Nhãn

6 tháng 2, 2012

323. TS Đinh Xuân Thảo – 1 bài phân tích có lý có tình về vụ Đoàn Văn Vươn


Pác Thảo chắc ngại chẳng nói thẳng ra ai sai? Nhưng sau khi chỉ ra các điểm sai của chính quyền Tiên Lãng... cuối cùng pác chua: “một nguyên tắc kinh điển của luật học và tổ chức nhà nước, là người dân có thể được làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm nhưng Nhà nước, chính quyền thì lại chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép” ==> thía thì pác Thảo nói chính quyền HP sai hoàn toàn rùi! Hiiii

Vụ việc ở Hải Phòng: Chiếu từ luật pháp và lịch sử


TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Loại đất mà ông Vươn đang sử dụng là đất nông nghiệp

(VOV) - Nếu xem xét vụ cưỡng chế xảy ra ở Tiên Lãng, Hải Phòng đặt trong từng bối cảnh cụ thể, có nhiều điều chúng ta cần phải suy nghĩ.

Theo luật...

Trước tiên, Quyết định 447 ngày 4/10/1993 của huyện Tiên Lãng giao 21ha diện tích đất bãi bồi ven biển xã Vinh Quang cho ông Đoàn Văn Vươn vào mục đích nuôi trồng thủy sản về cơ bản vẫn đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành thời đó.

Quyết định 447 ra đời trước khi Luật Đất đai năm 1993 chính thức có hiệu lực (15/10/1993) nên quyết định đó cần đối chiếu với quy định trong Luật Đất đai năm 1987. Theo đó, Luật Đất đai năm 1987 chưa quy định về thời hạn cũng như hạn mức diện tích giao đất và chưa có định chế thuê đất. Do đó, việc huyện Tiên Lãng giao 21ha cho ông Vươn với thời hạn 14 năm là căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương.

Về ý kiến băn khoăn về việc huyện Tiên Lãng căn cứ vào đâu để đề ra thời hạn 14 năm, theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, TP Hải Phòng đã có một dự án về nuôi trồng thủy sản ở bãi bồi ven biển và được Bộ Thủy sản lúc bấy giờ phê duyệt. Trong dự án, thời hạn được nêu cụ thể là từ 13 đến 15 năm. Như vậy, có thể nói quyết định giao đất 14 năm của huyện Tiên Lãng là có cơ sở.

Tuy nhiên, từ thời điểm Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực ngày 15/10/1993, rồi đến Luật Đất đai năm 2003, việc huyện Tiên Lãng vẫn giao hoàn toàn diện tích đất 40,3ha (huyện giao cho ông Vươn thêm 19,3ha năm 1997) với thời hạn 14 năm là trái với luật mới.


Hơn nữa, Nghị định của Chính phủ số 64-CP ngày 27/9/1993 ban hành Quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, tại Điều 4 nêu rõ: “Đối với đất của hộ gia đình, cá nhân được giao từ ngày 15/10/1993 trở về trước, được tính thống nhất từ ngày 15/10/1993”.

Về nguyên tắc, Quyết định 447 của huyện Tiên Lãng ngay sau ngày 15/10/1993 phải điều chỉnh về hạn mức và thời hạn theo luật mới, tức trong diện tích ông Vươn đang sử dụng, huyện sẽ giao cho ông Vươn bao nhiêu ha và số còn lại phải chuyển sang hình thức thuê.

Quan điểm của huyện Tiên Lãng cho rằng diện tích đất ông Vươn đang sử dụng không bị điều chỉnh bởi Nghị định 64 vì không phải đất nông nghiệp là không hoàn toàn đúng. Bởi tại Điều 2 của Nghị định 64 có ghi: Đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp bao gồm đất có mặt nước  nuôi trồng thủy sản, và là đất thuộc đất hoang hóa được xác định để sản xuất nông nghiệp. Tại điển C khoản 4 Điều 6 của Nghị định 181 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai ngày 29/10/2004, đất nuôi trồng thủy sản được xếp vào nhóm đất nông nghiệp.

Diện tích đất huyện giao cho ông Vươn là đất bãi bồi ven biển và mục đích sử dụng là nuôi trồng thủy sản. Chiếu theo những quy định trên, theo TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, loại đất mà ông Vươn đang sử dụng được đối xử như đất nông nghiệp.

Như vậy, những quan điểm của huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng trong việc khẳng định tính đúng đắn của việc giao đất với thời hạn 14 năm (kể cả khi có luật mới) nếu chiếu theo những điểm nêu trên thì không thuyết phục.

Ngoài ra, việc giao bổ sung 19,3ha do ông Vươn lấn chiếm trong quá trình thi công đắp đê bao để nuôi trồng thủy sản (sau khi xử phạt hành chính hành vi vi phạm) năm 1997 với thời hạn 14 năm nhưng lại tính từ ngày 4/10/1993, về kỹ thuật văn bản là sai. Quan điểm về việc tính từ năm 1993 hay từ năm 1997 đối với diện tích đất 19,3ha cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng bất đồng giữa hộ ông Đoàn Văn Vươn và huyện Tiên Lãng trong giải quyết vấn đề đất đai.

Và theo thực tiễn lịch sử

Nếu ai đã từng đến khu vực bãi bồi ven biển xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, điều đầu tiên dễ dàng cảm nhận được chính là sức mạnh của con người trong chế ngự thiên nhiên. Từ một vùng đất bãi triều hoang hóa, giờ đây đã bao phủ màu xanh của rừng, những khu đầm kiên cố “sát cánh” bên nhau tạo nên một vùng nuôi trồng thủy sản đầy tiềm năng.

Tận mắt chứng kiến những khu đầm, chúng ta mới hiểu được được phần nào mồ hôi công sức và thậm chí cả nước mắt mà người dân đã bỏ ra. Vùng đất này, theo phản ánh của nhiều người dân, trước đây “có cho tiền cũng không dám làm”, nhưng rồi ông Đoàn Văn Vươn và một số người khác đã thành công.

Cũng cần khẳng định thêm, dự án di dân và quy hoạch đầu tư vùng bãi bồi ven biển để nuôi trồng thủy sản huyện Tiên Lãng, Hải Phòng cũng đã thành công, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nhân khẩu cũng như có nhiều ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển chung của huyện.

Quyết định giao đất của huyện Tiên Lãng trước khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực, căn cứ vào Luật Đất đai năm 1987, với thời hạn 14 năm cùng những ưu đãi khác là hợp pháp và có thể được coi để khuyến khích người dân đầu tư khai hoang để nuôi trồng thủy sản, đúng với chủ trương chung của Thành phố Hải Phòng. Hơn nữa, đó cũng là cách Nhà nước và nhân dân cùng làm, trên thực tế đã mang lại hiệu quả như hiện tại.

Ở một góc độ khác, trên nguyên tắc, luật mới, quy định mới ra đời phải được áp dụng. Nhưng luật pháp nước ta cũng thể hiện tinh thần do dân, vì dân ở chủ trương cái gì có lợi cho dân thì xem xét tiếp tục làm, cái gì bất lợi cho dân thì không làm. Tất nhiên, cái có lợi cho dân đó phải không trái với luật.

Vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng không thể không khiến chúng ta phải suy nghĩ nếu xem xét vấn đề ở bối cảnh lịch sử cụ thể thời điểm những năm 90. Nếu không có những chế độ ưu đãi đặc biệt, liệu có người nào dám quai đê lấn biển trong điều kiện rủi ro cao, lệ thuộc vào con nước thủy triều?

Ông Vươn được giao đất ngày 4/10/1993 là hợp pháp, nhưng đến ngày 15/10/1993, tức sau 11 ngày, khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, diện tích đất đã giao bắt buộc phải điều chỉnh, diện tích ngoài hạn mức được giao phải chuyển sang thuê.

Thử hình dung, nếu áp dụng luật mới, thời hạn lên 20 năm, nhưng phải thuê phần lớn diện tích lúc bấy giờ, liệu ông Vươn (và sau đó là nhiều người khác nữa) có chấp nhận xung phong ra đương đầu với rủi ro? Hơn nữa, nếu áp dụng triệt để việc cho thuê thì có công bằng với ông Vươn không? Có lẽ đó cũng là cái khó của chính quyền huyện Tiên Lãng lúc đó.

Tuy vậy, một nguyên tắc kinh điển của luật học và tổ chức nhà nước, là người dân có thể được làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm nhưng Nhà nước, chính quyền thì lại chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét