Bài diễn văn tại Hội
nghị Bác ái Á Châu – Thái Bình Dương, ngày 22 tháng 5, năm 2008, tại Hà Nội, Việt
Nam
Chúng tôi nhận được bài này từ một cộng tác viên gửi cho, sau
khi đọc thấy không thể không đưa lên trang mạng để đông đảo bạn đọc trong nước,
nhất là thế hệ trẻ Việt Nam, cùng chia sẻ với Giấc Mơ Việt Nam của TS Phùng
Liên Đoàn mà theo chúng tôi biết, sau gần 5 năm suy nghĩ thận trọng, vượt qua rất
nhiều khó khăn để hoàn tất một chương trình chi tiết, đến nay ông đã tiến hành
những bước khởi đầu thuận lợi.
Dẫu đây là bài diễn văn đã được chuyền nhau trong nhiều giới,
vẫn xin được coi lời mở đầu vắn tắt này như một thông điệp gián tiếp gửi đến
tác giả để xin phép, và cũng là bày tỏ sự kính trọng đối với tấm lòng nhiệt huyết
vì đất nước của ông.
Bauxite Việt Nam
Kính thưa quí vị,
Tôi là Phùng Liên Đoàn, 68 tuổi. Tôi đã đi học và làm việc ở Việt
Nam 21 năm, ở Hoa Kỳ 47 năm.
Tôi xin phép đọc bài thơ của Nguyễn Bá Trác mà tôi đã thay đổi
chút ít cho phù hợp với cuộc đời của tôi.
Trượng phu đã không hay xé gan chẻ cật phù cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương
Trời Nam nghìn dặm thẳm
Non nước một màn sương
Giấc mơ ngày lên đường.
Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương
Trời Nam nghìn dặm thẳm
Non nước một màn sương
Giấc mơ ngày lên đường.
Những dòng thơ kế tiếp đây cũng được tôi hiểu theo một cách đặc
biệt
Chí chưa thành
Danh chưa lập
Tuổi trẻ bao lâu mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Giấc mơ ngày lên đường!
Danh chưa lập
Tuổi trẻ bao lâu mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Giấc mơ ngày lên đường!
Thưa quí vị, tất cả chúng ta đều có những giấc mơ khi ta lớn
lên. Ta mơ ta sẽ là ai, mơ về những điều ta sẽ làm, những điều ta mong muốn, những
gì làm cho ta hạnh phúc, và tương lai của gia đình con cái ta.
Tôi sinh ra ở làng Bát Tràng, chỉ cách đây 7 km xuôi nước sông Hồng.
Các vị niên trưởng tại làng tôi rất tự hào về quá khứ huy hoàng của làng quê,
nơi đã có nhiều người đỗ học vị Tiến sĩ vào những thế kỷ 15-17. Nhưng khi tôi lớn
lên tại làng vào khoảng 1940–1949, tôi nhớ rõ là cả làng không có một nhà trẻ,
một trường học, một thư viện, một bệnh xá; và trẻ con chúng tôi phải đi chân đất
không có giầy. Người Pháp và người Nhật làm chủ chúng tôi. Họ sử dụng các viên
chức người Việt để áp chế người Việt. Tôi nhớ sơ sơ về nạn đói kinh hoàng năm
1945 khi tôi mới 6 tuổi. Tôi nhớ bố tôi đã rời nhà để lên rừng tham gia kháng
chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Tôi nhớ rõ mẹ tôi chỉ được đi học 2 năm vì phải
nuôi bố mẹ đau ốm và ở tuổi 24 đã phải một thân nuôi 6 anh em chúng tôi. Hai em
của tôi đã chết vì bệnh tật rất thông thường.
Lúc đó, giấc mơ của tôi là thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp, để
bố tôi trở về với gia đình và tôi được đi học ở Hà Nội.
Năm 1951 bố tôi về nhà thật, nhưng không phải là người chiến thắng
giặc Pháp mà là vì cụ quá yếu bởi sốt rét, và Việt Minh bảo cụ về nhà để cho mẹ
tôi lo. Mẹ tôi đưa bố tôi đi khám ở nhà thương cách nơi tôi đang đứng đây chỉ
vài ba dãy phố, và may thay, sau một thời gian chữa trị, bố tôi đã bình phục.
Sau khi vượt qua 2 kỳ thi hắc búa ở tuổi 11, tôi được nhận vào học
Trường trung học Nguyễn Trãi cách khách sạn này có vài ba tòa nhà. Và như vậy
tôi đã thực hiện được giấc mơ của tôi hồi thơ ấu. Tôi ở trọ gần ga Hàng Cỏ và
phải cuốc bộ đi học hàng ngày qua ngang Hỏa Lò, bây giờ là Khách sạn Hanoi
Tower, nhưng hồi đó là nhà tù khét tiếng vì đã là nơi giam hãm tra khảo nhiều
người Việt Nam yêu nước kể cả Nguyễn Thái Học và Lương Ngọc Quyến mà ngày nay
được đặt tên cho đường phố Hà Nội. Quý vị cũng rõ Hỏa Lò đã từng giam giữ nhiều
phi công Mỹ bị bắn rơi, kể cả John McCain, ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ năm
2008.
Giấc mơ của tôi lúc đó là có một chiếc xe đạp để đến trường học
nhanh hơn và thú vị hơn. Tôi đã không thực hiện được giấc mơ này cho mãi đến 3
năm sau.
Nhưng tôi là một học sinh tồi, xếp hạng 37 trên 49 học sinh. Và
tôi bị phạt “công xi” phải đến trường hai Chủ nhật liên tiếp vì tôi làm giả chữ
ký của bố tôi trong sổ học bạ. Hiện tôi vẫn còn giữ sổ học bạ đó để luôn luôn
ghi tạc rằng gian lận là không tốt. Bố mẹ tôi biết rằng tôi đang ở chỗ trọ
không tốt và hai cụ đã thu xếp cho tôi ở với người bà con đáng tin cẩn ở phố
Hàng Bát Sứ phía bên kia Hồ Hoàn Kiếm. Chúng tôi thuê một phòng 3mx3m ở trên một
căn bếp. Chúng tôi gồm 5 người, 3 người chú họ xấp xỉ tuổi của tôi, anh tôi và
tôi. Chúng tôi dùng ba tấm ván làm bàn học ban ngày và giường ngủ ban đêm. Tôi
học khá hẳn lên, được xếp vào năm học sinh có điểm cao nhất ở lớp 7.
Giấc mơ của tôi lúc đó là được ăn sáng trước khi đi học và một
que kem trong giờ ra chơi.
Tôi thực hiện được giấc mơ này khi bố mẹ tôi cho 5 đồng mỗi tuần.
Nhưng tôi mất 5 đồng đầu tiên khi bị người lớn ngoài công viên dụ chơi bài ba
lá. Kể từ đó đến giờ tôi không đánh bạc nữa cho dù tôi hiện sinh sống ở Las
Vegas.
Thế rồi cuộc đời tôi trôi theo số phận may mắn. Bố tôi tìm được
việc làm nhân viên Sở Duyên hải thuộc Bưu điện chính ở Sài Gòn. Gia đình chúng
tôi thu xếp vào Sài Gòn trên chiếc tàu mang tên Ville de Hai Phong. Đó là lần đầu
tiên vào tuổi 13 tôi được nhìn thấy một chiếc tàu to lớn và được lướt sóng đại
dương. Chúng tôi ngủ ở khoang dưới đáy tàu dành cho hành khách hạng tư. Nhưng
vào ban ngày thì chúng tôi được phép lên boong cao nhất để xem tàu vượt sóng.
Tôi nhìn thấy đại dương bên phía Đông và những rặng núi trải dài bên phía Tây.
Tôi tự hỏi nước tôi thực sự như vậy sao. Tại sao cuộc sống của người dân Việt Namlại
không đẹp như núi rừng kia và huy hoàng như bình minh đó?
Giấc mơ của tôi là một ngày không xa nước Việt Nam sẽ độc lập và
người Việt Nam được no ấm.
Như quý vị đã biết, một phần của giấc mơ đó đã là hiện thực. Nước
Việt Nambây giờ là một nước độc lập nhưng còn nhiều người Việt Nam chưa được no
ấm.
Tôi may mắn được nhận vào Trường trung học Petrus Ký ở Sài Gòn,
một trong bốn trường trung học lớn của thành phố. Tôi được ăn học bình thường 5
năm nhờ công việc ổn định của bố tôi và nhờ mẹ tôi cũng buôn bán thêm. Tôi có
chiếc xe đạp đầu tiên vào năm 14 tuổi, một tài sản quan trọng mà gia đình tôi
đã giữ 20 năm liền. Tôi có chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên khi tôi đỗ bằng Thành
chung, một mốc quan trọng thời bấy giờ vì nếu không đỗ thì không được học cao
hơn. Tôi chơi với các bạn ham học, và chúng tôi có nhiều Giáo sư rất ấn tượng.
Tôi còn nhớ rõ có 3 Giáo sư tôi ngưỡng mộ nhất. Đó là ông Nguyễn Xuân Nghiên, dạy
vật lý; ông Nguyễn Văn Phú, dạy toán; và ông Lê Xuân Khoa, dạy sử. Những Giáo
sư này đã gây ảnh hưởng rất lớn với tôi. Tôi đã chọn toán và vật lý làm môn học
chuyên trên đại học. Và tôi đã đạt một giải thưởng toàn quốc về lịch sử ở tuổi
16. Tôi rất hãnh diện giới thiệu Giáo sư Lê Xuân Khoa có mặt ngày hôm nay với
chúng ta. Sau năm 1975, Giáo sư Khoa làm việc ở Washington với chức vụ Chủ tịch
Trung tâm Hoạt động Giúp người tị nạn Đông Nam Á. Trong chức vụ này, Giáo sư
Khoa đã làm việc với nhiều chính khách và các hội từ thiện khắp thế giới. Giống
như Giáo sư đã dạy dỗ tôi, từ 1975 ông đã dẫn dắt nhiều thế hệ trẻ người Mỹ gốc
Việt làm việc giúp ích cộng đồng. Một số những người này cũng có mặt ở đây hôm
nay. Tôi xin giới thiệu:
- Diệp Vương, Chủ tịch Hội Vòng tay Thái Bình (Pacific
Links) tại California,
- Quyên Vương, Chủ tịch Hội Quốc tế giúp đỡ trẻ em
(International Children Assistance Network) tại California,
- Dee Dee Nguyễn, Giám đốc Phát triển của Hội Can thiệp Quốc
tế (Impact International), và
- Binh Rybacki, Chủ tịch Hội Trẻ em hòa bình (Children of
Peace) tại Colorado.
Mặc dầu đã về hưu từ lâu, Giáo sư Khoa vẫn hoạt động tích cực
hơn bao giờ hết. Ông vừa xuất bản một cuốn sách quan trọng về lịch sử Việt Nam
trong thời kỳ 1945-1975, một thời kỳ có nhiều biến động hơn bất cứ thời kỳ nào
của lịch sử Việt Nam trong 1000 năm qua. Tôi xin cảm ơn thầy Khoa.
Khi theo học với giáo sư Khoa vào lúc 16 tuổi, tôi có nhiều thắc
mắc về lịch sử Việt Nam. Nước tôi tiếng là có 4.000 năm văn hiến nhưng sự thực thì 2.000 năm
chỉ là huyền thoại, 1.000 năm bị Trung Hoa thống trị với vài ba cuộc nổi dậy bởi
các vị lãnh chúa muốn tự mình cai trị lãnh thổ. Còn 1.000 năm từ 937 tới giờ
thì Việt Nam mang tiếng là độc lập nhưng người dân phải gánh chịu rất nhiều
tang tóc bởi những cuộc chiến tranh với Trung Hoa ở miền Bắc, với người Chàm ở
miền Nam và nội chiến liên miên. Chúng ta ai cũng biết rằng trong thời chiến 1945-1975 người
Việt chịu nhiều tang tóc, nhưng ít ai biết rằng ông cha chúng ta đã phải chịu cảnh
chiến tranh suốt 400 năm từ thời Trần Mạt, Hồ Quý Ly thoán ngôi, Nam Bắc phân
tranh, Lê mạt, và thực dân Pháp đô hộ. Với tầm suy nghĩ của một học sinh trung học lúc đó,
tôi cho rằng nước Việt Nam có nhiều anh hùng nhưng ít vĩ nhân. Anh hùng là những người
can đảm đã hy sinh thân mình hay khéo léo dẫn dắt cho nhiều người khác thắng lợi.
Vĩ nhân là những người tạo lập được thành đạt cho quốc gia và cho nhiều người
dân một cách lâu dài bền vững. Nước Việt Nam vì có nhiều chiến tranh nên có nhiều anh hùng,
nhưng sau mỗi thắng lợi đánh đuổi ngoại xâm, những anh hùng của chúng ta trở
thành vua chúa nắm quyền lực tuyệt đối để ngự trị quần chúng. Họ phần lớn ít học
và ít kinh nghiệm trong nghệ thuật cai trị và quản lý đất nước trong thời bình.
Giấc mơ của tôi là mai sau
Việt Nam có nhiều vĩ nhân xây dựng Việt Nam thành một quốc gia thịnh vượng; một
xã hội tự do, dân chủ, văn minh.
Lúc đó tôi chưa biết rằng mọi người Việt Nam ai cũng mơ ước như
vậy. Vì thế, ngày nay tôi gọi đó là Giấc Mơ Việt Nam.
Năm 1958, tôi may mắn là một trong số 14 sinh viên trúng tuyển
được học bổng đi Mỹ du học. Đối với một học trò nghèo làng Bát Tràng thì học bổng
hãn hữu này là chìa khóa mở cửa cho tôi lên thiên đường. Nước Mỹ, nước Mỹ! Tôi
đã đọc rất nhiều về lịch sử Mỹ. Tôi đã vẽ bản đồ nước Mỹ hàng trăm lần! Vào thời
đó phải mất ba ngày mới vượt qua được Thái Bình Dương trên máy bay cánh quạt.
Ngày đầu tiên đặt chân đến lục địa Mỹ, tôi kinh ngạc khi thấy cây cầu Golden
Gate không chỉ bắc qua một con sông mà là qua một eo bể. Tôi ngạc nhiên trước
các con đường rộng rãi sạch sẽ và những dãy nhà to lớn đẹp đẽ không có chút gì
giống những khu ổ chuột của tôi tại quận Bàn Cờ ở Sài Gòn. Rồi khi tôi ghi học
tại Florida State University (FSU), tôi còn biết thêm thế nào là một xã hội tự
do dân chủ và văn minh. Nước Mỹ rõ ràng không hoàn hảo nhưng là một xã hội tự do, dân chủ,
văn minh, vì tôi thấy lãnh đạo và người dân ở đó chung sức cải thiện xã hội từng
ngày. Ở đó
người ta thực hiện tự do thật sự bằng cách tha hồ tranh luận, biểu tình một
cách công khai. Ở đó lãnh đạo đi từng nhà tranh cử, hứa hẹn làm điều lợi ích
cho người dân, và họ bị báo chí theo dõi tố cáo nếu không thực hiện lời hứa. Ở
đó Nhà thờ và các tổ chức dân sự giúp đỡ cho người dân nghèo nhiều đến nỗi nếu
ai không vượt qua khỏi các khó khăn thì chỉ nên trách lấy chính mình. Ở đó sinh
viên được khuyến khích tìm tòi, suy nghĩ, tưởng tượng, khởi xướng và sáng tạo.
Giấc Mơ Việt Nam luôn luôn ám ảnh tôi trong thời gian du học. Việt
Nam có thể trở thanh một xã hội tự do, dân chủ, văn minh nhanh chóng không? Khẩu
hiệu “Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc” có đạt được không? Khi nào, vâng khi nào thì
nước Việt Nam có thể cho người dân tự do tụ họp, tranh luận, và cơ hội thoát khỏi
đói nghèo?
Tôi tốt nghiệp hạng ưu sau ba năm học tại FSU và được nhận vào
ban cao học tại Trường Massachusetts Institute of Technology (MIT). Thời gian
vào những năm 1961 và 1964 ở MIT đã giúp tôi có một tầm nhìn rõ hơn về nền khoa
học và kỹ thuật của nước Mỹ. Giáo sư của tôi là những người tài giỏi, một vài
người đã được giải thưởng Nobel. Họ là những người đang dò dẫm những bước tiến
mới ở tiền tuyến hiểu biết của nhân loại. Teflon, maser, laser, truyền tin bằng
ánh sáng, cấy sinh vật mới bằng tế bào cũ, máy vi tính, kỹ thuật li ti, nguồn gốc
của không gian và thời gian, là những ý tưởng họ đang khảo cứu và bây giờ coi
như đã thành hiện thực. Tôi bắt đầu thấu hiểu sự mênh mông của kiến thức và
tính tương đối của mọi vấn đề trong cuộc sống. Ở bậc cao học sinh viên phải
theo đuổi những cái mới mẻ đặc thù chứ không phải chỉ học vẹt và nhai lại các
việc người khác đã làm. Nhưng vào năm 1963 khi tôi đang nghiên cứu luận án Thạc
sĩ thì tôi phải đối mặt với hai quyết định làm thay đổi cuộc đời. Đó là (1) phải
chọn lựa dứt khoát tiếp tục học ngành vật lý hay ngành kỹ thuật nguyên tử, và
(2) trở về Việt Nam khi hết học bổng hay trốn đi một nước khác để tránh chiến
tranh đang diễn ra rất tàn khốc ở quê nhà. Mặc dầu tôi đậu bằng Thạc sĩ cả về vật
lý và kỹ thuật nguyên tử, tôi đã chọn con đường thứ hai bởi vì tôi rất mong có
cơ hội sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích hòa bình. Mặc dầu tôi có thể đi Canada
hoặc Pháp để tránh chiến tranh nhưng tôi đã chọn trở về ViệtNam vì muốn tuân thủ
cam kết tôi đã ký khi nhận học bổng. Cho đến ngày hôm nay tôi không hề hối hận
về các quyết định đó.
Những thách thức tôi phải đối mặt ở Việt Nam trong những năm
1964-1967 không dính dáng gì tới kỹ thuật hay khoa học, mà thực ra là nghệ thuật
sinh tồn và phương cách giúp cha mẹ tôi nuôi 10 anh chị em của tôi ăn học. Lúc đó,
Tổng thống Ngô Đình Diệm của Nam Việt Nam và Tổng thống Kennedy của Mỹ vừa bị
ám sát cách nhau chỉ vài tháng. Chiến tranh đang ở thời kỳ leo thang. Tôi làm
việc tại Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt với kết quả chẳng ăn nhằm gì với
đời sống thực tế và chỉ được trả một khoản lương khiêm tốn đến nỗi tôi tính phải
dành dụm 10 năm mới mua được một chiếc xe hơi, nếu vật giá không leo thang.
Trong hoàn cảnh ấy, tôi thấy đất nước đã lãng phí nguồn viện trợ quý giá của nước
ngoài để xây dựng Trung tâm nghiên cứu nguyên tử cũng như đào tạo tôi trở thành
Kỹ sư nguyên tử. Tôi làm sao có thể cải thiện cuộc sống của hàng triệu người mà
sự đói nghèo là nguyên nhân của mọi khốn khó họ phải chịu đựng? Tôi làm sao có
thể giải quyết những vấn đề thực phẩm, y tế, giáo dục, thiên tai, luật pháp và
an ninh trật tự của đất nước? Lãnh đạo của nước tôi đã chỉ biết theo đuổi những việc thiển cận
như dùng viện trợ nước ngoài để đào tạo nhân tài mà theo họ sẽ giúp quốc gia
nhanh chóng nhảy vọt thành những con rồng, con cọp của Á Châu. Nhưng thực tế
khi đó và thực tế bây giờ cho thấy phần lớn những người tài giỏi đó đã học những
điều không thể ứng dụng được ở Việt Nam bởi vì hệ thống xã hội, chính trị, dân
sinh tại Việt Nam chưa sẵn sàng tiếp nhận những cái học dựa trên sự kiện xã hội
của các nước tiên tiến. Những nhân tài này bỗng nhiên trở thành các trưởng giả loại mới
hoặc trở nên lạc lõng trong thực trạng xã hội Việt Nam. Phần lớn họ sẽ tìm cách
sinh sống tại những nước họ theo học, một hiện tượng mà từ lâu thế giới đã biết
và gọi là hiện tượng chảy máu chất xám.
Với kiến thức lúc đó, tôi mơ ước là có cơ hội thuyết phục lãnh đạo
để lập kế hoạch 100 năm trồng người và kiến thiết một nền móng phát triển bên vững
cho quốc gia.
Kế hoạch của tôi trước hết là tạo lập một mẫu người Việt Nam và
kinh tế Việt Nam vào năm 2100 một cách hết sức thực tế và khiêm nhường. Có mẫu
này làm mục đích, ta sẽ dùng mọi kiến thức và phương pháp của nhân loại đã được
kiểm chứng là tốt để lập nên kế hoạch phát triển, và tuần tự nhi tiến đưa dân
trí và kinh tế đến viễn tượng mong muốn. Dĩ nhiên, mô hình này phải được điều chỉnh hàng
năm, nhưng ý chí của lãnh đạo phải hết sức kiên trì và hệ thống Chính phủ phải
hết sức trong sáng thì mới mong giúp cho đại đa số người dân đạt đươc Giấc Mơ
Việt Nam.
Tôi gọi ý chí và phương pháp này là Đề Án VN21.
Nhưng chiến tranh tàn khốc đã làm tôi hoang mang giống như toàn
thể những người của thế hệ tôi, là mọi việc chỉ như hoang tưởng bởi vì chúng nằm
ngoài tầm kiểm soát của mình. Tôi phải thu mình lại trong thế giới của tôi là
có 10 anh chị em cần được giúp đỡ. Tôi cần giúp cha mẹ tôi nuôi các em ăn học
nên người để chúng tự mình có thể xoay xở được với những giông bão của cuộc đời.
Tôi trở lại Mỹ làm việc kiếm tiền ở lĩnh vực tôi đã được đào tạo. Tôi làm việc
cho các công ty nguyên tử, đã kiếm đủ sống và đã giúp được gia đình như mong muốn.
Từng người một các em của tôi lần lượt đi học đại học ở nước Mỹ. Tôi lại có thể
tiếp tục học ở MIT cho tới bằng Tiến sĩ về kỹ thuật nguyên tử vào năm 1972. Tôi
làm Kỹ sư trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, những ngành công nghệ càng
ngày càng quan trọng ở Mỹ vì các tập đoàn xây dựng những nhà máy nguyên tử đã
làm việc ào ạt nhưng không cẩn thận, thành ra nhiều nhà máy này chạy không tốt.
Tôi đã tham
gia xây dựng bốn nhà máy điện nguyên tử, cùng là tham gia lập kế hoạch cho nhiều
nhà máy khác.
Những tai nạn tại các nhà máy điện nguyên tử như Three-Mile Island ở Mỹ,
Windcale ở Anh, và Chernobyl ở Nga đã làm người dân không tin tưởng ở sự an
toàn của điện nguyên tử. Do đó tôi bắt tay với một số khoa học gia thiết kế những
lò nguyên tử rất an toàn để triển khai vào thời kỳ thứ hai khi nhân loại cần đến
chúng, một thời kỳ thực ra bây giờ đang diễn tiến bởi vì dầu hỏa trở nên rất đắt.
Để hiểu rõ hơn tiềm năng của điện nguyên tử, tôi cũng đã nghiên cứu các nguồn
năng lượng khác như than đá, khí đốt tự nhiên, sức nước, sức gió, năng lượng thủy
triều và năng lượng trực tiếp của mặt trời. Và tôi cũng đã khảo cứu hiện tượng
hâm nóng khí quyển, một hiện tượng mà ông Al Gore có giải thưởng Nobel gọi là
“Một sự thật không thoải mái”. Đó là hiệu ứng nhà kính vì chất carbonic do việc
đốt nhiên liệu tỏa ra khí quyển làm sức nóng mặt trời bị giữ lại nhiều hơn,
không khí nóng hơn lên và do đó băng tuyết ở Bắc Cực và Nam Cực tan ra nhiều
hơn, khiến nước biển dâng cao gây lụt lội tại các miền đồng bằng ven biển khắp
thế giới.
Trong khi chung vai thích cánh với nhiều nhà khoa học lo khảo cứu
tương lai của thế giới về các vấn đề năng lượng và môi trường, tôi vẫn luôn
luôn bị ám ảnh bởi Giấc Mơ Việt Nam:
Khi nào quê hương của tôi tiến được tới mức sử dụng năng lượng bằng
10% của người Mỹ? Khi nào kinh tế của Việt Nam phát triển ngang với Nam Hàn,
Đài Loan và Mã Lai? Khi nào người Việt bình thường không còn phải lo lắng còn
sinh tồn ngày mai, có đủ cơm ăn áo mặc và nuôi được con cái, có tiền trả Bác
sĩ, có nơi trú ẩn qua mùa mưa gió?
Nhưng Giấc Mơ Việt Nam đã trở thành xa xỉ vì những vấn đề hậu
chiến tại Việt Nam càng ngày càng tồi tệ hơn. Vào những năm 1980 Việt Nam đang ở
trên bờ vực của nạn đói. Chiến tranh thì vẫn tiếp tục xảy ra, với Trung Quốc ở
phía Bắc và với Cămpuchia ở phía Nam. Hơn một triệu người đã rời bỏ đất nước
trên những con thuyền mong manh. Họ gặp muôn vàn khó khăn tủi nhục ngoài biển
như bị sóng gió đói khát và bị người đánh cá Thái Lan và Mã Lai cướp bóc, hãm
hiếp, tàn sát. Trước những thảm cảnh đó, vợ chồng tôi đã chung tay với nhiều
người Mỹ để giúp đỡ những người tị nạn định cư, tìm việc, học tiếng Anh và
phong tục của xã hội mới. Cảm ơn nước Mỹ! Nhờ chính sách nhân đạo của họ mà ngày nay gần
2 triệu người gốc Việt tại Mỹ đã có nhà để ở, ô tô để đi làm, tài khoản tiết kiệm
ở ngân hàng và thức ăn chứa sẵn trong tủ lạnh. Con cái của người Mỹ gốc Việt có
thể đi học tại bất cứ trường nào chúng muốn hay có năng lực. Vâng, nước Mỹ đã cho
phép chúng tôi hiện thực hóa Giấc Mơ Việt Nam ở ngay trên nước Mỹ, một cơ hội của
xã hội Mỹ mà mọi người lương thiện cần cù làm việc đều được bình quyền tham dự
và người ta gọi chung là cơ hội thực hiện Giấc Mơ Hoa Kỳ. Nước Mỹ đã giúp chúng
tôi chuyển đổi từ nạn nhân bi thảm của chiến tranh để trở thành những công dân
tự tin trong một đất nước tự do, dân chủ, văn minh. Dĩ nhiên, tôi cũng biết rằng
nước Mỹ còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng tôi biết chính quyền và
nhân dân Mỹ cũng nhận ra những vấn đề đó và đồng tâm tìm giải pháp một cách dân
chủ, công khai. Lòng yêu nước ở Mỹ thường xuất phát từ yêu nước qua sự thật chứ
không phải chỉ do kích thích tuyên truyền.
Vì Đại sứ Mỹ, ông Michael Michalak, cũng có mặt ngày hôm nay,
tôi muốn được đại diện hàng trăm hàng nghìn người Mỹ gốc Việt kính nhờ Ông chuyển
lời cám ơn của chúng tôi tới nhân dân và Chính phủ Mỹ đã dang tay đón nhận
chúng tôi trong cơn nguy biến, và giúp chúng tôi thực hiện được Giấc Mơ Hoa Kỳ.
Khi các em của tôi và của vợ tôi đều đã tốt nghiệp đại học và có
công ăn việc làm, tôi cho rằng trách nhiệm tự chọn của tôi đối với đại gia đình
đã hoàn tất. Vợ chồng tôi thành lập Công ty kinh doanh PAI cho riêng mình. Lý
do thành lập Công ty rất đơn giản. Bởi tôi luôn luôn hoàn tất tốt các công việc
lãnh đạo giao phó trong quá khứ, tôi tin rằng tôi có khả năng thực hiện các
công việc đó khi lập công ty riêng. Cả vợ chồng tôi đều làm việc cật lực, bởi
vì chúng tôi cần có hai nguồn thu nhập để đảm bảo việc học hành tốt nhất cho
các con. Trong
xã hội Mỹ, ai có sức thì phải đóng góp tương xứng chứ không thể ỷ lại vào người
khác.
Điều mơ ước của tôi lúc đó là kiếm đủ tiền cho hai con tôi có thể
học ở bất cứ trường đắt tiền nào.
Tôi đã thực hiện được giấc mơ này khi con gái đầu của tôi đã học
10 năm rất quy mô sau khi tốt nghiệp trung học để trở thành một Bác sĩ nhãn
khoa, và con gái thứ hai của tôi cũng học 7 năm sau trình độ trung học để trở
thành Kỹ sư môi trường và nhà kinh doanh. Chúng tôi rất tự hào về thành quả
đóng góp này của một người Mỹ gốc Việt cho xã hội. Tôi cho rằng có hai con
thay thế cho chúng tôi đóng góp cho xã hội là lý tưởng nhất đứng về phương diện
tương lai về lâu về dài của trái đất và nhân loại.
Nhưng tôi tiếp tục bị ám ảnh về Giấc Mơ Việt Nam. Tôi đã 50 tuổi
vào năm 1989. Những thông tin tôi có về Việt Nam rất mù mịt và hầu hết là xấu.
Bà con của tôi ở quê nhà thiếu thức ăn, thiếu thuốc men, không có phương tiện
sinh sống đi lại tốt. Chúng tôi vẫn tìm cách viện trợ cho họ, nhưng cũng không
phải dễ vì mọi liên hệ giữa Mỹ và Việt Nam còn bị phong tỏa. Vì tôi không muốn
làm chính trị, tôi chỉ mong thực hiện Giấc Mơ Việt Nam bằng các hoạt động nhân
đạo. Vợ chồng tôi thành lập Quỹ Học bổng Việt – Mỹ và dốc hầu hết thu nhập của
mình vào quỹ này. Nhờ chính sách nhân đạo của Mỹ, số tiền chúng tôi đóng góp
không bị đánh thuế. Việc đầu của Quỹ là gửi tiền giúp các trường ở Huế, Sài Gòn
và Đà Lạt để họ trang bị máy vi tính và máy chụp tài liệu cần thiết cho việc giảng
dạy. Sau đó chúng
tôi thành lập chương trình phát 500 giải thưởng mỗi năm cho các học sinh và
giáo chức ưu tú. Việc lựa chọn người ưu tú được ủy nhiệm cho trường sở tự làm,
chúng tôi chỉ giám sát cho đúng tiêu chí. Nhưng
chỉ 3 năm sau ngày thành lập và trao tặng được 500 giải thưởng từ Hà Giang đến
Hà Tiên, thì chương trình này bị ông Ủy viên Chính trị của Bộ Giáo dục Việt Nam
cấm tiếp tục. Ông này không đồng ý với cách lựa chọn người ưu tú của chúng tôi,
cho rằng phải để cho Bộ Giáo dục điều hành. Mặc dầu có sự can thiệp của ông Phó Chủ
tịch Quốc hội là ông chú của tôi, và sự can thiệp của Đại sứ Pete Peterson là
người học cùng trường với tôi, ông Ủy viên Chính trị vẫn không cho phép tiếp tục.
Vì thế, chúng tôi quay ra giúp đỡ con em của những người Việt định cư ở Mỹ, và
tạo lập 5 học bổng lâu dài tại 5 trường đại học Mỹ với chủ ý giúp sinh viên Việt
Nam. Nhiều trăm học sinh Việt Mỹ đã được hưởng lợi và chương trình này hiện nay
vẫn tiếp tục.
Hoài bão thực hiện Giấc Mơ Việt Nam của tôi được nhen nhóm lại
khi Tổng thống Clinton bãi bỏ cấm vận đối với Việt Nam và khi Việt Nam tuyên bố
công khai chủ trương hội nhập với quốc tế qua kinh tế thị trường. Dĩ nhiên đây
là chiều hướng tốt, nhưng con đường hội nhập và phát triển đất nước rất nhiều
chông gai vì còn nhiều vấn đề mà những nhà hoạch định chiến lược Việt Nam chưa
đủ kinh nghiệm để vượt qua. Hạ tầng cơ sở của Việt Nam còn yếu kém về mọi mặt,
như luật pháp, ngân hàng, giáo dục và môi trường kinh doanh. Về hạ tầng cơ sở vật
chất thì Việt Nam còn yếu kém phương tiện giao thông, viễn thông, ngành nghề,
và liên hệ hữu hiệu giữa các yếu tố căn bản của nền kinh tế. Tại một nước đang
mở mang như Việt Nam thì quyền lực và tiền bạc là những yếu tố nòng cốt, nếu để
bị lạm dụng thì Giấc Mơ Việt Nam không thể hình thành cho đại đa số người dân. Thật vậy, diễn biến trong
thập niên qua đã chứng tỏ rằng Chính phủ và người có quyền có tiền đã đi ngược
lại phần lớn lý tưởng của cả Hồ Chí Minh lẫn niềm mơ ước bình thường của người
dân.
Vợ chồng tôi thành lập Quỹ Khuyến khích Tự lập năm 1997 với mục
đích sử dụng số tiền ít ỏi của chúng tôi giúp cho người nghèo buôn bán sản xuất
với sức lực của chính họ. Chúng tôi áp dụng mô hình Grameen của ông Mohammad
Yunus tại Bangladesh, người đã được giải thưởng Nobel Hoà bình năm 2006 vì đã
khởi xướng thành công việc cho người nghèo vay những số vốn nhỏ mà không cần thế
chấp. Ong Yunus là người được mời đọc bài diễn văn chính trong lễ tốt nghiệp của
các sinh viên năm nay tại Trường MIT là nơi tôi đã theo học. Chương trình Khuyến
khích Tự lập may mắn được ông Nguyễn Nhiên, Trưởng phòng Đối ngoại thành phố Huế
và cụ Châu Trọng Ngô, một nhân sĩ nổi tiếng ở địa phương giúp đỡ. Thầm lặng làm
việc với người nghèo từ năm 1999 đến nay, chúng tôi đã giúp cho 12.000 gia đình
tại 37 địa phương trên địa bàn Thừa Thiên Huế tự lập trong cuộc sống. Trong số
những người đó, hơn 3.000 hộ đã không còn cần đến chúng tôi nữa, một sự kiện
chúng tôi cho là thành công. Liên Hiệp Quốc đã tuyên dương chương trình của
chúng tôi với giải thưởng UN- HABITAT vào tháng 3 năm 2008 tại Colombo. Tôi xin
giới thiệu người của chương trình có mặt hôm nay là Ông Phan Văn Hải, Tổng Giám
đốc của Trung tâm Khuyến khích Tự lập (TTKKTL) tại Huế. Ông Hải là một một lãnh
đạo sáng suốt và chịu khó, hàng ngày chỉ huy 16 nhân viên đóng góp vào cộng đồng
và tìm kiếm những gia đình nghèo để giúp họ tự lập. Các nhân viên TTKKTL đều tốt
nghiệp đại học và đã làm việc ngày đêm với đồng lương khiêm tốn. Người nghèo rất
yêu mến họ bởi họ là những người thành thực, đáng tin cậy, có thái độ phục vụ tận
tình và đưa nguồn vốn tới tận tay người nghèo mà không chút nề hà, phiền nhiễu.
Chúng tôi đã xây dựng được niềm tin giữa khách hàng và nhân viên của Trung tâm,
và niềm tin giữa chúng tôi làm việc tại Mỹ và nhân viên làm việc tại thành phố
Huế. Chắc quí vị sẽ ngạc nhiên khi biết rằng tuần tới là lần đầu tiên trong 9
năm tôi thăm chương trình TTKKTL tại thực địa.
Tôi tự hỏi từ nay làm thế nào để thực hiện Giấc Mơ Việt Nam? Có thể
nói bản thân tôi và gia đình cha mẹ anh em của tôi đã may mắn thực hiện được đời
sống đủ ăn đủ mặc không phải lo nghèo đói nữa. Chúng tôi lại được sống trong một xã hội phồn vinh, có làm thì có ăn,
được pháp luật che chở, không bị ai đè nén hiếp đáp. Tôi chắc đại đa số quý
vị có mặt ngày hôm nay cũng đều được như vậy. Nhưng còn 95% trong số 85 triệu
người Việt Nam khác thì sao? Những người này thường xuyên phải lo lắng về cơm gạo áo tiền.
Họ có được sung sướng không? Vô số người có cuộc sống mong manh đến nỗi chỉ một
thiên tai hoặc một tai nạn cũng làm tiêu tan tài sản và cuộc đờì. Vô số học
sinh phải bỏ học để kiếm vài chục đồng mỗi ngày phụ giúp bố mẹ lo cho gia đình
được bữa cơm bữa cháo. Và còn hàng trăm ngàn công nhân lao động bị bóc lột tại
các xưởng hoặc nhà riêng của người ngoại quốc. Họ bị đối xử như nô lệ bởi không
biết tiếng nói phong tục xứ người và không ai bảo vệ quyền lợi cho họ. Họ thường
bị bắt buộc làm cả ngày đêm, lừa bịp lương bổng, chà đạp nhân phẩm, thậm chí
đánh đập cho tới chết hoặc hãm hiếp và bán vào nhà điếm.
Tôi năm nay đã 68 tuổi. Tôi biết rõ một điều mà một đứa trẻ lên
năm cũng biết. Đó là không ai có được mọi thứ như mình mong muốn! Tôi không có
quyền lực gì và cũng chẳng có nhiều tiền. Tôi biết rằng không ai có thể giúp
toàn thể người Việt Nam thực hiện được Giấc Mơ Việt Nam hôm nay, hoặc sang năm,
hoặc trong 10 năm nữa. Nhưng nếu ta biết rõ mục đích của ta và khi ta dùng phương pháp thực
hiện công việc có hệ thống theo đề án VN21, thì may ra ta có thể thực hiện được Giấc Mơ Việt Nam trong vòng 100 năm nữa,
nghĩa là đến năm 2100. VN21 là phương pháp định hướng đào tạo bài bản nguồn nhân lực
Việt Nam từ giai đoạn mẫu giáo của người trẻ tuổi. Nó triệt để áp dụng kinh
nghiệm thực tiễn của các nước đã đi trước để giải quyết các vấn đề của nước ta.
Thay vì đào tạo hàng loạt Giáo sư Tiến sĩ ở ngoại quốc, VN21 chủ trương trang bị
lại những kỹ năng hiện có, trau giồi thêm và gắn kết với nhu cầu thực tế chung
quanh ta. Dĩ nhiên VN21 khuyến khích cộng tác triệt để với các chuyên gia quốc
tế và người Việt ở hải ngoại, một nguồn lực đã có sẵn mà ta chỉ cần khéo léo sử
dụng mà không cần bỏ nhiều vốn và thời gian để “trồng người” như trước thời chiến
tranh Bắc Nam.
Với vô vàn công việc phải làm để xây dựng một ngày mai tươi đẹp
hơn cho đại đa số người Việt Nam, tôi nhận ra rằng cách tốt nhất tôi có thể góp
phần thực hiện Giấc Mơ Việt Nam là giúp cho nhiều người khác có cùng tâm trí
như tôi làm các việc mà tôi hằng muốn làm nhưng không đủ tài năng, thì giờ và
tiền bạc.
Vì vậy, kính thưa quý vị, tôi xin tuyên bố ngày hôm nay trước
quý vị là vợ chồng tôi là những cá nhân khiêm tốn giống như trăm ngàn người
khác nhưng muốn
đóng góp tài sản của mình là 3 triệu USD
để làm vốn khuyến khích bè bạn gần xa hoạt động giúp nhiều người Việt Nam thực
hiện Giấc Mơ Việt Nam. Chúng tôi sẽ yêu cầu Mạng lưới Từ thiện Việt Mỹ ngoài Chính phủ
(VA-NGO Network) sử dụng vốn này làm cái nhân gây quỹ to lớn hơn để đóng góp vào việc
thực hiện Giấc Mơ Việt Nam, theo ba chiều hướng sau:
• Giúp các hội NGO Việt Nam ở Hoa Kỳ xây dựng tiềm năng qua
việc quyên góp gây vốn để tổ chức, hợp tác và thực thi các hoạt động của hội
mình trong mục đích giúp đỡ người Việt có hoàn cảnh khó khăn.
• Giúp các hội NGO Việt Nam ở Hoa Kỳ làm việc với các NGO
dân sự ở Việt Nam để xây dựng tiềm năng qua việc quyên góp gây vốn và đoàn kết
người Việt Nam cùng bè bạn trong nước cũng như ngoài nước, để hợp tác giúp đỡ
người Việt có hoàn cảnh khó khăn.
• Giúp các nhà giáo và các nhà khảo cứu kế hoạch xây dựng
xã hội tự do, dân chủ, văn minh trong nước cũng như ngoài nước để họ tìm thêm
nguồn vốn và cơ hội thực thi những giải pháp bền vững giúp đại đa số người Việt
thực hiện Giấc Mơ Việt Nam. Giáo dục, y tế và xây dựng làng xã từ cội gốc là
chiều hướng quan trọng trong công tác kéo dài hàng thế kỷ chúng ta cần thực thi
thay vì chỉ tung hô khẩu hiệu “Dân giàu; Nước mạnh; Xã hội công bằng, Dân chủ,
Văn minh”.
Tôi xin dùng bài thơ “Thành công” của Ralph Waldo Emerson làm kết
luận. Ông Emerson là một nhà thơ và nhà giáo giống như Nguyển Khuyến hoặc Nguyễn
Trãi của Việt Nam. Ông sinh khoảng năm Nguyễn Ánh thống nhất Việt Nam và mất 2
năm trước khi người Pháp hoàn toàn biến Việt Nam thành thuộc địa vào năm 1884.
Bài thơ này tôi đã dịch sang tiếng Việt một cách phóng khoáng:
Bạn ơi! biết cười luôn, biết yêu nhiều
Được người đời kính trọng
Được con trẻ yêu mến
Được phê bình là “tạm được”
Chịu đựng được cái đau bị bạn bè phản bội
Biết thưởng thức cái đẹp
Biết tìm ra cái tốt nhất nơi người khác;
Biết cống hiến hết mình
Để lại cho đời một cái gì tốt hơn
Ví như nuôi con cái nên người
Hoặc vun xới một mảnh vườn tốt tươi
Hoặc xã hội được cái thiện;
Đã chơi say mê và cười thoải mái
Và ca hát vang lừng
Biết đã giúp một cuộc đời được dễ thở hơn
Vì mình đã làm đã sống…
Bạn ơi, như vậy là đã thành công!
(Ralph Waldo Emerson, 1803-1882)
Thành công đối với tôi còn rất xa vời. Nhưng quý vị và tôi nếu
cùng nhau làm việc thì chúng ta sẽ thành công trong việc thực hiện Giấc Mơ Việt
Nam100 năm nữa cho toàn thể con cháu Lạc Hồng
Xin cảm ơn quí vị.
P.L.Đ.
Ông Phùng Liên Đoàn là một khoa học gia và doanh nghiệp tại
Mỹ. Ông xuất thân người làng Bát Tràng nay thuộc Hà Nội. Ông học Trung học Nguyễn
Trãi ở Hà Nội và Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong) ở Sài Gòn. Ông đi du học năm
1958 ở Mỹ, đậu Cử nhân Vật lý và Cử nhân Toán tại Florida State University; và
Thạc sĩ Vật lý và Thạc sĩ Nguyên tử tại Massachussetts Institute of Technology
(MIT). Ông về nước làm việc năm 1964 tại Trung tâm Nguyên tử Đà Lạt. Ông đi Mỹ
lại năm 1967, vừa làm việc vừa đi học, và đậu bằng Tiến sĩ Nguyên tử năm 1972 tại
MIT.
Từ 1967 tới 1975 Ông Đoàn đã làm việc thiết kế 4 nhà máy
nguyên tử tạo điện tại United Engineers and Constructors (nay thuộc Raytheon)
cho hai tiểu bang New York và South Carolina. Từ 1975 tới 1983 ông Đoàn khảo cứu
năng lượng tại một Vựa Tư Tưởng có tên là Institute for Energy Analysis tại Oak
Ridge Associated Universities thuộc tiểu bang Tennessee. Từ 1983 cho tới nay,
ông Đoàn là Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn kỹ thuật Professional Analysis, Inc.
(PAI) có cơ sở làm việc về các vấn đề nguyên tử và môi trường tại nhiều trung
tâm nguyên tử khắp nước Mỹ. Ông Đoàn đã từng làm việc với nhiều khoa học gia nổi
tiếng, kể cả vài vị có giải thưởng Nobel và Fermi. Ông Đoàn cũng đã có nhiều
giao kèo làm việc với US Department of Energy, US National Aeronautic and Space
Administration, và US Nuclear Regulatory Commission, cùng là các công ty có dịch
vụ nguyên tử như General Electric, Westinghouse, Babcock and Wilcox, Asea Atom,
Bechtel, Lockheed Martin, Parsons, và Wackenhut.
Ông Đoàn đã từng là hội viên của các hội khoa học như
American Nuclear Society, American Association for the Advancement of Science,
New York Academy of Science, và là Kỹ sư có bằng hành nghề tại các tiểu bang
Pennsylvania, Florida và Tennessee.
Ông Đoàn tuy ở xa Việt Nam lâu năm nhưng luôn luôn hướng về
Việt Nam trong các hoạt động từ thiện suốt 40 năm qua. Ông đã giúp đồng bào qua
các tổ chức như Aide à l’Enfance du Vietnam, Save the Children, Social
Assistance Program for Vietnam, East Meets West Foundation, Room to Read,
American Helping Asian Children, Nom Preservation Foundation, Friends of Hue
Foundation, Vietnamese Culture and Science Association, Institute of Vietnamese
Culture and Education, Hội Khuyến học Nam California, Hội Đọc sách Giải trí
Giáo dục (Sài Gòn), Vietnamese American Scholarship Fund, và Fund for the
Encouragement of Self-Reliance. Từ năm 1988 đến nay, chương trình Khuyến học Việt
Mỹ và Khuyến khích Tự lập của gia đình Ông đã giúp xây dựng được nhiều trường học,
mổ xẻ cho nhiều trẻ em tàn tật, mổ bệnh mắt cho nhiều người già, và đặc biệt là
giúp hơn 12,000 gia đình nghèo tại Thừa Thiên Huế tự lập bằng phương pháp
Grameen mà người chủ chốt là ông Mohammed Yunus mới được giải thưởng Nobel Hòa
bình năm 2006. Chương trình của ông Đoàn tại Việt Nam cũng được Liên Hiệp Quốc
trao giải thưởng UN-HABITAT Civil Society Innovation năm 2008.
Hiện ông Đoàn chủ trương khuyến khích bạn bè thực hiện các
chương trình giáo dục và kiến thiết có tầm nhìn 100 năm để giúp các thế hệ Việt
Nam tương lai được sống trong một xã hội thịnh vượng, tự do, dân chủ, văn minh,
mà ông gọi là Giấc Mơ Việt Nam.
Ông bà Đoàn có hai con và ba cháu. Ông và gia đình chưa hề tham
dự một tổ chức chính trị hoặc đảng phái nào.
Kỹ sư NĐT gửi cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét