Nhãn

25 tháng 11, 2012

610. Hoàng Kim: “Liên kết bốn nhà” và “cánh đồng mẫu lớn”, những chiếc bánh vẽ xưa và nay


Cái được gọi là “mô hình cánh đồng mẫu lớn”, là cách làm ăn mới của các công ty thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, các công ty thuốc bảo vệ thực vật lấy hết lợi nhuận từ việc giảm các khâu trung gian, mà không chia cho nông dân, lại bắt nông dân phải mua lúa giống xác nhận của công ty giá cao.

Thực ra, tham gia “cánh đồng mẫu lớn” nông dân được lợi hơn chút đỉnh so với việc mua bán lúa gạo độc quyền của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Hơn sự mua bán độc quyền của VFA chút đỉnh thì đối với quyền lợi của nông dân có cũng như không.

Nông dân tham gia “cánh đồng mẫu lớn” phải chấp nhận luật chơi do doanh nghiệp ấn định, hoặc không tham gia nếu thấy không có lợi, và nếu như vậy thì không có gì để nói.

Thế nhưng, khi các công ty thuốc bảo vệ thực vật cho rằng thực hiện “cánh đồng mẫu lớn” để giúp nông dân, khi một số báo đài cho rằng “cánh đồng mẫu lớn”: “hướng tới nền nông nghiệp hiện đại”, là “động lực phát triển việc sản xuất lúa”, là “cuộc cách mạng trong sản xuất lúa hàng hóa”, nhất là khi Bộ Nông nghiệp và PTNT tuyên bố sẽ nâng diện tích “cánh đồng mẫu lớn” lên 1 triệu hecta, thì tôi thấy, nông dân chúng tôi phải lên tiếng về “cánh đồng mẫu lớn”.

Bởi vì, “cánh đồng mẫu lớn” đang biến thành chiếc bánh vẽ.

Chiếc bánh vẽ “liên kết bốn nhà”


Trước đây, người ta đã biến Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg “về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng” (gọi tắt là Quyết định số 80) thành chiếc bánh vẽ “liên kết bốn nhà”, khiến cho Quyết định số 80, đuợc ký từ năm 2002, thành một quyết định bất khả thi cho đến nay.

Nếu đừng suy diễn, phóng đại, đừng tung hô Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg thành “liên kết bốn nhà”, mà cố gắng thực hiện, và có tổng kết một cách thật cầu thị và khoa học, để thấy những khó khăn nhằm tháo gỡ, thì có lẽ, đến nay, nhờ vào việc cố gắng thực hiện Quyết định số 80, nông dân đã có một mô hình lúa gạo tốt đẹp.

Điều 2 của Quyết định số 80 là một hướng đi hết sức đúng đắn:
Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa phải được ký với người sản xuất ngay từ đầu vụ sản xuất, đầu năm hoặc đầu chu kỳ sản xuất (tác giả nhấn mạnh). Trước mắt, thực hiện việc ký kết hợp đồng tiêu thụ đối với các sản phẩm là các mặt hàng chủ yếu để xuất khẩu: gạo, thủy sản, chè, cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, quả, dâu tằm, thịt,… và các sản phẩm chủ yếu để tiêu dùng trong nước có thông qua chế biến công nghiệp: bông, mía, thuốc lá lá, cây rừng nguyên liệu cho công nghiệp giấy, công nghiệp chế biến gỗ, sữa và muối…”.

Nông dân gọi việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm này là ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa ký ngay từ đầu vụ sản xuất, đầu năm hoặc đầu chu kỳ sản xuất với nông dân, có khi doanh nghiệp bị lỗ do giá lúa gạo xuống thấp hơn giá lúc ký hợp đồng.

Như vậy, muốn ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa ngay từ đầu vụ sản xuất, thì điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp thực hiện, là phải ấn định được giá bán có lời cho doanh nghiệp khi nông dân thu hoạch.

Chúng ta hãy lấy lúa gạo làm thí dụ:

Để thực hiện Điều 2 Quyết định số 80, thì khi nông dân bắt đầu xuống giống, doanh nghiệp phải ký hợp đồng mua lúa của nông dân, với giá mua phải được ấn định.

Nhưng 3 tháng sau nông dân mới thu hoạch lúa, doanh nghiệp chưa có giá bán gạo xuất khẩu thì làm sao đưa ra được giá mua lúa hợp lý cho nông dân: Mua lúa giá cao, bán gạo giá thấp, doanh nghiệp bị lỗ, mua lúa giá thấp, bán gạo giá cao, nông dân bị thiệt hại.

Doanh nghiệp không có khả năng ấn định giá bán gạo xuất khẩu, lại rất dễ bị doanh nghiệp khác bán phá giá khi tranh mua tranh bán.

Điều này sẽ buộc Chính phủ phải ấn định giá sàn bán gạo xuất khẩu cho tất cả các doanh nghiệp, và ấn định giá lúa trong hợp đồng tiêu thụ lúa gạo giữa nông dân và doanh nghiệp, sao cho doanh nghiệp có lời và nông dân không bị thiệt.

Điều này có nghĩa là khi doanh nghiệp và nông dân ký hợp đồng, Chính phủ phải ấn định giá sàn bán gạo xuất khẩu, chứ không phải đợi đến lúc nông dân thu hoạch lúa.

Đến đây, chúng ta nhận thấy, dù doanh nghiệp không thể thực hiện được Quyết định số 80, nhưng, những cố gắng thực hiện Quyết định số 80 này sẽ dẫn đến việc Chính phủ phải ấn định giá sàn bán gạo xuất khẩu, và ấn định giá mua lúa cho VFA.

Khi Chính phủ ấn định giá sàn bán gạo xuất khẩu và giá mua lúa cho nông dân, ta thấy, nông dân Việt Nam đã có một cơ chế xuất khẩu gạo tương tự như cơ chế mà Chính phủ Thái Lan đang thực hiện.

Do đó, chính những suy diễn, phóng đại Quyết định số 80 thành đống xà bần “liên kết bốn nhà”, khiến cho, đến bây giờ, nông dân vẫn không có được một cơ chế mua bán lúa gạo hợp lý, đến bây giờ, nông dân vẫn phải chịu sự độc quyền mua bán lúa gạo của VFA.

Chuyện xưa đã vậy, nay “cánh đồng mẫu lớn” đang đi theo vết xe đổ của “liên kết bốn nhà”.

Chiếc bánh vẽ “cánh đồng mẫu lớn”

Trong bài viết: “Nông dân nghĩ gì về cánh đồng mẫu  lớn” đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn http://www.thesaigontimes.vn/Home/nongsan/tintucthitruong/85509/#110194 tôi đã khẳng định:

“Vậy nông dân chúng tôi nghĩ sao về mô hình được gọi là cánh đồng mẫu lớn? Thực ra chẳng hề có cánh đồng mẫu lớn. Nông dân chúng tôi nghĩ rằng mô hình cánh đồng mẫu lớn chỉ có lợi nhiều cho doanh nghiệp mà có rất ít lợi cho nông dân. Nông dân chúng tôi nghĩ rằng mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ không bao giờ lớn được”.

Điều mà nông dân quan tâm nhất là giá lúa, thì doanh nghiệp lại quy định mua lúa theo giá thị trường.

Giá lúa thị trường là giá mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra. Mua lúa theo giá VFA đưa ra thì “cánh đồng mẫu lớn” có hơn gì VFA, mua lúa giá VFA đưa ra thì nông dân đuợc lợi ích gì đâu.

Thực ra, cái mà chúng ta gọi là “cánh đồng mẫu lớn” gọi cho đúng sẽ là: Mô hình bao tiêu lúa nhưng không ấn định giá mua trước, mà theo giá mua của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lúc nông dân thu hoạch lúa.

Bao tiêu lúa mà không ấn định giá mua khi nông dân xuống giống, lúc nông dân thu hoạch mới mua theo giá thị trường do VFA ấn định, rõ ràng, mô hình này tệ hơn rất nhiều so với Điều 2 của Quyết định số 80.

Chúng ta có thể nói: Đây là cách làm mới của các doanh nghiệp thuốc BVTV theo hướng mua lúa trực tiếp từ nông dân không qua thương lái, cách làm mới này do doanh nghiệp thuốc BVTV đưa ra, luật chơi là do doanh nghiệp quyết định.

Doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận, nên doanh nghiệp thuốc BVTV lấy hết các lợi nhuận do giảm khâu trung gian, mà không chia sẻ cho nông dân là điều có thể hiểu được, nông dân thấy lợi thì tham gia, thấy không lợi thì không tham gia.

Hiện nay, doanh nghiệp lấy hết lợi nhuận phát sinh từ việc giảm khâu trung gian, nhưng dần dần cách làm mới này sẽ thay đổi nhờ cạnh tranh, và sẽ đến lúc doanh nghiệp phải hướng về phía quyền lợi của nông dân thì mới tồn tại được.

Chúng ta thấy rằng: Chỉ có các doanh nghiệp bán thuốc BVTV tham gia “cánh đồng mẫu lớn”, còn VFA thì không tham gia, một mô hình phát triển lúa gạo mà VFA không tham gia thì việc tăng diện tích lên 1 triệu ha là điều không tưởng.

Nhưng, hiện nay, một số người, đang suy diễn, phóng đại mô hình bao tiêu lúa không ấn định giá mua trước này thành “cánh đồng mẫu lớn”, rồi lại tung hô rằng “cánh đồng mẫu lớn” “hướng tới nền nông nghiệp hiện đại”, là “động lực phát triển việc sản xuất lúa”, là “cuộc cách mạng trong sản xuất lúa hàng hóa”… Những suy diễn, phóng đại này gây hại cho việc sản xuất lúa và gây hại cho nông dân.

Nó gây hại cho nông dân, bởi vì, nó làm cho những nhà quản lý, đặc biệt là Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT ngỡ rằng đã tìm ra một mô hình tối ưu cho việc trồng lúa, thay vì tìm ra một mô hình thật sự có lợi cho nông dân.

Tung hô “cánh đồng mẫu lớn” quá mức, cũng có nghĩa là tạo ra thêm một chiếc bánh vẽ.

Nông dân cần nâng cao giá lúa, chứ không cần “cánh đồng mẫu lớn”.

Chúng ta đều biết: Nông dân làm lúa để xuất khẩu, vì thế giá bán gạo xuất khẩu quyết định giá lúa của nông dân.

Bất cứ mô hình nào không nâng cao giá bán gạo xuất khẩu thì chẳng thể giúp được nông dân, vì doanh nghiệp không thể bán gạo giá rẻ rồi mua lúa cho nông dân giá cao.

Theo trang mạng STOX.VN ngày 13/11/2012 giá gạo 5% tấm của Thái Lan từ 555-565 đô la Mỹ/tấn, trong khi đó giá gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ có 455-465 đô la Mỹ/tấn, tức là gạo Việt Nam rẻ hơn gạo Thái Lan 100 đô la Mỹ/tấn, một mức chênh lệch quá bất hợp lý.

Do đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay trong việc sản xuất lúa gạo, là phải nâng cao giá bán gạo xuất khẩu, đưa giá bán gạo xuất khẩu của Việt Nam tiệm cận với giá bán gạo cùng loại của Thái Lan.

Nếu chúng ta bán gạo 5% tấm bằng giá với Thái Lan, giá lúa tươi khoảng 7.000 đồng/kg như năm 2011, thì chỉ cần làm 1 vụ đông xuân, nông dân lời nhiều hơn mức lời cả năm theo giá lúa thấp năm 2012 này.

Chúng ta hay nói đến vấn đề chất lượng và nói rằng lúa gạo Việt Nam thua chất lượng lúa gạo Thái Lan, nhưng thực tế, nếu giá lúa tươi là 7.000 đồng/kg, thì nông dân chúng tôi có thể sản xuất lúa chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đối với nông dân, làm lúa có chất lượng tốt là điều rất dễ dàng.

Người ta hay nói đến lúa chất lượng cao, cho rằng nông dân không thể sản xuất lúa chất lượng cao, ngược lại, tôi khẳng định, nông dân trong vụ đông xuân có thể sản xuất mọi loại lúa chất lượng cao (lúa thơm) đạt năng suất cao và chất lượng tuyệt hảo.

Hiện nay, VFA bán gạo lúa thơm giá trên 600 đô la Mỹ/tấn, nhưng mua lúa thơm khô của nông dân hơn giá lúa thường chút đỉnh, hè thu năm rồi Công ty CP BVTV An Giang mua lúa thơm Jasmin 85 của nông dân với giá 5.800 đồng/kg lúa khô. Với giá lúa chưa được 300 đô la Mỹ/tấn này, thì làm sao khuyến khích được nông dân trồng lúa thơm chất lượng cao?

Lẽ ra, vụ đông xuân do thời tiết thuận lợi Việt Nam phải tập trung gieo sạ lúa thơm các loại để bán giá cao, còn vụ hè thu thì sản xuất lúa làm ra gạo 5% tấm và 25% tấm.

Nông dân chúng tôi không cần “cánh đồng mẫu lớn”, cái chúng tôi cần là Chính phủ phải có chính sách nâng cao giá bán gạo xuất khẩu tiệm cận với giá bán gạo của Thái Lan.

Để bán gạo giá cao Việt Nam phải có đủ kho trữ gạo.

Để bán gạo giá cao Chính phủ phải ấn định giá sàn bán gạo xuất khẩu cao, đồng thời ấn định giá mua lúa từ giá bán gạo này.

Để bán gạo giá cao Chính phủ phải có quyết tâm, đồng thời phải thảo luận trực tiếp với nông dân và các nhà doanh nghiệp thì mới đề ra được chính sách tốt. Không thảo luận với nông dân mà chỉ thảo luận với doanh nghiệp, Chính phủ sẽ chẳng bao giờ có thể bán được gạo giá cao.

Để bán gạo giá cao chúng ta chấp nhận rủi ro mất khách hàng, lúa gạo tồn kho không bán được, nhưng sau đó, chúng ta sẽ có những khách hàng truyền thống, mua lúa gạo theo điều kiện mà chúng ta đưa ra.

Để bán gạo giá cao theo giá tiệm cận với Thái Lan, Chính phủ Việt Nam sẽ phải bỏ tiền ra để mua lúa nông dân bỏ vào kho, Chính phủ có thể phải trợ giá cho nông dân một vài năm đầu, nếu giá lúa gạo thế giới xuống thấp, nhưng điều này cũng hợp đạo lý, vì nhiều năm nay Chính phủ luôn hy sinh quyền lợi của nông dân, bằng cách khống chế giá lúa gạo để chống lạm phát.

Nhiều năm nay, Chính phủ đã hy sinh quyền lợi của nông dân cho lợi ích quốc gia, thì nay, đã đến lúc, vì nông dân, Chính phủ hy sinh lợi ích quốc gia cho nông dân thì cũng hợp với đạo lý và luật công bằng.

Thái Lan đã chứng minh bán gạo xuất khẩu cao và mua lúa giá cao, không ảnh hưởng gì đến lạm phát và người ăn gạo.

Tóm lại: “Cánh đồng mẫu lớn” chỉ là chuyện nhỏ, là chuyện làm ăn đặc thù của các công ty thuốc BVTV. Đối với nông dân mô hình mới này tốt hơn mô hình mua bán độc quyền của VFA chút đỉnh, thế thôi. Đừng quá tung hô “cánh đồng mẫu lớn”, vì tung hô nhiều, sẽ biến “cánh đồng mẫu lớn” thành chiếc bánh vẽ nông dân nuốt không trôi.

Cái nông dân cần là bán lúa giá cao. Nếu thật sự lo cho nông dân, Chính phủ hãy tìm mọi cách bán gạo xuất khẩu giá cao, để mua lúa cho nông dân giá cao.

H.K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét