Nhãn

18 tháng 10, 2011

222. Alan Phan - QUẲNG GÁNH NỢ ĐI VÀ VUI SỐNG

Trên chuyến bay về lại Việt Nam, một giáo sư kinh tế ngồi cạnh đã làm tôi cười ngất khi anh bàn thảo suy tư là tài chánh hoàn cầu sẽ thay đổi ra sao “nếu” Hy Lạp phá sản không trả nổi nợ. Anh này sống trong tháp ngà hơi lâu. Nếu anh chịu khó ghé thăm hay đọc qua lịch sử cận đại của Hy Lạp, anh sẽ biết rằng người dân Hy Lạp không bao giờ trả thuế dù bị đòi. Thói quen này cũng được các ngài chánh trị gia nghiêm túc như Tổng Thống, Thủ Tướng, Nghị Sĩ…triệt để áp dụng. Thuế còn không trả thì làm sao dân Hy Lạp sẽ “lo” trả nợ công?


Những ồn ào từ các mạng truyền thông chỉ là áp lực từ các ngân hàng lớn để các lãnh đạo của EU (Liên Hiệp Âu Châu) phải đứng ra cứu bồ và lấy tiền dân Đức, dân Pháp trả nợ dùm Hy Lạp. Tôi chắc chắn với anh bạn là Hy Lạp sẽ không bao giờ trả nợ. Nếu Thủ Tướng Đức Merkel và Tổng Thống Pháp Sarkozy không còn vốn chánh trị để đổ tiền dân vào các thúng lủng PIGS (Portugal, Ireland, Greece and Spain), thì EU coi như sắp giải thể. Tôi còn nói anh nhớ đọc bài “Kẻ cắp gặp bà già” tôi viết cách đây mấy tháng.

Thực ra, nếu các nhà trí thức biết chút đỉnh về lịch sử kinh tế thì chuyện Hy Lạp là một chuyện hết sức bình thường. Vì tham và ngu, các vị quản lý ngân hàng thường đem tiền cho vay bừa bãi đến những quốc gia và dân tộc mà họ biết là vô trách nhiệm và hư đốn. Mục tiêu là kiếm phí cho vay và lãi suất để có bonus cuối năm và nghề nghiệp được thăng tiến. Các quốc gia có chánh phủ quản lý tốt thường ít khi vay mượn và do đó, không phải là khách hàng tốt.

Năm 2001, Argentina vay nợ ngập đầu như Hy Lạp và tuyên bố sẽ không trả nợ dollar bằng dollar nữa mà sẽ trả bằng peso. Vì họ tha hồ in tiền peso, nên tất cả nợ của Argentina từ chánh phủ đến người dân bị (hay được) giảm giá hơn 80%. Nhà nước thì đã in sẵn mấy đêm hôm trước tiền peso, còn các doanh nghiệp tư nhân thì hồ hởi trả nợ bằng đồng peso rẻ mạt. Các ngân hàng Âu Mỹ méo mặt, nhiều quan giám đốc phải từ chức, nhưng chẳng ai chết trong vụ quỵt nợ lớn lao này. Vài năm sau, các giám đốc ngân hàng mới lại cần bonus và lãi suất, nên họ cố quên chuyện cũ và lại cho Argentina vay thoải mái.

Bài học này được Mexico và Brazil học hỏi, dọa đem áp dụng để tránh trả nợ. Các viên chức của Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) sợ ảnh hưởng toàn cầu, nên phải lạy lục mãi, Mexico và Brazil mới nhận tiền IMF và bỏ ý định bắt chước Argentina.

Xa hơn nữa trong lịch sử, ta thấy Hitler tuyên bố không trả nợ cho các chủ nợ Âu Mỹ vào năm 1933 và các lãnh đạo Âu Mỹ chỉ biết cười trừ. Số nợ tương đương với 100 ngàn tấn vàng và dĩ nhiên, Đức phải mất cả 300 năm mới thanh toán nổi, nên Hitler chỉ cần nói NEIN. Trước đó, năm 1918, khi đế quốc Áo-Hung (Austrian-Hungary) sụp đổ, bản tệ Austro-Marks bị xóa sổ và các nước liên minh lại quay về với tiền cũ của mình như drachma cho Hy Lạp, marks cho Đức và peseta cho Tây Ban Nha. Gần đây, Mahathir của Mã Lai không cho dollar xuất khẩu khi đối diện với nợ dư do cuộc khủng hoảng tài chánh Á Châu năm 1997 đem lại.

Cho nên khi các nhà kinh tế Việt lo lắng là nợ chánh phủ đã lên đến 52% GDP và nếu tính thêm nợ của các doanh nghiệp nhà nước thì có lẽ nợ công Việt Nam đã vượt ngưỡng 100% GDP. Cộng vào nợ tư nhân bằng dollar hay Euro hay Yen thì Việt Nam có thể qua mặt Mỹ và gần ngang hàng với Hy Lạp về nợ nần.

Nhưng tôi nhìn sự cố này với một góc cạnh khác biệt. Trong khi Mỹ không thể xù nợ vì sĩ diện của đế chế và EU không muốn giải thể vì nợ Hy Lạp, thì chúng ta chẳng có gì để mất. Một cá nhân bị phá sản phải chịu nhiều áp lực như mất nhà, mất xe.. (cũng dễ bị mất vợ con và nhân tình nữa). Nhưng một quốc gia phá sản thì lại được tiếng tăm là dũng cảm, dám thách thức Âu Mỹ và nền kinh tế toàn cầu hóa. Tôi cũng tò mò muốn xem các chuyên gia IMF lăng xăng qua Việt Nam van lậy, “ông đừng chơi trò này, ông cần bao nhiêu tôi cho mượn thêm”.

Cho nên, tôi khuyên các quan chức là cứ vay mượn thoải mái, nhất là tiền nhân dân tệ (RMB) của Trung Quốc đang tìm chỗ đậu. Khi nợ công lên đến 200% GDP, ta sẽ ra một quyết nghị số 35 là sẽ trả mọi món nợ bằng tiền VN đồng, kể cả nợ tư (tất cả đại gia Việt sẽ tri ơn chánh phủ). Tôi đảm bảo cuộc sống của dân Việt sẽ không bị chút anh hưởng gì, ngoài việc các cậu ấm cô chiêu sẽ không còn xài được hàng hiệu, các đại gia không còn được nhậu Hennessy hay Moet và các quan chức cũng hết cơ hội kiếm chác với các dự án khủng. Thế giới sẽ không cho Việt Nam vay nợ trong vài ba năm để trừng phạt, nhưng đây là liều thuốc tốt vì nó tập cho chánh phủ và người dân lối tiêu xài trong khả năng thu nhập của mình.

Mặt trời vẫn mọc, không ai chết, cha mẹ có thì giờ dậy dỗ con cháu và thế giới chúng ta sẽ an bình hơn một chút.

T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Viasa
(Bài đã đăng trên tạp chí Doanh Nhân số 90 ngày 17 tháng 10 năm 2011).

T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Ông đã xuất bản 7 cuốn sách bằng Anh và Việt ngữ. Email của ông là gocnhinalan@gmail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét