Chính trường Trung Quốc
đang báo hiệu những chuyển thay lớn. Tân lãnh tụ Tập Cận Bình vừa mới tuyên bố
rằng đảng Cộng sản sẵn sàng và cam kết sẽ làm việc chung với các đảng phái
khác, theo tinh thần đa đảng, đồng thời ủng hộ ý kiến để các đảng khác (không
phải Cộng sản) giữ một vai trò quan trọng trong chính quyền.
Bản tin của Tân Hoa Xã
nói là ông Tập hứa hẹn và cam kết tham khảo ý kiến cũng như lắng nghe các đề
nghị từ các đảng phái khác với mục tiêu để đảng Cộng sản có thể phục vụ dân
chúng hữu hiệu hơn.
Ngay sau khi lên nắm
quyền tối thượng với vai trò Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước và Chủ tịch quân ủy
trung ương, ông Tập đã tiếp kiến các tân lãnh tụ của 8 đảng ngoài Cộng sản. Điều
đặc biệt là 8 đảng phái này đều là những người hết lòng ủng hộ đảng Cộng sản,
và được nhà nước cấp phép hoạt động công khai (theo RFA).
Ở một động thái khác, ông Tập cùng thế hệ lãnh đạo
mới của Trung Quốc đang muốn cải thiện, tạo dựng một hình ảnh khác theo hướng gần
gũi, thân thiện với người dân.
Hình chụp các nhà lãnh
đạo trong Ban thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực của Trung Quốc được đưa trên
các mặt báo những ngày gần đây rõ ràng nhằm tạo dựng một hình ảnh khác theo hướng
thân thiện với dân chúng.
Đó là bức ảnh ông Tập
Cận Bình, nhân vật đứng đầu, người quyền lực nhất Trung Quốc bình dị đèo con
gái thư thái trên một chiếc xe đạp.
Trước đó không lâu,
Trung Quốc cũng đã ban hành một sắc lệnh “không hoa, không quà, không thảm đỏ
cho lãnh đạo”. Băngrôn, thảm đỏ, hoa, phong tỏa đường phố, tặng quà kỷ niệm
trong các chuyến thăm của lãnh đạo… sẽ nằm trong danh sách bị hạn chế. Các quan
chức quân đội cũng buộc phải nói “không” với các loại rượu đắt tiền và tiệc
tùng xa hoa. Thay vào đó, họ sẽ buộc phải dùng các bữa ăn tự chọn đơn giản,
bình dân. Vừa mới tháng 7/2012, Trung Quốc đã ra lệnh cấm đưa món súp vi cá mập
vào các bữa tiệc chiêu đãi quan chức.
Theo bản qui định “15
điều” do chính quyền thủ đô Bắc Kinh ban hành yêu cầu quan chức lãnh đạo phải hạn
chế các hội nghị tốn kém, giảm số người tháp tùng, đơn giản hóa việc tiếp đón.
Dẹp bỏ các bài báo ca tụng lãnh đạo hoặc đưa tin về các buổi triển lãm, cắt
băng khánh thành và các hoạt động, nghi lễ khác. Thậm chí còn qui định rất cụ
thể, khắt khe rằng một bản tin quan trọng không vượt quá 800 chữ, thời gian
phát sóng trên truyền hình không được vượt quá 1 phút.
Ông Tập nói: ông rất ngạc nhiên khi lãnh tụ Cuba Raul Castro chỉ tổ
chức một bữa tiệc mừng rất nhỏ trong dinh thự giản dị của mình để chiêu đãi ông
và tùy tùng. Ông cũng rất ấn tượng trước việc Tổng thống Nga Putin không thích
chặn giao thông mỗi khi đoàn xe của ông di chuyển quanh điện Kremlin (theo Tuổi Trẻ).
Để có những chuyển
thay lớn, nên bắt đầu từ những nghi thức, thậm chí cả những cách đi đứng ăn uống
thường nhật tưởng chừng giản đơn ấy. Và phải bắt đầu chỉnh sửa, thay chuyển, loại
bỏ từ cấp cao nhất, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội,
nhóm quan chức Bộ Chính trị, trung ương ủy viên.
Tôi nghe có tỉnh trên
Tây Nguyên nghèo khó vậy mà năm rồi khi Thủ tướng về làm việc đã bưng tặng món
quà cho ông là một… tảng đá quí trị giá hàng tỷ đồng (khiến sau đó Thủ tướng phải
tặng lại địa phương để bán đấu giá lấy tiền dùng cho mục đích công ích).
Không thể để mãi tình
trạng Thủ tướng đến đâu cũng cờ phướn băng rôn biểu ngữ rợp trời, kẻ tên Thủ tướng
đỏ chói to đùng ngáng ngay đỉnh đầu. Không thể một ông Phó Thủ
tướng đến dự khai giảng một trường học phổ thông cũng bắt giáo viên và học sinh
đứng phơi nắng xếp hàng giương hồng kỳ
chào đón như vua chúa. Không thể một ông Phó Thủ tướng đi kiểm tra việc
chống gà lậu cũng phải căng bảng kẻ tên. Không thể một ông Chủ nhiệm văn
phòng chính phủ (dân tình gọi là cậu Chánh văn phòng, người lo
công việc hành chính trị sự “bếp núc” của văn phòng chính phủ) mà đi làm việc
cũng để địa phương căng kẻ biểu ngữ ghi tên mình như thánh tướng.
Tôi biết chuyện năm rồi,
khi một ông vừa trúng Bộ Chính trị, kéo bầu đoàn thê tử xe dẹp đường ụ còi “gâu
gâu” vào inh ỏi cả đô thị di sản Hội An. Ông Sự (Nguyễn Sự, Bí thư Hội An) tức
khí không thèm tiếp, chỉ lẳng lặng cử một tay phó đến đón. Tối ăn cơm ông cũng
không thèm tiếp, giả cáo nhà… có giỗ.
Mấy chục năm làm báo,
tôi nghe và biết nhiều cụ đi đâu cũng đòi phải có báo chí truyền hình, đòi đưa
tin trang nhất. Tay phóng viên nào sơ ý không chụp cận cảnh hoặc lia máy không
biết zoom rõ mặt các cụ thì i rằng hôm sau bị nhắc nhở, khiển trách.
Thay chuyển, phải bắt
đầu từ những việc dễ thấy vậy. Toàn bộ máy quan chức cao cấp hiện thời, tôi thấy mỗi ông Trọng
Tổng Bí thư là nhân vật giản dị, gần gũi, ít khoa trương nhất. Chỉ thị cấm “nhiệt
liệt chào mừng” và băng rôn cờ phướn chào đón của Ban Bí thư dường như cũng chỉ
mình ông thực hiện nghiêm túc nhất.
Không thể tưởng tượng
và chấp nhận được cảnh một vị tiến sĩ, kiến trúc sư lên bục nhận giải thưởng
nhà nước cao quí lại phải cúi gập hết
thân mình, dang cả hai tay để ôm bắt tay ông Chủ tịch nước. Sự hèn mạt của người trí thức
là một lẽ. Nhưng về phía Chủ tịch nước sao lại thản nhiên thẳng lưng chìa tay
cho người ta bắt kiểu như ban cho vậy? Hiền
tài là nguyên khí quốc gia. Người đáng phải cúi gập lưng bắt tay các tác giả được
trao giải thưởng nhà nước cao quí trong trường hợp này chính là Chủ tịch nước.
“Chẳng rõ từ bao giờ nảy
sinh cái tệ cán bộ lãnh đạo “xuống” dân và cán bộ cấp dưới “hai tay xoa tít,
cái đít cong vòng”, một “báo cáo anh” hai “báo cáo anh”. Vua chúa bỗng nhảy xổ
vào chúng ta - những người Cộng sản. Đành rằng có một số qui định, nghi thức mà
phàm một quốc gia phát triển bình thường phải tuân theo, song làm nhạt nhòa mối
thâm tình với đồng bào, đồng chí sẽ như cánh cổng sơn son dẫn vào chế độ quan
liêu, vào… cung đình!” (Trần Bạch Đằng).
Việt Nam với Trung Quốc
cùng mô hình Cộng sản. Đảng, nhà nước và chính phủ Việt học sao nguyên bản rất
nhiều việc của Tàu. Thế nhưng tại sao những điểm quá dễ dàng và các động thái
giản đơn như thế của thế hệ Tập Cận Bình lại không được học tập, không biết…
làm theo?
Không thể chấp nhận nổi
những quan chức mà mở mắt ra là nghe dân chửi, chửi đến muối mặt (điểm này tôi
sẽ nhắc thêm trong bài “Việt Nam 2012” post vào đúng 0 giờ ngày đầu năm
1/1/2013). Không thể chấp nhận nổi những quan chức, những “lãnh tụ” mà gương mặt
lúc nào cũng cơng cơng như vua chúa, coi dân như cỏ rác, đến mức khi xin lỗi
dân cũng ngửa mặt cao ngạo như thách đố, đến cả nụ cười cũng đầy ngạo mạn thách
thức… Thậm chí
đến con cái của họ đi đâu cũng bầu đoàn thê tử đón rước, tháp tùng hầu hạ như
vua chúa.
Không lớn lao gì. Bắt
đầu phải thay chuyển từ những việc đó.
- Bấm đọc lại: Nhìn từ Trung
Quốc
dung co nhac den viet nam nua.
Trả lờiXóa