Nhãn

28 tháng 2, 2012

341. Tô Văn Trường - ĐI TÌM LỜI GIẢI CÔNG NGHIỆP MŨI NHỌN?


Theo VEF.VN ngày 22/2/2012 tác giả Trần Thủy viết bài “Việt Nam đang loay hoay đi tìm công nghiệp mũi nhọn”. Công nghiệp mũi nhọn được định nghĩa là các ngành công nghiệp tạo ra động lực và dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển; là ngành tạo ra vị trí, thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm quốc gia.

Tổ công tác chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam mới đây đã đưa ra một bản danh sách dự kiến 12 ngành công nghiệp mũi nhọn để xem xét. Các ngành này bao gồm điện tử, ôtô, xe gắn máy, đóng tàu, chế biến thực phẩm, thép, hóa dầu, giày da và may mặc, phần mềm, thiết bị hạ tầng thân thiện với môi trường sinh thái, thiết bị máy móc cỡ nặng và máy nông nghiệp. Đi kèm là danh sách các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất linh kiện, động cơ, khung xe, thân máy, bo mạch in... Trong thời gian tới, Tổ công tác sẽ rút gọn xuống còn 5 ngành để đầu tư trọng điểm, tránh dàn trải. Bản danh sách này sẽ được chốt vào tháng 3/2012, sau đó báo cáo Chính phủ.

Đọc bài báo nói trên, trăn trở, suy tư của người viết bài này là không thấy đường ra đâu là công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam mặc dù nước ta đã mất rất nhiều thời gian loay hoay thảo luận, thí điểm, tìm kiếm. Theo chúng tôi hiểu, hầu hết cái gì Việt Nam có, thì các nước khác đều có. Nhật Bản chẳng có tài nguyên gì và ngay cả Nam Hàn cũng thế nhưng họ biết phát triển từ cái "đầu". Tôi được người có trách nhiệm kể lại hai mươi năm trước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt (đã) tham vấn chuyên gia Việt kiều Vũ Quang Việt làm sao tìm ra ngành mũi nhọn cho Việt Nam? TS Vũ Quang Việt là người trí tuệ, tâm huyết đã thẳng thắn đưa ra lời khuyên đại ý như sau: “Không nên mất thời gian tìm kiếm bởi vì đấy là công việc của doanh nghiệp. Chính phủ cần nắm bắt chiều hướng phát triển của khoa học và công nghệ trên thế giới, tổ chức đưa thông tin đến cho dân chúng, và có chính sách đầu tư và khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng có chất lượng cho công nghệ phát triển (đường xá, cảng, điện nước, viễn thông). Người sản xuất sẽ tự đánh giá, kiếm đường để đi...”.


Theo chúng tôi hiểu, thực trạng hiện nay, công nghiệp Việt Nam vẫn là nước đi sau thiên hạ, bắt chước người ta chưa xong, sáng tạo thì hầu như chẳng có gì. Cái người ta bỏ đi do công nghệ cũ, ta đi nhập về, cho là “hiện đại hóa”. Công nghệ cũ, người ta đang lo đóng tiền cho quỹ  bảo vệ môi trường đưa ra bãi rác, mình đi ký cót hợp đồng nhập về, còn ăn lãi cả hai mang, nhưng cho là “đầu tư công nghệ mới”. Nhưng các vị nhà ta hay có cái lối dùng từ “to hơn đầu mình”, nói cho hay, nói cho oai, thực chất có khác nào tự nắm tóc mong nhảy qua vũng lội.

Ngày trước, có câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Một vị lãnh đạo về thăm ở một tỉnh miền núi, khi làm việc, ông chỉ đạo “Các đồng chí lãnh đạo tỉnh phải tính toán, trồng cây gì, nuôi con gì, nhất là tìm ra cây mũi nhọn để phát triển kinh tế địa phương”. Lãnh đạo cấp trên đi rồi, tỉnh nọ mở một cuộc trưng cầu “quan ý”, chủ yếu là quan đầu ngành. Ngồi phân tích với nhau, cãi nhau nát nước nát cái, người thì nói cây ngô, người thi nói cây lúa, người phán cây khoai lang, rồi cây sắn… Có người nói cây thông, vì ngọn thông trông như mũi nhọn chĩa lên trời. Có người nói trồng mít, vì gai nó nhọn. Nhưng ngay sau đó, có ý kiến phản bác là nhiều gai nhọn quá, không biết đâu mà lần, khỏi chọn mít. Mà trồng mít là cây lâu năm, chậm có ăn… Chẳng ai chịu ai. Cuối cùng, có người hét to: “Có rồi, tìm ra rồi!”. Hội trường nhìn xem ai, hóa ra ông quan đầu tỉnh. Ông ta nói: “Cây măng rừng, măng nứa, tre, luồng, mai, vầu được tất, vì cây măng nào cũng nhọn đầu. Chính xác đó là cây mũi nhọn. Phải khai thác măng rừng, làm măng khô xuất khẩu, đúng là cây mũi nhọn mà cấp trên đã gợi ý, đã chỉ ra…” Cả hội nghị vỗ tay, tán thưởng. Và tỉnh ra ngay chủ trương thành lập Công ty Xuất khẩu lâm sản MARU. “ Ma ru” là tiếng viết tắt của “măng rừng”. Chỉ mấy năm sau, rừng phòng hộ đầu nguồn bị phá gần quá nửa. Người ta lợi dụng khai thác măng rừng để lấy gỗ, làm giàu, phá nhiều diện tích rừng, cả rừng đặc dụng. Măng khô không dễ tìm đầu ra, ế ẩm. Công ty MARU làm không ra gì, ăn thâm lạm vào vốn, chẳng mấy chốc bị phá sản. Trong khi đó, rừng bị tàn phá, hậu họa rất lớn cho môi trường và mất hẳn nguồn tài nguyên đa dạng sinh học.

Đúng ra, theo quy luật kinh tế thị trường, quy luật giá trị, sản phẩm công nghiệp là loại tự khẳng định nhưng cũng đồng thời tự đào thải, thật khó để tự khẳng định được ngành công nghiệp A, B, hay C là mũi nhọn của nước mình... Cái tưởng như là “mũi nhọn” bỗng cùng một loại sản phẩm đang bán chạy trên thị trường, nhưng người ta chỉ cần thay đổi một số chi tiết tiện dụng hơn, hoặc kiểu dáng hấp dẫn hơn là đủ sức đứng ở thế thắng trong cạnh tranh. Cho dù sản phẩm đang được thị trường ưa chuộng cũng bỗng chốc trở nên ế ẩm, bị tụt hậu ngay. Thế nên, tri thức bao giờ cũng là tiền đề của công nghiệp hóa. Trước khi có công nghiệp phải có tri thức, khoa học, và các chính sách kinh tế -xã hội, nhất là giáo dục-đào tạo. Nó là cái nền để phát triển công nghiệp. Công nghiệp hiệu quả, bền vững và chất lượng phải được đầu tư chiều sâu, chuẩn bị kỹ.

Ở các nước phát  triển, người ta chờ đợi và khuyến khích các nhà khoa học, các kỹ sư (kể cả người lao động) có sáng kiến phát minh mới, sáng kiến cải tiến khoa học công nghệ. Khi có sáng kiến là thực thi ngay, làm thí điểm, rồi nếu thẩm định thấy chất lượng, hiệu quả thì sản xuất đại trà. Mà những tác động tích cực từ trí tuệ ấy ở các nước tùy theo giá trị sản xuất, kinh doanh mà được thưởng rất cao, có khi được hưởng trợ suất bản quyền suốt nhiều năm, cho đến khi có sáng kiến khác giá trị hơn thay thế mới hết tác dụng. Cán bộ kỹ thuật ở ta mà đưa ra sáng kiến thì cứ lo thấp thỏm, đợi chờ các thủ tục thẩm định sinh ra nản lòng và nảy sinh tâm lý “bảo sao làm vậy”, không cần sáng kiến, sáng tạo.

Nhìn lại, công nghiệp ở Việt Nam ta lâu nay vẫn là: Đi sau, bắt chước, nhái lại, lắp ráp,.. mang tính ăn xổi ở thì. Hầu như chưa có mảng nào được đầu tư cơ bản, chuẩn bị kỹ và có hệ thống. Cái lối a dua, đi gia công và bán nguyên liệu thô là chính. Khai thác than thì chưa thể gọi là công nghiệp. Vì đắt, rẻ thế nào cũng mặc kệ, miễn là bán được và có tiền. Chẳng có tính toán lâu dài gì cả. Than bán rẻ ào ào, đến khi hết than để dùng trong nước lại đi nhập với ngoại tệ cao. Thế là bóc ngắn cắn dài. Ngay cả đến cái xe đạp còn phải ráp phụ tùng ngoại mới tạm “ăn” được, nói gì đến các ngành công nghiệp chế tạo khác, cần siêu trình độ.

Chừng nào còn giáo dục - đào tạo kiểu chạy theo số lượng, như cái kiểu “nuôi ong rồi thả ra rừng” thì chưa mong gì có công nghiệp theo đúng nghĩa, đừng vội nói đến công nghiệp mũi nhọn. Nghị quyết nói về coi trọng trí thức bao giờ cũng hay, nghe kêu sang sảng, nhưng đào tạo xong, kiếm được chỗ làm có lương để khỏi ăn bám bố mẹ là may, nói gì đến chuyên tâm khoa học. Công nghiệp nào là do các doanh nghiệp tự khẳng định hướng phát triển. Không thể coi là “mũi nhọn” vội vàng, Nhà nước rót vốn khổng lồ, rồi lại phải “tái cấu trúc”, giải thể, chuyển hướng… mệt và tốn kém. Cái anh Vinashin là một ví dụ điển hình nhất. Chắp vá kỹ thuật để đóng tàu, nhưng hạch toán cho kỹ thì lỗ chình ình ra đấy. Cái anh điện lực lại nhảy sang kinh doanh viễn thông, đầu tư bất động sản, chứng khoán. Nghĩa là loạn xì ngầu. Cái cần đầu tư cho chất xám để có nền công nghiệp của chính mình, sáng tạo khoa học của mình thì không lo, để cho bị xám xịt. Copy sáng kiến và các giá trị công nghệ đã thành phẩm của nước ngoài, làm gia công kiếm tiền lời, thì làm sao có nền công nghiệp thực sự của chính mình? Lối đào tạo và phát triển và sử dụng khoa học kỹ thuật như lâu nay thành nếp quen, lấy đâu ra mũi nhọn? Thử hỏi các “đại gia” ở nước ta có đựợc bao nhiêu người đi lên làm giầu bằng công nghệ “chất xám” hay chủ yếu là dựa vào việc “đào bới” khai thác đất rừng, khóang sản?

Phải nhìn thẳng vào sự thật, nếu vẫn coi Việt Nam như "basket case" với những luận điệu ru ngủ chỉ sống với khẩu hiệu, giả dối, áp đặt, không tôn trọng khoa học và suy nghĩ độc lập, thì đất nước vẫn cứ loay hoay tìm kiếm công nghiệp mũi nhọn! Quyển sách dày cộm về đại học Humdbolt 200 năm, do Chuyên gia Nguyễn Xuân Xanh thực hiện, những đề án nghiên cứu về giáo dục, những suy nghĩ của đại trí thức GS Hoàng Tụy về cải cách giáo dục mà vẫn chẳng đuợc người có trách nhiệm lắng nghe, lĩnh hội thì tất cả cái gọi là công nghiệp hóa, công nghiệp mũi nhọn vẫn chỉ là câu khẩu hiệu, cái “bánh vẽ”!

Quả thật, quãng đuờng phía trước còn lắm chông gai và dài quá thể! Tôi rất tâm đắc, chia sẻ với ý kiến của TS Phạm Ngọc Cương khi bàn đến hướng đi của Việt Nam hiện nay. Việt Nam, như đứa trẻ đang tuổi lớn mà lại bị ghì chặt ở nhiều hướng. Đứa trẻ tuy vẫn cao lớn lên nhưng là kiểu lớn quặt quẹo và bệnh hoạn. Năm 1953 khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Bắc Triều có cơ sở vật chất tốt hơn nhiều lần Nam Triều. Vậy mà nay nền kinh tế Bắc Hàn chỉ bằng 2.7% Nam Hàn (28/1,014 tỷ USD) thu nhập bình quân đầu người phía Bắc chỉ bằng khoảng 5.7% ($1,200/$20,700) phía Nam. Cùng một giòng giống, cùng một văn hóa, cận kề lãnh thổ sao có mấy chục năm đường ai nấy đi mà khác nhau dữ vậy? Thế mới thấy bản lĩnh người cầm quyền, cái sai cái đúng của những người ở tầm cao quyền lực thật lợi hại!

Để đừng lạc chân thành một tiểu Trung Hoa, tiểu Ấn Độ, hay tiểu Hoa Kỳ mà vẫn theo được một phần bước tiến chung của nhân loại, chỉ còn hi vọng là Việt Nam đang từ một nước hầu như làm cái gì cũng chưa hẳn là đúng chuyển hóa thành một nước làm cái gì cũng không sai trong các thập niên sắp đến.

Có thể nói tóm tắt lời giải cho bài toán công nghiệp mũi nhọn ở Việt Nam chính là “cái đầu” hay nói cách khác là phải đổi mới tư duy! Vậy, có thơ rằng:

Trong khi đồng vốn đi vay.
Cái đầu đi mượn, cái tay phải nhờ
Đừng lo bàn chuyện “nằm mơ”
Công nghiệp mũi nhọn – bao giờ thực thi
Tài nguyên đem bán thô đi
Tài năng bị hãm lấy gì đi lên
Ngôn từ gọi phải đúng tên
Làm sao “nhọn” giống mũi tên Loa thành?
Nợ như Chúa Chổm thả phanh
Đầu tư công nghiệp khéo thành “công toi”!

(bản gốc của tác giả)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét