Nhãn

31 tháng 1, 2013

662. Giáo sư 'bị cắt xén' khi góp ý hiến pháp


Quốc Phương - BBC Việt ngữ


Giáo sư vật lý Đàm Thanh Sơn đang làm việc tại Đại học Chicago, Hoa Kỳ

Một Giáo sư vật lý gốc Việt làm việc tại Đại học Chicago, Hoa Kỳ, phản ánh trên mạng việc ông bị 'cắt xén' ý kiến khi ông đáp ứng lời kêu gọi gần đây của chính quyền và quốc hội Việt Nam, góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.

Trong một thông điệp đưa ra trên trang blog "Hiến pháp", Giáo sư Đàm Thanh Sơn cho hay ông đã gửi một 'thư' góp ý tới Văn phòng Quốc hội vào hôm thứ Ba tuần trước, nhưng khi được công bố, trang mạng chính thức về dự thảo hiến pháp của Quốc hội và chính quyền đã "cắt bỏ" ý kiến của ông và không hồi đáp để giải thích lý do, mặc dù ông đã "nhiều lần" liên lạc chấn vấn.

Giáo sư Sơn viết: "Thư dưới đây đã được chuyển đến trang “Dự thảo online” (duthaoonline.quochoi.vn) của Văn phòng Quốc hội vào ngày 22/1/2013.

"Sau đó một đoạn ngắn (về Điều 42) được đăng trong phần “Ý kiến người dân” (xem ở đây), còn lại bị cắt bỏ đi. Tôi đã nhiều lần email hỏi những người quản trị trang mạng về phần còn lại của bức thư, nhưng tới nay tôi vẫn không nhận được trả lời.

Giáo sư cho hay sau đó ông đã quyết định đăng toàn văn bức thư đã gửi đi hai tuần trước vì không muốn tính toàn vẹn trong ý kiến đóng góp của ông bị ảnh hưởng, đồng thời ông nhận xét một số điểm trong bản Dự thảo hiến pháp do Quốc hội và chính quyền công bố có chất lượng "giảm đi rất nhiều".

Giáo sư Sơn viết: "Do không muốn góp ý của mình xuất hiện ở dạng đã bị cắt xén nên tôi đăng lại toàn bộ ở đây. Bức thư có phạm vi hạn chế, chỉ nói đến một số thay đổi trong bản Dự thảo mà tôi thấy làm cho chất lượng của Hiến pháp giảm đi rất nhiều".

Trong phần đăng ý kiến đóng góp của công dân, trang "Dự thảo online" của Quốc hội chọn đăng phần đóng góp của Giáo sư Sơn về một điều khoản liên quan tới giáo dục, nhưng có vẻ đã "lờ đi" phần ông đóng góp ý kiến liên quan tới "tính trung thành với đảng" được đặt lên trước dân tộc, đất nước và nhân dân của "các lực lượng vũ trang".

'Trung thành với ai?'


Phần đóng góp liên quan điều 70 (sửa đổi, bổ sung điều 45), Giáo sư Sơn đề nghị và nhấn mạnh:

“Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ dân chủ, cùng toàn dân xây dựng đất nước”.

Ông cho rằng không nên quy định như bản dự thảo hiến pháp của chính quyền nói: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân”.

Giáo sư nêu quan điểm: "Theo tôi, các lực lượng vũ trang của Việt Nam phải tuyệt đối trung thành với đất nước và nhân dân Việt Nam, do đó quy định như trong Hiến pháp hiện hành là đủ.
"Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là một bộ phận của nhân dân Việt Nam, do đó đặt cụm từ “Đảng cộng sản Việt Nam” lên trước hai từ “Tổ quốc” và “nhân dân” như trong dự thảo là không hợp lý".

Ông cũng không đồng tình với điều 70 của bản dự thảo khi chính quyền quy định một nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang là “bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân” và cho rằng quy định này "không hợp lý" vì theo ông các từ 'Đảng' và 'Nhà nước' đã "được đặt lên trước “nhân dân”.

Được biết, chính quyền đã tuyên bố góp ý của dân cho Dự thảo Hiến pháp, dựa trên sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 lần này là "không có cấm kị", như khẳng định trước công luận của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, ông Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

"Nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kị cả", ông Lý được truyền thông trong nước trích lời nói.

'Đảng sẽ tiếp thu?'


Giáo sư toán học Hoàng Xuân Phú cho rằng có 'bãi mìn' về pháp lý trong bản Dự thảo Hiến pháp của chính quyền

Gần đây đã có nhiều ý kiến của người dân, trong đó có giới trí thức trong và ngoài nước góp ý cho Dự thảo Hiến pháp, một số ý kiến tỏ ra 'trực diện, mạnh mẽ' khi góp ý về vai trò, vị thế và các quyền của Đảng được ghi trong dự thảo.

Có ý kiến cho rằng cần loại bỏ các điều khoản quy định các quyền lực độc tôn của Đảng về chính trị và kinh tế, trong đó có điều 4 về vai trò, phạm vi quyền độc tôn của Đảng và quy định khác về việc chính quyền do Đảng lập và điều hành có quyền độc tôn định đoạt chế độ sở hữu đất đai tư nhân.

Một số cũng yêu cầu trưng cầu dân ý về việc nên sửa đổi Hiến pháp, hoặc lập Hiến pháp mới, trong đó thực sự bảo đảm các quyền cơ bản của người dân, được sự phúc quyết của toàn dân, thay vì các bộ phận dân chúng chỉ được quyền "góp ý" trong vòng vài ba tháng như hiện nay, trên một bản dự thảo được cho là do chính quyền và quốc hội do đảng nắm đa số và lãnh đạo, "soạn sẵn".

Nhiều ý kiến khác của giới trí thức cũng đặt vấn đề nếu "Dự thảo Hiến pháp" và lần sửa đổi, bổ sung lần này có nguy cơ dẫn tới sự "thụt lùi" hay "thu hẹp" các quyền cơ bản của người dân, được hiểu là nhân quyền, trước khi nói tới quyền công dân, với những gì được cho là những "bãi mìn pháp lý" được ai đó "gài cắm," thì nên tạm dừng hay ngừng hẳn "việc sửa đổi lần này".

Trong một trao đổi với BBC Việt ngữ gần đây, một chuyên gia giảng dạy về luật Hiến pháp ở trong nước, không muốn tiết lộ danh tính, bình luận:

"Quy định 'không có vùng cấm' không có nghĩa là hoàn toàn đảm bảo và bao hàm rằng những người nêu ý kiến có thể sẽ bị xem xét về thái độ, quan điểm hay không trên cơ sở hồ sơ cá nhân sau này của họ," vì theo chuyên gia này "các chính sách ở VN có xu hướng tương đối và có thể chỉ nhất thời".

Trong một trao đổi khác với BBC, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, cựu Đại biểu Quốc hội cho rằng một số ý kiến đóng góp có thể được đặt ra, nhưng việc quốc hội và nhà nước lắng nghe và tiếp thu tới đâu và ra sao "lại là chuyện khác".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét