Ngày 16-5-2006 trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội
khóa 11, Thủ tướng Phan Văn Khải từ nhiệm trước một năm, nhường ghế cho Phó Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng kế nhiệm mình. Hơn một tháng sau, ngày 27-6-2006, ông
Nguyễn Tấn Dũng trở thành tân Thủ tướng, sau 2 nhiệm kỳ liền làm Phó Thủ tướng
Thường trực, phụ trách khối Tài chính - Ngân hàng và một số khu vực kinh tế Nhà
nước khá quan trọng. Đó là cuộc chuyển giao quyền lực cơ quan hành pháp giữa
nhiệm kỳ đầu tiên ở Việt Nam, mà hình ảnh ấn tượng nhất là cái bắt tay hình thức
giữa một ông già thấp bé, cổ nghểnh, từng luống cuống làm rơi tờ giấy cẩm nang
khi gặp Tổng thống Hoa Kỳ Geerge Bush ngày 21-6-2005, với một người trẻ tuổi,
cao to, có nét phong độ.
Một năm sau, ngày 25-7-2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng tái đắc cử, với số phiếu gần như tuyệt đối (96,96%). Đến thời điểm đó Nguyễn
Tấn Dũng là một Thủ tướng trẻ nhất Việt Nam.
Ông sinh ngày 17-11-1949, nhằm ngày 27 tháng 9 năm Kỷ Sửu,
cung Càn, cầm tinh Con Trâu, mạng tích lịch Hỏa, thường là tuổi của những người
lãnh đạo bẩm sinh, có đặc tính thể hiện cái tôi mạnh mẽ, không chịu nhường nhịn
ai, không cho ai cản đường, độc đoán chuyên quyền, bảo thủ cố chấp, không nghe
lời khuyên chân thành mà dễ xiêu lòng vì nịnh nọt, tình tình dễ nổi nóng,
nên có khi tự phá hỏng hình ảnh của mình.
Với một khuôn mặt đầy đặn, thường là tươi tắn, trang phục
chỉn chu, nói năng lưu loát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không bị lép khi đứng
bên cạnh Thủ tướng các nước trong khu vực, thậm chí với các nguyên thủ quốc gia
phương Tây. Ông có phong thái ngoại giao được coi là chững chạc, không luống
cuống như người tiền nhiệm, cũng chưa có những câu nói hớ làm trò cười
cho thiên hạ như “nhà hùng biện” Nguyễn Minh Triết...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tạo cho mọi người thấy một gương
mặt lãnh đạo trẻ, năng động, và tự tin hơn.
Trong buổi lễ nhậm chức, Thủ tướng đã khẳng định sẽ đưa nền
kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân,
điều hành một chính phủ trong sạch, thực thi dân chủ, công bằng, nếp sống văn
minh. Ông bày tỏ quyết tâm phòng chống tham nhũng, một vấn đề tồn đọng và phát
sinh rất ma quái, bức xúc nhất, nan giải nhất mà người tiền nhiệm bó tay, và
ông đặt cược sinh mạng chính trị của mình vào trận tuyến nóng bỏng này: “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi
không chống được tham nhũng tôi xin từ chức ngay!” (Phát biểu trong lễ nhận chức Thủ tướng chính phủ
27-5-2007).
Về tự do dân chủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội:
“Cần sớm có Luật biểu tình để nhân dân thực hiện
quyền được ghi trong Hiến pháp” (Phát
biểu trước Quốc hội ngày 25-11-2011). Ông khẳng định dân chủ là nền tảng
của một xã hội công bằng văn minh. Ông nói: “Phải phát
huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ trực
tiếp, xây dựng xã hội đồng thuận, cởi mở” (Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Dương Thị Bạch Mai
24-11-2010).
Đối với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố dõng dạc trước Quốc hội: “Chúng ta
đã làm chủ ít nhất là từ thế kỷ 17 hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đối với
Hoàng Sa, năm 1956, Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các quần đảo phía
Đông, năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng
Sa trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn. Chính phủ Việt Nam cộng
hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc này và đề nghị Liên hiệp quốc can thiệp.
Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc đó, cũng
đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng của Trung Quốc. Lập trường nhất quán
của chúng ta là, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta
có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định vấn đề này” (Phát biểu trước Quốc hội ngày 25-11-2011).
Với những 'cú' phát ngôn và những động thái đó, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã nổi bật như một ngôi sao sáng.
Nhiều người, trong đó có tôi, đặt kỳ vọng ở ông.
Thực tế thời kỳ đầu đắc cử, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xứng
đáng với kỳ vọng ấy.
Nhà phân tích chiến lược phát triển kinh tế Mỹ,
nguyên Chủ tịch Hội đồng Quan hệ thương mại Hoa Kỳ - ASEAN, Ernest Bower,
nhận xét: “Trong 200 ngày đầu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tạo cho mọi người thấy
một khuôn mặt lãnh đạo trẻ năng động, quyết đoán, hành động kiên quyết hơn. Ông
được giao nhiều quyền hành hơn và ông tin tưởng vào những quyết định của chính
sách mà ông đưa ra. Ông đã làm cho thế giới có một cái nhìn khác về Việt Nam!”.
Đúng như vậy! Bằng nỗ lực của mình, Thủ tướng đã kêu gọi được
nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam, đưa vốn đầu tư nước ngoài cao nhất kể từ trước tới
nay, bao gồm vốn đầu tư trực tiếp, và cả đầu tư chứng khoán. Những dự án quy mô
vài trăm triệu đô la xuất hiện trên mặt báo, tạo ra không khí cạnh tranh sôi động,
Việt Nam vượt
lên 8 bậc về môi trường hấp dẫn đầu tư.
Về phòng chống tham nhũng,
ông đã cố gắng minh bạch hệ thống hành chính, bớt đi sự mập mờ trong mối
quan hệ xin cho, giao quyền cho chủ động cho địa phương và cấp dưới. Việc tiến hành điều tra, đưa ra xét xử vụ PMU 18, là quyết
tâm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bởi, ai cũng biết “nhóm lợi ích” ấy có
ô che rất lớn là Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Kế đó Thủ tướng
không ngần ngại xử lý vụ “ Đề án tin học hóa hành chính nhà nước 112”, một Phó
chủ nhiệm văn phòng chính phủ đã phải vào tù.
Về ngoại giao, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đã cải thiện đáng kể uy tín và hình ảnh đổi mới của Việt Nam trên
diễn đàn quốc tế. Ông phá vỡ khối băng
dày 60 năm giữa Việt Nam và Vatican, một quốc gia nhỏ bé nhưng đầy quyền lực,
là linh hồn của hơn một tỷ tín đồ thiên chúa giáo, trong đó Việt Nam có 6 triệu,
là một trung gian quyền lực thế giới, bằng việc tiếp kiến Đức giáo
hoàng Benedicto XVI ở Vatican.
Sự kiện Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức
thương mại thế giới WTO, việc tổ chức thành công Hội nghị APEC 14, và việc Việt
Nam trở thành “Thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp
quốc” đánh dấu những mốc son hội nhập và nâng cao uy tín của Việt
Nam trong đó có công lao của Thủ tướng.
Tháng 5-2007, Tạp chí World
Business bình chọn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là 1 trong 20 nhân vật cải cách ở
châu Á.
Trong hội nghị “Diễn đàn kinh tế thế giới” nhóm họp tại
Davos, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nằm trong nhóm lãnh đạo hạng A.
Đó là những điểm dễ tạo ra kỳ vọng không thể phủ nhận.
Nhưng hình như có một quy luật, càng nóng nhanh càng mau
nguội, người ta vẫn nói "bạo phát bạo tàn", ngôi sao càng chói sáng
càng dễ mờ, bởi nguồn năng lượng cạn kiệt, không biết giữ gìn, điều tiết. Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng với nhiều bứt phá, muốn rút ngắn công việc một nhiệm
kỳ 5 năm xuống 4 năm, nhưng có lẽ do “giục tốc bất đạt” ông bị va vấp quá nhiều
trong giai đoạn tiếp theo.
Cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu như một cơn sóng thần cuốn
phăng cả những nền kinh tế hùng mạnh nhất. Việt Nam đã có quá trình hội
nhập, nên cũng bị ảnh hưởng. Nhưng cùng hoàn cảnh, thậm chí hội nhập sâu hơn,
tình hình chính trị và xã hội, cũng như môi trường khí hậu bất lợi hơn, nhưng
các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, đã ứng phó thích hợp,
nên đáy suy thoái nông và vượt thoát nhanh hơn.
Trái lại cái vũng xoáy suy thoái Việt Nam dường
như không đáy, và không biết đến bao giờ mới vượt lên được?
Có nhiều nguyên nhân, nhưng sai lầm về hoạch
định đường lối và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, quản lý tài chính,
tiền tệ, buông lỏng chống tham nhũng là những nguyên nhân chính. Và sai lầm này
thuộc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông là Trưởng ban hoạch định kinh tế của Ban chấp hành
trung ương đảng, Trưởng Ban phòng-chống tham nhũng. Ông đã đề nghị ghi vào văn
bản báo cáo trước Đại hội X: “Thúc đẩy việc hình
thành Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước mạnh, hoạt động đa ngành, đa
lĩnh vực, trong đó có một số ngành chính, có nhiều chủ sở hữu, trong đó chủ sở
hữu nhà nước giữ vai trò chi phối”.
Hệ lụy của nền kinh tế vĩ
mô bắt nguồn từ quan điểm này.
Thực ra nó không mới, mà đã nhen nhúm từ những năm đầu thập
kỷ 90, khi Đỗ Mười làm Tổng bí thư, và ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng. Đỗ Mười
sau khi thăm Hàn Quốc, đã nảy ra ý tường “Một nền kinh tế phát triển phải có những
quả đấm thép!”. Để thực hiện ý tưởng Đỗ Mười, một nửa số Ủy viên Bộ Chính
trị nhiệm kỳ đó, đã khăn gói sang Hán Quốc “tầm sư học đạo”, và cảm thấy choáng
ngợp bởi mô hình Chaebok.
Ông Võ Văn Kiệt cũng tán thành, nhưng khá thận trọng, nên
chỉ ban hành hành hai quyết định 90, 91, thành lập thí điểm tập đoàn kinh tế mạnh.
Năm 1997, Phan Văn Khải thay ông Võ Văn Kiệt, nhút nhát hơn, nên 9 năm sau mới
cho ra đời được 3 tập đoàn là: Tập đoàn công nghiệp than - khoáng 26-12-2005, Tập
đoàn bưu chính viễn thông 09-01-2006, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin
15-05-2006. Ông
Phan Văn Khải đã ký quyết định cho Vinashin vay 700 triệu đô la với kỳ vọng ngành đóng tàu Việt Nam ngoi lên
hàng đầu thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tư duy bứt phá, đẩy
nhanh tốc độ phát triển tập đoàn mạnh. Nhậm chức ngày 27-6, hai tháng sau, ngày 29-8-2006
ông ký quyết định thành lập Tập đoàn dầu khí; ngày 3-10, Tập đoàn cao su và, đến năm 2011 đã có 13 “quả đấm thép” đã ào
ào ra đời.
Các tập đoàn với chức năng đa ngành nghề, nên mạng lưới tỏa
rộng khắp mọi nơi, lại có quyền liên doanh liên kết, quyền độc lập hoạch định
chiến lược phát triển và cấu trúc kinh tế nên không ai kiểm soát được. Hai
ngành mà các tập đoàn hăng hái đầu tư nhất là bất động sản và ngân hàng. Các trụ sở ngân hàng thương
mại cổ phần, công ty tài chính, HTX tín dụng mọc lên như nấm, giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất chất đầy các ngăn tủ mỗi tập đoàn.
Trụ sở các tập đoàn hoành tráng mọc lên như ganh đua với
tòa nhà chọc trời Petroland của Tập đoàn dầu khí, những ông chủ tập đoàn vừa khoác áo quan chức, đầy quyền uy, lại
vửa khoác áo doanh nhân tha hồ buông thả, dưới một người, trên muôn người, xài
tiền xả láng.
Một tập đoàn ra đời vốn tự
có nhiều lắm là trăm tỷ đồng, chủ yếu là nhà cửa đất đai của nhà nước, nên
hầu như 100% vốn hoạt động vay ngân hàng,
dưới sự bảo trợ của chính phủ. Trên thế giới không có bất kỳ một tổ chức
kinh tế nào được ưu ái như những tập đoàn kinh tế Việt Nam, được mệnh danh
là vai trò chủ đạo nền kinh tế của đất nước, được nhà nước bao bọc từ A đến Z,
như những đứa con cưng được nha mẹ chăm bẵm! Hầu như toàn
bộ ngân sách dành cho phát triển kinh tế, cả nguồn vốn ODA, đều ném vào
các tập đoàn, ngân sách cạn thì đi chính phủ bảo lãnh cho vay nước ngoài. Xin lấy ví dụ một tập đoàn điển hình là Vinashin.
Ngay khi thành lập,
Vinashin đã được vay 700 triệu đô la.
Sau 4 năm hoạt động tập đoàn này vay thêm 80.000
tỷ nữa. Không biết họ làm ăn ra sao, nhưng khi nghe
Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Thanh Bình kêu than không được phát hành tín
phiếu, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sửng cồ lên: “Ai không cho các anh làm
tín phiếu?”. Và sau đó 10.000 tỳ đồng
tín phiếu chính phủ được bơm thẳng vào cái tàu không đáy Vinashin.
Ngày đó tôi được biết có người đã thẳng thắn can gián Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng ông tin Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng hơn.
Trước kia chính phủ có một
bộ phận tư vấn kinh tế, đứng đầu là tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng đã dẹp bỏ, thay các chuyên gia kinh tế bằng những chuyên gia luật pháp
như Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, hình như đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến
những bất cập trong những quyết định về kinh tế và những quyết định mất lòng
dân về tự do dân chủ?
Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng nhậm chức, ông có trong tay 23 tỷ
đô la vốn dự trữ, đó là số tiền không nhỏ, tích cóp được qua nhiều năm từ
thuế của dân và tài nguyên của đất nước. Khi
nền kinh tế lâm vào tình trạng thiểu phát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã
tung ra một gói kích cầu 143.000 tỷ đồng tương đương 8 tỷ đô la. Nhưng nguồn tiền
khổng lồ ấy chảy không đúng các mục tiêu, nên không có khu vực kinh tế nào được
khởi sắc. Nó chỉ có ít tác dụng vào cuối năm 2009, rồi bị hụt hẫng ngay khi bước
sang năm 2010.
Tiền dự trữ quốc gia bung ra làm bội chi ngân sách tăng vọt,
và tình trạng bất ổn xuất hiện ngay từ khi nền kinh tế nhìn bề ngoài có vẻ còn
hưng vượng.
Trước năm 2006 tổng đầu tư nhà nước lớn nhất không vượt quá
36% GDP, năm 2007 tăng vọt lên 44% và 2008 lên 47%. Vốn đầu tư tăng vọt kéo
theo tăng trường tín dụng, năm 2006: 21,4%, 2007: 38,7% và đó là lực đẩy con
tàu lạm phát tăng tốc .
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn hãm phanh con tàu lạm phát bằng
biện pháp nâng dự trữ bắt buộc của ngân hàng và thắt chặt chi tiêu, nhưng hình
như đó chưa phải là một liều thuốc đúng, hơn nữa do sức mạnh quyền lực bị hạn
chế, bị các
nhóm lợi ích chi phối, nên không có tác dụng, tỷ lệ lạm phát từ 9,9% năm 2008 leo lên 12,3% năm
2009, rồi 16,2% năm 2010, 17,5% năm 2011 và 18,2% mấy
tháng đầu năm 2012.
Lợi dụng đục nước béo cò, nhóm lợi ích tài chính ra tay đục
khoét ngân hàng, bẻ gãy xương sống của nền kinh tế! Tiền từ ngân
hàng nhà nước tuồn cho ngân ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng này chuyền
tiền qua ngân hàng kia, tạo ra cái “đèn cù ngân hàng” loanh quanh “kinh doanh
tiền tệ”, ăn lãi suất chênh lệch. Đồng
tiền không được ưu tiên dành cho sản xuất kinh doanh, cho tái sản xuất mở rộng,
mà lượn lờ trong mớ bung xung kinh doanh tiền tệ, đồng tiền không đâu lại trở
thành hàng hóa, chính tiền đẻ ra tiền cho các nhóm lợi ích vơ vét, moi rỗng quốc
khố. Lãi suất huy
động hạ cực thấp bóp chẹt dân, lãi suất cho vay lại tùy sự thỏa thuận. Doanh nghiệp và người dân vay tiền ngân hàng rất khó, lắm thủ tục
nhiêu khê, nhưng bọn cò đất, đại gia kinh doanh bất động sản vay lại dễ ợt và
được bỏ qua những nguyên tắc một cách dễ dàng. Những gói kích cầu hàng chục ngàn tỉ đống tiếp theo trở thành miếng mồi
béo bở cho các nhóm lợi ích. Những Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá chưa phải là
trùm của băng nhóm tội phạm này, và Thống đốc Nguyễn Văn Bình không phải vô can
khi để cho các băng nhóm thâu tóm ngân hàng!
Ngày 25-5-2012, Thủ tướng ban hành Nghị định 24, là cú đòn
quyết định hạn chế lạm phát, ổn định thị trường vàng nói riêng, giá cả nói
chung, nhưng đó lại là một cú sốc gây phản ứng trái chiều.
Bức tranh kinh tế Việt Nam tôi đã mô tả trong bài viết trước,
nay chỉ xin ghi lại tấm biểu đồ tăng trường kinh tế Việt Nam, tôi nghĩ đây cũng
là “tấm biểu đồ sụt giảm uy tín của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”: Năm 2002:
7,08%; 2003: 7,34%; 2004: 7,79%; 2005: 8,44%; 2006: 8,38%; 2007: 8,23%; 2008:
6,31%; 2009: 5,32%; 2010: 6,78%; 2011: 5% và năm 2012 chỉ còn 5,03%.
“Với trọng trách là Ủy
viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm
chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi
trước QH, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của
Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành”...
Nhưng sa sút về kinh tế, chưa hẳn đã là nguyên nhân chính
làm mọi người thất vọng về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sự thất vọng lớn hơn về
ông là những quyết định, lời nói và việc làm của ông không nhất quán. Hầu
như việc gì, ở đâu ông vẫn cố gắng nói hay, nói cho lọt tai người khác, diễn đạt
khúc chiết, hẹn ngon hứa ngọt, nêu quyết tâm cao, việc gì cũng “quyết liệt”,
nhưng nhiều vấn đề sau khi “quyết” là bị “liệt” luôn. Nói hay, làm dở, nói mạnh nhưng không làm là đặc điểm nổi bật của
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được dư luận đúc kết.
Ông nói phát huy quyền làm
chủ rộng rãi, nhưng ông lại ký chỉ thị 37: “Kiên
quyết không để tư nhân hóa dưới mọi hình thức, không để bất kỳ tổ chức, cá nhân
nào lợi dụng, chi phối báo chí phục vụ lợi ích riêng”. Ông nói báo chí là
kênh thông tin quan trọng, cần khuyến khích các loại hình thông tin, nhưng ông
lại cho ra Văn bản 7169 cấm đoán cán bộ nhân viên Nhà nước đọc mạng Internet.
Ông lên án Trung Quốc chiếm biển đảo Việt Nam nhưng ngay sau đó lại đồng tình
cho chính quyến thành phố Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh đàn áp và vu cáo người biểu
tình là gây rối! Ông nói như đinh đóng cột
là không chống được tham nhũng sẽ từ chức ngay, nhưng khi thất bại, thì không
nói lại một lời với dân cho phải đạo, cho có trước có sau!
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng quá dễ dãi trong ban phát chức
tước quyền hành cho ba người con của mình. Nhẽ ra với cương vị một người đứng đầu chính phủ ông phải biết tự kiềm
chế cái tiểu tiết để giữ cái đại cục, như Khổng Tử nói: “Đừng đừng để con dê
béo che mất trái núi!”.
Người ta đã nói đi nói lại lời trần tình của Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng tại kỳ họp Quốc hội, tôi cho đó là lúc ông nói thật nhất, bởi nếu
không, ông sẽ có một cách nói khác.
Tuy nhiên từ đó tôi nghĩ, nếu Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng rộng lượng với dân, với người khác, như rộng lượng với bản
thân, với vợ con, anh em nội ngoại của mình thì dù ông có là X, là Y, Z gì đi nữa,
ông vẫn dành được tình cảm của nhiều người. Đáng tiếc việc hành xử của ông trong vụ án tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, và mới đây nhất, cho công bố bản kết luận của Thanh tra chính phủ
về sai phạm đất đai của thành phố Đà Nẵng, gây nhiều phản cảm. Hình như điều này ứng vào tính cách của người tuổi Kỷ Sửu,
mà tôi đã trình bày ở trên: “Không nghe
lời khuyên chân thành lại dễ xiêu lòng bởi lời nịnh nọt, và dễ nổi nóng nên có
khi phá hỏng hình ảnh của mình”! Hai nhiệm kỳ Đại hội IX và X Đảng đã gần
như khoán trắng, giao quá nhiều quyền cho Chính phủ. Gần 20 năm giữ trọng trách
như Phủ Chúa ở Ba Đình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đầu có những biểu hiện
đem lại sự kỳ vọng không chỉ trong nước mà còn có cảm tình với một số chính
khách trên thế giới. Nhưng từ năm 2012, ông đã làm cho cán bộ, đảng viên và
nhân dân cả nước phải thất vọng.
Nhân ngày 22-12-2012 ông Ba
Dũng đã xem vở “Lời thề thứ Chín”. Ông là con liệt sĩ, là sĩ
quan quân đội, chắc ông vẫn nhớ 10 Lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt
Nam. Trong đó, lời thề thứ 9 là: “Khi tiếp xúc với dân làm đúng ba điều răn:
"không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân" và ba điều
nên: "kính trọng dân, bảo vệ dân, giúp đỡ dân" để gây lòng
tin cậy đối với nhân dân, thực hiện quân dân một ý chí". Vở diễn
đặc sắc về đề tài đấu tranh với hiện tượng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ
có chức quyền, tha hóa trong đời sống, không vì lợi ích của nhân dân, trù dập
người lương thiện, gây ra những nỗi khổ, những bất công trong xã hội. Tôi hy vọng
ông Ba Dũng không quên điều đó.
M.D
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét