Nhãn

29 tháng 10, 2011

231. PHẠM THỊ HOÀI – VẪN CÒN MỘT LỜI NÓI SAU

Sao chính phủ không cách chức nhân dân
Và bầu một nhân dân khác
Có phải tiện hơn không?

Lần đầu tiên nghe đọc những câu thơ ấy của Bertolt Brecht, tôi không hiểu. Không hiểu nó nói gì. Không hiểu vì sao ở Đông Berlin, người ta đọc nó ngưỡng mộ mà phải kìm giọng thế. Brecht là tác gia có kịch diễn quanh năm, sách in bạt ngàn tại Cộng hoà Dân chủ Đức. Một bông hoa ngoại cỡ cài trên ve áo chế độ. Sao thơ ấy phải thầm thì đọc? Hành trang tinh thần của một sinh viên đến từ miền Bắc Việt Nam cuối những năm 70 không đủ cho tôi hiểu. Mùa thực tập đầu tiên trong Lưu trữ Di cảo Văn học Bertolt Brecht cũng không giúp tôi hiểu nhiều hơn. Chuyên chính vô sản có trật tự của nó: hoa cài ve áo có thể gỡ xuống, áo tất nhiên có thể thay, chỉ người mặc áo là không thể thay đổi. Cái trật tự vững như bàn thạch ấy không phải để hiểu.


Toàn văn bài thơ của Brecht như sau:
Bertolt Brecht
Giải pháp
Sau cuộc nổi dậy tháng Sáu ngày mười bảy
Bí thư Hội Nhà văn cho rải
truyền đơn ở Đại lộ Stalin
Nói nhân dân đã đánh tuột lòng tin  
của chính phủ. Chỉ có cách lao động
gấp đôi. Mới mong khôi phục lại.
Sao chính phủ không cách chức nhân dân
Và bầu một nhân dân khác
Có phải tiện hơn không?[1]

Nguyên bản tiếng Đức:
Die Lösung
Nach dem Aufstand des 17. Juni
Ließ der Sekretär des Schriftstellerverbands
In der Stalinallee Flugblätter verteilen
Auf denen zu lesen war, dass das Volk
Das Vertrauen der Regierung verscherzt habe
Und es nur durch verdoppelte Arbeit
Zurückerobern könne. Wäre es da
Nicht doch einfacher, die Regierung
Löste das Volk auf und
Wählte ein anderes?

Song bài thơ này, được thần tượng như một lời phê phán sắc nhọn đầy tính giễu cợt đặc trưng cho phong cách Brecht đối với nhà cầm quyền Đông Đức, không phải là tuyên ngôn chính thức của tác gia lỗi lạc ấy. Nó được viết mấy tuần sau sự kiện 17 tháng Sáu năm 1953, nhưng 11 năm sau, khi ông đã qua đời 8 năm, mới xuất hiện trong Toàn tập Brecht năm 1964.
Còn phát ngôn chính thức của Brecht về sự kiện này thì sao?
*
Ngày 17 tháng Sáu 1953, cuộc nổi dậy[2] chống chính quyền với quy mô lớn đầu tiên trong Khối Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu, bước đi đầu tiên về hướng Solidarnosc, diễn ra tại Cộng hoà Dân chủ Đức. Những hoạt động thanh tẩy trong nội bộ giới lãnh đạo chính trị, khủng bố những người bất đồng chính kiến, trấn áp tôn giáo, kiểm soát thanh niên, tình trạng thực phẩm khan hiếm và đắt đỏ đi liền với chính sách vụ thành tích, nâng chỉ tiêu lao động, gặp thời điểm những dấu hiệu nới lỏng đường lối đầu tiên xuất hiện sau khi Stalin qua đời, đã đẩy hơn 1 triệu người dân Đông Đức xuống đường biểu tình và phản kháng. Chính phủ Đông Đức rút về náu tại Berlin Karlshorst, tổng hành dinh của quân đội Liên Xô đóng tại Đông Đức, cầu cứu quân đội của một quốc gia khác ra tay đàn áp nhân dân mình. Xe tăng và Hồng quân Xô-viết đã giải quyết phần còn lại, như 3 năm sau tại Hungary, 15 năm sau tại Praha.

Ngay trong ngày 17 tháng Sáu ấy, Brecht gửi một bức thư cho Walter Ulbricht[3], bày tỏ “sự gắn bó với Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức”[4] và không quên gửi tới Vladimir Semyonovich Semyonov, người đứng đầu Cao Uỷ Xô-viết, nhân vật quyền thế nhất của Moskva tại Đông Đức, lời bày tỏ “tình hữu nghị son sắt” với Liên Xô. Ngày 21 tháng Sáu, tờ Nước Đức Mới (Neues Deutschland), cơ quan ngôn luận của Đảng SED[5], đăng bức thư của Brecht ở vị trí trang trọng trong những tiếng nói ủng hộ chính quyền của các văn nghệ sĩ, trí thức Đông Đức danh tiếng. Hai ngày sau, dưới nhan đề “Không dung tha bọn phát xít!”, cùng nhiều tác giả khác, Brecht tố cáo những thế lực phát xít phương Tây và CIA lợi dụng sự bất mãn có phần chính đáng của công nhân Đông Đức để kích động chiến tranh, bạo lực[6].

Phản ứng từ phía bên kia đến ngay tức thì. Những nhà hát ở Tây Berlin, Tây Đức và Áo vốn hâm mộ Brecht đồng loạt huỷ các chương trình công diễn kịch của ông. Hơn một thập kỉ sau, phong trào tẩy chay Brecht ở phương Tây mới tạm lắng xuống. Nhưng sự kiện 17 tháng Sáu đã vĩnh viễn gắn liền với “Trường hợp Bertolt Brecht”, biểu tượng cho thái độ hai mặt, cơ hội và hèn nhát, của trí thức văn nghệ sĩ trong các chế độ toàn trị ở các nước XHCN.[7] Sau này, trong vở kịch Đám thợ thuyền tập khởi nghĩa (Die Plebejer proben den Aufstand, 1966), người đồng nghiệp nổi tiếng của ông, cũng cánh tả, Günter Grass, chỉ trích không che đậy rằng điều Brecht quan tâm là sự thành công của cuộc khởi nghĩa công nhân trên sân khấu chứ không phải trong cuộc đời thực vào ngày 17 tháng Sáu năm 1953.[8]

Còn mặt sau của những phát ngôn chính thức của Brecht là gì?

Cũng trong bức thư gửi Walter Ulbricht nói trên, Brecht yêu cầu nhà cầm quyền Đông Đức thực hiện một chương trình thảo luận thẳng thắn với giới công nhân về tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì sự bất mãn của công nhân ở thời điểm xảy ra cuộc khởi nghĩa là chính đáng. Phần này của bức thư không bao giờ được báo chí Đông Đức công bố. Trước công luận, chỉ có những lời bày tỏ “sự gắn bó với Đảng XHCNTN Đức” và “tình hữu nghị son sắt” với Liên Xô của Brecht, ngay sau khi hai thế lực này kết hợp để dùng bạo lực bẻ gãy cuộc nổi dậy đòi dân chủ đầu tiên của những người lao động tại một nước XHCN Đông Âu. Không phải chỉ có giới trí thức đủ khôn ngoan để chơi trò chơi hai mặt. Nhà cầm quyền rất biết dùng hai mặt ấy, mặt nào vào lúc nào, cho trò chơi quyền lực của mình. Sự cố 17 tháng Sáu đeo đẳng Brecht cho đến cuối đời. Một thời gian dài, đi đâu ông cũng đem theo bản sao nguyên vẹn bức thư tai tiếng nói trên, ấn nó vào tay bạn bè, người quen, một chiến dịch thanh minh vô vọng.

Nhưng Brecht vẫn còn một lời nói sau: bài thơ “Giải pháp”, với những câu kết đã trở thành kinh điển của dòng văn chương phản kháng:
Sao chính phủ không cách chức nhân dân
Và bầu một nhân dân khác
Có phải tiện hơn không?[9]
Giải pháp mà Brecht đề nghị với chính quyền Đông Đức đến muộn 11 năm, nhưng có thể dùng tốt cho chính quyền Việt Nam, cũng một nước xã hội chủ nghĩa, những ngày này. Tiện hơn cả là cách chức giới trí thức đang đánh tuột lòng tin của chính phủ qua việc tiếp tục kiến nghị dừng Đại Dự án Bauxite Tây Nguyên. Và bầu một giới trí thức khác. Cũng nên giải tán luôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bầu một Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới. Tất nhiên trước đó cần bãi nhiệm Chiến thắng Điện Biên Phủ và bầu một Chiến thắng Điện Biên Phủ mới. Không có gì mà chính quyền nhân dân không thể làm được, đơn giản nhất là việc cách chức nhân dân.
*
56 năm sau, cũng ngày 17 tháng Sáu, theo thông tin trên báo chí chính thống tại Việt Nam, Luật sư Lê Công Định ký tường trình nhận tội chống phá nhà nước Việt Nam và xin khoan hồng. Trước ông và sau ông đã có và sẽ còn có nhiều bản tường trình, nhiều chữ ký, nhiều tuyên bố quy phục chính quyền, nhiều lời tỏ tình hay hứa hẹn gắn bó sắt son với quyền lực như thế. Chúng có vai trò của chúng, trong cái trật tự tưởng vững như bàn thạch của chế độ toàn trị. Nhưng tôi tin rằng vẫn còn một lời nói sau, không cần đến 11 năm như những câu thơ của Brecht.  
© 2009 Phạm Thị Hoài
© 2009 talawas blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét