Nhãn

6 tháng 11, 2012

593. Giáo dục thậm ngu ở CHXHCN VN

Tiến sĩ Phạm Ngọc Cương (Toronto, Canada)



Tiến sĩ Phạm Ngọc Cương (ngoài cùng bên phải) cùng nhà văn Hoàng Minh Tường và Trương Duy Nhất tại Toronto, Canada


Văn hóa, khoa học, giáo dục thế này thì hoặc là giới tinh hoa, khoa bảng bị gọi nhầm tên hoặc là chúng ta thậm ngu, nuôi giặc trong nhà theo đúng nghĩa đen của nó. Để bước lên trước thì phải cải cách toàn bộ nền giáo dục từ mẫu giáo tới sau đại học.

Muốn khai cái gì kể cả khai trí thì vấn đề cốt tử là phải cầu thị. Không thực tế khi từ vô học đòi tót cái lên ngay “đỉnh cao trí tuệ” của nhân loại được. Đầu tiên, hãy làm người học trò giỏi của văn minh nhân loại đã. Và hãy hạ bệ các bất xứng trong thang bậc xã hội Việt.

Thật nhiều việc cần và có thể làm. Muốn hạ khỏi loạn thì thượng phải chính. Cần xóa bỏ gấp Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước. Chính phủ nước CNXHCNVN luôn ôm vào mình thật nhiều quyền. Bao sân cả việc bảo vệ tiến sĩ hay phong hàm giáo sư; một loại ân sủng, như ban áo mão cân đai phân đẳng cấp xã hội. Những năm 1980 việc phong giáo sư còn phải qua Bộ Chính trị duyệt. Thật như đùa, những tay ít học quyết định tầm vóc, xếp ngôi thứ cho những tay nhiều chữ.


Cứ xem các giáo sư, tiến sĩ made in Vietnam ra sao khi ông cựu Thứ trưởng, Tổng thư ký hội đồng chức danh giáo sư nhà nước GSTS Trần Văn Nhung trước khi gặp Bill Gates chỉ có mục đích là làm sao giữ tay ông này 15 giây để có cái ảnh đẹp lòe đồng đội ngưu mã của mình. Dày công chuẩn bị duy có một câu tiếng Anh đơn giản để nói với Bill Gates mà thở ra còn sai tới vài lỗi. Tởm hơn nữa là sau đó còn huyênh hoang phổ biến “kinh nghiệm” này trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thật tội nghiệp cái màn diễn vụng của ông và xót xa cho nền quan trí nước nhà!

Gần đây, TS Nguyễn Văn Thành- Bí thư thành ủy Hải Phòng, có chiến tích  gây cười “gu gờ chấm Tiên Lãng” cho cả trong nước lẫn hải ngoại.

Trao học hàm, học vị là chuyện của các trường đại học, viện nghiên cứu. Nhiều người sẽ bảo thế thì loạn, đâu đâu cũng có quyền phong cả. Bình tĩnh nào, không có sao hết! Qui về một nơi như kiểu của ta mà bấy lâu nay toàn lộn canh hẹ cả lên đấy. Quá hiểu chất lượng hàng hóa và dịch vụ cửa hàng mậu dịch quốc doanh rồi! Đeo mề đay gì dưới cổ bò thì bò vẫn là bò thôi!

“Ngôn ngữ là vỏ bọc của trí tuệ”. Và cái phần lớn của trí tuệ nhân loại hôm nay, tiếc thay lại chưa được bọc bằng tiếng Việt. Vậy thì  ngoại ngữ là chìa khóa mở lâu đài tri thức nhân loại. Từ lớp bé mỗi học sinh phải được biết trước là muốn tốt nghiệp đại học phải nắm được một ngoại ngữ thông thạo. Một chương của luận án tốt nghiệp đại học cần phải được viết và trình bày bằng một ngôn ngữ khác không phải tiếng Việt. Hơn nữa, để tốt nghiệp đại học thì ít nhất phải dịch một tác phẩm hoặc một số bài báo chuyên ngành ra tiếng Việt. Người muốn làm Ph.D thì phải thông thạo hai ngoại ngữ trở lên, luận án phải được viết song ngữ hoàn toàn. Trong hội đồng bảo vệ luận án phải có một giáo sư dù ở trong nước hay nước ngoài phản biện lại công trình của nghiên cứu sinh đó không phải bằng tiếng Việt. Làm vậy sẽ thay đổi về cơ bản rất nhiều. Thứ nhất cắt bỏ hoàn toàn những ban bệ chấm mút hữu danh vô thực. Thứ hai chấn chỉnh lại thang giá trị việc học. Chấn hưng tinh thần thượng tôn khoa học. Loại bỏ dần việc học thuật bợ đỡ quyền lực. Xếp ra rìa xã hội một lô các trường đại học xôi thịt đang mọc như nấm độc sau mưa. Những vị muốn học giả sẽ phải ra đi không kèn không trống... Theo cách đó trong 20-30 năm nữa nước ta sẽ có một tầm vóc khu vực về học thuật.

Như vậy ngay cả các đại học “lớn” cũng sẽ thiếu máu. Vì rất nhiều giáo sư tiến sĩ ở đó cũng không đạt yêu cầu. Đúng! Phải để thị trường đánh giá công bằng chất lượng đội ngũ đó. Ở một đất nước mà việc phong thần lãnh tụ tốn không biết bao tâm huyết, công sức của đảng và tiền của toàn xã hội mà các khảo cứu công phu nhất về Hồ Chí Minh lại là của các học giả không phải người Việt viết. Những báo cáo đáng đọc và suy nghĩ nhất, giá trị nhất về Việt Nam từ cổ đại đến hiện tại lại là do người nước ngoài biên khảo. Các trường, viện cần phải có ít nhất 1/10 số giáo sư giảng dạy là người nước ngoài. Có tiền đốt vào bao nhiêu cái Vinas thì sẽ có tiền để thuê thầy. Nếu bước đầu bí quá thì ta về ta tắm ao ta tức là kêu gọi các trí thức Việt kiều hướng dẫn luận án tầm xa và phân bổ quĩ thời gian về dạy thiện nguyện cho các trường điểm trong nước. Nếu không đủ nhân lực, tài lực, vật lực đáp ứng được chất lượng giảng dạy cao thì các trường phải thu hẹp qui mô đào tạo lại. Đặt các nhân tài khoa học và quản lý năng động vào các vị trí thực sự xứng đáng tại các trường và viện. Có vậy mới hi vọng chất lượng giáo dục đại học nhúc nhích.

Ở các xứ phát triển, hết khóa sinh viên đều được phát giấy đánh giá chất lượng các giáo sư. Các giáo sư không được tín nhiệm nhà trường sẽ không mời dạy tiếp.

Vậy số giáo sư tiến sĩ bị loại đi đâu? Xin thưa, mời ra làm việc khác hoặc về các trường phổ thông. Phải nói là bên này rất nhiều tiến sĩ là giáo viên phổ thông cấp hai, ba. Không có gì là xấu, là sai ở đây cả. Ngày xưa đảng phát động được các tiểu tư sản trí thức lăn vào phong trào công nhân, “vô sản hóa” thì nay cũng cần “phổ thông hóa” các tiến sĩ. Tiến sĩ suy cho cùng cũng chỉ là một người vừa xóa xong nạn mù chữ trong công việc nghiên cứu khoa học. Học vị tiến sĩ thì cũng như anh chàng theo binh nghiệp đeo lon úy, theo cửa Phật làm chân sư, theo Công giáo ngồi ngôi cha, hay làm kinh doanh có triệu đô đầu tiên mà thôi. Nghiên cứu sinh là một việc cần từ 3-10 năm và mỗi năm may lắm gặp, bàn luận cùng giáo sư hướng dẫn đề tài nghiên cứu của mình độ mươi tiếng. Cái được nhất - nếu có - ở đoạn đời đó là rèn luyện dược kỹ năng lao động trí tuệ độc lập. Có thế thôi! Đừng huyễn hoặc bằng cấp đến hài hước hay dùng nó làm bàn đạp để lòe đời, thăng quan tiến chức. Vậy còn đâu trong với sáng.

Còn đầu vào đại học và giáo dục phổ thông? Xin lắp tiếp một cái rào cản ngôn ngữ vào đó. Cứ cho các trường đại học bỏ tuyển sinh và chiêu sinh thẳng theo bảng điểm của phổ thông. Sẽ có rất nhiều tiêu cực trong mấy năm đầu, nhưng chỉ ba năm là ta có thể vãn hồi trật tự về cơ bản nếu siết các điều sau: Từ năm thứ hai đại học phải đọc được sách báo chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài và từ năm thứ ba phải học và thi vài ba môn chuyên ngành bằng tiếng nước đó; năm nào sức học đuối là loại luôn xuống cao đẳng hay trường nghề. Sau vài năm áp dụng nghiêm qui chế này phần lớn học sinh phổ thông và các phụ huynh sẽ biết xác định sớm về tư tưởng, tự lượng sức mình mà nộp đơn vào các trường cao đẳng và dậy nghề để sau ra đời làm công nhân kỹ thuật cho tốt còn hơn làm ông nghè ông cống hụt.

Sự học chưa bao giờ dễ như bây giờ, thừa mứa tự điển, sách báo tạp chí quốc tế chuyên ngành, Internet, YouTube, Google... Mỗi cá nhân muốn có bằng cấp, muốn chứng tỏ khả năng lĩnh hội kiến thức cần chứng tỏ khả năng tự học đến thành tài của mình.

Để bắt đầu học một ngôn ngữ thì sau 17 tuổi rất ít người có thể nói được như tiếng mẹ đẻ. Nhưng để mà đọc thông viết tạm thì qua cả 40 tuổi nếu cố gắng vẫn có thể làm được.

Xem người ta dạy trẻ về William Shakespeare đáng để tham khảo. Các nhà giàu vận động gom tiền xây dựng nhà hát mang tên ông. Các nhà văn viết lại các vở kịch của vĩ nhân sinh từ năm 1564 này ra ngôn ngữ hiện đại và phổ thông bây giờ cho các cháu dễ đọc. Các họa sỹ vẽ tranh mô tả thật sinh động các cảnh của kịch. Các nhà xuất bản in các tác phẩm của ông với giá rẻ, bìa cứng và bắt mắt rồi đưa vào các thư viện của các trường cấp 1,2,3. Các thầy cô mang ra đọc cho các cháu từ lớp 3-4. Sau đó nhà trường liên hệ với các nhà hát kịch để dành ngày biểu diễn miễn phí hoặc bán vé giá thật ưu đãi cho các cháu. Khi các cháu đến rạp xem thì các diễn viên dành hẳn hai ba tiếng để giới thiệu với các cháu thế nào là ngôn ngữ kịch nói, thế nào là cảnh, là sân khấu rồi gọi từng tốp 5-10 cháu một lên sân khấu biểu diễn từng hoạt cảnh nhỏ một. Hết buổi sáng là cả mấy trăm cháu đã vào cuộc hết lượt trên sân khấu với Shakespeare rồi. Buổi chiều sau khi đã nhuyễn nội dung các cháu sẽ được thả người vào các ghế nỉ êm ái xem các nghệ sỹ tài năng trình diễn lại. Vở kịch kinh điển - nơi chuyển tải toàn chuyện của người lớn từ mấy thế kỷ trước - mà các cháu 9-10 tuổi cười, vỗ tay dữ dội, hồi hộp, hân hoan đến từng chi tiết nhỏ. Về nhà còn háo hức viết bài tổng kết, viết phản hồi lại cho các nghệ sĩ là các cháu thích hay không thích khúc nào nhất, nhân vật nào nhất. Dư âm vang vọng mấy tuần không hết. Đó là xã hội hóa giáo dục, đó là kết nối truyền thống với hiện tại.

Ít nhất hãy biết đối xử như vậy với tiền nhân của mình. Đừng để Nguyễn Du từ dưới mồ còn than tiếp là hai trăm năm nữa có ai còn nhớ ông không?

Địa cầu này, với con mắt giản lược của người xưa chỉ gồm ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mấy vật chất đó thì ở đâu trên trái đất này cũng khá như nhau. Cái làm nên sự khác biệt nhất của mỗi nước, nếu có, là ở Nhân mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét