Tôi đọc được cái này: “Mối nghi ngờ này đã được chúng tôi nêu ra ngay từ chiều 22/11, khi điểm tin khẩn trên trang báo mạng đầu tiên vừa đưa nội dung phản
ứng của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN. Kế đó, liên tục trong các bình luận
của các ngày 23, 24, 25, chúng tôi cũng đã tiếp tục nêu những biểu hiện không bình thường trong
phản ứng của chính quyền VN.
Liệu đã có chuyện giấu nhẹm từ nhiều tháng qua tình trạng người TQ nhập cảnh VN mang theo “hộ chiếu lưỡi bò”, chỉ đến khi báo chí phương Tây đề cập mới vội vàng “phát ngôn”, rồi nhá thông tin cho báo Tuổi trẻ về 111 trường hợp bị xử lý ở Lào Cai và không rõ bao nhiêu trường hợp ở Móng Cái, để rồi liên tiếp trong 3 ngày qua, tất cả các báo đã xài lại món “thuốc giảm đau” này với tâm trạng hỉ hả?”
Tuy nhiên, nếu là
giấu nhẹm thì đâu chỉ có chính quyền Việt Nam, mà cả Philippines, Ấn Độ cũng
chỉ mới lên tiếng và hành động trong mấy ngày qua (sau đại hội võ lâm Trung Nam
Hải). Vậy thì nguyên do là gì?
Thực ra, chuyện này Trung Quốc đã lặng lẽ tiến hành từ hồi
tháng 4. Những hình “lưỡi bò”, (có nguồn nói rằng có cả Senkaku\Điếu
Ngư), Aksai Chin… đều được in rất mờ, rất nhỏ nên nếu cơ quan kiểm tra không để
ý, không nhạy cảm thì dễ dàng “cho qua”. Có thông tin nói rằng
Trung Quốc đã cho in khoảng 6 triệu cuốn hộ chiếu loại này. Nhưng điều đó không
có nghĩa là tất cả những người sở hữu hộ chiếu mới đều đã dùng chúng để xuất
ngoại, và chỉ một phần trong số những người xuất ngoại là đến các nước bị ảnh
hưởng bởi những hình ảnh trên hộ chiếu. Thế nên, tỷ lệ “lưỡi bò” trên tổng số
tất cả những người Trung Quốc qua cửa khẩu Việt Nam chắc cũng không nhiều.
Đến sau đại hội đảng
và sau khi căng thẳng Senkaku lắng dịu, Trung Quốc mới bung ra một cách rầm rộ
nên các nước mới lưu ý và phản ứng mạnh mẽ. Riêng phía Việt Nam
thì đã biết và đã có chuẩn bị trước. Cụ thể là ngành xuất nhập cảnh đã tập huấn
cho nhân viên và in mẫu thị thực rời. Thế nên sau khi thông tin này bung xung
ra, kèm theo thông điệp phản đối của Bộ Ngoại giao là các cửa khẩu cũng ngay
lập tức thực thi chính sách “thị thực rời” ngay. Không có chuẩn bị trước thì
làm sao phản ứng nhanh như vậy được?
Bữa giờ có một nhầm
lẫn của báo chí. Ngay khi vụ hộ chiếu “lộ hàng”, một số báo trong nước cho biết
biên phòng cửa khẩu ở Lào Cai đã “đóng dấu hủy” lên hộ chiếu Trung Quốc, sau
BBC theo đó mà bàn thành ra còn sai hơn nữa. Thực tế khác hoàn toàn. Về mặt
nguyên tắc, nếu Việt Nam không chấp nhận hộ chiếu do nước nào đó phát hành, thì
có quyền cấm công dân nước đó nhập cảnh. Nhưng hủy hộ chiếu của người ta thì
không được. Nếu hộ chiếu là giả mạo, thì anh có thể tạm giữ cả người lẫn hộ
chiếu để điều tra. Nhưng đây là hộ chiếu thật, nên không thể hủy. Cái vụ hủy ở Lào Cai
thì là xuất phát từ cái sai sót của biên phòng Việt Nam. Đó là ban đầu phe ta
không phát hiện ra đường lưỡi bò, nên đóng dấu lên hộ chiếu. Đến khi phát hiện
ra, thế là họ đóng dấu hủy. “Hủy” ở đây tức là vô hiệu hóa cái dấu mà họ (cơ
quan cấp thị thực hoặc cơ quan xuất nhập cảnh) đã đóng trước đó, tức thu hồi
một quyết định sai của chính mình, chứ không phải hủy hộ chiếu của người nước
ngoài. Thế nên, các anh biên phòng Lào Cai thực ra không đáng khen như chúng ta
tưởng.
Phản ứng của các bên:
Philippines phản ứng khá mạnh: bao gồm phản ứng từ chính phủ và các nghị sĩ. Quan chức cấp cao nhất từ chính phủ Philippines phản ứng là ông Bộ trưởng ngoại giao, theo tôi được biết. Tổng thống Aquino III hình như chưa nói gì. Tuy nhiên, trong khi lên tiếng khá chi là đanh thép, thì chính quyền Philippines dường như lại rất bị động. Họ thừa nhận rằng thủ tục nhập cảnh đối với người mang hộ chiếu đường lưỡi bò của Trung Quốc vẫn được tiến hành bình thường.
Ấn Độ làm mạnh nhất: Một
mặt phản đối bằng lời, mặt khác in thị thực rời kèm theo thông tin về lập
trường chủ quyền của Ấn Độ.
Đài Loan có chửi Trung Quốc
vài phát khá mạnh, nhưng tính chất của việc chửi có thể nói là khác với các bên
khác.
Nhật Bản thì đến nay vẫn chưa
có động thái gì, dù có thông tin cho rằng quần đảo Senkaku\Điếu Ngư cũng xuất
hiện mờ mờ ảo ảo trên hộ chiếu điện tử của
Trung Quốc (một số nguồn khác
thì nói rằng không có). Mà cái vụ mờ nhân ảnh này càng tôn
vinh hành động mờ ám, bất chính, thậm thà thậm thụt của Trung Nam Hải.
Việt Nam thì làm gần bằng Ấn
Độ: Một mặt phản đối, mặt khác cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam cấp thị thực
rời, một sự biểu thị rằng họ không chấp nhận hộ chiếu đường lưỡi bò. Như vậy
cũng tạm được, nhưng tôi nghĩ là cần phải quyết liệt hơn. Tôi nghĩ là trên thị
thực rời, chính quyền Việt Nam cần in những dòng thông báo: “Người mang thị
thực này, một khi nhập cảnh vào Việt Nam, có nghĩa vụ chấp hành luật pháp Việt
Nam, tôn trọng lập trường Việt Nam về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, trong đó
có chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cùng những quyền khác
đối với những vùng biển cụ thể ở biển Đông”. Còn hộ chiếu có in đường lưỡi bò
thì bỏ vào phong bì, niêm phong lại, đến khi xuất cảnh thì người mang hộ chiếu
đường lưỡi bò phải trình phong bì niêm phong ra. Các phí tổn liên quan đến
những thủ tục phát sinh này đều do công dân Trung Quốc chi trả. Để tránh làm
phiền người nhập cảnh thuộc các quốc tịch khác (mất thời gian), ở các cửa khẩu
lớn có thể thiết lập cổng riêng cho người Trung Quốc, với những thông báo rõ
ràng về hộ chiếu vi phạm và lý do tại sao phải lập cổng riêng. Phải đi theo
cổng riêng bởi sự tham lam của chính phủ là nỗi hổ thẹn của mỗi một công dân Trung
Quốc cầm hộ chiếu lưỡi bò.
Trong phản ứng của Việt Nam, đối chiếu với các nước khác (cụ thể như Philippines), có thể dễ dàng nhận thấy tính độc lập của các nghị sĩ ở ta và ở bển thế nào. Trong khi các nghị sĩ Philippines có thể lên tiếng ngay tức thì, dõng dạc và quyết liệt, thì các nghị sĩ Việt Nam dường như vẫn còn đọc báo hoặc ngó ngang ngó dọc, ngó trên ngó dưới. Tính độc lập – độc lập với chính phủ và độc lập với truyền thông, công chúng – của nghị sĩ bên ta rất kém.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét