TS Nguyễn Ngọc Kỷ, nguyên cán bộ Cục Tin học Nghiệp vụ thuộc
Tổng cục Kỹ thuật, Hậu cần (Bộ Công an), đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ
kiến nghị dừng ngay việc cấp CMND mới đang được Bộ Công an triển khai tại Hà Nội
và nhiều tỉnh phía Bắc
Phóng viên: Trong văn bản
gửi Thủ tướng và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (vừa được chuyển từ Văn phòng
Chính phủ về Bộ Tư pháp), ông gọi việc đưa họ tên cha mẹ công dân vào CMND mới
là “tối kiến”?
TS Nguyễn Ngọc Kỷ: Nếu các bạn hỏi những người làm công tác tra
cứu căn cước, tàng thư (lưu giữ thông tin về CMND - PV) lâu năm trong ngành
công an xem việc này có cần thiết không thì họ sẽ nói có ích.
Lẽ ra, việc quản lý thông tin phải được sắp xếp theo dấu vân tay
và số CMND. Chỉ cần gõ số CMND trên hệ thống máy tính thì sẽ ra ngay kết quả và
có thông tin về công dân. Nhưng trong thực tế, công an đã không làm được việc sắp
xếp số CMND có hệ thống nên họ phải đi vòng.
Còn nếu hỏi những người nghiên cứu, thiết kế công nghệ thì tôi nói
hoàn toàn không cần thiết. Khi chúng tôi điện tử hóa hệ thống tàng thư thì chỉ
cần 30 giây (đối với tra theo dấu vân tay) thì sẽ có kết quả. Nếu tra số CMND
thì có kết quả tức thì.
Giấy CMND hay thẻ căn cước phải bảo đảm 3 điều: có thông tin
sinh trắc học để xác định một người; phải có cơ quan có thẩm quyền xác thực; phải
cấp số CMND duy nhất, không phải trong một thời gian mà trong cả cuộc đời công
dân. Hiện nay, chúng ta đang vi phạm nguyên tắc số CMND duy nhất. Khi làm căn
cước phải dùng thông tin của người đó, chẳng có lý do nghiệp vụ nào để dùng tên
bố mẹ của người ta cả.
Vì sao ông lại nói Bộ
Công an đang vi phạm nguyên tắc cấp số CMND duy nhất?
- Để bảo đảm công tác quản lý, mỗi công dân sẽ được cấp CMND với
số duy nhất, theo người đó từ khi đủ 14 tuổi tới khi chết. Lẽ ra, phải quy định
khi anh chuyển từ nơi này sang nơi khác sinh sống và nhập khẩu tại đó thì khi cấp
lại CMND, công an phải giữ nguyên số CMND ban đầu của họ, chỉ thay đổi thông
tin về nơi thường trú. Và khi đó, anh sẽ có hai bộ tàng thư, một ở địa phương
ban đầu, một bộ ở địa phương mới. Thế mà 36 năm qua, họ đã làm sai điều này.
Khi công dân chuyển từ địa phương này sang địa phương khác sinh
sống thì lại được thay đổi số CMND. Điều đó khiến nhiều công dân có tới 2-3
CMND với số quản lý khác nhau. Hệ căn cước chỉ ghi nhận thời điểm anh làm CMND
là anh ở nơi đó. Nếu cứ sang một địa phương mới lại phải làm số mới thì sẽ
nhanh chóng lạc hậu ngay.
Nếu muốn biết thông tin một công dân đã có CMND, anh đang ở đâu
thì đưa hộ khẩu, anh đã chết và có mấy vợ, con thì kiểm tra hộ tịch. Điều mà Bộ
Tư pháp, Công an chưa chú ý là phải xây dựng hệ dân cư gốc. Rồi sẽ phải đến một
ngày công dân khi đến làm thủ tục tại các cơ quan không cần phải mang hồ sơ
theo bởi vì thông tin có trên vân tay của họ.
Nhưng liệu đó có phải
do kho 9 số đã cạn và phải chuyển lên 12 số để đáp ứng nhu cầu quản lý?
- CMND cũ 9 chữ số đã bám rễ sâu trong tất cả các ngành, trong hộ
tịch, hộ khẩu, sổ đỏ, mã số thuế, thẻ ngân hàng, bằng lái xe... Nay nếu thay đổi
số mới là phá vỡ thành quả 36 năm qua và phải mất nhiều năm nữa để theo kịp
ngày hôm nay. Đúng là nhiều người đã lầm tưởng kho 9 số đã cạn nên phải chuyển
lên 12 số nhưng thực tế không phải vậy.
Chỉ riêng với kho số ấy thôi cũng đã đủ cấp cho gần 10 tỉ người.
Trong dãy 9 số đó thì 2 số đầu là ký hiệu cho địa phương, 7 số sau để đánh số
công dân. Nguyên tắc của số CMND là càng ngắn càng tốt, nếu tôi thay đổi dãy 9
số, thêm và thay vào đó dãy từ số 00-AA tới 00- ZZ thì có thể dùng cấp số CMND
cho cả hành tinh này.
Việc quy định cấp CMND mới
có 12 chữ số vi phạm nguyên tắc sơ đẳng là không kế thừa số cũ đang được biết
bao cơ quan lưu giữ. Nếu hỏi các chuyên gia nước ngoài thì họ cũng đều bảo phải
giữ lại 9 chữ số mới là đúng.
Đề nghị dừng
TS Nguyễn Ngọc Kỷ cho biết: “Tôi đã báo cáo ở Bộ Công an nhưng
không được tiếp thu. Điều đó khiến tôi tìm tới Văn phòng Chính phủ để họ báo
cáo lên Thủ tướng. Việc cần thiết nhất bây giờ là phải dừng ngay việc mở rộng
triển khai cấp CMND mới với phần ghi họ tên cha mẹ và 12 số. Đồng thời bỏ
ngay quy định khi chuyển hộ khẩu từ tỉnh này sang tỉnh khác phải làm lại CMND
mới tại tỉnh mới với số mới.
Hiện đại hóa hệ thống tàng thư là rất cần thiết. Lẽ ra phải hiện
đại hóa hệ thống tàng thư cũ với khoảng 3-5 năm, sau đó tiếp tục cập nhật hệ
thống mới thì sau này truy cập mạng sẽ lập tức biết được ngay 3 thông tin: họ
tên, số CMND, vân tay. Thậm chí có thể dùng điện thoại di động nhắn để biết
ngay thông tin này như hỏi mã số thuế”.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét