Thế giới toán học là thế giới rất đắt tiền. Toàn là tiền triệu, tiền tỉ. Mới đây, qua báo chí, tôi mới biết ngân sách dành cho Viện Toán học cao cấp năm 2012 là 15 tỉ đồng, nhưng số tiền này chỉ tương đương với kinh phí nghiên cứu thường niên của 3 giáo sư bên Tây. Có thật sự kinh phí nghiên cứu toán học ở VN thấp như thế?
Viện toán học cao cấp mới ra mắt công chúng, nhưng đã có ngay những lời bàn ra tán vào. Chính phủ dành hẳn một số tiền lên đến 650 tỉ đồng cho Viện. Số tiền 650 tỉ đồng thoạt mới nghe qua cũng choáng, nhưng tính ra thì khoảng 32.5 triệu USD. Người ta bàn tán xôn xao không phải vì con số 32.5 triệu USD, mà với tuyên bố của ngài Phó thủ tướng rằng không yêu cầu Viện phải nghiên cứu cái gì. Người ta bức xúc vì sự dễ dãi với quản lí tài trợ cho khoa học như thế. Thật ra, tôi lại thấy đó là một điều hay. Tôi nghĩ Chính phủ không nên can thiệp vào định hướng nghiên cứu của Viện. Định hướng nghiên cứu là vấn đề khoa học, nên để cho các nhà khoa học hoạch định.
Số tiền 32.5 triệu USD dành cho Viện Toán cao cấp có nhiều lắm không? Thật khó trả lời câu hỏi này, vì còn tuỳ thuộc vào bối cảnh và điều kiện kinh tế từng nước. Một giáo sư ở VN tiết lộ rằng phần lớn số tiền này dành cho việc xây dựng trụ sở của Viện, chứ không phải tất cả cho nghiên cứu. Như vậy, tuy số tiền mới nghe qua thì có vẻ lớn, nhưng chắc tính ra thì chẳng là bao.
Nhưng thử xem qua một trung tâm khác ở Saudi Arabia chúng ta sẽ có một đánh giá khác. Trung tâm xuất sắc về loãng xương của Saudi Arabia mà tôi có cơ duyên làm thanh tra có ngân sách 20 triệu USD trong 5 năm, nhưng số nhà khoa học lên đến vài chục người (5 giáo sư cơ hữu + 12 PhD + hàng chục “supporting staff”) và trang bị máy móc rất tốn kém. Mỗi 2 năm phải có thanh tra độc lập để đánh giá thành quả nghiên cứu. Saudi Arabia giàu hơn Việt Nam. Nhìn như thế để thấy kinh phí 650 tỉ đồng tuy là nhỏ, nhưng … không nhỏ, nhất là trong điều kiện kinh tế VN hiện nay (nợ chồng chất).
Lại xem thêm một trung tâm khác ở Úc. Úc không có viện toán cao cấp mang tầm quốc gia như ở VN. Viện Garvan (nơi tôi làm việc) đang xây một trung tâm ung thư học. Trung tâm này có hơn 10 giáo sư và 20 nhà khoa học trình độ PhD. Kinh phí xây dựng tốn 20 triệu USD. Trong số này, 10 triệu là do Chính phủ tài trợ, 10 triệu còn lại là Viện phải vận động xin từ các nhà hảo tâm.
Tôi nghĩ một cách đơn giản (có lẽ quá đơn giản) để so sánh kinh phí xây dựng viện/trung tâm nghiên cứu giữa 3 nước là qua thu nhập bình quân. Thu nhập bình quân của người dân Saudi là 22545 USD, Úc là 41805 USD, còn VN thì chỉ 3181 USD. Câu hỏi đặt ra là cần phải có bao nhiêu người dân phải còng lưng ra gánh cái giá xây dựng kia. Bảng sau đây trả lời câu hỏi đó:
| Thu nhập bình quân (USD) | Chi phí xây dựng viện / trung tâm (triệu USD) | Số người dân phải “gánh” chi phí xây dựng |
Việt Nam | 3181 | 32.5 | 10,217 |
Saudi Arabia | 22545 | 20.0 | 887 |
Úc | 41805 | 20.0 | 478 |
Như vậy, tính trung bình, phải cần thu nhập của 10217 người dân VN để gánh số tiền xây dựng Viện toán cao cấp. Ở Saudi Arabia, chỉ cần 887 người gánh cho cái trung tâm 20 triệu USD. Còn ở Úc, họ chỉ cần thu nhập của 478 người là có thể xây được một trung tâm ung thư học.
Kinh phí được duyệt cho Viện Toán cao cấp năm 2012 là 15 tỉ đồng, tức khoảng 750 ngàn USD. Bàn về con số này, một vị giáo sư ở trong nước viết: “Số tiền này có lẽ chỉ bằng kinh phí chi cho 3 giáo sư toán học ở các nước phương Tây làm việc hàng năm.” Để chứng minh kinh phí này chẳng là bao, người ta làm so sánh như sau: Viện nghiên cứu toán (Institute for Mathematical Research – INSPEM, Mã Lai) có kinh phí 2 triệu USD mỗi năm; Viện toán Lahore (Pakistan) cũng có ngân sách 2 triệu; Viện toán Viện hàn lâm Đài Loan: riêng tiền thư viện hàng năm là 1 triệu USD, v.v. Không cần so sánh với Hàn Quốc vì sự so sánh đó chắc chẳng có ý nghĩa gì, do quá khác biệt. Nhưng những con số mới nghe qua quả cho thấy nghiên cứu toán ở VN có ngân sách khiêm tốn.
Ai cũng có thể biện minh bằng so sánh. Trái táo và trái cam cũng có thể đem ra so sánh, nhưng ý nghĩa ra sao thì còn tuỳ vào cách hiểu và sự tỉnh táo của mỗi người. Hãy tin rằng ngân sách cho INSPEM là 2 triệu USD/năm, nghe đúng là ấn tượng, nhưng đây là viện có nhiều nhà khoa học cơ hữu (còn Viện Toán cao cấp thì rất ít cán bộ cơ hữu). Nên nhớ rằng thu nhập bình quân của người dân Mã Lai cao hơn dân ta ~5 lần. Táo và cam là ở đây.
| Thu nhập bình quân (USD) | Kinh phí nghiên cứu mỗi năm (triệu USD) | Số người dân phải “gánh” kinh phí |
Việt Nam | 3181 | 0.75 | 236 |
Mã Lai | 15578 | 2.0 | 128 |
Pakistan | 2781 | 2.0 | 719 |
Bảng trên đây cho thấy để có 750 ngàn USD, VN cần 236 người gánh chi phí. Trong khi đó Mã Lai chỉ cần 128 người là có thể chi 2 triệu USD. Ngoại trừ Pakistan là “hào phóng” hơn hết – nếu con số 2 triệu USD là đúng.
Viện toán Đài Loan dành ra 1 triệu USD cho thư viện thì đúng là ấn tượng. Một triệu USD có nghĩa là viện này chắc đặt mua hàng ngàn tập san toán học! Viện Garvan của tôi có trên 500 nhà khoa học, mà mỗi năm cũng chỉ chi ra khoảng 300 ngàn USD cho sách vở và tập san khoa học + lương của thủ thư. Có lẽ sách vở và tập san toán đắt tiền hơn tập san y khoa, nên cũng khó so sánh ở đây. Nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy tập san y khoa thường đắt tiền hơn các tập san khoa học tự nhiên.
Thế còn kinh phí 750 ngàn USD chỉ tương đương với kinh phí thường niên cho 3 giáo sư toán học ở các nước phương Tây? Tức là mỗi năm kinh phí cho nghiên cứu của một giáo sư toán là 250 ngàn USD? Rất ngạc nhiên!
Lương của một giáo sư thực thụ (ngành toán) ở Úc khoảng 100 đến 120 ngàn AUD (đôla Úc). Khi giáo sư xin tài trợ cho nghiên cứu, thì số tiền đó không phải để trả lương cho giáo sư, mà chỉ dành cho nghiên cứu và nhân sự nghiên cứu. Nếu người xin tài trợ là postdoc, thì số tiền đó có thể là cho lương bổng và thiết bị + phụ tá nghiên cứu. Ở Úc, kinh phí cho nghiên cứu không có khoản chi tiêu cho đi dự hội nghị, hay trả tiền máy bay để mời chuyên gia nước ngoài về làm seminar. Tất nhiên cũng có ngoại lệ và có “ăn gian”, nhưng trên nguyên tắc là không có chuyện Nhà nước cấp kinh phí nghiên cứu để … đi máy bay.
Ở Úc, ARC (Australian Research Council) là hội đồng tài trợ cho nghiên cứu cơ bản và khoa học tự nhiên, kể cả toán học. Mỗi năm ARC tài trợ cho khoảng 700-800 đề án, nhưng trong số này, chỉ có 7% là ngành toán (toán thuần tuý, toán ứng dụng, toán và máy tính). Những dự án này phải trải qua một quá trình bình duyệt (peer review) rất gắt gao. Tính chung, cứ 100 đề cương, chỉ có khoảng 20 đề cương được tài trợ sau khi qua bình duyệt.
ARC thường cung cấp kinh phí cho các dự án nghiên cứu trong 3 năm. Mỗi dự án nghiên cứu về toán học được cấp khoảng 70 đến 400 ngàn AUD, với trung bình là 300 ngàn USD trong 3 năm (có thể xem chi tiết ở đây). Nói cách khác, tính trung bình mỗi dự án toán được tài trợ khoảng 100 ngàn AUD / năm. Do đó, nước phương Tây nào mà dành đến 250 ngàn USD làm kinh phí nghiên cứu thường nghiên cho một giáo sư toán thì quả là quá tuyệt vời. Đó phải nói là thiên đường toán học vậy.
Kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy kinh phí thấp không hẳn là vấn đề. Tôi biết có người bạn tự bỏ ra gần 4 ngàn USD tiền túi làm nghiên cứu, và công bố được 5 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế hàng đầu trong chuyên ngành (nếu ở Úc, một nghiên cứu như thế phải tốn đến 100 ngàn USD). Trong khi đó nhiều dự án ở VN tốn bạc tỉ nhưng kết quả thì không đáng tin cậy, và cũng chẳng dám công bố ở đâu.
Theo tôi, so sánh về kinh phí nghiên cứu ở VN và phương Tây là rất khó. Ở phương Tây, một postdoc hưởng mức lương 60-70 ngàn USD/năm, trong khi đó ở VN còn chưa có chương trình đào tạo postdoc! Do đó, lấy kinh phí nghiên cứu của phương Tây làm chuẩn để nói rằng tài trợ cho nghiên cứu ở VN là còn quá thấp thì e rằng không hợp lí. Cách so sánh đó chẳng khác gì nói một tô phở 50 ngàn đồng ở Sài Gòn còn quá rẻ so với một tô phở 12 USD ở Sydney. Nhưng nếu biết thu nhập bình quân đầu người ở VN là 3 USD/ngày so với 115 USD/ngày ở Úc thì chúng ta sẽ thấy tô phở VN đắt hơn nhiều. Nhìn như thế sẽ thấy nghiên cứu toán cao cấp ở Việt Nam có thể còn tốn kém hơn ở Úc.
----
Ps. Tôi mới ghé qua trang nhà của Viện nghiên cứu toán INSPEM của Mã Lai, thì thấy đây là một viện khá qui mô. Viện có trên 70 nhà khoa học, làm nhiều lĩnh vực, kể cả thống kê học. Năm 2009 họ công bố 137 bài báo (và hàng trăm proceedings), không biết tập san cao hay thấp, nhưng cũng ấn tượng. Họ cũng có những seminar về thống kê như Variable Selection and Model Building in Regression, thậm chí cả Basic Statistical Analysis Using SPSS!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét