sản đang thế chấp để trả nợ cho khoản vay không có tài sản
bảo đảm thì quả là liều!
Luật sư Phạm Thanh Sơn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
|
Đôi bên hòa giải
thành, Công ty Gang Vạn Lợi phải trả cho Công ty Tứ Đỉnh nợ gốc và lãi là 12,2
tỷ đồng, được tòa
chấp thuận. Nhưng hết thời hạn, phía Công ty
Gang Vạn Lợi không tự nguyện trả nợ, nên ngày 3-7, chấp hành viên Chi cục THA
huyện An Dương đã ra quyết định số 155 tịch thu tài sản do bên thứ ba giữ là
20.600 tấn quặng sắt Limonite (tương ứng số tiền 12,2 tỷ đồng), trong tổng số
35.955 tấn quặng trong mỏ Quý Xa-Lào Cai.
Đồng thời, yêu cầu Tổng
Công ty Thép Việt Nam phải bàn giao tài sản để thi hành án, dù thực tế tài sản
này không còn thuộc quyền sở hữu của Tổng Cty thép Việt Nam. Oái oăm, số quặng
này lại chính là tài sản thế chấp của BIDV Bắc Hà Nội.
Ông Nguyễn Thanh Tùng,
Trưởng phòng quan hệ khách hàng BIDV Bắc Hà Nội, cho biết: Ngay khi biết tin lô
hàng là tài sản thế chấp bị THA, chúng tôi đã nhiều lần gặp gỡ, cung cấp tài liệu
đầy đủ về lô hàng đang thế chấp cho Chi cục Thi hành án An Dương và yêu cầu họ
thu hồi quyết định 155, nhưng họ vẫn cố tình cho bán đấu giá vào ngày 7-12.
Cơ quan thi hành án kê biên trái luật
Theo Điều 90, Luật THA
dân sự, khi kê biên tài sản đang cầm cố thế chấp, chấp hành viên phải thông báo
ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận
cầm cố, nhận thế chấp (có đăng ký giao dịch bảo đảm) được ưu tiên thanh toán
theo quy định.
Theo BIDV Bắc Hà Nội,
hiện phía Công ty Gang Vạn Lợi nợ đơn vị này cả gốc và lãi tới 94 tỷ đồng,
trong khi đó giá trị lô hàng thế chấp hiện chỉ khoảng 70 tỷ đồng. Như vậy, số
tài sản bảo đảm này không đủ để trả cho khoản nợ được bảo đảm, nên việc THA An
Dương cưỡng chế để trả nợ cho khoản nợ không được bảo đảm là hoàn toàn trái luật.
Những ngày qua, BIDV Bắc
Hà Nội liên tiếp có đơn gửi Tổng Cục Thi hành án, Viện KSND Tối cao, Viện KSND
TP Hải Phòng đề nghị Chi cục THA dân sự An Dương dừng THA.
Ngày 30-11, Viện KSND Tối cao đã có căn
bản yêu cầu Viện KSND TP Hải Phòng kiểm tra việc THA này. Tuy nhiên, ngày
17-12, Chi cục THA dân sự An Dương vẫn ra thông báo về việc sẽ chi trả tiền THA
vào ngày 18-12 cho Cty Tứ Đỉnh.
Theo luật sư Phạm Thanh
Sơn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Luật THA quy định rõ, khi có căn cứ chứng minh
tài sản thế chấp đó đang được đảm bảo cho nghĩa vụ, khoản vay khác thì không được
kê biên tài sản đó. Nguyên tắc xử lý tài sản là ưu tiên chủ nợ có tài sản đảm bảo
trước.
Theo ông Sơn, trường hợp
này, ngân hàng có thể khởi kiện hành chính quyết định kê biên, thu hồi tài sản
gây thiệt hại cho ngân hàng để đòi lại quyền lợi hợp pháp.
Quỳnh Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét